CHỦ TÀU CÁ NGUYỄN VĂN ÁI:
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”
22:3', 25/6/ 2011 (GMT+7)

Thời gian qua, nhiều lần các tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định cũng như ngư dân các tỉnh khác bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, cản trở dù đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Thế nhưng, cũng như nhiều tàu cá khác, 4 tàu cá của ông Nguyễn Văn Ái (62 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ), trong đó có tàu công suất 900 CV, vẫn ra khơi đánh bắt bình thường để khẳng định chủ quyền, ngư trường. Trò chuyện với chúng tôi, ông Ái quả quyết: “Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”.

 

Tàu cá BĐ-94439 TS, có công suất 900CV, được coi là tàu cá có công suất lớn nhất Bình Định.

 

* Hơn 40 năm gắn bó với biển

Sau hơn 40 năm gắn bó với biển, giờ đây, vị thuyền trưởng Nguyễn Văn Ái đã bước sang 62 tuổi, dù không thường xuyên lên tàu ra biển như trước nhưng ông vẫn là “Tổng chỉ huy” của 4 tàu cá do các con làm thuyền trưởng, tham gia đánh bắt vùng biển Trường Sa qua hệ thống ICOM.

* Hơn 40 năm gắn bó với biển, hẳn ông đúc kết được nhiều kinh nghiệm?

- Năm tôi 16 tuổi, lần đầu tiên theo cha ra khơi đánh bắt. Thời điểm này, tàu cá của cha tôi còn quá thô sơ, công suất nhỏ, chỉ đánh bắt gần bờ, vùng biển đánh bắt xa nhất cũng chỉ dọc bờ biển đến Phan Thiết (Bình Thuận) là quay về.

Cha đã dạy cho tôi tất cả kinh nghiệm của một người đi biển mà ông đúc kết trong nhiều năm. Từ kinh nghiệm chống chọi với những bất trắc xảy ra trên biển, kinh nghiệm tìm luồng cá để đánh bắt đạt hiệu quả. Năm tôi 21 tuổi, cha giao tàu cá cho tôi làm thuyền trưởng, vươn ra khơi xa.

 

Các tàu cá của ông Ái liên tục trúng mùa cá bò, cá dưa gang trong những chuyến biển gần đây.

 

* Và giờ đây, ông lại truyền kinh nghiệm đi biển cho các con của mình?

- Giờ tôi đã 62 tuổi nhưng còn cường tráng, vẫn đi đánh bắt dài ngày trên biển. Tuy nhiên, các con đã lớn, tôi đã truyền lại kinh nghiệm và để chúng tự vươn ra khơi. Tôi có tổng cộng 8 người con, trong đó, 6 con trai đều nối nghiệp tôi hành nghề trên biển.

Sau nhiều năm hành nghề đánh bắt xa khơi, tôi dành được một số vốn để đầu tư, mua sắm các tàu cá cho các con. Hiện tôi có tất cả 4 tàu: BĐ - 94031 TS (công suất 270 CV), BĐ - 94032 TS (công suất 270 CV), BĐ - 94033 TS (công suất 450 CV) và BĐ - 94439 TS (công suất 900 CV).

* Quyết tâm bám biển, giữ ngư trường

Hai tháng gần đây, hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định thường bị tàu Trung Quốc đuổi bắt dù đang hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Lúc đầu, vì quá lo sợ, nhiều tàu bỏ dở chuyến biển quay về bờ. Thế nhưng, khi đã trấn tĩnh, họ quyết ra khơi trở lại để hành nghề, bám ngư trường, khẳng định chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

* Các tàu cá của gia đình ông thường bị tàu Trung Quốc xua đuổi, gây khó khăn trong việc đánh bắt. Là một người có nhiều năm đi biển, ông đã giải quyết như thế nào?

- Gia đình tôi đã mấy đời gắn bó với biển, riêng tôi đã “bám biển” quá nửa đời người, cả 6 đứa con trai của tôi vừa trưởng thành cũng đã nếm mùi trùng khơi. Biển đã nuôi sống gia đình tôi và gần 400 người khác là người thân của 75 lao động làm việc trên 4 chiếc tàu cá của gia đình tôi trong nhiều năm qua. Chuyện làm ăn đang thuận buồm xuôi gió thì bỗng dưng, thời gian gần đây, cứ vừa ra khơi là tàu của chúng tôi bị tàu Trung Quốc đuổi bắt dù đang đánh bắt trên vùng biển Việt Nam. Thậm chí, họ còn dùng súng để uy hiếp tàu của chúng tôi phải rời ngư trường mặc dù ở đó có rất nhiều cá.

Trước tình hình này, các con tôi xin ý kiến cho tàu vào bờ nghỉ một thời gian chờ tình hình lắng xuống. Qua ICOM, tôi lệnh cho các con kiên quyết không được đưa tàu vào bờ mà tiếp tục bám biển đánh bắt. Biển mình mình đánh cá, sợ gì! Tôi chỉ đạo các con, 4 tàu cá của gia đình cùng một số tàu cá khác cùng đánh bắt gần nhau, khi xảy ra bất trắc thì hỗ trợ lẫn nhau. Thấy các tàu cá của gia đình tôi cũng như các tàu cá khác cương quyết không chịu vào bờ, mà còn liên kết đánh bắt gần nhau, nên tàu của Trung Quốc chỉ chạy ngang qua chụp hình từng tàu rồi bỏ đi, không còn rượt đuổi.

 

Chủ tàu Nguyễn Văn Ái (bên trái) khẳng định với P.V Báo Bình Định: “Dù tàu Trung Quốc có xua đuổi, có gây khó khăn đến đâu đi nữa, ngư dân chúng tôi, đội tàu của tôi vẫn tiếp tục ra khơi đánh bắt. Biển của mình mình đánh cá, sợ gì!”.

 

* Được biết, nhờ tàu cá của ông có công suất lớn nên đã giúp một số tàu cá khác ở Quảng Ngãi thoát khỏi sự truy đuổi của các tàu Trung Quốc?

- Trong chuyến biển đầu tháng 6 vừa rồi, 4 tàu cá của Quảng Ngãi đang đánh bắt gần vùng biển Trường Sa thì bất ngờ bị các tàu cá của Trung Quốc đi kèm phía sau tàu Hải quân rượt đuổi. Nhận được tín hiệu hỗ trợ từ các tàu bạn, tàu cá BĐ-94439 TS (công suất 900 CV) cùng các tàu cá khác mở hết tốc lực chạy đến địa điểm tàu Quảng Ngãi đang bị bao vây. Khi thấy đội của tôi đến, các tàu cá Trung Quốc quay đầu bỏ đi, không rượt đuổi nữa. Đây không phải là lần đầu tiên tàu cá của tôi giúp các tàu cá Quảng Ngãi. Trước đó, năm 2009, một tàu cá của Quảng Ngãi cùng 28 ngư dân đang đánh bắt quanh khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu rồi bỏ chạy. Tàu cá của tôi phát hiện, kịp thời đến cứu 28 ngư dân, đưa vào bờ tại tỉnh Khánh Hòa. Tôi còn mua cho mỗi ngư dân gặp nạn một bộ quần áo, hỗ trợ tiền xe để họ về quê.

* Đóng tàu công suất lớn vươn ra khơi xa

Bình Định là một trong những tỉnh duyên hải miền Trung có lực lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản hùng hậu với gần 8.000 chiếc, trong đó, tàu có công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt khơi xa gần 2.000 chiếc. Đặc biệt, ông Ái là người đầu tiên ở Bình Định và là một trong số ít ngư dân ở miền Trung dám bỏ ra một số tiền khá lớn để đóng một tàu cá công suất lên đến 900 CV.

* Nhiều chủ tàu sợ thua lỗ không dám sắm tàu lớn. Còn ông, vì sao lại mạnh dạn bỏ ra tiền tỉ, sắm chiếc tàu có công suất khá lớn để vươn ra khơi?

- Sợ làm ăn thua lỗ, không dám sắm tàu lớn chính là điểm yếu lâu nay của ngư dân mình. Nhưng thực tế, nếu có tàu lớn, việc đánh bắt sẽ thuận lợi hơn, sản lượng cũng sẽ cao hơn; có tàu lớn cũng ít sợ bất trắc xảy ra trên biển cũng như sự uy hiếp của các tàu cá Trung Quốc. Chính vì những lý do đó, tôi đã vét cạn vốn sau bao năm tích góp từ nghề đi biển, đầu tư một chiếc tàu công suất lớn, hiện đại, tiện nghi hơn. Tàu cá này chính thức đưa vào đánh bắt từ tháng 12.2010.

 

Tài công Nguyễn Văn Ly đưa tàu cập bờ.

 

* Ông có thể giới thiệu đôi nét về con tàu có công suất lớn nhất này?

-  Tàu BĐ-94439 TS, công suất 900 CV tôi đặt đóng tại Quy Nhơn. Tổng số gỗ để đóng còn tàu này là 215 m3, gồm các loại gỗ: sến, kiền kiền, xoay… Tàu dài 26 m, rộng 7,5 m, nặng 150 tấn, chịu được biển động cấp 7, cấp 8. Trên tàu còn được trang bị 1 máy rađa, 2 máy ICOM, 2 máy định vị, 1 tivi màn hình phẳng 32 in và dàn karaoke… Chỉ riêng con tàu, tôi đã bỏ ra hơn 3,5 tỉ đồng; ngoài ra, còn đầu tư thêm 1,3 tỉ đồng để mua ngư lưới cụ đưa lên tàu hành nghề.

* Đưa tàu có công suất lớn ra khơi, chắc sản lượng đánh bắt tăng cao hơn so với trước đây?

- Khi chưa đưa tàu công suất lớn vào hoạt động, năm 2010, các bạn đi làm trên tàu cá của tôi chỉ chia được 55 triệu đồng/người/năm. Khi đưa tàu công suất lớn vào đánh bắt, chỉ mới 5 tháng của năm 2011, các bạn đã được chia 78 triệu đồng/người.

Đầu năm đến nay, tàu công suất lớn này liên tục trúng mùa, nếu không có sự gây cản trở của các tàu Trung Quốc thì còn trúng đậm hơn nữa. Chuyến biển cuối tháng 5 vừa rồi, tàu BĐ-94439 TS đã đánh bắt được 70 tấn cá bò, dưa gang, bán được 1,5 tỉ đồng. Ngày 16.6, tàu cá BĐ-94439 TS lại cập cầu cảng Hải đoàn Biên phòng 48 (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) mang theo 25 tấn cá bò, cá dưa gang sau 20 ngày đánh bắt ở khu vực biển Trường Sa, bán được 800 triệu đồng…

* Hiệu quả đánh bắt mang lại khá cao khi có tàu công suất lớn, trang thiết bị hiện đại. Vậy ông có dự định đóng thêm những con tàu như thế?

- Thời gian qua, tôi đã làm thủ tục xin vay vốn ngân hàng từ 1,5-2 tỉ đồng để đóng thêm một tàu có công suất 900 CV, nhưng chưa được giải quyết. Qua thông tin đại chúng, tôi mong Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện hơn cho tôi cũng như các ngư dân khác được vay vốn để đầu tư tàu có công suất lớn hơn, trang thiết bị hiện đại hơn để vươn ra khơi xa đánh bắt. Đây là cách để chúng tôi giữ được ngư trường truyền thống, góp phần giữ được chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

* Cảm ơn ông!

  • Nguyễn Phúc (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)
Trò chuyện với “ông chủ” trang trại đà điểu lớn nhất bình định   (18/06/2011)
Như một tình cờ lạ lùng   (18/06/2011)
Chình giống Mỹ Châu  (12/06/2011)
Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của chúng tôi  (08/06/2011)
Trên đôi chân của niềm tin và tự lực…  (05/06/2011)
Thành danh trên đất khách   (05/06/2011)
Tìm vận may trong lòng đất  (29/05/2011)
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết  (28/05/2011)
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (23/05/2011)
Theo những chuyến tàu…  (22/05/2011)
Anh cả của nhiều lớp đội viên  (21/05/2011)