Rồi đây, hình ảnh chiếc xích lô chầm chậm qua các nẻo đường Quy Nhơn sẽ thành dĩ vãng khi Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về việc cấm các loại xe 3, 4 bánh tự chế lưu hành trong nội thành có hiệu lực. Đó là quy luật của sự phát triển xã hội. Dẫu sao, sự cáo chung của chiếc xích lô- một loại phương tiện giao thông đã rất quen thuộc với con người gần một thế kỷ qua- cũng sẽ đẩy lùi vào ký ức bao câu chuyện buồn vui gắn với nó.
|
Chở khách trên đường Nguyễn Tất Thành.
|
* Xích lô: ngày ấy- bây giờ
Theo Wikipedia, xích lô xuất hiện vào khoảng năm 1939. Chiếc đầu tiên do một người dân miền Charente (Pháp) tên là Coupeaud, một người đam mê thể thao, phát minh ra. Nhưng rút cục nó lại không trở thành phương tiện giao thông ở nước Pháp mà thành phố đầu tiên được cấp phép sử dụng loại phương tiện này là ở thuộc địa: Phnompenh (Campuchia). Từ Phnompenh, xích lô đã đến Sài Gòn. Từ Sài Gòn, chiếc xích lô bắt đầu lan nhanh đến các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có TP Quy Nhơn.
Chú Năm Bình, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám, TP Quy Nhơn, chạy xe từ lúc tuổi mới đôi mươi, giờ đây mái tóc đã “muối nhiều hơn tiêu” vỗ vỗ vào chiếc xích lô đã cũ kỹ: “Tôi chẳng biết chiếc xích lô đầu tiên có mặt tại TP Quy Nhơn từ lúc nào, chỉ biết rằng từ nhỏ, tôi đã được mẹ cho ngồi lên xích lô để đi chợ. Khi lớn lên, tôi lại chọn nghề đạp xe xích lô để kiếm sống. Bốn mươi năm qua, chiếc xe này đã từng nuôi sống cả gia đình tôi. Hai đứa con tôi vào đại học và thành danh nhờ chiếc xích lô này. Bây giờ nhà tôi đã có vài chiếc xe máy, nhưng tôi vẫn đạp xích lô ngày ngày. Cái nghiệp chạy xích lô ngấm sâu vào máu thịt tôi chứ không hẳn chỉ vì mưu sinh. Mấy đứa con cứ khuyên can mãi, không cho tôi chạy nữa, nhưng ở nhà buồn lắm. Mỗi ngày lấy chiếc xích lô ra chạy vòng vòng thành phố, vừa khỏe người lại có ít tiền tiêu vặt, đỡ phải nhờ vợ con…”.
Hơn 10 năm về trước, cả TP Quy Nhơn có gần 3.000 chiếc xích lô và được tập hợp thành HTX xích lô, có trụ sở tại đường Tô Hiến Thành bây giờ. Thời ấy, xích lô là loại phương tiện thông dụng. Du khách đến Quy Nhơn thích ngồi trên chiếc xích lô chạy chầm chậm qua từng con đường để ngắm nhìn phố xá. Các bà, các cô đi chợ chọn xích lô vì giá rẻ và có thể chở được nhiều đồ. Với tôi, ấn tượng về chiếc xích lô lại là từ một vụ…tai nạn. Ngày ấy tôi vào TP Quy Nhơn để thi đại học, vừa xuống bến xe, tôi đã được vài chú xích lô đến chào mời. Khi tôi trả giá xong và lên xe ngồi, chú chạy xích lô cười: “Nếu chở đúng giá thì anh chạy đủ 3 bánh, nhưng chú em mày trả rẻ hơn thì anh chạy 2 bánh thôi…”. Nói xong, người chạy xích lô cười vang rồi nhấc bổng 1 bánh lên và cứ thế chạy 2 bánh khiến tôi ngồi trên xe “mặt xanh như tàu lá”. Khi chạy được một đoạn, người lái xe không giữ được thăng bằng nên xe ngã kềnh ra đường, chồng bánh tráng nước dừa mà mẹ tôi dặn đem vào biếu bác tôi bị bể nát. Giờ đây, mỗi lúc từ quê vào tôi chọn honda ôm hoặc taxi chứ không đi xích lô nữa. Với tôi và có thể với nhiều người, xích lô giờ đã lỗi thời. Chú Năm Bình đưa mắt nhìn xa xăm: “Hồi ấy, tui mua chiếc xe này gần nửa cây vàng, đắt thì có đắt nhưng kiếm sống được. Nhớ những ngày vắng khách, hoặc thưa khách quá, bọn tui “diếm” tiền chạy được, không nộp cho HTX, vậy là bị tạm giữ xe, phải lo nộp thuế đầy đủ mới được phép lấy xe ra chạy tiếp. Còn bây giờ cậu thấy đấy, có mấy ai thèm đi xích lô nữa đâu, chúng chỉ còn dùng để chở hàng là chủ yếu. Vì ế khách nên bây giờ chỉ còn những người lớn tuổi, chẳng có nghề ngỗng gì là còn bám lấy chiếc xích lô, vừa kiếm cơm cũng vừa “đỡ ghiền” vì một công việc đã quen”.
Anh Tùng, nhà ở đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn, tâm sự: “Trước đây, tôi từng làm việc ở cơ quan nhà nước nhưng vì hồi ấy tiền lương chẳng đủ nuôi gia đình nên tôi chạy thêm xích lô ngoài giờ làm, dần dần thấy chạy xe có tiền, tôi bỏ hẳn công việc ở cơ quan theo nghề đến bây giờ…”.
Cho dù thời “hoàng kim” của xích lô không còn nữa, nhưng bây giờ chạy xích lô vẫn là công việc dễ kiếm tiền, đối với những người không có nghề nghiệp ổn định, mà chẳng phải đầu tư nhiều. Anh Tùng cho biết: “Mỗi ngày tôi chạy xích lô ra đây đợi khách, bèo lắm thì cũng chở được vài chuyến hàng hoặc một hai người từ bến xe về nhà, kiếm được năm ba chục nghìn, có hôm cũng được hơn trăm nghìn…”.
|
Đón khách ở đường Phạm Hùng.
|
* Mai này xích lô
Cuộc sống ngày càng phát triển cùng với sự ra đời của nhiều loại phương tiện giao thông hiện đại như honda ôm, taxi… xích lô dần mất đất sống. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay toàn thành phố Quy Nhơn chỉ còn khoảng 200 chiếc xích lô hoạt động. Khách hàng của xích lô bây giờ chẳng phải là người đi thăm thú phố xá hoặc di chuyển mà chủ yếu là hàng hóa cồng kềnh không thể chở được bằng xe gắn máy mà không đủ lượng để chở trên xe tải nhẹ như bàn, ghế, tủ, sắt thép.
Khi tôi có ý định hỏi chuyện anh Thanh, nhà ở đường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, về công việc chạy xích lô, anh gạt phắt: “Thôi đi, cậu hỏi, viết báo để Nhà nước sớm cấm xích lô cho cả nhà tui đói à?”. Tôi phải giải thích mãi, anh mới vui vẻ nhận lời. Anh hỏi tôi: “Cậu có nghe cái bài mà ca sĩ Mỹ Tâm hay hát không, bài “Xích lô” ấy. Cái nghề của bọn tui kể ra cũng khoái hoạt và nên thơ lắm chứ. Với tui, thì chiếc xích lô này còn có một ý nghĩa rất đặc biệt, chính nó là cầu nối cho tui gặp vợ tui đấy. Ngày trước tui thường chở cô ấy đi xuống chợ Lớn. Một lần đang đi bị mưa to, tui bung mái che trên xe cho cô ấy, còn tui thì ướt nhẹp. Cổ xúc động quá rồi có cảm tình với tui, dần dần yêu nhau luôn…”.
Hiện nay, ở những thành phố lớn như: Hà Nội, Nha Trang, Huế… xích lô được tập hợp lại để làm phương tiện du lịch. Có nhiều du khách vẫn muốn được sử dụng loại phương tiện này để dạo phố. Ở Quy Nhơn thì chưa có sự tập hợp mang tính quy mô như thế, nhưng vẫn có không ít người “tân trang” xe xích lô thật đẹp và thường “đậu” ở gần khách sạn để đón khách du lịch. Anh Thanh cho biết: “Như chiếc xe của tui đây thì giá chưa đến 1 triệu đồng, vì nó quá cũ kỹ nên tui dùng để chở hàng là chính. Với những chiếc xe muốn chở khách du lịch thì phải đầu tư làm đẹp, có khi phải mất đến vài triệu đồng. Rất tốn tiền nhưng đón khách ít lắm, vì mình “đánh lẻ” không có đoàn, hội gì cả nên khách du lịch họ cũng ngại…”. Nói đoạn, anh Thanh chặc lưỡi: “Có lẽ xích lô cũng sắp đến ngày hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó rồi cậu ạ. Thời buổi hiện đại nên nhà nhà có xe máy, xe hơi, ai thèm đi xích lô nữa. Vả lại, Nghị quyết 32 của Chính phủ về việc cấm các loại xe 3, 4 bánh tự chế lưu hành trong thành phố rồi sẽ áp dụng, nên đến lúc xích lô cũng sẽ phải bỏ đi giống như xe lam 3 bánh thôi. Dẫu vậy, ngày nào tôi còn khỏe, Nhà nước mình chưa cấm thì tôi vẫn cứ chạy xích lô, để rồi “vắng khách đôi khi về chở gió, không tiền không bạc vẫn cười vang”.
|
Đợi khách ở công viên thiếu nhi.
|
* Thay lời kết
Trong suy nghĩ của nhiều người, chiếc xích lô như một chứng tích của một giai đoạn nghèo khổ của đất nước và nó đã lỗi thời trước nhịp điệu của cuộc sống hôm nay. Nhưng nhìn thấy chiếc xích lô và nhớ đến chiếc xích lô, không ai có thể phủ nhận được sự gần gũi thân thương của nó và ít nhiều nó cũng đã là một phần của cuộc sống người dân đô thị. Tôi có dịp đi Hà Nội, đi Huế và Nha Trang, được ngồi lên những chiếc xích lô xinh đẹp chuyên chở khách du lịch. Nhìn các bác tài thong thả đạp xe trong những bộ đồ đồng phục của đơn vị du lịch, tôi chợt nhớ đến hình ảnh những ông cụ tóc đã điểm bạc, gò lưng đạp xe trong nắng trưa để chở hàng ở Quy Nhơn. Và nhớ đến hình ảnh ông cụ chạy xe xích lô vắt chân chữ ngũ, nằm “quên đời” dưới bóng mát của tán cây xà cừ trước cổng cơ quan tôi trên đường Phạm Hùng.
Các chữ Cyclo, rồi Cyclerickshaw, trishaw, Cyclo pedicab trong tiếng Anh hay tiếng Pháp không mô tả đúng chiếc xích lô ở Việt Nam ngày nay. Nguyên thủy nó đều nói đến loại xe nhẹ, có thể là hai hoặc ba bánh. Cho đến nay, cả người Nhật, người Mỹ cũng đưa ra những bằng chứng cho rằng người phát minh ra chiếc xích lô là những người thợ rèn làm theo đặt hàng của các nhà thờ. Cũng như lịch sử chiếc xe đạp, chiếc xích lô đầu tiên là một câu chuyện không rõ ràng và đầy tranh cãi ở nhiều nước. |
|