Theo những chuyến tàu…
19:33', 22/5/ 2011 (GMT+7)

Ga Diêu Trì, những chuyến tàu ngược xuôi... Lẫn trong những âm điệu vui mừng đón người thân hay bịn rịn chia tay người mình thương yêu nhất, còn có hơn 100 con người lao về phía trước cho cuộc mưu sinh...

 

Hành khách xuống ga Diêu Trì luôn cảm thấy thoải mái, bởi không có cảnh hàng rong chen lấn hay nạn móc túi, giật dọc.

 

Năm 1935, ga Diêu Trì được thành lập. Cho đến trước ngày giải phóng, ga chỉ phục vụ các chuyến tàu chạy tuyến La Hai (Phú Yên) - Phù Cát (Bình Định). Sau năm 1976, ga mới chính thức phục vụ tàu Thống nhất. Trong ký ức của đám trẻ chúng tôi, sân ga ngày ấy giăng đầy những quán cóc với chằng chịt buộc ngang, buộc dọc mấy tấm bạt cũ kỹ để che nắng, che mưa. Những âm thanh rao gọi, chào mời khách. Rồi cảnh tượng hàng chục người, phần nhiều là phụ nữ đủ độ tuổi, cột chặt túi hàng vào bụng loay hoay chọn chỗ “nhảy tàu” bán hàng.

Bây giờ cảnh nhếch nhác không còn, nhưng vẫn còn đó một đội quân sống nhờ vào ga.

* Cực nhọc mưu sinh

Họ là hơn 20 chị bán hàng ăn trong các kiốt ở sân ga, là gần trăm công nhân xếp dỡ hàng và hành lý, là đội quân bảo vệ dân phòng trông coi bãi giữ xe… Trong số họ, hơn 80% là dân của thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, còn lại là dân của thôn Ngọc Thạnh 1, xã Phước An, huyện Tuy Phước.

Gần như một sự phân định tự nhiên của tính chất công việc, những người bán hàng ăn ở các kiốt trong sân ga đều là phụ nữ, còn khu vực bãi hàng cách đó không xa lại là nơi tập trung của cánh đàn ông. Mặt trời đứng bóng, nắng nóng gay gắt, 3 tổ công nhân xếp dỡ hàng của Trạm dịch vụ Diêu Trì và 1 tổ công nhân của Công ty TNHH Ngọc Thạnh đang cần mẫn vác từng bao phân, xếp từng khối gỗ lên tàu…

Một số mặt hàng được quy định giá cước xếp dỡ để tránh việc chủ hàng bị “làm giá”, nhưng nhìn vào đó, mới thấy hết nỗi vất vả của người công nhân: 9.700 đồng/tấn phân bón, 12.600 đồng/tấn xi măng, 396.000 đồng/toa vỏ bia… Dưới cái nắng cháy bỏng da, anh Nguyễn Thành - tổ phó tổ xếp dỡ 2 - phơi lưng cùng anh em vác những bao gạo to đùng, nặng trịch chuyển vào những container hàng của tàu. Lấy tay gạt mồ hôi nhễ nhại, anh nói vui: “Dân bốc xếp toàn ở trần cho tiện, chụp hình, lên báo thấy mắc cỡ lắm!”.

Trời nắng bãi hàng là sa mạc cát, còn trời mưa chẳng khác nào đầm lầy. Hàng ở bãi có nhiều dạng, nặng nhất là gỗ nhưng chỉ có vài tháng nắng, còn phần nhiều là phân bón và xi măng. Ở cái tuổi tứ tuần, anh Thành bảo sức mình có thể vác được 500 bao gạo/ngày (loại 50 kg), tính ra chưa đến 500 đồng/bao, nhưng được cái hàng nhiều nên thu nhập bình quân mỗi ngày dao động từ 70.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày. Mùa nắng nhiều hàng ròng công, còn mùa mưa thì rất ít.

Xếp dỡ hàng là công việc nguy hiểm, nên công nhân đều được mua bảo hiểm tai nạn và trang bị bảo hộ lao động. Ở đây cũng đề ra quy định: những ai uống rượu, bia thì tuyệt đối không được vào làm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do tai nạn vẫn xảy ra. Những kiểu tai nạn “thông thường” như: tay, chân bị gỗ đè hay trật vai, lưng… không phải hiếm. Tai nạn liên quan đến phương tiện giao thông tuy ít hơn nhưng thường để lại hậu quả lớn. Chỉ mới đây thôi, một xe tải khi lùi thiếu quan sát, ép một công nhân vào toa tàu suýt vỡ lồng ngực; hay trước đó ít hôm là trường hợp một công nhân khác bị đầu máy dồn toa ép đứt ngón tay… Đó là chưa kể môi trường làm việc ở đây bị ô nhiễm bởi bụi từ dưới mặt đường khi các xe ra vào và từ các loại hàng hóa như: xi măng, phân bón, gạo… Anh Thành tâm sự: “Xếp gỗ nguy hiểm nhất. Gỗ nhỏ thì mình dùng sức, gỗ lớn thì có cẩu hỗ trợ, nhưng lớ quớ xảy ra tai nạn như chơi”.

 

Xếp gỗ là công việc nguy hiểm nhất đối với công nhân xếp dỡ ở bãi hàng.

 

* Nuôi một ước mơ

Đến ga Diêu Trì khi chuyến tàu SE5 vừa dừng đón trả khách, chúng tôi quan sát thấy lác đác chỉ vài người ghé vào các kiốt dọc sân ga mua vội ít món đồ lặt vặt. Còn lại, hầu như chỉ có những người lên tàu, xuống tàu và những người thân của họ đến đón, tiễn. Tuyệt nhiên không có cảnh chèo kéo, chào mời ồn ào như các ga khác; cũng không có người nào đem hàng đến cửa sổ hay lên tàu để bán cho khách. Ông Thái Thiên Đường, Trạm trưởng Trạm dịch vụ Diêu Trì, lý giải: “Để được buôn bán tại các kiốt này, các chủ thuê phải ký bản cam kết quy định giữ gìn trật tự trong khu vực sân ga, học những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy... Nếu xảy ra cãi nhau, hoặc vi phạm các quy định, nhà ga sẽ buộc đóng cửa kiốt trong 3 hoặc 7 ngày, tùy theo mức độ. Nếu tái phạm 3 lần/năm, nhà ga sẽ cắt hợp đồng”.

 Nhẩm đếm ở khu vực sân ga có hơn 20 kiốt, hầu hết đều khá nhỏ hẹp, chỉ chừng 4m2, vừa đủ để kê một sạp hàng. Thế nhưng, đây lại là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì. Không có sự khác biệt gì nhiều về mặt hàng bày bán ở các kiốt, chủ yếu là các loại đặc sản của Bình Định như: bánh tráng nước dừa, rượu Bàu Đá, nem chua; ngoài ra còn có bánh kẹo, khăn mặt, nước uống, xôi gà, trứng luộc…

Nép cạnh một đoàn tàu để tránh cái nắng oi bức, chị Võ Thị Kim Phương, một chủ kiốt, cho biết: “Vài năm gần đây số khách mua hàng giảm đi nhiều, phần vì trên tàu đã bán sẵn đồ ăn thức uống, phần vì bây giờ hàng hóa thông thương dễ dàng, sản vật địa phương cũng đã đi khắp mọi miền đất nước nên hành khách ngại “tay xách nách mang”. Thêm vào đó, nhiều người còn mang nỗi ám ảnh bị giựt dọc, mất cắp tài sản như ở một số ga khác nên không dám rời chỗ ngồi; hoặc sợ mải mua đồ bị trễ tàu. Tuy cùng có những mặt hàng như nhau, nhưng các kiốt ở gần cửa ra vào ga thường có nhiều khách hàng hơn, chứ như chỗ của tôi mỗi ngày cũng chỉ đủ bữa chợ”.

Mọi người buôn bán tại ga Diêu Trì đều thuộc nằm lòng giờ tàu đến, vì vậy, những lúc rỗi họ thường tranh thủ gởi hàng cho những hộ kế bên trông giúp, tìm thêm việc gì làm để tăng thu nhập hoặc về nhà dọn dẹp, nấu nướng… Quán ế, nhưng chị Phương vẫn bám vào ga buôn bán để nuôi các con ăn học. Chuyện con gái đang học lớp 12 học giỏi nức tiếng của chị Phương ai cũng biết, cũng thương.

Hàng quán sân ga sôi động chừng 4 giờ chiều đến 7 giờ tối. Còn đêm, sân ga vẫn sáng ánh điện từ các kiốt bán hàng, nhưng khách mua hàng thì thưa dần. Chị Tuý, ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, từ vài năm nay theo mẹ ra ga bán đồ khô, đặc sản của Bình Định. Cả nhà trông vào quán. “Mình ít chữ, thôi bám mẹ, bán hàng sống qua ngày. Tui với mẹ bán hàng này nuôi cả nhà, hai thằng em đang học đại học cũng nhờ đây”. Nghe tôi hỏi hàng quán ế ẩm thế này, buồn không? - Chị Tuý cười: “Thì thế đó, tàu đến tàu đi, nắng mưa che bạt ngồi, nửa đêm vẫn thức theo tàu, khỏe thì ráng tí nữa. Mình cực nhưng còn hơn bao nhiêu người”.

Cuộc sống bám ga cực nhọc, nhưng ít ra với những lao động ở đây, họ đã giải quyết phần nào ước mơ nuôi con ăn học. Anh Thành ngày trước cũng có nghề làm chổi lông gà để bán. Thu nhập mỗi ngày của xếp dỡ hàng cao lắm là 100.000 đồng, thấp hơn làm chổi. Nhưng được cái, làm xong thì về nhà đặt lưng nằm nghỉ, chẳng lo chuyện rong ruổi trên đường hay hàng họ ế ẩm. “Tui cứ thấy anh hàng xóm làm ở tổ xếp hành lý vậy mà vẫn nuôi cả nhà, mấy đứa con ăn học thành tài, thằng lớn đã ra trường lập gia thất, còn hai đứa nhỏ cũng nối gót anh nó học đại học ở Sài Gòn mà ham”.

 

Việc buôn bán hàng quán ở sân ga không mấy thuận lợi nhưng nhiều phụ nữ ở đây vẫn “neo” theo để kiếm tiền nuôi các con ăn học.

 

* Vĩ thanh

Trong đội quân sống nhờ vào ga, mỗi người một số phận. Câu chuyện của chị Nguyễn Thị Mai Nga, điều hành bãi hàng, nhân viên của Trạm dịch vụ Diêu Trì là một ví dụ. Nhìn những đôi tay chắc khoẻ, những tấm lưng trần trùng trục, những gương mặt đen đúa nhễ nhại mồ hôi của công nhân mà ái ngại, nhưng chị vẫn vui vẻ: “Cả bãi hàng có khoảng 100 công nhân, thanh niên có, sồn sồn có, duy nhất có tui là “hoa hậu” ở đây!”.

4 năm bãi hàng hoạt động thì chị Nga 3 năm làm điều hành bãi.  Khi khách có nhu cầu xếp dỡ hàng, nhân viên điều hành sẽ phân việc cho các tổ để tránh việc tranh giành gây mất trật tự, giải quyết các bất đồng về quyền lợi giữa công nhân với chủ hàng. Lẫn trong tiếng còi rúc của sân ga, thoảng nghe lời tâm sự của chị Nga: “Làm việc ở môi trường này không hề dễ dàng, nhưng cũng vì tương lai con cái cả thôi!”.

Từ sân ga, mỗi ngày vẫn có cả trăm con người ngóng đợi tiếng máy tàu, hình bóng những toa xe đã sờn màu, chưa bao giờ bỏ rơi cuộc mưu sinh...

  • Thu Hiền - Lê Cường
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (20/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa   (19/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (18/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (17/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (16/05/2011)
“Cầm cố”… thân xác  (16/05/2011)
Người đưa nước sạch về làng  (15/05/2011)
Ra khơi câu cá bò gù  (08/05/2011)
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)
Vũng Tàu có tàu BĐ  (24/04/2011)
Một nông dân là khắc tinh của tội phạm  (23/04/2011)
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)
Gặp “Sao Thần nông” Nguyễn Văn Nam  (16/04/2011)