30 năm trong vai trò Tổng phụ trách Đội (TPTĐ) ở Trường Tiểu học Lê Lợi - TP Quy Nhơn, anh Nguyễn Qui được đồng nghiệp đánh giá là giỏi chuyên môn, chịu khó tìm tòi, sáng tạo và hết mình vì đàn em thân yêu. Trong hoạt động Đội nhà trường, anh luôn là “nhạc trưởng” trong các cuộc thi, hội thi, hội trại lớn và được ví như “lò rèn” nhiều đội viên xuất sắc của tỉnh.
Sau 20 năm trở lại Trường, tôi tìm gặp người TPTĐ mà thời học sinh (HS), chúng tôi vẫn gọi là “anh Tổng”. Anh Nguyễn Qui, giờ đã ngoài 50 tuổi, nhưng vẫn vui vẻ hòa đồng, hoạt bát, năng động. Gặp anh trong một buổi sinh hoạt chuyên môn cùng các em thiếu niên, tôi chăm chú nhìn anh hướng dẫn các em các kỹ năng, những bài hát, những trò chơi... rất hăng say và tôi không thể không vui lây.
|
Nhằm tạo không gian mở cho học sinh, anh Nguyễn Qui đã sáng kiến nhiều trò chơi theo kiểu dân gian như trò chơi ô quan 3 người. |
Mỗi ngày đến trường là một ngày vui
* Được biết, anh được đào tạo là giáo viên nhưng sao lại chuyển sang làm TPTĐ?
- Năm 1980, tôi tốt nghiệp ngành Toán - Lý ở Trường Cao đẳng sư phạm Nghĩa Bình rồi về nhận công tác tại Trường Tiểu học xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Sau năm đầu đứng lớp, Ban Giám hiệu nhận thấy tôi có năng khiếu về công tác Đội, nên phân công tôi sang lĩnh vực này. Lúc ấy, tôi mê chơi với trẻ con lắm nên “gật đầu cái rụp” mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Lần đầu tiên nhận nhiệm vụ TPTĐ, tôi gặp không ít khó khăn, song cũng phải cố gắng khắc phục bằng ý nghĩ đơn giản: “Cái gì không biết thì học”.
Vậy là, tôi học tất tần tật các “ngón” trong nghề, từ hát, múa, nhạc, đàn, đánh trống đến tìm hiểu lịch sử, kỹ năng công tác Đội… Khó là ở thời điểm đầu, mới làm quen với tín hiệu morse, semaphore, nút dây, dấu đường… cần kiên trì, chịu khó và thường xuyên trau dồi… Khi mọi thứ đã “thấm vào máu”, công việc trở nên dễ dàng hơn.
30 năm làm Tổng phụ trách Đội, anh Nguyễn Qui đã nhận: 2 Bằng khen của UBND tỉnh; 8 Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Huy chương danh dự Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Huy chương Tổng phụ trách Đội giỏi; Huy chương Vì thế hệ trẻ. |
Năm 1981, tôi được phân công về làm TPTĐ ở Trường Tiểu học Lê Lợi, tôi thấy tự ái và bất tiện khi phải nhờ người về dạy hát, đánh trống nên mua sách về tự học rồi học hỏi thêm ở những đồng nghiệp, người quen. Theo tôi, dù có được đào tạo bài bản đúng chuyên môn thì trường học hoàn thiện nhất cho TPTĐ vẫn là thực tiễn công tác và khả năng tự rèn luyện, học hỏi của mỗi người.
* Nhiều người vẫn cho rằng, TPTĐ là “nghề phụ” vì học sinh đến trường chủ yếu vẫn là học tập?
- Nếu các thầy - cô giáo dạy các em kiến thức thì chúng tôi lo rèn luyện cho các em đạo đức, nề nếp sinh hoạt; từ đó, giúp việc giáo dục học sinh đạt kết quả tốt hơn. Nếu nói làm TPTĐ ít việc thì cũng đúng mà nhiều việc cũng chẳng sai. Vì công tác Đội thoạt nhìn thì dễ làm, nhưng có đi sâu vào mới thấy trăm ngàn cái khó… Khi không làm thì thấy chẳng có việc gì để làm, nhưng nếu đã bắt tay vào làm thì thấy rất nhiều việc. Bên cạnh hướng dẫn, tập luyện cho HS các kỹ năng chuyên môn Đội, TPTĐ còn “ôm” tất cả các hoạt động phong trào của trường. Nhưng cái khó của công việc TPTĐ không chỉ ở chỗ phải làm nhiều việc mà còn là phải học cách chơi và học với đội viên - lứa tuổi rất hiếu động và nghịch ngợm. TPTĐ phải tạo cho các em cảm giác mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
* Trong suốt thời gian làm TPTĐ, theo anh, điều gì đã giúp anh luôn hoàn thành tốt công việc của mình?
- Đó là lòng yêu nghề, yêu trẻ. Thiết nghĩ, có yêu nghề, mới dành nhiều thời gian, công sức mà không màng đến chế độ thụ hưởng vật chất để làm tốt nhiệm vụ được giao. Tôi nhớ mãi thời khó khăn nhất, tôi phải mở sạp báo nhỏ ở gần UBND phường Hải Cảng để kiếm thêm thu nhập. Sau đó, tôi đi học may rồi nhận hàng về làm khi rảnh rỗi. Cuộc sống có khó khăn đến mấy, tôi thà đi lưới tôm vào buổi tối, từ bỏ những lời mời làm MC, quản lý, PR, chứ quyết không bỏ nghề mình yêu thích.
Theo tôi, cách dạy dỗ các em ở khối Tiểu học hiệu quả là vừa khắt khe, vừa mềm mỏng; khen nhiều hơn chê để khích lệ các em vươn lên. Với HS cá biệt, không thể nóng vội, mà phải tìm cách trò chuyện vui vẻ và qua câu chuyện để hiểu hơn về hoàn cảnh gia đình các em thì mới có cách giải quyết hiệu quả.
|
Những cuộc thi như thi vẽ tranh luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh.
- Trong ảnh: Những bức tranh do các em học sinh vẽ được trưng bày tại Trường. |
Nhiệt tình và sáng tạo
* Không chỉ nhiệt tình cống hiến, anh còn luôn có những sáng kiến thiết thực, đưa phong trào Đội của Trường, của tỉnh đạt nhiều thành tích xuất sắc qua các năm?
- Có thể nói rằng, để thực hiện tốt các hoạt động phong trào, yếu tố cần nhất của người TPTĐ là nhiệt tình cống hiến và niềm say mê sáng tạo. Nhiệt tình là vì các hoạt động phong trào đòi hỏi nhiều thời gian, công sức. Phần lớn tiết học này, các em HS được ra sân chơi chứ không sinh hoạt trong lớp, gò bó trong bốn bức tường. Mọi hoạt động, nhất là khâu tổ chức sinh hoạt, đại hội chi đội, tôi luôn để HS lớp lớn hướng dẫn, tổ chức cho HS lớp nhỏ. Những buổi học với tôi, các em HS được nghe kể chuyện về những nhân vật lịch sử của dân tộc, được hướng dẫn những kỹ năng cần thiết, lồng ghép giáo dục về an toàn giao thông... Có khi tôi lại tổ chức những đợt cắm trại dã ngoại xa, hay đưa HS đến các bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa và điểm vui chơi của thành phố. Từ những chuyến đi này, sẽ rèn luyện cho HS tinh thần trách nhiệm, biết làm việc tập thể, hợp tác và chia sẻ với nhau.
Sự nhiệt tình không cũng chưa đủ mà luôn cần phải sáng tạo để mỗi hoạt động đề ra phải mang nét mới, sinh động, lôi cuốn, thu hút đông đảo HS tham gia. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người TPTĐ, phải biết dũng cảm từ chối điều mình cho rằng không thiết thực, chưa phù hợp dù đó là hoạt động của trường, cấp thành phố và cấp tỉnh. TPTĐ phải tôn trọng và phát huy vai trò chủ động của HS, chỉ làm nhiệm vụ định hướng để HS thấy được tôn trọng và luôn có ý thức vươn lên.
* Anh có cho rằng, khoảng cách tuổi tác là điểm yếu duy nhất của mình?
- Với 30 năm trong nghề, bản thân tôi đã có kinh nghiệm và sự chững chạc hơn, nhưng lại thiếu đi sự nhanh nhạy như hồi xưa. Dù vậy, cái máu phong trào thì không hề thay đổi trong tôi. Tôi biết mình đứng ở vị trí nào, vì thế, không giấu cái dở, cái chưa biết, mà luôn huy động lớp trẻ phụ giúp. Năm qua, trong các đợt đi kiểm tra (anh Nguyễn Qui là TPTĐ duy nhất là thành viên Thanh tra của Phòng Giáo dục - Đào tạo TP Quy Nhơn), tôi biết anh Phương, TPTĐ Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, rất giỏi vi tính. Tôi đã phối hợp với anh Phương “vi tính hóa” các loại hồ sơ, sổ sách của chi đội, liên đội và TPTĐ. Từ đó, mọi người có thể làm việc trên máy vi tính, nộp văn bản, báo cáo qua email… giảm tải công việc và kinh phí. Mỗi hoạt động, phong trào, tôi huy động các thầy cô giáo trẻ, năng động ở Trường hoặc các trường, ngành nghề khác cùng giúp sức.
Mỗi khi lên lớp dạy sinh viên (anh Nguyễn Qui còn là giáo viên thính giảng của Trường Cao đẳng Bình Định) tôi luôn nhắc rằng phải đào tạo cái thực tiễn, cái sinh viên cần, chứ không chạy theo hướng dạy cái mình có; tránh chạy theo bề nổi, phong trào mà phải đáp ứng nhu cầu và phù hợp với tâm lý, lứa tuổi.
Hạnh phúc là “người gieo mầm”
* Mọi người cho rằng, anh có duyên trong việc “nuôi dưỡng” những đội viên xuất sắc của Trường, thành phố và của tỉnh?
30 năm gắn bó với Trường Tiểu học Lê Lợi, bao lớp học trò được rèn luyện và trưởng thành qua môi trường đội viên, nay trở thành những công dân tiêu biểu trong xã hội, trong đó có những người nay đã thành đồng nghiệp. Đó chính là hạnh phúc của Tổng phụ trách Đội Nguyễn Qui và càng làm anh thêm gắn bó các em nhỏ và yêu nghề. |
- Những em tham gia tích cực ở Liên chi đội đều là những “hạt giống” tốt của lớp, của Trường. Tôi chỉ cần chịu khó, chăm chút và hướng đi đúng thì sẽ tạo ra những “mầm xanh” tốt. Phong trào Đội của Trường đã góp phần tạo cho các em niềm vui, sự gắn bó với mái trường, tinh thần ham học và tình thương yêu, đoàn kết với bạn bè, thầy cô. Để làm tốt công tác Đội, tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi từ phía Ban Giám hiệu nhà trường. Mặt khác, tôi luôn nhận thức rằng, Đội là của các em, do chính các em tự quản, chứ Đội không phải của người phụ trách Đội. Người phụ trách Đội chỉ góp phần vào việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống để hình thành nhân cách cho các em. Bản thân phong trào không cũ, nhưng cần cách làm mới, đừng quá nặng hình thức mà quan trọng là phải hiểu đối tượng mình hướng đến đang nghĩ gì, muốn gì và cần gì. Trong sự nghiệp trồng người, không có niềm vui nào hơn là nhìn thấy các lớp đội viên của mình trưởng thành, trở thành những người có ích cho xã hội.
* Bí quyết cho sự thành công của anh là gì?
- Bí quyết duy nhất của tôi là phụ trách thiếu nhi gồm cả lãnh đạo nhà trường, giáo viên chủ nhiệm cũng nên chia sẻ nhiều hơn với Đội trong hoạt động chung của Trường. Làm sao để sinh hoạt Đội xen kẽ với hoạt động giáo dục chung của Trường và phải gắn với chương trình học của các em, lấy phong trào để nâng cao chất lượng học, tạo sân chơi. Có vậy, Đội mới thu hút HS.
* Cảm ơn anh, chúc anh gặt hái nhiều thành công trong công việc của mình.
|