Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”
20:51', 2/7/ 2011 (GMT+7)

Hơn 20 năm làm Khu vực trưởng khu vực 2 (phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn), ông Nguyễn Tin luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; được nhân dân trong khu vực mến yêu, tin tưởng.

* Một thời lửa đạn

Lớn lên trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, ông Nguyễn Tin (SN 1944) đã tòng quân bảo vệ Tổ quốc khi vừa tròn 21 tuổi. Dù ở đơn vị nào, ông cũng luôn thể hiện phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ: Cần cù, dũng cảm, không ngại khó khăn để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

 

Hơn 20 năm làm Khu vực trưởng KV2, ông Nguyễn Tin luôn gần dân, được dân quý, dân tin.

- Trong ảnh: Ông Nguyễn Tin kiểm tra danh sách ứng cử viên HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 tại khu vực mình phụ trách).

 

Có nhiều năm sống và chiến đấu ở miền Bắc, ông có thể nhắc lại những tháng năm đó ?

- Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê thuộc tỉnh Hà Nam Ninh cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam - PV). Là con của một gia đình thuần nông, lại lớn lên trong lúc đất nước đang có chiến tranh nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Năm 1965, tôi nhập ngũ, tham gia Trung đoàn 218 với nhiệm vụ chính là chiến đấu bảo vệ vùng trời thủ đô Hà Nội.

Tháng 1.1966, tôi được tổ chức phân công về tham gia chiến đấu tại Đoàn tên lửa Sông Đà. Đến năm 1967, tôi được đi học nghề sửa chữa máy bay phản lực tại Trường Không quân đóng trên địa bàn Hà Nội. Sau khi hoàn thành khóa học, tôi phục vụ công việc sửa chữa máy bay chiến đấu của quân đội ta tại sân bay Gia Lâm, Đa Phúc, Hòa Lạc (thuộc tỉnh Hà Tây cũ - PV); sân bay Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và một số sân bay chiến đấu khác tại các tỉnh phía bắc.

Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, tôi chuyển vào làm việc tại Sân bay Phù Cát (Trung đoàn 940). Đến tháng 7.1987, do điều kiện sức khỏe không cho phép, tôi được tổ chức cho xuất ngũ.

Trong những năm tháng phục vụ quân đội, ông có những chiến công gì đặc biệt?

- Thú thật, trong thời gian phục vụ quân đội, tôi không có chiến công nào đặc biệt để được vinh danh. Tuy nhiên, tôi rất tự hào vì được đứng trong hàng ngũ của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô, bảo vệ đất nước. Là một người lính Cụ Hồ, tôi luôn tâm niệm phải chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đơn vị của chúng tôi luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những lúc đối mặt với sự sống còn, khắc nghiệt của chiến tranh, bản thân tôi và đồng đội đều có chung một mục đích nhằm thẳng quân thù mà tiến, mà bắn, xem sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng…

Với nhiệm vụ sửa chữa máy bay chiến đấu, không trực tiếp đánh giặc, nhưng tôi cũng rất vinh dự vì đã góp công sức vào thắng lợi chung của Không quân Việt Nam.

 

Ông Nguyễn Tin (bên trái) khi còn phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

* Phát huy truyền thống bộ đội Cụ Hồ

Năm 1989, ông Nguyễn Tin được nhân dân KV 2 tín nhiệm bầu làm Khu vực trưởng. Với tinh thần của một người lính Cụ Hồ, ông không quản ngại khó khăn; tận tình phục vụ nhân dân, được người dân trong khu vực mến yêu, tin tưởng.

Lẽ thường, nghỉ hưu là lúc nghỉ ngơi “an hưởng tuổi già” nhưng ông vẫn tiếp tục phục vụ chính quyền, phục vụ nhân dân?

- Như tôi đã nói, “máu” của anh bộ đội Cụ Hồ không cho phép tôi dừng lại để nghỉ ngơi. Tôi sẽ cố gắng hết khả năng để phục vụ nhân dân, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi Đảng tin, dân cần; đó cũng là trách nhiệm của một công dân.

Năm 1989, tôi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Khu vực trưởng KV2. Không biết duyên số thế nào, từ đó tôi cứ tiếp tục “vác tù và hàng tổng” cho đến hôm nay. Đồng thời, tôi cũng được nhân dân bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân phường Ngô Mây 5 khóa liên tiếp (từ khóa VII đến khóa XI).

Làm Khu vực trưởng hẳn có rất nhiều khó khăn?

- Năm 1989, mới về KV2 chưa được bao lâu, tôi chưa nắm hết địa bàn nên cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian đó, địa bàn KV2 tương đối phức tạp. Tình trạng thanh thiếu niên, các đối tượng xấu tụ tập ăn nhậu say xỉn, gây gổ đánh nhau; gái mại dâm, nghiện hút xuất hiện; trộm cắp tài sản thường xuyên xảy ra nên càng khó khăn hơn.

Tôi luôn xác định, làm bất cứ việc gì cũng phải gần dân, hết lòng phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân. Do đó, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và “lấy tình cảm làm công cụ cảm hóa, giáo dục”, tôi tiến hành rà soát; tới nhà từng đối tượng hư hỏng, chậm tiến trên địa bàn để vận động, thuyết phục gia đình cùng chung tay cảm hóa đối tượng.

May mắn cho tôi là người dân sống trên địa bàn hiểu và làm theo những gì tôi nói nên chỉ một thời gian ngắn, tình hình an ninh trật tự tại KV2 có bước chuyển biến tích cực. Người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước; các đối tượng thanh, thiếu niên chậm tiến, đối tượng xấu dần dần “hết đất sống”.

 

Khảo sát xây dựng nhà xóa đói giảm nghèo cho người dân trong khu vực vào năm 2003.

 

Ông được người dân trong khu vực gọi bằng những cái tên nghe rất lạ như “ông xóa đói giảm nghèo”, “ông hòa giải”… Từ đâu xuất hiện những cái tên đó ?

- Suốt hơn 20 năm làm Khu vực trưởng, tôi luôn trăn trở làm sao giúp được càng nhiều người dân càng tốt; làm sao để người dân trong khu vực xóa được đói, giảm được nghèo. Vì vậy, tôi luôn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn vay “xóa đói giảm nghèo”, vốn vay hỗ trợ học sinh, sinh viên con nhà nghèo tiếp tục học tập. Tôi rất vui vì cuối cùng những cố gắng của mình cũng đạt được một số kết quả nhất định. Nếu năm 2004, toàn KV2 có 24 hộ nghèo, 3 hộ đói thì đến cuối năm 2010, số hộ nghèo ở khu vực chỉ còn 9; hộ đói không còn.

Năm 1986, ông Nguyễn Tin được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có thành tích trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 2003, ông được Công an tỉnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giáo dục trẻ em hư trên địa bàn phụ trách.

Tôi luôn xác định, để hoàn thành tốt trách nhiệm của một khu vực trưởng, việc sâu sát với quần chúng là hết sức quan trọng. Do đó, tôi luôn cố gắng tới từng nhà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; từ đó, hiểu được những mâu thuẫn trong từng gia đình, cũng như tổ dân phố để có cách hòa giải thấu tình đạt lý.

Ông có thể kể lại những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian làm công việc “vác tù và hàng tổng”?

- Tôi nhớ nhất là lần can thiệp hòa giải cho hai anh em trong một gia đình đang đánh nhau; là tình huống tôi đề nghị đưa một thanh niên thường ăn nhậu, quậy phá đi cưỡng bức lao động; là việc giúp đỡ hai vợ chồng từng đi tù hoàn lương… Những trường hợp này khi mới gặp tôi lần đầu đều “ác cảm” với tôi. Có người vác dao định chém tôi, có người chửi tôi hết sức thậm tệ. Tuy nhiên, sau khi các đối tượng được sự giáo dục của các cơ quan pháp luật, sửa chữa sai lầm, trở thành công dân tốt, họ đã đến nhà tôi cảm ơn. Những lúc như thế, tôi vô cùng hạnh phúc vì đã góp một phần công sức trong việc cải tạo một con người chưa tốt trở nên có ích cho bản thân và xã hội.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

  • Văn Lực
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)
Trò chuyện với “ông chủ” trang trại đà điểu lớn nhất bình định   (18/06/2011)
Như một tình cờ lạ lùng   (18/06/2011)
Chình giống Mỹ Châu  (12/06/2011)
Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của chúng tôi  (08/06/2011)
Trên đôi chân của niềm tin và tự lực…  (05/06/2011)
Thành danh trên đất khách   (05/06/2011)
Tìm vận may trong lòng đất  (29/05/2011)
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết  (28/05/2011)
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)
Hậu duệ lính Hoàng Sa  (23/05/2011)