Chuyện của những con người biết vượt qua sự khiếm khuyết của cơ thể để hiện thực hóa ước mơ bằng chính khả năng có giới hạn của mình. Trên đường đời vạn dặm không khi nào bằng phẳng, song họ vẫn bước đi bằng niềm tin và sự tự lực…
|
Người khuyết tật luôn tin vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước.
- Trong ảnh: Hội nghị biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 2 - năm 2011.
|
* Người khởi xướng
Tấm gương vượt qua số phận tật nguyền của anh Nguyễn Trần Khiêm ở thôn Tân Quang, xã Canh Hiển, Vân Canh, Chi hội trưởng Chi hội khuyết tật Niềm tin, có lẽ đã quá quen thuộc với nhiều người. Mỗi khi nghĩ về một giai đoạn cuộc đời đầy chông gai đã đi qua, anh Khiêm lại muốn cảm ơn cuộc sống đã trui rèn cho anh một ý chí sắt đá, tinh thần không khuất phục số phận.
10 tuổi mới bắt đầu đến trường, khi đang học cấp 3, biết cơ hội vào đại học rất mong manh nhưng anh không bỏ ngang. Tốt nghiệp THPT, anh Khiêm mất gần 7 năm để viết và gửi hồ sơ dự thi đại học đến gần như tất cả các trường đại học, cao đẳng trên cả nước với niềm khao khát cháy bỏng nhưng đều không được chấp nhận. Tinh thần hiếu học và sự kiên nhẫn của anh cuối cùng đã được đền đáp: anh được chấp nhận thi và trúng tuyển vào Đại học Kỹ thuật Đà Nẵng khi đã quá 30 tuổi. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điện tử - tin học, anh lại phải mất thêm 5 năm cho hành trình xin việc. Đôi chân teo tóp vì sốt bại liệt của anh đã đến gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan, công ty từ Bắc vào Nam, lên tận Tây Nguyên…
Sau những mỏi mệt, gian nan của chặng đường đi học và tìm việc, anh Khiêm trở về địa phương, tự nuôi sống bản thân và gia đình riêng bằng nghề dạy kèm. Cùng với kiến thức những năm học đại học ngành điện tử - tin học và sự sáng dạ về công nghệ - kỹ thuật, anh nhận sửa chữa máy móc, đồ điện… Cảm thông sâu sắc với những cảnh đời khuyết tật xung quanh, anh Khiêm chia sẻ kế sinh nhai của mình. Cơ sở sửa chữa đồ điện tử tại gia của anh Khiêm trở thành “xưởng” làm việc của một nhóm khuyết tật, giúp họ kiếm chút ít tiền; nhưng trên hết là lấy lại cảm giác thăng bằng, niềm vui sống. Ngoài đối tượng người khuyết tật, anh còn dạy tin học cho trẻ mồ côi, người nghèo…
|
Từ lớp học tin học của Chi hội khuyết tật Niềm tin, rất nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi, người nghèo đã được tiếp thêm sức lực để vượt lên số phận.
|
Năm 2007, Chi hội khuyết tật Niềm tin được thành lập thuộc Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh. Anh Nguyễn Trần Khiêm trở thành người chi hội trưởng xông xáo, nhiệt tình. Không chỉ đại diện cho tiếng nói của người khuyết tật trong Chi hội tại các diễn đàn, hội nghị, “anh cả trong đại gia đình khuyết tật” còn lăn lộn khắp nơi để tìm nguồn tài trợ, xây dựng các nhóm tự lực để người khuyết tật được làm việc nuôi sống bản thân. Hiện nay, Chi hội đã có 125 thành viên, chủ yếu là người khuyết tật ở Vân Canh và một vài xã của huyện Tuy Phước.
* Đổi thay số phận
Đến với Chi hội khuyết tật Niềm tin, rất nhiều người khuyết tật đã tìm cho mình niềm vui cuộc sống khi được giao lưu với cộng đồng, cảm thấy mình có ích khi được làm việc. Từ đó, những số phận đã được đổi thay…
Giờ thì cô thiếu nữ Đào Thị Lệ Diễm đã tự tin ra đường, thậm chí đi chợ, hội họp, chơi đùa vui vẻ cùng bạn bè… Sự thay đổi của Diễm là bất ngờ lớn của gia đình, người thân và những người hàng xóm của em. Đã hơn hai mươi tuổi, nhưng hơn 1 năm về trước, người dân ở Canh Vinh không mấy khi thấy em ló mặt ra đường, nụ cười cũng rất hiếm thấy trên khuôn mặt em. Nỗi tự ti và tủi thân vì tật nguyền cứ như một thứ mối mọt đeo bám và gặm nhấm sức sống và tâm hồn Diễm. Mẹ và cậu em trai cũng bị khuyết tật, nỗi đau gia đình này càng đè nặng. Năm 2009, gia đình Diễm giới thiệu em vào sinh hoạt tại Chi hội Niềm tin.
Anh Khiêm cử một số em nữ bị khuyết tật nặng hơn Diễm, cũng trải nghiệm tâm trạng như Diễm và may mắn dứt ra khỏi “khối đá” tinh thần, đến làm bạn với Diễm. Không cần nhiều lời động viên, những người bạn đã đánh thức “ước mơ sinh tồn” trong Diễm bằng chính sự tự lực. Những cô bạn khuyết tật khoe và tặng Diễm những vật dụng con gái xinh xắn và cho biết được mua bằng tiền của chính mình làm ra, những công việc vừa sức tại các tổ, nhóm lao động của Chi hội… Diễm soi mình qua những người cùng cảnh ngộ và đã chiến thắng được bản thân. Giờ đây, Diễm đã là nhóm trưởng nhóm tự lực dịch vụ tin học Diễm Phúc…
|
Anh Nguyễn Trần Khiêm đại diện cho Chi hội khuyết tật Niềm tin phát biểu tại Hội nghị biểu dương người khuyết tật và trẻ mồ côi tiêu biểu toàn tỉnh lần thứ 2 - năm 2011.
|
Không ít gia đình có người khuyết tật cho biết, con em họ, đặc biệt là các em gái, trước khi tham gia sinh hoạt tại Chi hội khuyết tật Niềm tin rất rụt rè, “bảo nó ra trước nhà mua gói thuốc, bó rau cho nó tiếp xúc môi trường xung quanh, dạn dĩ lên nhưng chúng nhất quyết không đi”. Giờ mọi sự đã rất khác. “Các ngày hội văn nghệ, thể thao, chương trình giao lưu… luôn là những hoạt động có ý nghĩa, khó quên và đọng lại kỷ niệm vui với trẻ khuyết tật hay thành viên Chi hội nói chung” - anh Nguyễn Trần Thế, phân hội trưởng phân hội 2 của Chi hội khuyết tật Niềm tin, cho biết.
Không chỉ đưa người khuyết tật ra khỏi “vỏ ốc” của chính mình, Chi hội khuyết tật Niềm tin còn tạo cơ hội để họ được làm việc nuôi sống bản thân và gia đình. Đến nay, Chi hội đã có 4 nhóm tự lực: nhóm dịch vụ tin học, nhóm điện tử, nhóm mộc và nhóm làm chổi đót. Mỗi nhóm có gần chục thành viên hoạt động thường xuyên, mang lại nguồn thu nhập chính đáng, giúp họ ổn định cuộc sống.
* Ước mơ không giới hạn
Còn nhớ, giai đoạn đầu Chi hội khuyết tật Niềm tin mới ra đời, để có kinh phí mua sắm dụng cụ làm việc cho các nhóm tự lực, có thời điểm anh Nguyễn Trần Khiêm phải mang nợ cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, anh còn “thế chấp” uy tín bản thân để vận động người thân người khuyết tật ủng hộ vốn… “Điên đầu” là cách nói vắn tắt khi anh Khiêm nhắc đến giai đoạn đầu hoạt động của các nhóm tự lực. Anh kể: “6 tháng trời, xưởng sửa chữa đồ điện tử của Chi hội không có lấy một người khách, anh em rất nản, bao nhiệt huyết, kỳ vọng trước đó như bị đông lại trước sự ế ẩm và thái độ nghi ngại của khách hàng khi còn chưa bước chân vào tiệm”.
|
Anh Nguyễn Trần Khiêm và ông Trần Công, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm (trái) thảo luận về đầu ra cho nhóm tự lực làm chổi đót.
|
Song bằng sự trải nghiệm của đời mình, anh Khiêm đã tiên liệu được khó khăn này, anh vận động anh em đi tới tận nhà dân, hỏi có đồ điện hỏng hóc gì để xin sửa. Chất lượng bảo đảm, giá cả lại thấp hơn thị trường, đặc biệt thái độ làm việc vui vẻ “quên mình khuyết tật” của những anh thợ đặc biệt đã thuyết phục khách hàng để họ quay lại lần 2, lần 3… “Tôi luôn nhắc nhở anh em phải giữ lời hứa, mình là người thợ, đừng lấy sự khuyết tật để vòi vĩnh, để khách hàng phải du di về chất lượng sản phẩm. Tôi tin, trên hành trình tự lực mà tự thân mỗi người khuyết tật khao khát nhất, khi đã khắc phục được sự tự ti, người khuyết tật trở nên rất tự trọng” - anh Khiêm chia sẻ.
Dù các nhóm tự lực đã hoạt động ổn định, nhưng để mở rộng phạm vi nghề nghiệp đối tượng tiếp nhận vẫn rất khó khăn. Việc xin tài trợ của các nhà hảo tâm trên địa bàn huyện miền núi Vân Canh hầu như là không thể. Nguồn vốn huy động từ người thân, gia đình người khuyết tật là chủ yếu, song vẫn không đáng kể, bởi điều kiện kinh tế của họ vốn khiêm tốn. Điều kiện tài chính của Chi hội thật sự không cho phép mở rộng thêm hội viên. Vì vậy, đơn xin gia nhập Chi hội của hơn 300 người khuyết tật trong huyện Vân Canh và Tuy Phước vẫn đang nằm chờ. “Tôi gần như đã thuộc làu từng lời, từng nét chữ xiêu vẹo, đầy lỗi chính tả mà chứa đựng tâm tình tha thiết của những người đồng cảnh ngộ, mong được tham gia sinh hoạt tại Chi hội. Tôi chỉ mong Chi hội đủ lực để kết nạp bổ sung hội viên…”- anh Khiêm trăn trở.
|