Tôi biết ở Trường Sa có một số đồng hương Bình Định, nhưng khi biết có một cô giáo quê ở đất Võ đang “gieo chữ” ở đây, lòng vẫn thấy bồi hồi xúc động…
|
Cô giáo Nhung và học trò của mình.
|
Gia đình lớn ở Trường Sa
Vừa bước chân lên đảo Trường Sa Lớn trong cái nắng tháng năm vàng rực, một đàn trẻ thơ mặt mày đen trũi ùa ra hớn hở. Nhìn những đôi mắt thơ ngây rất sáng, hồn nhiên long lanh đủ biết các em chờ đợi lâu lắm và vui lắm khi biết có người từ đất liền ra thăm. Các cô, các cậu bé cứ bám riết từng người, chạy nhảy, reo hò, bắt tay ríu rít từng người.
Tôi đến thăm một số hộ dân đang sinh sống trên đảo. Một dãy nhà xây kiên cố, xung quanh um tùm cây cối; xen cùng những tán bàng quả vuông, phi lao cao vút là những dừa, chuối, mít, xoài…đu đưa quả ngọt. Nom như một làng chài nhỏ ven biển trên đất liền chứ không phải ở nơi đầu sóng ngọn gió Trường Sa. Một anh thanh niên tướng tá chắc nụi ra tận ngõ chào hỏi, mời vào nhà chơi. Chỉ ngay ở câu chào đầu tiên, tôi đã nhận ra đồng hương!
Anh tự giới thiệu, Nguyễn Xuân Yên (sinh 1969) và vợ là Trần Thị Hoa (1968) đều là người Bình Định. Anh Yên cho biết thêm, trong số những hộ dân tình nguyện ra Trường Sa sinh sống có 4 gia đình quê ở Bình Định. Kế bên là gia đình anh Võ Văn Trường (quê Tây Sơn) và vợ là Nguyễn Thị Hạnh (Hoài Nhơn); rồi vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hải (Phù Mỹ) và cô giáo Bùi Thị Nhung (Tây Sơn).
Tất cả những gia đình này trước đây đều rời Bình Định vào Cam Ranh (Khánh Hòa) lập nghiệp và cùng tình nguyện ra Trường Sa sinh sống một ngày. Những gia đình lập nghiệp ở Trường Sa đều rất gần gũi và chan hòa tình yêu thương nhau, thêm chút tình đồng hương, lại thêm chút gắn bó.
Ai cũng hiểu tường tận hoàn cảnh, tên tuổi từng thành viên của mỗi hộ gia đình nhau, họ cứ như một gia đình lớn vậy. Hỏi bất cứ ai trong các hộ dân ở đây cũng đều trả lời vanh cách tên họ từng người và tên từng cháu nhỏ: đó là bé Nguyễn Thị Trà My (10 tuổi, học lớp 4) và Nguyễn Thị Minh Nguyệt (7 tuổi, học lớp 1) - con của anh Nguyễn Tấn Thi; đó là bé Nguyễn Thị Mỹ Sen (9 tuổi, học lớp 3) và cậu em Nguyễn Chinh Sy (7 tuổi, học lớp 1) là con của anh Nguyễn Xuân Yên; Hay bé Võ Viết Hiền (10 tuổi, học lớp 4) con của anh Võ Văn Trường…
Anh Nguyễn Tấn Thi – quê ở Quảng Ngãi, Trưởng Dân phố thị trấn Trường Sa Lớn tâm sự, khi mới ra đây sinh sống, các hộ gia đình đều đưa các con theo để tiện chăm sóc, dạy dỗ nên số trẻ em trên đảo khi đó gần 20 cháu. Về sau, số cháu học hết lớp 4 đều được cha mẹ gởi về đất liền để học lên tiếp. Trường Sa Lớn hiện chưa có trường THCS và giáo viên cấp II, do vậy số trẻ chỉ còn khoảng 10 cháu đang sống với cha mẹ và học tập tại đây. Anh Võ Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hạnh có 3 con, thì hai con lớn (một cháu học lớp 9 và một cháu học lớp 6) đã đưa về Cam Lâm sống với ông bà nội và ăn học…
Nhu cầu học chữ lớn dần lên như vậy đó!
|
Một góc đảo Trường Sa lớn
|
“Gieo chữ” giữa trùng khơi
Nghe tin có chương trình tình nguyện tham gia xây dựng đảo Trường Sa, đặc biệt khi biết ở Trường Sa trẻ em không có giáo viên dạy học, cô giáo Bùi Thị Nhung, sinh 1981, quê ở Binh Định, đang dạy lớp 4 tại trường Tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đã xung phong ra đảo. Bàn với chồng xong, cô Nhung còn phải thuyết phục gia đình nội, ngoại... Anh Đặng Thanh Chương - chồng cô giáo Nhung (công nhân xí nghiệp Công ty Cát Trắng Cam Ranh) kể lại: “Lúc đầu nghe vợ nói ra Trường Sa, tôi tưởng vợ nói…đùa, nhưng sau biết vợ quả quyết và thuyết phục tôi ủng hộ ý tưởng này…”. Cuối cùng, vợ chồng cô Nhung với đứa con gái 3 tháng tuổi cũng thành công dân Trường Sa.
Ban đầu lớp học của cô giáo Nhung mở lớp học ngay tại nhà mình. Được ít lâu cô được phép chuyển sang tại Nhà Văn hóa thị trấn. Lớp học chỉ có 10 học sinh nhưng học từ mẫu giáo đến lớp 4. Để tiện việc dạy dỗ ở một lớp học đặc biệt, 2 đầu phòng học được kê 2 tấm bảng đen, bàn ghế xếp vuông 4 góc nhìn vào trong và cô giáo đứng ở giữa, mỗi bàn là một lớp.
Buổi sáng, cô giáo dạy các lớp mẫu giáo và lớp 1; buổi chiều dạy các lớp 2, 3, 4. Riêng mẫu giáo có 6 cháu nhưng khác độ tuổi nên cũng được chia ra 3 lớp (Mầm, Chồi, Lá). Dù mỗi lớp chỉ một vài HS, nhưng cô Nhung đều soạn giáo án và dạy đúng theo Quy định của Bộ GD&ĐT. Lớp học rất vui, cô giáo loay hoay đi tới, đi lui. Lúc quay bên này tập cho các cháu mẫu giáo nhỏ đánh vần, khi quay bên kia bày cho các cháu lớp 1 làm toán… Thậm chí phải dỗ dành các cháu nhỏ bị các anh chị bắt nạt khóc rân giữa lớp.
Những ngày thứ bảy, chủ nhật không lên lớp, cô giáo Nhung “kiêm” luôn công việc giữ trẻ và còn được tín nhiệm giao làm Tổ trưởng phụ nữ Thị trấn … Từ ngày có lớp học, thị trấn Trường Sa như vui hẳn lên bởi tiếng ê a học bài và tiếng nói cười nô đùa hồn nhiên của trẻ. Cô giáo Nhung tập cho các em đánh vần, làm toán, viết những con chữ đầu tiên vào cuốn vở thơm tho và tập cho các em hát những bài ca “Đảo là nhà, biển là quê hương…”.
Dù cuộc sống, lao động và học tập của cô trò lớp học giữa trùng khơi còn nhiều khó khăn nhưng đa số học sinh của cô giáo Nhung đều đạt xếp loại khá, giỏi. Anh Võ Văn Trường thổ lộ, khi đưa gia đình và con cái ra Trường Sa sinh sống những tưởng các cháu thất học mất, nhưng giờ thì yên tâm rồi. Anh nói tiếp, nếu mở thêm trường cấp II chắc sẽ còn nhiều gia đình từ đất liền ra Trường Sa sinh sống, ít ra các cháu ở đây được học lên tiếp mà không phải về đất liền…
Đầu tháng 1/2011 vừa qua, cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung vinh dự được kết nạp vào Đảng giữa trùng dương. Tại lễ tuyên thệ, cô giáo Nhung đã xúc động bật khóc…Và, giữa tháng 5 này, gia đình cô giáo Nhung vui mừng đón thêm một công dân mới - cô sinh bé trai là con thứ hai. Một gia đình trẻ cùng với những gia đình khác và những đứa trẻ thơ đang làm cho Trường Sa từng ngày sinh sôi, tràn trề sức sống mới…!
|
Từ ngày có lớp học, thị trấn Trường Sa như vui hẳn lên bởi tiếng ê a học bài và tiếng nói cười nô đùa hồn nhiên của trẻ.
|
Trường Sa: từ con chữ đến tương lai
Ngoài 10 trẻ em, thiếu nhi đang học tập, vui chơi hồn nhiên yêu đời, Trường Sa Lớn hiện có 3 phụ nữ mang thai đang đến thời kỳ “vượt cạn”. Tâm nguyện chung của các thai phụ này: “mình đã lập nghiệp trên sóng nước, sinh con cũng sinh nơi sóng nước”. Ngày 4.4.2011, bé gái cân nặng 3,2 kg là con thứ 3 của anh Nguyễn Tấn Thi và chị Nguyễn Thị Thanh Thúy là công dân đầu tiên được sinh ra tại đảo Trường Sa Lớn. Trước đó, 12h ngày 16.5.2009 tại đảo Song Tử Tây bé gái con của chị Trương Thị Liền cũng đã ra đời. Trước sự kiện cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân sinh mổ thành công đầu tiên tại Trường Sa Lớn, BS Hoàng Thanh Bình: PGĐ Bệnh viện Quân Y 175 đã sung sướng nói “Chúc mừng công dân đầu tiên đã sinh ra trên đảo Trường Sa. Chúc mừng một thế hệ tương lai…”
Một thế hệ tương lai như những mầm chồi non đang hé nụ, xanh mầm dưới sắc nắng rực vàng và được tắm trong sóng gió trùng dương tràn trề sức sống trườn ra giữa Biển Đông! Thế hệ mới của đảo Trường Sa đang được cô giáo trẻ của miền đất võ Bình Định góp công ươm mầm…
|