CÔ GIÁO NGUYỄN THỊ HÒA HIỆP:
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết
22:38', 28/5/ 2011 (GMT+7)

Hơn 10 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hòa Hiệp, Trường tiểu học Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân) đã có những nỗ lực vượt bậc và đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy. Yêu nghề mến trẻ, cô giáo Hiệp đã có nhiều sáng kiến phục vụ hiệu quả công tác giảng dạy.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa Hiệp (bên trái) trong lần gặp mặt những nhà giáo tiêu biểu do Sở GD-ĐT tổ chức nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

 

* Nhiều thành tích

* Chị đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức cho công tác giảng dạy?

- Tôi đầu tư nhiều thời gian, công sức cho công tác giảng dạy xuất phát từ tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ. Một phần vì muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, một phần vì thương yêu học sinh, nên tôi luôn mong mỏi học sinh của mình là những trò giỏi, con ngoan. Tôi tâm niệm, dù làm bất cứ nghề gì, công việc gì cũng cần có nhiệt huyết và nghiêm túc mới đạt được thành công.

Để đạt được điều này, trong quá trình giảng dạy, tôi luôn tự mày mò tìm tòi những phương pháp giảng dạy phù hợp; đồng thời nghiên cứu, cải tiến, sử dụng đồ dùng dạy học phù hợp với đặc điểm của lớp, của trường và đối tượng học sinh của mình. Phương châm của tôi là cố gắng hết mình để mỗi ngày đến trường, các em học sinh của mình thật sự học được những điều bổ ích.

* Xin chị cho biết một số sáng kiến kinh nghiệm điển hình mà chị đã áp dụng  trong giảng dạy?

- Gần 10 năm qua, tôi đã có 6 sáng kiến kinh nghiệm được ngành giáo dục công nhận. Điển hình như “Rèn luyện kỹ năng viết chính tả cho học sinh cấp tiểu học” (năm học 2004-2005). Kinh nghiệm này giúp các em nắm được những mẹo nhỏ trong quá trình viết chính tả. Ví dụ, do phát âm tiếng địa phương nên trong quá trình viết chính tả, học sinh hay lẫn lộn giữa hai chữ “s” và “x”. Tôi đã phân tích cho các em thấy chữ “x” thường đi với danh từ, còn chữ “s” thường dùng trong những từ láy… Nhờ đó mà khi viết chính tả, học sinh của tôi đã phân biệt rõ hơn giữa hai chữ “s” và “x”. Năm học 2005-2006, tôi có sáng kiến “Sử dụng câu đố trong phân môn lịch sử cho lớp 4, lớp 5”, giúp học sinh phân biệt sự kiện, nhân vật lịch sử, mốc thời gian... Hoặc năm học 2009-2010, tôi tiếp tục có sáng kiến “Sử dụng trò chơi để phát triển tư duy học tập cho học sinh trong môn tiếng Việt”…

Để có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, buổi tối tôi thường đọc sách báo, lên mạng internet tìm tòi, nghiên cứu; từ đó, kết hợp với ý tưởng của mình để tạo ra sản phẩm mới, áp dụng vào việc giảng dạy.

* Còn những dự định sắp tới thì sao, thưa chị?

- Tôi sẽ đem hết khả năng và kinh nghiệm có được qua hơn 15 năm trong nghề để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Tôi cũng mong sao học sinh của mình có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin trong học tập, còn tôi thì cố gắng vận dụng công nghệ thông tin để giảng dạy hiệu quả hơn.

 

Cô giáo Hiệp thường lên mạng tìm tòi, tham khảo tư liệu để bổ sung kiến thức và phương pháp giảng dạy của mình.

 

* Nghề giáo là cơ duyên, gia đình là chỗ dựa

* Cơ duyên nào đưa chị đến với nghề giáo?

- Năm 1993, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi vào 2 trường: Trung cấp Tài chính kế toán ở Quảng Ngãi và Đại học Sư phạm Quy Nhơn (nay là Đại học Quy Nhơn) chuyên ngành Điện tử. Kết quả, tôi đỗ cả hai trường và đã chọn Trường trung cấp Tài chính kế toán vì yêu thích; nhưng, gia đình chỉ có điều kiện cho tôi học Trường Đại học Quy Nhơn vì gần nhà. Tuy nhiên, sau một tháng theo học ngành Điện tử tại Trường Đại học Quy Nhơn, gia đình lại yêu cầu tôi chuyển sang học ngành Giáo dục tiểu học, vì ngành này phù hợp với nữ hơn. Thật lòng mà nói, lúc còn đang học, tôi thực sự chẳng hứng thú với nghề. Đến khi đi dạy, tôi mới thấy thích và đã thầm cảm ơn gia đình đã “đưa” mình đến với nghề giáo.

* Đầu tư nhiều thời gian, công sức cho việc giảng dạy có ảnh hưởng đến công việc gia đình không, thưa chị?

- Tôi luôn sắp xếp thời gian phù hợp để vừa làm tốt nhiệm vụ được giao vừa hoàn thành nghĩa vụ của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Tôi may mắn vì được ông xã và gia đình nhà chồng yêu thương, quý mến. Ngoài tình yêu, ông xã còn là một đồng nghiệp nên đã thông cảm, chia sẻ và giúp đỡ tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực lòng mà nói, nếu không được ông xã giúp đỡ, động viên, chắc chắn tôi không thể hoàn thành tốt công tác giảng dạy.

* Xin cảm ơn chị!

Những năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hòa Hiệp liên tục đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy. Cụ thể, từ năm 2004 đến năm 2008, cô Hiệp liên tục đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Năm học 2007-2008, cô Hiệp được Bộ GD-ĐT công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, cô Hiệp đã 5 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 lần được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 3 lần được UBND tỉnh tặng bằng khen, 2  lần được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen và vừa qua, cô đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy.

  • Anh Tú (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (23/05/2011)
Theo những chuyến tàu…  (22/05/2011)
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (20/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa   (19/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (18/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (17/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (16/05/2011)
“Cầm cố”… thân xác  (16/05/2011)
Người đưa nước sạch về làng  (15/05/2011)
Ra khơi câu cá bò gù  (08/05/2011)
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)
“Tôi chỉ là người đưa đò một đoạn…”  (29/04/2011)