Hậu duệ lính Hoàng Sa
11:31', 23/5/ 2011 (GMT+7)

Kỳ 4

“Khách đặc biệt” ở Hoàng Sa

Trong số 3.000 ngư dân đảo Lý Sơn đang bám biển ở Hoàng Sa thì cái tên Mai Phụng Lưu được cả nước biết đến nhiều nhất. Lưu nổi tiếng không chỉ vì đánh bắt hải sản thuộc diện cừ khôi của đảo mà còn vì anh là người đang giữ kỷ lục về việc bị phía Trung Quốc bắt giữ khi đánh cá “hòa bình” tại Hoàng Sa: 4 lần trong 2 năm. Nghe tôi gọi anh là “khách đặc biệt ở Hoàng Sa”, Lưu cãi ngay: “Hoàng Sa là của mình, sao gọi tôi là khách?”. Rồi Lưu cười hiền lành: “Nhưng ở tù ngoài đó, ớn lắm”.

 

Mai Phụng Lưu và vợ tại cảng Dung Quất sau 45 ngày bị bắt giữ tại Hoàng Sa. Ảnh: T.Đ

 

Bốn lần làm “khách đặc biệt”

Mai Phụng Lưu sinh năm 1966. Lưu nói:  “Tôi tuổi Bính Ngọ, giống con ngựa biển, chạy miết trên sóng, không nghỉ ngày nào”. Năm 43 tuổi (2009), ai cũng gọi Lưu bằng ông- “ông Mai Phụng Lưu”. Đơn giản vì anh “lên chức” ông … ngoại, con gái đầu lòng đã có con, còn một lí do nữa, đó là năm anh bị Trung Quốc bắt lần đầu tiên và giam cùng con tàu cá tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các văn bản của nhà chức trách đều ghi “ông Lưu”, báo chí cứ thế gọi “ông” thành quen.

Từ một người “đi bạn” (làm thuê) cho chủ một tàu đánh cá khác, sau hai chục năm ngang dọc Hoàng Sa, Lưu tích lũy được ít vốn rồi vay thêm ngân hàng, mua tàu “ra riêng”. Có tàu riêng, chưa kiếm được bao nhiêu, thì Lưu bị bắt vào tháng 4.2009. Năm đó, phía Trung Quốc “ra giá” 70 ngàn nhân dân tệ thì mới thả tàu. Chị Lan, vợ Lưu chạy bạt mặt, đủ gần 200 triệu, chuyển qua ngân hàng mà phía Trung Quốc yêu cầu, Lưu và con tàu mới được thả. Dạo ấy, ngư dân Lý Sơn bị Trung Quốc bắt, thường thì họ giấu rồi lặng lẽ nộp tiền chuộc chứ không báo với chính quyền. Rồi Lưu cùng các bạn chài lại đi Hoàng Sa. Hai tháng sau (6.2009), Lưu lại bị bắt lần thứ hai. Vẫn một “bài” cũ: Nộp tiền chuộc 70.000 nhân dân tệ. Lại chạy vạy lo đủ tiền nộp phạt chứ không báo với chính quyền. Lần này thì Lưu trắng tay thật sự vì ngoài khoản tiền chuộc, toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu bị lấy sạch. Lưu đành bán con tàu “xấu số” để trả bớt nợ ngân hàng và chuyển qua làm thuê, riêng “chức” thuyền trưởng thì vẫn giữ nguyên!

Ai cũng nghĩ, sau hai lần bị bắt ấy, Lưu “chừa đi Hoàng Sa”, nhưng không, tháng 4.2010, anh lại đi Hoàng Sa trên còn tàu của một ông chủ ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn. Và rồi anh cùng 7 thuyền viên khác lại làm “khách đặc biệt” lần thứ ba ở đảo Phú Lâm. Lúc này, ngân hàng đã khóa sổ với Lưu vì khoản nợ cũ chưa trả xong, chị Lan vợ anh đành kêu trời. Nhưng “trời” nào giải quyết chuyện thả chồng mình, chị buộc phải gõ cửa chính quyền. Sau nhiều lần Bộ Ngoại giao VN ra công hàm yêu cầu thả ngư dân vô điều kiện, phía Trung Quốc đành phải thả Lưu cùng các thuyền viên.

 

Mai Phụng Lưu giăng lưới tại Lý Sơn cho “đỡ nhớ” Hoàng Sa. Ảnh: T.Đ

 

Cứ tưởng “quá tam ba bận”, Lưu bỏ hẳn ngư trường Hoàng Sa thì 5 tháng sau ngày bị bắt lần thứ 3, thông tin từ huyện Lý Sơn cho hay, tàu cá mang số hiệu QNg-66478TS, do Mai Phụng Lưu làm thuyền trưởng cùng 8 thuyền viên khác lại bị Trung Quốc bắt. Anh Lưu chẳng bao giờ quên cái ngày kinh hoàng ấy: “Đúng ngày 11.9.2010, đang đánh cá thì phát hiện ở phía xa xa, tàu mang cờ Trung Quốc tiến thẳng về phía chúng tôi. Lính Trung Quốc nhanh chóng nhảy sang tàu QNg-66478 TS, mặt người nào cũng đằng đằng sát khí. Tôi nói khẽ với các chiến hữu: “Lần này chắc bỏ xác ngoài Phú Lâm rồi tụi bay ơi!”. Chúng tôi lại lên đảo Phú Lâm và “biệt giam” cho mãi đến 30 ngày sau mới được thả ra”. Có lẽ, đây là lần mà báo giới tốn nhiều giấy mực nhất cho chiếc tàu QNg-66478TS, do anh Lưu làm thuyền trưởng. Ngày 11.10, phía Trung Quốc thả tàu nhưng đến 15 ngày sau, số ngư dân mới được lực lượng Cảnh sát biển VN đưa về đến cảng Dung Quất! Suýt bỏ xác giữa biển vì bão. Mai Phụng Lưu được báo giới đặt cho biệt danh “sói biển” cũng từ lần ấy.

Anh Lưu thuật lại: “Phía Trung Quốc họ dán ảnh tôi với anh Tiêu Viết Là (một ngư dân khác quê xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cũng nhiều lần bị Trung Quốc bắt-P.V-) rất nhiều ngoài đảo Phú Lâm. Vì vậy, vừa đặt chân lên đảo, nhìn thấy tôi, lính Trung Quốc đã xì xồ, không biết tiếng Tàu nhưng tôi hiểu họ nói thế này : “Lại cái thằng này nữa! Lần này thì mày chết với tụi ông!”. Đúng là “chết” với họ thật. Những trận đòn tơi tả, những ngày đói khát triền miên đã bủa xuống đầu chúng tôi trong suốt 30 ngày làm “khách đặc biệt” ở đảo Phú Lâm”. Tôi hỏi anh Lưu: “Sao bị bắt hoài mà vẫn cứ bám lấy Hoàng Sa?”. Anh Lưu thật thà: “Tôi cũng không biết nữa. Hình như có ai xui khiến mình vậy, hễ ra khỏi cảng Lý Sơn là chạy thẳng Hoàng Sa”.

Hoàng Sa gọi

Mấy cụ già ở Lý Sơn lý giải vì sao anh Lưu lại ghiền Hoàng Sa: “Chắc là do mấy ông lính Hoàng Sa ngày xưa ổng “nhập” vô thằng Lưu. Chỉ có lý do đó thì nó mới ghiền Hoàng Sa đến vậy”. Còn chị Lan thì trách yêu chồng : “Chắc ổng có vợ bé ngoài đó nên mới bất chấp hiểm nguy như thế”. Lưu kể rằng, sợ vợ con ở nhà lo lắng, trước khi ra khơi, bao gờ anh cũng nói với vợ  câu này: “Anh đi Trường Sa chứ không ra Hoàng Sa nữa”. Chị Lan vẫn không tin, đứng chôn chân trên bờ cho đến khi chiếc tàu mất hút về hướng đông nam (hướng Trường Sa). Nhưng đó cũng là lúc mà Mai Phụng Lưu bẻ bánh lái, cho tàu thẳng về hướng Hoàng Sa! Hình như nơi vùng biển ấy, có một tiếng gọi nào sâu thẳm tự ngàn xưa luôn hối lúc anh Lưu phải ra ngoài ấy chứ không thể đến vùng biển nào khác vậy.

 

Tượng đài Hùng binh Hoang Sa tại Lý Sơn . Ảnh: T.Đ

 

Dĩ nhiên, vùng biển Hoàng Sa là nơi có rất nhiều loại hải sản quý hiếm như hải sâm, đồn đột, một chuyến đi biển ngoài ấy, mỗi tàu có thể thu về hàng trăm triệu. Nhưng không thể gọi việc ra Hoàng Sa đối với Mai Phụng Lưu là vì ham cá tôm. Vượt lên trên câu chuyện sinh nhai thông thường, việc bất chấp hiểm nguy để có mặt tại vùng biển Hoàng Sa của Mai Phụng Lưu như hàm chứa những điều kỳ bí mà chỉ có anh mới có thể cắt nghĩa được. Bao nhiêu ngày chồng đi Hoàng Sa là bấy nhiêu ngày những người đàn bà ở Lý Sơn hóa đá. Biết thế mà vẫn cứ đi!

Bốn lần bị bắt, giờ Mai Phụng Lưu trắng tay. Sau lần cuối cùng bị bắt, ngày ngày anh lại ra ngoài gành của đảo Lý Sơn để kiếm thêm con cá. Nhưng tôi biết, Lưu không phải đi kiếm cá đâu mà là để đỡ nhớ biển, đỡ nhớ Hoàng Sa thôi. Nếu như cho anh một điều ước lúc này, Lưu sẽ ước: “Cho tôi xin (hoặc vay) một con tàu để tôi được ra vùng biển ấy”.

Đúng là Hoàng Sa luôn réo gọi anh cùng những bạn chài ở đảo Lý Sơn, dù tiếng gọi ấy có thể mang lại cho các anh những tổn hại không ngờ. Nhưng đó là tiếng gọi của Tổ quốc. Phải vậy không anh Lưu?

  • TRẦN ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo những chuyến tàu…  (22/05/2011)
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (20/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa   (19/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (18/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (17/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (16/05/2011)
“Cầm cố”… thân xác  (16/05/2011)
Người đưa nước sạch về làng  (15/05/2011)
Ra khơi câu cá bò gù  (08/05/2011)
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)
Vũng Tàu có tàu BĐ  (24/04/2011)
Một nông dân là khắc tinh của tội phạm  (23/04/2011)
Những người phụ nữ đưa đò  (17/04/2011)