Trong chuyến công tác về Trung tâm văn hoá, thông tin, thể thao huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định mới đây, tôi khá bất ngờ khi được chị Nguyễn Thị Thuý Hằng, cán bộ làm công tác bảo tàng giới thiệu một chiếc phản bằng gỗ gõ, nước lên bóng, dày chừng 8 cm: “Tháng 7-1954, Khu uỷ Khu 5 đã mở Hội nghị quan trọng, đồng chí Tống Bí thư Lê Duẩn (lúc đó là Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ) về dự. Địa phương đã bố trí đồng chí ở nhà bà Tô Thị Cán, thôn Bả Canh, thị trấn Đập Đá và đồng chí đã nghỉ trên chiếc phản này”.
|
Chiếc phản và bộ gối rơm được trưng bày ở Trung tâm văn hoá, thông tin, thể thao huyện An Nhơn.
|
Tôi tìm về thôn Bá Canh với lời chỉ dẫn khá gọn ghẽ rằng chủ nhân của tấm phản (người ở đây gọi là bộ ngựa) ở dưới chân tháp Cánh Tiên. Ngôi nhà đầy kỷ niệm xưa đã được thay bằng căn nhà mái đúc khang trang. Anh Nguyễn Nhật Cát, cháu gọi bà Tô Thị Cán bằng bác bồi hồi nhớ về những người thân của mình: “Trước đây ngôi nhà này cổ kính lắm, 8 cây cột gỗ muồng bóng láng, mái lợp, có trần, nhưng lâu quá, hư hỏng nhiều, tôi đành phải làm lại, nếu không mùa mưa bão tới sẽ sụp mất. Hồi bé tôi đã thấy trong nhà có chiếc phản gồm 3 tấm nhỏ ghép lại ở vị trí trang trọng nhà trên, chỉ để tiếp khách chứ người nhà không ai được ngủ trên đó. Bác gái nói rằng tấm phản này đã từng có một vị khách đặc biệt đến nghỉ. Bà chỉ nói với tôi vậy thôi chứ bà vốn tính kiệm lời, chẳng kể lể với ai bao giờ…” .
Ông Nguyễn Văn Châu, 87 tuổi, đảng viên lão thành ở Bá Canh đã kể về hàng xóm của mình: “Hồi đó tôi làm dân quân, được phân công canh giữ rất kỹ khu vực nhà bà Cán và bà Diệp (đồng chí Nguyễn Duy Trinh ở nhà bà Diệp). Lúc đó chỉ nghe mọi người gọi đồng chí ở nhà bà Cán là anh Ba, còn làm gì thì không ai rõ. Sau này đọc lịch sử Đảng bộ huyện An Nhơn tôi mới biết rằng, tại Bả Canh đã có cuộc Hội nghị quan trọng gồm các đồng chí lãnh đạo Khu và một số tỉnh do Khu uỷ 5 triệu tập để nghe đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ từ Hà Nội vào truyền đạt Hiệp định Giơ-ne-vơ và chủ trương của Trung ương về chuyển hướng công tác ở miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn lúc này đang ở Khu 5 đã về dự.
Thôn Bả Canh tuy được giải phóng rồi, nhưng để đề phòng bọn phản động, tất cả mọi việc ăn nghỉ họp hành đều rất bí mật. Các đồng chí ấy ở chừng chục ngày. Vợ chồng bà Cán lo cơm nước chu đáo lắm, tôi thấy bà ấy tự tay khâu chiếc gối rơm 3 lớp bọc vải cho đồng chí Lê Duẩn, chứ trước đây mọi người chỉ kê đầu trên khúc gỗ, khoét lõm mà thôi”.
Người có công đưa tấm phản ra khỏi lũy tre làng là ông Nguyễn Hữu Nhơn, nguyên Trưởng ban bảo tồn Phòng văn hoá thông tin huyện An Nhơn hiện đã nghỉ hưu ở xã Nhơn Mỹ. Ông Nhơn thời trẻ đi bộ đội, bị thương được chuyển ra Bắc điều trị và học tập. Năm 1971, đồng chí Lê Duẩn trong cuộc nói chuyện với lớp tập huấn, khi biết ông Nhơn và một số đồng đội của ông là người Bình Định đã hỏi thăm thân tình, kể rằng Bình Định có món bánh hỏi, thịt heo rất ngon, nhất là ở thị trấn Đập Đá.
|
Những người thân và hàng xóm của bà Tô Thị Cán ở thôn Bá Canh, thị trấn Đập Đá.
|
Khi quê hương giải phóng, nghe các đồng chí ở quê mình kể loáng thoáng về chiếc phản, ông Nhơn liên tưởng đến lời hỏi thăm của đồng chí Lê Duẩn năm nào và tiến hành xác minh kỹ lưỡng và đặt vấn đề xin chuyển tấm phản về bảo tàng. Năm 1980, bà Cán quyến luyến trao tấm phản cùng chiếc gối bà đã cất giữ mấy mươi năm cho cán bộ bảo tàng huyện. Tấm phản để ở Chùa Ông để mọi người dễ dàng tham quan. Sau này khi phòng truyền thống được xây dựng thì đưa vào đây. Tiếc là trong trận lũ năm trước, hai trong ba tấm ghép bị hỏng, nên hiện nay chỉ trưng bày một tấm.
Xung quanh kỷ vật đặc biệt này có một câu chuyện thật cảm động. Chị Nguyễn Thi Huyền Mai, ở Bảo tàng Bình Định kể: “Có lần về phối hợp công tác ở An Nhơn tôi thấy chiếc phản được trưng bày ở Chùa Ông. Là sinh viên Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn vừa ra trường, tôi thật sự háo hức trước hiện vật này. Nhưng đôi dòng chú dẫn ngắn gọn trên đó làm tôi không thoả mãn mà không biết hỏi ai. Liệu đồng chí Lê Duẩn có về Bả Canh không? Tại sao chọn Bả Canh mà không phải nơi nào khác?. Tôi đọc cả tập “Thư vào Nam” của ông thì không thấy nhắc đến. Tất nhiên tôi vẫn biết quyển sách phải ghi những sự kiện lớn, Bá Canh chỉ là một trong nhiều vùng đất ông dừng chân trong chặng đường kháng chiến.
Khi ấy tôi hỏi chú Hồng Nhân, Giám đốc Ty Văn hoá, thông tin tỉnh, nếu muốn gửi thư ra Hà Nội để làm sáng tỏ việc này thì làm thế nào. Chú bảo tôi cứ gửi thư cho Văn phòng Trung ương Đảng, chắc thế nào cũng tới. Thật bất ngờ chừng nửa tháng sau tôi nhận được lá thư trả lời bằng giấy pơ-luya, được đánh máy cẩn thận của ông Đổng Ngạc, thư ký của đồng chí Lê Duẩn. Ông khẳng định rằng đúng là trong thời gian hoạt động ở Khu 5 đồng chí Lê Duẩn đã ở Bả Canh. Nhận thư mà tôi mừng rơn, thấy hạnh phúc vô cùng, càng thấy tự hào về quê hương mình.
Tôi đạp xe đến nhà má Cán. Ngôi nhà cổ xưa rất mát mẻ dù mùa hè nóng bức. Tôi hiểu vì sao tỉnh đã bố trí đồng chí Lê Duẩn ở nhà này. Tôi hay ngồi hỏi chuyện với má về những ngày lịch sử ấy, nhưng thật lạ, má nói rất giản dị: “Người dân nào của An Nhơn chẳng làm thế hả con?. Đất này là đất cách mạng mà. Mình làm chút gì cho kháng chiến thì làm, có đáng gì để kể đâu”. Chị Mai bồi hồi vuốt nhẹ tấm gối rơm mà bà má An Nhơn khâu cho đồng chí Lê Duẩn. Lòng dân ấm áp như vẫn còn đây dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua…
|