Tìm vận may trong lòng đất
18:58', 29/5/ 2011 (GMT+7)

Trong vai một sinh viên địa chất đi thực tế, những ngày cuối tháng 5, tôi đã mạo hiểm xâm nhập vào bãi vàng Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn) thực hiện chuyến “ba cùng” với dân đào đãi vàng, nếm trải đủ các vị cực nhọc của những người tìm vận may trong lòng đất.

 

P.V Báo Bình Định thâm nhập thực tế ở bãi vàng Hoài Ân. Ảnh: Hoàng Trọng

 

Hình như vụ sập hầm vàng dẫn đến cái chết thương tâm của 3 người xảy ra hơn nửa tháng trước đó tại khu vực Hố Khế (huyện Hoài Ân), khiến các cơ quan chức năng ráo riết truy quét, ngăn chặn nạn khai khác vàng trái phép, vẫn không ảnh hưởng nhiều đến dân đào đãi vàng ở xã Hoài Đức (huyện Hoài Nhơn), dù hai nơi chỉ cách nhau chừng vài mươi cây số.

* Cơm “thiên đường”, công “âm phủ”

Tôi theo chân anh Th., sinh năm 1977, quê ở xã Hoài Đức, để vào bãi vàng trong khu vực rẫy nhà anh có tục danh là Dông Gò Giữa. Từ Hóc Cau, chúng tôi đi bộ mất gần 1 giờ đồng hồ mới đến nơi. Dọc đường, chúng tôi gặp hơn 50 chiếc hầm sâu hun hút - dấu tích còn lại của sự bới đất tìm vàng - là mối hiểm họa cho người và gia súc. Đi ngang qua một cái “hầm thả giếng”, anh Th. cho biết: “Đây là hầm của thằng H., quê ở Lào Cai hay Thái Nguyên gì đấy, lấy vợ ở xã Hoài Xuân, vừa rồi bị té hầm, gãy chân, chấn thương ở đầu, giờ đã giải nghệ…”.

Bữa cơm trưa của chúng tôi chỉ có món thịt heo kho nước với đậu và rau rừng luộc. Nhìn tô thức ăn nhạt thếch toàn nước với nước, tôi hỏi N.: Sao không kho mặn hơn? N. cười: Làm ở hầm lên mệt muốn đứt hơi, chỉ có kho thịt kiểu này mới nuốt nổi cơm.

 

Anh N. và C. đang nghiền đá trước khi đãi. Ảnh: C.T

 

Chúng tôi dựng lán trại tạm bợ trên triền đồi, xung quanh chẳng một bóng cây, 4 người vã mồ hôi ăn cơm dưới cái nắng như thiêu. Buổi chiều, tôi và anh Th. dùng đèn pin đội đầu xuống hầm. Nhìn bên ngoài, hầm có vẻ như “hầm địa đạo” nhưng vào trong lại là “hầm thả giếng”. Luồn trong lòng đất chừng 80 m là chạm vách. Nơi đây, được bố trí một trục quay, điểm tựa âm sâu vào vách núi. Chiếc trục quay này dùng để thả người xuống giếng sâu và kéo đất, đá từ dưới lên. Tôi được anh Th. thả xuống giếng. Gần đến đáy hầm, không khí như đặc quánh, ngực tôi cứ tức ran vì áp suất không khí và thiếu dưỡng khí. Khom người dưới đáy hầm, tôi phải dùng búa và mũi de đục đá bỏ vào cái can nhựa đã cắt miệng. Đá đầy can thì móc vào dây thừng để người ở trên kéo lên. Tôi chợt rùng mình với ý nghĩ: Ngộ nhỡ dây bị đứt hoặc đá từ trong can rơi ra… Sau này, tôi biết chuyện như thế từng xảy ra với anh Th. khi anh vạch tóc, kéo áo cho tôi xem hai vết sẹo, một trên đầu, một trên lưng và giải thích đấy là hậu quả từ một viên đá rơi ra từ chiếc can nhựa và một lần bị sạt hầm. Buổi tối, trước khi ngủ, anh C. mắc đến hai chiếc mùng, cái nhỏ lồng vào trong cái lớn. Ấy vậy mà bầy muỗi đói cứ vo ve như tổ ong ở bên ngoài vẫn lọt vào được.

* Từ vàng “nghe” đến vàng... “thấy”

Trong những lần chuyện trò với người đào vàng trước đây ở Hoài Ân và bây giờ là ở Hoài Nhơn, tôi thường nghe họ kháo nhau về chuyện, người này đào trúng “ục” vàng (tiếng lóng của dân đào đãi vàng chỉ cục đá có trữ lượng vàng lớn), người kia được vài ký vàng… Nhưng khi tôi hỏi lại rằng, có được tận mắt thấy số vàng đó không, thì hầu hết tôi chỉ nhận được cái lắc đầu: “Nghe kể thôi, chưa thấy bao giờ!”. Có lẽ đó cũng chính là nguyên nhân khiến những người vốn chỉ là nông dân lại đi sâu vào lòng đất để tìm vận may.

 

Kiểu hầm địa đạo nhìn từ bên trong ra ngoài. Ảnh: C.T

 

Vài ngày “nằm vùng” trong bãi vàng, tôi được nghe kể rất nhiều chuyện về những người trúng vàng. Nếu chỉ nghe không thôi, chắc tôi cũng muốn vào rừng tìm vận may. Nhưng thực tế không phải vậy. Cả buổi sáng nghiền đá, bàn tay phồng rộp, nhưng khi N. lấy thử một mẻ để đãi thì thực tế quá phũ phàng. N. dùng một cái mâm sắt giống như chiếc nón lá, cho đất vào đó và đổ nước vào đãi. Sau một hồi liên tục đổ nước, lắc tới lắc lui, đất, đá được “gạn” ra ngoài, chỉ còn ít dưới đáy, N. đưa tôi xem và nói: “Đấy! Cái hạt nhỏ như đầu kim này là vàng đấy”. Nói rồi, N. lại tiếp tục mẻ khác, lần này chẳng có gì. N. kể: “Nhiều khi đãi mẻ đầu tiên, thấy có vài hạt li ti, mình nghĩ nếu hết cả bao đá thì cũng được một ít, nhưng thực tế đâu có phải như vậy…”.

Giới đào vàng ở Hoài Nhơn những lúc trà dư tửu hậu thường kể về một nhân vật có tên là T.B. (quê ở Bồng Sơn). T.B. đã từng “chinh chiến” khắp các bãi vàng ở Đắc Min, Hoài Ân và Hoài Đức. Tất cả những hầm vàng hiện nay tại vùng núi xã Hoài Đức đều được xác nhận là của T.B. khai thác trước đây, giờ bỏ lại nên mọi người đi đào “mót”. Chú Tám Tr. kể: “Thằng T.B. thường khoe mình từng trúng đến hơn 10 kg vàng ở Đắc Min và gần 5 kg ở Hoài Ân. Chuyện nó trúng vàng nhiều hay ít thì không ai được thấy nhưng việc nó ăn tiêu bạt mạng, cờ bạc, em út thì ai cũng biết”.

Theo sự chỉ đường của chú Tám Tr., vài ngày sau, tôi tìm đến nhà T.B. ở Bồng Sơn. Cả nhà T.B. đi vắng. Quán cà phê do vợ T.B. mở ra để kinh doanh chừng như đã lâu chẳng có ai vào nên khá nhếch nhác. Tôi hỏi thăm một người hàng xóm thì được biết, T.B. đã đi làm ăn xa ở Kon Tum hay Gia Lai gì đó rồi, chắc là trở lại nghề đào vàng như trước đây!

* Vĩ thanh

Khi tôi hỏi anh Th. có biết vụ sập hầm vàng làm 3 người chết ở Hoài Ân không, anh Th. cười buồn: “Suốt ngày rúc trong lòng đất, có đọc báo hay xem ti vi gì đâu mà biết. Nhưng thú thật, xác định làm công việc này thì “trời kêu ai nấy dạ” thôi. Hôm nay, tôi và anh còn trò chuyện với nhau, mai này chắc gì đã gặp…”. Nghe anh Th. nói, nhớ lại những lúc theo anh xuống hầm, tôi chợt dâng lên nỗi lo sợ mơ hồ.

 

P.V Báo Bình Định ở một hầm vàng kiểu địa đạo. Ảnh: C.T

 

Chú Tám Tr. tiếp lời anh Th.: “Chưa ăn được của rừng đã rưng rưng nước mắt. Lâu nay, tụi tôi bị vàng núi nó xúi vàng nhà, đào đãi chẳng có bao nhiêu mà nợ nần tứ giăng. Vợ phải đem vàng nhà đi bán để mua lương thực, mua dầu chạy máy nổ… Đã vậy lại còn lo các cơ quan chức năng đi kiểm tra, sợ bị bắt, bị tịch thu máy móc”. “Biết nguy hiểm, biết vi phạm mà sao vẫn làm hả chú?” - tôi hỏi. Chú Tám Tr. chậc lưỡi: “Lúc nông nhàn biết làm gì nữa đâu, cứ làm đại, may ra trời thương cho mình một chút để nuôi mấy đứa con và trả bớt nợ nần…”.

Ông Hoàng Ảnh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Hoài Nhơn: Trước đây, chúng tôi thường phối hợp với Kiểm lâm, Công an và xã Hoài Đức đi truy quét, cũng có bắt được một số đối tượng nhưng chủ yếu là tịch thu hoặc phá hủy dụng cụ đào đãi vàng. Thời gian gần đây không nhận được tin là ở khu vực đó còn đào vàng trái phép nên ít đi kiểm tra…

Có lẽ, cái tư tưởng “trời thương sẽ cho” như thế đã khiến những người dân Hoài Đức như anh Th., chú Tám Tr., anh N., anh C…. vẫn ngày ngày đi vào lòng đất để đào, đãi hòng tìm vận may mà không lường hết những hiểm nguy rình rập. Ấy là chưa kể đến môi trường của cả một vùng núi đã bị hủy hoại, ảnh hưởng đến sau này.

Khi chúng tôi đem vấn đề về vấn nạn đào đãi vàng trái phép ở vùng núi xã Hoài Đức để xin làm việc với lãnh đạo xã Hoài Đức thì hai lần, ông Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã, đều lấy lý do bận lo công tác bầu cử, bận họp nên từ chối, không cung cấp thông tin. Phải chăng, thái độ bất hợp tác của vị Chủ tịch UBND xã cùng với thực tế nạn đào đãi vàng tràn lan mà chúng tôi tìm hiểu được đã cho thấy, nạn đào đãi vàng trái phép đang bị cơ quan chức năng thả trôi?

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết  (28/05/2011)
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (23/05/2011)
Theo những chuyến tàu…  (22/05/2011)
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (20/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa   (19/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (18/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (17/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (16/05/2011)
“Cầm cố”… thân xác  (16/05/2011)
Người đưa nước sạch về làng  (15/05/2011)
Ra khơi câu cá bò gù  (08/05/2011)
Tôi sẽ tiếp tục theo đuổi vấn đề tiết kiệm năng lượng   (07/05/2011)