Tôi mê món chình nướng ngay từ lần thưởng thức đầu tiên, đâu vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, do một ông già người Hoa chế biến ở cái quán nằm trên đường Bạch Đằng (TP Quy Nhơn). Quán có rượu ngâm đủ các thứ rắn, còn ông già nói tiếng Việt lơ lớ nên bọn tôi cứ gọi là quán “Dụ Dắn”. Quán “Dụ Dắn” chỉ tồn tại có vài năm nhưng món chình nướng thì đã ngấm vào vị giác của tôi cả một đời. Tháng 6 này, tôi về Châu Trúc kiếm chình và bỗng nhận ra mình “chỉ có ăn là giỏi”!
|
Đầm Trà Ổ, nơi trú ngụ hiếm hoi của con chình mun.
|
Quả, nói về chuyện ăn chình, tôi dám tự hào mình thuộc hạng sành. Có bạn bè, thân hữu làm chứng, bởi có buổi tiệc lớn hay giỗ chạp nào ở nhà tôi mà không có món chình. Muốn có chình, tôi chỉ rút di động, a lô: “Chị Bích ơi, lấy giùm cho 1 kg (hay 2 kg) chình mun (hay bông) loại hai con (hay một con)!”. Vậy là vài giờ sau, trong nhà tôi đã có chình.
Chuyện chình ướp nướng hoặc chình um bắp chuối khế chua, vợ tôi vẫn thường “lấy điểm” trong mắt bạn bè. Nói chung, với tôi, chình là món ăn khoái khẩu! Cái mật chình đem bóp hòa vào rượu Bàu Đá nếp, xin lỗi, Heneiken lon cũng chỉ đáng để dùng “chữa lửa”. Lại nghe, chình mun là đặc sản của Châu Trúc, của Bình Định. Vậy mà cho đến những ngày trung tuần tháng 6 này, tôi mới có dịp đi Châu Trúc coi chình lớn lên như thế nào?
Anh em phóng viên báo tỉnh đi công tác Phù Mỹ thường nhờ Xuân Lộc, phóng viên “lão thành” của nhà đài ở huyện. Lần này, Xuân Lộc cũng hăng hái làm “cán bộ đường lối” cho tôi. Chúng tôi ghé xã Mỹ Châu, vị lãnh đạo xã đang tất bật với cuộc họp, chỉ kịp cho một lời hướng dẫn: “Muốn biết về con chình, cứ xuống xóm Cù Lao, thôn Châu Trúc, gặp ông Tú”. Chúng tôi trực chỉ về đầm Trà Ổ, băng qua con đường mới đến một doi đất nổi giữa mênh mông mặt đầm.
Nhà “ông Tú chình” tọa lạc trong một khu vườn rộng, hai phía giáp đầm. Anh Tú bận đi “tắm thuốc” cho chình ở nhà một bạn hàng trên thị trấn Bình Dương. Trong lúc đợi anh trở về, chúng tôi tranh thủ tham quan “trang trại chình”. Đó là một hệ thống gần chục chiếc bể xi măng cao chừng 1,2 m chứa chình đủ các kích cỡ cùng cá bống tượng. Những con chình trùi trũi nằm ẩn trong những chiếc ống nhựa. Thoạt nhìn thấy một con chình nằm ngửa, dáng lờ đờ, tôi đề nghị chị nhà anh Tú giúp cho món nướng thay bữa ăn trưa. Chị vui vẻ nhận lời. Thì ra, thỉnh thoảng anh chị cũng tiếp những người khách như chúng tôi, muốn được nhâm nhi món chình nướng, chình um ngay giữa đầm Trà Ổ lộng gió.
|
Anh Lê Trung Vinh, cán bộ kỹ thuật Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu, kiểm tra chình giống.
|
* Ở vựa chình giống số một
Anh Tú trở về và bữa tiệc cùng câu chuyện về con chình của chúng tôi kéo dài khi chị đi làm thêm con chình thứ hai, rồi con cá bống tượng, cá rô phi nướng mọi.
“Tú chình” tên thật là Võ Tuấn Tú, xuất thân là một ngư dân ở xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước. 14 năm trước, từ một dự án nghiên cứu về con chình mun thực nghiệm ngay tại thôn Châu Trúc, Tú là tổ trưởng một tổ kỹ thuật 5 người. Dự án kết thúc song niềm đam mê con chình đã đưa đẩy anh trở thành cư dân xóm Cù Lao và giờ thành ông chủ của vựa chình giống số một Bình Định. Tú nói về chình thành thạo cứ như là một chuyên gia.
Qua anh Tú mà tôi biết chu kỳ sống rất đặc biệt của họ nhà chình: Sinh trưởng trong nước ngọt, đến tuổi trưởng thành, di cư ra vùng biển sâu để sinh sản. Trứng nở ra ấu trùng và trải qua quá trình biến thái phức tạp xảy ra trên con đường di cư từ biển về nơi sống của dạng trưởng thành trong các sông, suối, đầm, hồ nước ngọt. Chính vì vậy mà đã có bao công trình nghiên cứu cho chình sinh sản nhân tạo không cho kết quả thành công nào.
Bữa tiệc chình của chúng tôi phải kết thúc trước 15 giờ bởi các bạn hàng của anh Tú đã đến nhập hàng. Gần chục con người thoăn thoắt vào việc. Những con chình đủ các kích cỡ được nhốt trong những bao nilon có sục ôxy đưa đến vựa được anh nhanh chóng kiểm đếm, phân loại, sục ôxy nước đá cho vào bao, rồi đóng vào thùng xốp. Buổi chiều ấy, có chừng 50 kg chình được chia làm 3 kích cỡ đóng trong 5 chiếc thùng xốp gửi thẳng đi Cà Mau, Bạc Liêu. Loại 10 con/kg có giá bán 750 ngàn đồng, loại 30 con/kg giá 870 ngàn đồng và loại 50 con/kg giá 950 ngàn đồng!
Anh Tú cho biết, anh cung cấp chình giống cho các cơ sở nuôi chình chủ yếu là ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng… Nghề nuôi chình ở Bình Định chưa phát triển mấy, số người nuôi chình thương phẩm mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu ở các huyện Vĩnh Thạnh, An Nhơn, An Lão, Tuy Phước… Nguyên nhân khiến người Bình Định chưa thật hít với nghề nuôi chình, theo anh Tú, là do vốn đầu tư lớn, thời gian thu hoạch dài… Đó là những thứ chỉ dành cho những người chăn nuôi biết kiên nhẫn.
|
Anh Võ Tuấn Tú phân loại chình giống trước khi xuất bán.
|
* Tiềm năng cho một nghề nuôi mới
Thu gom và cung cấp chình giống như kiểu anh Tú là một dạng mua đâu bán đó, hầu như không phải lo lắm về chuyện nuôi nấng, cho ăn, chữa bệnh cho con chình. Chình giống của anh Tú xuất đi cũng không lo việc “bảo hành”; người mua chấp nhận một tỉ lệ hao hụt, thậm chí khá lớn. Tuy nhiên, ở ngay địa phận xã Mỹ Châu, cách không xa đầm Trà Ổ là mấy, có một địa chỉ hướng đến việc cung cấp giống chình một cách bài bản, “bảo hành” và thậm chí là chuyển giao công nghệ nuôi. Địa chỉ đó là Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu thuộc Trung tâm Giống thủy sản Bình Định.
Hơn ai hết, từ lâu Trung tâm Giống thủy sản cũng đã hiểu rằng tỉnh nhà đang sở hữu nguồn cá chình bột tự nhiên nhiều thuộc loại nhất, nhì trong cả nước. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật ương cá chình bông giai đoạn từ cá bột đến cá hương và từ cá hương đến cá giống nhằm sử dụng hiệu quả nguồn giống này là vấn đề cấp thiết, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho nghề nuôi trồng thủy sản. Và đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu mùa vụ, địa điểm xuất hiện cá chình bột và xây dựng quy trình ương nuôi cá chình bông bột tại Bình Định”, do kỹ sư Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm, làm Chủ nhiệm, được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ tháng 5.2009. Qua nghiên cứu đề tài cho thấy, điều tuyệt vời là trên thế giới không có nhiều khu vực phân bố của con chình (chủ yếu là chình bông) như dải đất miền Trung mà đặc biệt là hai tỉnh Bình Định và Phú Yên. Riêng con chình mun (một loại chình quý hiếm được xếp vào danh mục các loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam) lại chỉ phân bố ở vùng Châu Trúc. Ở Bình Định, hàng năm cá chình bột xuất hiện từ tháng 12 năm trước đến tháng 8 năm sau (tập trung nhất là tháng 2) ở hầu hết các đập ngăn sông (khu vực hạ lưu), chủ yếu ở các đập Gia Phu, Bảy Yển, Cây Dừa, Lại Giang, Đức Phổ. Từ lâu, đã có nhiều ngư dân sử dụng vợt, lưới trũ, vó hoặc chà bổi để thu vớt, đánh bắt cá chình bột bán cho các vựa thu gom rồi phân phối cho các nhà nuôi ương (chủ yếu ở ngoại thành TP Hồ Chí Minh) thành cá chình giống.
Thực hiện đề tài này, hai năm qua, Trạm Thực nghiệm nuôi thủy sản Mỹ Châu đã tiến hành ương nuôi 4.000-5.000 con từ chình hương sang chình giống. Chúng tôi được Trạm trưởng Nguyễn Văn Thuận đưa đi tham quan các bể nuôi. Những con chình phát triển khá tốt bằng thức ăn nhân tạo đã lớn bằng đầu đũa. Đặc biệt, loài chình vốn chỉ ăn vào ban đêm song việc thay đổi tập tính bằng các phản xạ có điều kiện, các cán bộ kỹ thuật nơi đây đã có thể cho chình ăn ngay vào ban ngày - một cơ sở tốt giúp chình tăng trưởng nhanh chóng trong quá trình nuôi thương phẩm.
Gặp kỹ sư Phan Thanh Việt, anh cho biết, đang chuẩn bị báo cáo nghiệm thu đề tài. Theo anh, cá chình bông giai đoạn từ cá bột đến cá hương tăng trưởng chậm và có sự hao hụt lớn do thức ăn cho giai đoạn này chưa phù hợp; cá chình bị sốc môi trường khi chuyển vào môi trường nhân tạo, yếu tố dịch bệnh... Tuy nhiên, sau khi hình thành được cá chình giống (5-15 g/con), chất lượng con giống sẽ rất tốt, bảo đảm tỉ lệ hao hụt thấp, tăng trưởng nhanh khi nuôi thương phẩm.
Hy vọng, sự thành công của đề tài ương nuôi chình bông này sẽ mở ra phong trào nuôi cá chình bông thương phẩm mạnh mẽ hơn tại Bình Định; bởi với 340 ngàn đồng/kg chình thương phẩm hiện nay, chình bông đang đứng đầu giá trị trong các loài cá.
|