Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của chúng tôi
11:38', 8/6/ 2011 (GMT+7)

Mở đầu câu chuyện, giọng thượng úy, thuyền trưởng Phan Hoàng Nam – sĩ quan của Hải đoàn biên phòng 48 (Bộ Tư lệnh Biên phòng) đóng quân tại vùng biển Quy Nhơn đơn giản mà chắc nịch: “Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Bằng mọi giá phải thực hiện được hai nhiệm vụ này!”

 

Thượng úy, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam trong chuyến ra khơi thực tập tại đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa) khi đang là học viên Học viện Hải quân.

 

Những ngày qua, khi vụ việc tàu hải giám của Trung Quốc gay hấn với tàu thăm dò khảo sát địa chất, nổ súng đe dọa ngư dân Việt Nam, sự quan tâm dành cho các chiến sĩ hải quân lại tăng cao. Hình ảnh các anh trở nên lấp lánh trong mắt mọi người, thế nhưng trái với những suy đoán của tôi, họ không có nét “người hùng” mà gần gũi, bình dị và rất hiền. Thật khó tin rằng, mới ở tuổi 32, thuyền trưởng Phan Hoàng Nam đã kịp tham gia nhiều chuyến tuần tra, giải quyết nhiều vụ việc phức tạp xảy ra trên biển...

Vượt sóng ra khơi

Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam là một trong số những sĩ quan ở Hải đoàn biên phòng 48 tham gia tuần tra, kiểm tra nhiều lần trên biển để bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, giám sát hoạt động nghề cá từ bờ đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Trong tất cả các chuyến công tác của mình, anh cùng đồng đội đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao.

* Làm nhiệm vụ tuần tra dài ngày trên biển, phần lớn diễn ra trong trong điều kiện khắc nghiệt, anh còn nhớ lần đầu tiên cưỡi sóng ra khơi không?

- Trước khi được điều về Hải đoàn biên phòng 48, tôi là học viên của Học viện Hải quân. Ngay năm thứ nhất, tôi may mắn được tham gia chuyến đi biển đầu tiên trong đời, xuất phát từ Khánh Hòa đến Vũng Rô (Phú Yên) để dự lễ tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ của Đoàn tàu không số. Tuy chuyến đi này, biển không động nhưng tôi say sóng dữ dội, cứ tưởng tôi không thể trụ lại với biển.

Sau chuyến đi đó, Học viện Hải quân liên tục tổ chức các chuyến đi biển, tôi xin đi với mục đích để thử thách chính mình. Trong năm học cuối khóa, tất cả các học viên phải trải qua 3 giai đoạn thực tập trên biển. Giai đoạn đầu tiên thực tập 1 tháng trên biển, với nhiệm vụ theo các tàu Hải quân đưa vật liệu ra xây dựng đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hoàn thành tốt đợt thực tập giai đoạn 1, quay về Học viện tôi lại tham gia thực tập 6 tháng trên tàu vận tải với chức danh thủy thủ, với những chuyến đi biển dài ngày hơn. Sau đó, tôi tiếp tục theo 6 chuyến tàu chở hàng ra đảo Trường Sa Lớn. Trong những chuyến đi này, có chuyến biển động rất mạnh nhưng tôi không còn say sóng như trước nữa. Tôi rất hạnh phúc và tự tin khi vượt sóng ra khơi làm nhiệm vụ.

* Nghe kể, mới nhận nhiệm vụ anh đã được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ làm thuyền phó tham gian tuần tra, kiểm soát trên biển dài ngày...

- Khi nhận nhiệm vụ được 15 ngày, tôi được Ban chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ thuyền phó, tham gia tuần tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển và giám sát hoạt động nghề cá từ bờ đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ. Chuyến đi kéo dài 3 tháng 15 ngày mới quay lại bờ. Tôi rất tự hào vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ngay trong chuyến công tác chính thức đầu tiên. Từ đó lúc nào tôi cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, dù luôn đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ.

* Vậy ở chuyến đi làm nhiệm vụ đầu tiên này, khó khăn gian khổ nhất anh cũng như đồng đội gặp phải là gì?

- Các tàu của đơn vị tham gia làm nhiệm vụ thì nhỏ, chật chội, lương thực thực phẩm dữ trữ chủ yếu là lương khô, không có thực phẩm tươi vì không có tủ đông lạnh trên tàu, nước ngọt dự trữ rất ít nên phải tiết kiệm tối đa. Để có thực phẩm tươi, anh em phải tự câu để có cá tươi cải thiện bữa ăn. Còn tắm thì phải thay phiên nhau, cứ hai ngày mới tắm một lần, mỗi khi tắm bằng nước biển sau đó lấy khăn thấm nước ngọt lau lại. Những ngày biển động không thể nấu ăn được, phải ăn lương khô, mì tôm khô. Mà nếu có nấu được thì chỉ dùng tay bốc cơm ăn chứ không dùng chén đũa được. Khó khăn, thiếu thốn như vậy nhưng những người lính thủy chúng đều nỗ lực vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

 

Thượng úy, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam đang chỉ huy tàu BP 48-9802 chuẩn bị xuất kích làm nhiệm vụ.

 

* Bảo vệ vùng biển, ngư trường Việt Nam

Trong các lần thực hiện nhiệm vụ, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam cùng đồng đội đã xua đuổi hàng trăm tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam để đánh bắt trộm hải sản, tranh giành ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.

* Khi phát hiện tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, các anh đã xử lý ra sao?

Thượng úy, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam

Thượng úy, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam, sinh năm 1979, tại Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống cùng gia đình ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn).

Năm 1999, tốt nghiệp THPT, Nam đăng ký thi vào Học viện Hải quân (Khánh Hòa), sau 6 năm học, năm 2005, Nam được Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng điều về công tác tại Hải đoàn biên phòng 48 với chức vụ Thuyền phó rồi Thuyền trưởng tàu BP 48-9802 (thuộc Hải đội 1, Hải đoàn biên phòng 48) làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, với chiều dài 900km và giám sát hoạt động nghề cá từ bờ đến đường phân định Vịnh Bắc Bộ.

- Mỗi đợt tuần tra như vậy chúng tôi phát hiện cả trăm tàu cá Trung Quốc tràn qua vùng biển Việt Nam để đánh bắt trộm. Đơn vị đã xua đuổi cũng như bắt giữ cả trăm tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải để lập biên bản vi phạm. Tuy nhiên theo chính sách khoan hồng của Việt Nam, họ được phóng thích ngay trên biển.

Các tàu cá Trung Quốc vi phạm khi phát hiện tàu biên phòng Việt Nam đều quay đầu bỏ chạy, một số tàu ngoan cố tìm mọi cách đánh võng, làm đủ mọi cách ma mãnh không cho tàu biên phòng áp sát để lập biên bản. Một số tàu cá Trung Quốc rất quỉ quyệt, chúng cắm cờ Việt Nam chạy vào ngư trường thuộc chủ quyền của ta để đánh lừa lực lượng biên phòng nhưng cũng không thoát.

Ngay cả một số ngư dân Trung Quốc sử dụng chút ít tiếng Việt nói chuyện qua ICOM hòng lừa lực lượng biên phòng vẫn bị phát hiện.  Đối với các tàu cá Trung Quốc vi phạm khi bị bắt chúng tôi vừa tuyên truyền, vừa cương quyết xử lý.

Khi chúng tôi có mặt tuần tra trên biển, các ngư dân không những an tâm đánh bắt và họ còn tích cực cung cấp cho chúng tôi những nguồn tin có giá trị, những khu vực nào tàu cá Trung Quốc đang xâm phạm để chúng tôi đến xua đuổi, bắt lập biên bản.

* Làm nhiệm vụ dài ngày trên biển, chắc anh và đồng đội đã nhiều lần đón Tết trên biển?

- Trong đợt làm nhiệm vụ kéo dài từ cuối năm 2009 đến tháng 5.2010, tôi cũng như đồng đội phải đón Tết trên biển ở vùng biển Quảng Bình. Đón Tết trên biển, ngoài chế độ tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm mang theo, anh em còn được chăm lo chu đáo tinh thần. Nói chung cứ nghĩ về đất liền Tổ quốc thân yêu là người lính chúng tôi lại ấm lòng hẳn lên, đủ sức để nhìn thẳng về phía trước, vững tay súng bảo vệ cương vực đất nước mình. Thời khắc giao thừa, anh em trên tàu đều hướng về đất liền thầm hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ bình yên vùng biển Tổ quốc.

 

Thượng úy, Thuyền trưởng Phan Hoàng Nam (bìa phải) cùng đồng đội đang tác nghiệp trên Hải đồ xác định địa điểm tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam.

 

Tham gia cứu nạn, bảo vệ tàu thăm dò dầu khí

Trong những làm tham gia làm nhiệm vụ, Phan Hoàng Nam cùng đồng đội đã tham gia cứu ngư dân gặp nạn trên biển, tham gia bảo vệ các tàu thăm dò địa chất dầu khí trên vùng biển Việt Nam.

* Tàu của anh đã có lần tham gia cứu ngư dân gặp nạn trên biển?

- Cứu ngư dân gặp nạn trên biển là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị. Đợt làm nhiệm vụ năm 2008, tàu của đơn vị đang làm nhiệm vụ giám sát hoạt động nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ thì nhận được tin báo có một tàu cá bị nạn ở vùng biển Quảng Bình, tôi ra lệnh cho đồng đội trên tàu mở hết tốc lực cho tàu chạy đến nơi tàu cá gặp nạn để cứu hộ. Tuy nhiên sau bốn ngay liên tiếp tàu quần đảo trong điều kiện biển động mạnh, mưa lớn để tìm cứu các ngư dân gặp nạn chúng tôi không thành công. Mỗi lần nghĩ đến cuộc cứu nạn ấy tôi lại cảm thấy có lỗi với đồng bào.

* Được biết, anh cũng có thời gian tham gia bảo vệ tàu thăm dò địa chấn dầu khí và phát hiện tàu Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nơi tàu thăm dò đang làm nhiệm vụ?

- Năm 2007, tôi cùng biên đội đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển được 1 tháng thì nhận lệnh vào bờ để tham gia bảo vệ tàu thăm dò địa chấn dầu khí thăm dò tại lô 128-129 vùng biển Khánh Hòa-Ninh Thuận. Ở lần này, chúng tôi cũng phát hiện một số tàu Trung Quốc - nghi là tàu Trung Quốc giả dạng tàu cá để thăm thám thính tàu của Việt Nam đang thăm dò dầu khí trên biển, vào đánh bắt cánh bờ biển Ninh Thuận khoảng 30-50 hải lý. Chúng tôi cho tàu bảo vệ ra xua đuổi, các tàu Trung Quốc tăng tốc bỏ chạy ra khỏi vùng biển Việt Nam.

* Anh và đồng đội có gởi gắm điều gì không?

- Mặc dù trong thời gian qua được Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng quan tâm đến đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay các tàu tuần tra làm nhiệm vụ của đơn vị đã cũ kỹ, trang thiết bị bắt đầu lạc hậu nên ảnh hưởng đến nhiệm vụ công tác. Bản thân tôi cũng như đồng đội trong đơn vị đều có mong muốn được trang bị những tàu làm nhiệm vụ lớn hơn, trang thiết bị hiện đại hơn để vươn ra xa hơn, thường xuyên có mặt trên biển để bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ ngư trường cho ngư dân an tâm bám biển. Có được tàu lớn hơn, mạnh hơn, khí tài hiện đại hơn để thực hiện nhiệm vụ là mong ước lớn nhất của chúng tôi!

* Xin cảm ơn anh!

  • NGUYỄN PHÚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trên đôi chân của niềm tin và tự lực…  (05/06/2011)
Thành danh trên đất khách   (05/06/2011)
Tìm vận may trong lòng đất  (29/05/2011)
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết  (28/05/2011)
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (23/05/2011)
Theo những chuyến tàu…  (22/05/2011)
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (20/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa   (19/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (18/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (17/05/2011)
Từ Sài Gòn, Bác ra đi tìm đường cứu nước  (16/05/2011)
“Cầm cố”… thân xác  (16/05/2011)