Mười năm cầm bút, 3 giải thưởng trên 2 diễn đàn văn nghệ lớn của đất nước: Văn nghệ và Văn nghệ quân đội, gần chục giải thưởng trên các báo, tạp chí: Mực Tím, Hoa Học Trò, Tuổi Trẻ, Nhà Đẹp, Bình Định... Nguyễn Mỹ Nữ thực sự là một hiện tượng của văn nghệ Bình Định.
1.
Năm 2000, người yêu văn chương và giới cầm bút Bình Định bất ngờ thấy kết quả giải thưởng cuộc thi truyện ngắn 1998 - 1999 của báo Văn Nghệ có tác giả người Bình Định: Nguyễn Mỹ Nữ, truyện ngắn “Bộ bài”. Thực ra cái tên Nguyễn Mỹ Nữ vài năm trước cũng đã gặp đâu đó trên các báo, khi truyện thiếu nhi, khi bài cảm nhận về âm nhạc, cả mục ẩm thực…
|
Nguyễn Mỹ Nữ (bìa phải) và bạn bè. |
Kết quả cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2001- 2002 ngay sau đó, lại cũng có tên Nguyễn Mỹ Nữ - Bình Định vào giải thưởng với truyện ngắn: “Hàng xóm”. Hỏi trong mấy chục hội viên văn học địa phương, có người lơ mơ, hình như đây là cái chị thường làm “em xi” các sân khấu ca nhạc ở Quy Nhơn. Mà đúng vậy. Nên bất ngờ. Và ai đó nhanh chóng giới thiệu kết nạp chị vào Hội văn Bình Định vì nghe nói ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam hỏi thăm đích danh tên chị!
Thực ra ở cái đất văn chương cũng dày truyền thống này, việc chị lặng lẽ xuất hiện và có giải thưởng ở các diễn đàn lớn mấy năm này có vẻ cũng bất ngờ với chính chị: đã ngoài tuổi bốn mươi, văn chương mới tìm đến chị (hay chị tìm đến văn chương?) như một tình cờ lạ lùng.
Đó là năm 1996. Nguyễn Mỹ Nữ bắt đầu cầm bút trong tình thế tột cùng bi quẫn: nợ nần chồng chất mà chị bị liệt hai chân. Trước đó, chị làm MC mỗi tuần một tối ở quán cà phê, chồng chị làm nhạc công kiêm ca sĩ. Hàng ngày chị làm thêm các việc: khi bán chè, bún cá nơi vỉa hè, lúc bán mồi ở quán bia hơi, bán phở ở nhà mẹ ruột. Rồi chồng chị nghe bạn bè rủ, vay tiền đầu tư khai thác đá. Cái máu nghệ sĩ của anh đã trả giá tức khắc: làm ăn thua lỗ, nợ nần. Cũng trong thời điểm này, chị lại bị chấn thương cột sống do tai nạn khi bán phở. Phải nằm liệt tại chỗ trong nỗi đau thân xác, sự túng ngặt vậy mà ngày nào cũng có người tới gây áp lực, xiết đòi. Tuyệt vọng, chị định tìm tới cái chết nhưng nghĩ hãy còn người chồng chị yêu thương, và chị, một đời long đong lận đận đã từng, lẽ nào không thể vượt qua khúc ngoặt hiểm nghèo này? “Hãy cố thêm một lần nữa!”- tâm tưởng chị văng vẳng mơ hồ âm vọng mỏng manh và quyết liệt, bí ẩn và bản năng. Sống! Phải sống! Và cố, chỉ có thể bằng cách cầm bút.
Chưa viết văn được thì chưa thể chết. Có sự trợ giúp, khích lệ rất ân cần của chồng, chị miên man viết văn, viết báo. Còn một sự trợ giúp nữa là câu nói của nhà văn Tô Hoài chị đọc được: “Năng khiếu trời cho có hay không mình không quyết được nhưng cái mình quyết được đó là sự rèn luyện, mà phải rèn luyện suốt đời”.
2.
Mấy chục bài viết rụt rè gởi đến các báo, tạp chí địa phương không một chút hồi âm. Chị không nản, vẫn viết và tập đi, từng bước, hàng ngày. Rồi liều gởi báo xa, báo trung ương. Niềm hạnh phúc đến bất ngờ: bài “Bên khúc sông lạnh riêng mình ngồi” được in trên báo Tuổi Trẻ chủ nhật và truyện ngắn “Buổi trưa” in trên báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn, cùng lúc trong tháng 3 năm 1997!
Cũng rất bí ẩn khoảnh khắc kỳ diệu này của cuộc đời, bởi vì, niềm hạnh phúc, sự thừa nhận đầu tiên lại là trên các diễn đàn lớn, nó vừa như sự cứu rỗi vừa như sự ràng buộc định mệnh. Chị đã thực sự vào cuộc, với một con người khác của mình: cầm bút. Và trở thành cộng tác viên thường xuyên với các tờ báo, tạp chí: Bình Định, Văn Nghệ Hà Nội, Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Kiến thức gia đình, Sài Gòn Giải phóng, Áo Trắng, Văn nghệ Quân đội, Thời nay, Đà Nẵng…
Xin thống kê một số giải thưởng văn học và báo chí của chị mười năm cầm bút. Giải 3 Cuộc thi truyện ngắn Tuần báo Văn nghệ (1998 - 1999), truyện “Bộ bài”, 2 giải tư các cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội: 2001- 2002 và 2005 - 2006 với hai truyện ngắn “Hàng xóm” và “Nhà khóc dành cho một người”. Cùng hàng loạt giải văn giải báo trên các tờ: Mực Tím, Tuổi Trẻ, Hoa học trò, Nhà đẹp, Người lao động, Bình Định...
Đầu năm 2004, NXB Kim Đồng, tủ sách “Tuổi mới lớn” in chị tập truyện ngắn Mắt núi. Năm 2007 là tập truyện thiếu nhi Món quà bất ngờ của mùa hè. Những truyện “người lớn” đã thứ tự xuất hiện với Những câu kinh chấp chới, NXB Văn Nghệ 2008.
Nguyễn Mỹ Nữ cho biết, chị hiện còn bản thảo một tập truyện thiếu nhi, một tập truyện cho lứa tuổi mới lớn, trên trăm cái tạp bút, tản văn và hòm hòm hai tập truyện ngắn. Nhắc chuyện in, chị bảo chả vội gì. Và vẫn viết thêm, vẫn chỉnh sửa. Năm 2007 chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam: Nguyễn Mỹ Nữ đã có “thương hiệu”!
Trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Bình Định dịp nhận giải thưởng truyện ngắn Văn nghệ quân đội năm 2006, chị nói: “Tôi viết như một sự giãi bày và không nhiều tham vọng. Tôi biết mình là ai!”. Không tuyên ngôn, không dự định dài hơi, chị cần mẫn ngày ngày chuyển vào trang viết những quan sát, chiêm nghiệm cuộc sống đời thường quanh mình, những mảnh đời, số phận. Nhất là phụ nữ và trẻ con. Tất cả đều được thể hiện như lời khuyên của Paustovski mà chị rất thích: “Hoặc là viết bình dị về một điều khác thường. Hoặc là viết khác thường về những điều bình dị”.
3.
Trừ trách nhiệm với bạn đọc càng lúc càng nhiều, Nguyễn Mỹ Nữ không sức ép, không ràng buộc nào cả trong văn giới, văn nghiệp. Bình dị, trong trẻo, và bất ngờ những lấp lánh. Không toan tính. Có lẽ, bản chất cuối cùng của văn chương đích thực là không toan tính. Dù người lựa chọn văn hay văn lựa chọn người. Chị hồn nhiên viết.
Nguyễn Mỹ Nữ viết khá nhanh. Mười lăm ngày ở trại viết Mỹ Khê - Văn nghệ Quân đội, chị kịp chỉnh sửa 1 truyện, viết một truyện mới, 2 tản văn và một truyện thiếu nhi. Viết tay. Những dòng chữ cứ lia đều trên tệp giấy A4, cần mẫn. Một trong số đó đã có giải thưởng. Chính những ngày tháng cùng chung trại viết này tôi hiểu thêm một điều vốn đơn giản: sự điềm đạm, khoan hòa của người phụ nữ bao giờ cũng đi xa hơn cái bếp và đời sống chồng con mà họ luôn nhẹ nhàng tự nhận cho mình.
Và cũng ở bãi biển đẹp của Đà Nẵng này, một đêm với cuộc rượu Bàu Đá, chị kể cho bạn văn nghe những “vốn sống” không dễ có: hơn hai năm bị giam giữ ở Trại cưỡng bức lao động Sông Kôn, nhất là “uy tín” làm trưởng phòng nữ suốt cho đến khi ra trại. Nghe kinh nghiệm làm “đại bàng” nữ của chị, nhất là những chi tiết rất nhân tình, cảm động, nhà văn Sương Nguyệt Minh trưởng trại “văn” sững sờ bật thốt “xin” cái vốn sống quý này để viết tiểu thuyết, nếu chị đồng ý!
Cũng nói thêm, chị dân gốc Hà Nam, Bắc năm tư và Thiên chúa giáo. Năm bảy lăm đang học Đại học Văn khoa ban Triết thì giải phóng, được học sư phạm cấp tốc để đi dạy. Chị dạy ở xã “Thành Đồng” Hoài Châu và cái lý lịch Thiên chúa giáo, Bắc năm tư khiến một số đồng nghiệp e ngại. Cái trong veo hồn nhiên của chị luôn chực chờ đâu đó những suy diễn, những đề phòng.
Từ biệt những đứa học trò quê chất phát, chạy chọt về Quy Nhơn, chị cũng gặp những gờn gợn phố. Một câu chuyện từ cuốn “Tâm hồn cao thượng” của Edmond De Amicis kể cho học trò nghe cũng sinh chuyện! Không thể sống bình thường để yêu thương, để dâng tặng, chị đã uất ức và cay đắng mấy lần vượt biên, rồi bị bắt…
Không ai định ở tù để có cái vốn sống kỳ lạ của chị, nhưng mười năm sau Bảy lăm ấy chỉ còn đọng lại trong chị một sự thuần hậu, dịu dàng. Cay đắng và tủi nhục lọc qua chị chỉ còn lại những yêu thương.
Hãy nghe những tâm sự này của chị trên phần đông những nhân- vật- con- người- bé- mọn: “Những nhân vật của tôi ở quanh đây và ở đâu đó. Lẫn trong số đông, nhòa lấp và chạnh ra một cõi, lẻ đơn. Không khó để tôi gặp được họ, làm thân và sống cùng… Và khi lặn ngập vào tận góc khuất nơi tâm hồn họ, tôi mới nhận ra mình đã yêu thương họ biết bao, cảm thương cho thân phận họ biết là dường nào!”.
Nếu bước ngoặt cuộc đời nêu trên khiến Nguyễn Mỹ Nữ cầm bút thì không thể không nhắc một may mắn chị có được: những lá thư viết tay động viên, sau “phát hiện” đầy trách nhiệm và linh cảm của nhà văn Phạm Thị Minh Thư, tác giả “Có một đêm như thế”. Những lá thư này, tình cảm này luôn có vị trí đặc biệt trong đời chị. Để tin rằng còn nhiều người tốt quanh mình. Để bình tâm trước những hơn thua đôi khi quyết liệt trong đời sống văn nghệ. Để chỉ lặng lẽ cầm bút. Không tham vọng, tự biết mình và biết hàm ơn, chị có những phẩm chất để có thể làm được nhiều hơn những suy nghĩ chân thành và khiêm tốn của mình.
Bây giờ mọi thứ khá bình yên và hạnh phúc trong căn nhà nhỏ. Chồng chị mấy năm nay cũng viết báo “tiếp sức” cho chị, tiền nhuận bút tạm đủ sống cho hai người cùng một mẹ già. Gần đây người mẹ đã về với cõi thọ. Hai vợ chồng, mỗi người giờ có máy tính ở một góc làm việc riêng, nhưng thường có đề tài chung là những cảm nhận sống, về ẩm thực, âm nhạc... Và nhận khá nhiều giải thưởng của các báo từ thế mạnh này.
Anh thường là bạn đọc đầu tiên những trang văn của chị. Rồi cùng trông chờ, chia sẻ số phận những đứa con tinh thần của chị trên các mặt báo. Có vẻ như những gắng gỏi của họ đang dần được cuộc đời bù đắp.
Và chị đã sợ! Sợ mọi thứ đang có bị phá vỡ, đã delete cả trăm trang bản thảo về những năm tháng sinh động và ám ảnh! “Tôi sợ! - nhiều lần chị rưng rưng bật thốt - quá nhiều long đong khiến nỗi sợ vô hình cứ đeo bám và tôi đã không dám thực sự dấn thân! Việc làm ấy khiến tôi ngơ ngẩn đến mấy ngày như tự chặt tay mình…” Cũng đâu riêng chị, nỗi sợ này? Dẫu gì, giống như tên một truyện ngắn gần đây khá hay của chị về đề tài tôn giáo, “Thập giá cõng trăng”, có thể tự nguyện có thể không, con đường khổ nạn vốn đã sẵn, dù đi trên đôi chân mình, dù chân ai, không thể không bước tới, dù lúi xúi cơ cực hay ảo huyền một tín niệm. Như định phận. Mà cam chịu hay vượt thoát, xét cho cùng, với người cầm bút cũng đều có ích.
Tôi hỏi chị những dự định sắp tới, Nguyễn Mỹ Nữ cười bảo, “Tôi đã là một phần của cuộc sống bởi chính ngòi bút giữ tôi lại với đời, tôi sống và viết như lâu nay vẫn thế, nói kế hoạch, dự định nghe to tát thế nào ấy. Nhưng chắc chắn điều này: tôi luôn cố gắng để không phụ những tấm lòng đã dành cho tôi.”
Chị chân thành và giản dị vậy trong suy nghĩ. Nhưng tôi biết thêm điều này: văn nghiệp có thể thật bất ngờ như một tiền định và không khoa trương. Tôi mừng cho chị, một gương mặt văn xuôi nữ của Bình Định thực sự có tầm, một lặng lẽ Nguyễn Mỹ Nữ.
|