Đời thường của “quốc hoa”
20:54', 3/7/ 2011 (GMT+7)

Khi chúng tôi đến, bàu sen Bả Canh (thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn) và bàu sen Thanh Minh (thôn Phụng Du 1, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn) đang vào mùa. Thu hoạch sen không nặng nhọc nên người già, trẻ em cũng có thể tham gia, tạo nên không khí lao động rộn ràng trên nền hoa đầy màu sắc, dệt nên bức tranh quê thanh bình, quyến rũ.

 

Anh Phan Văn Hạ tranh thủ thu hoạch sen trên bàu Bả Canh. Ảnh: Ngô Thanh Bình

 

* Rộn ràng mùa sen

“Ngồi trong quán cà phê kia nhìn ra hồ sen thích lắm” - anh Võ Hùng (45 tuổi) hồ hởi nói về bàu sen Thanh Minh rộng chừng 2 ha đang vào mùa nở rộ. Nhưng phải đến khi đứng trước bàu sen Bả Canh rộng trên 6 ha, tôi mới thật sự choáng ngợp. Bàu sen như một tấm thảm hoa trải dọc xóm Bả Canh. Bà Nguyễn Thị Phước (70 tuổi) cho biết: “Trước kia, bàu này rộng lắm, giờ bị thu hẹp dần. Không biết bàu sen này có từ bao giờ, nhưng từ thời ông nội tôi, ông đã nói là bàu có trước đó lâu rồi”. 

Mùa sen đến, đàn ông xuống đầm để hái gương sen đã chín. Họ lội bùn hay chèo sõng băng vào “rừng” sen phủ đầu, mịt mùng với những ngó sen chi chít. Anh Phan Văn Hạ vừa chèo sõng vừa nói vọng lên: “Tranh thủ hái cho kịp chứ để gương già, hạt cứng không lột được”. Hơn một giờ sau, anh Hạ chèo chiếc sõng đầy gương sen quay vào bờ. Đám trẻ tranh nhau hốt. Cháu Dương Minh Thiện, 13 tuổi, cho biết: “Ai hốt nhiều thì được làm nhiều, chậm chân là hết ngay”. Thiện cho biết, mỗi ngày, cậu tách hạt được 15-20 kg, mỗi kg được trả 1.000 đồng. Ngày hè, nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 ở đây đều tranh thủ tách hạt sen để kiếm thêm tiền vào năm học mới mua sách vở, quần áo mới. Nhìn nhiều cháu nhỏ tuổi nhưng cũng tham gia tách hạt sen, tôi thấy ái ngại cho một tuổi thơ bị đánh cắp. Vậy nhưng, cháu Hằng, 10 tuổi, nói: “Vui lắm chú ạ! Ra đây làm, vừa được đùa giỡn, vừa có tiền mà chẳng mệt nhọc gì”. Trong nhóm ngồi lột hạt sen có cả cụ già, trẻ em, có em mới 5-6 tuổi cũng theo ông, bà ra ngồi mày mò tách từng hạt sen ra khỏi gương. Ở Bả Canh, mùa sen cho thu hoạch khá lớn, có thể đến vài chục triệu đồng.

Chúng tôi men bờ theo những người đàn ông hái sen. Giữa cái nắng trưa hè, họ vẫn nói cười rôm rả, tay quơ hái từng ngọn gương già. Gương chín, canh đúng thời điểm nào để hái thì chỉ có những người làm sen có kinh nghiệm mới biết. Anh Nguyễn An, ở bàu sen Phụng Du, cho biết: “20 ngày tính từ lúc sen nở hoa là có thể thu hoạch được. Nhưng một lứa sen chín chỉ kéo dài khoảng 3 ngày. Vì vậy, người hái phải tranh thủ trước khi sen già đi”. Ở Phụng Du, bà con chủ yếu làm nông; cả mùa sen thu hoạch chừng tấn rưỡi đến 2 tấn, tiền chia được chỉ đủ cho mỗi nhà lo học phí cho con vào năm học mới.

 

Nhiều người tham gia tách hạt sen, lột lụa, đâm tim. Ảnh: Minh Úc

 

* Ích lợi từ bùn lầy

Sen sau khi được tách khỏi gương thì có mối đến lấy. Thường thì những mối này lấy hàng về, sẽ thuê người lột lụa, đâm tim sen (tim là mầm xanh nằm trong hạt sen, tim sen rất đắng vì thế phải lấy ra trước khi chế biến, thường dùng làm trà sen). Sen đã lột lụa có giá 70.000 đồng/kg, tim sen 300.000 đồng/kg. Riêng sen đã được xâu thành chuỗi thì giá 15.000 đồng/100 hạt. Ở Bả Canh, mỗi ngày thu hoạch khoảng 1,5 tạ hạt sen.

Lá sen là loại có tán rộng, nhưng dường như, sự to lớn ấy chẳng thể che lấp vẻ rực rỡ của những sắc hồng đang đu đưa. Tựa như những nét chấm phá trong bức tranh được bao phủ bởi cả màu xanh của thiên nhiên, hoa sen hòa quyện, tạo nên một sức hút mê đắm lòng người.

Việc mua bán sen ngay tại nơi hái thường tính theo thiên (bằng 1.000 hạt). “Mỗi mùa, hạt sen lớn nhỏ khác nhau. Như năm nay, hạt sen to nên 1 thiên được 2,9 kg, năm ngoái thì chỉ có 2 kg, lại có năm 1 thiên chỉ được một ký mấy thôi” - cụ Lại Thị Thái cho biết. Giá sen cũng thay đổi theo từng mùa. Chị Phan Thị Tích, một trong những mối thường xuyên đến lấy sen, cho hay: “Sen mua được, tôi chở đi Quy Nhơn. Ở trong đó, có mấy đứa em hay bỏ sen cho các nhà hàng, khách sạn. Hạt sen quê mình được cái vừa bùi, vừa thơm”.

Sen bắt đầu nở từ tháng 2 đến tháng 6 (âm lịch). Mùa nở rộ cũng là mùa thu hoạch hạt sen. Sang tháng 7, sen bắt đầu tàn. Gặp những năm mưa lớn, khoảng đầu tháng 8, cả hồ ngập nước, sen sẽ tự chết rục, mùa sau lại mọc lên. Bây giờ, người ta trồng sen không nhiều như xưa. Các bàu sen cứ teo tóp dần. Những bàu sen rộng và nở rộ như cái “ao làng” Thanh Minh hay Bả Canh này còn rất ít.

Sen không chỉ để ngắm. Hương vị thanh mát của món chè sen trong những ngày hè oi bức; hay trà tâm sen trị chứng mất ngủ, giúp giải nhiệt và có tác dụng hạ huyết áp… làm nên giá trị cây sen. Hầu như tất cả các bộ phận của cây sen đều là những thực phẩm hữu ích và còn là những bài thuốc dân gian bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Từ ngó sen mọc ngập trong bùn thường được chế biến thành món gỏi nổi tiếng, có tác dụng cầm máu, bổ huyết; củ sen có thể nấu thành nhiều món khác nhau như: canh củ sen hầm xương, kim chi củ sen, củ sen xào thịt… Lá sen ngoài việc dùng để gói cốm, xôi, còn có nhiều công dụng chữa bệnh. Đặc biệt, sen còn là một nguyên liệu không thể thiếu của lối chơi phong nhã ướp trà sen. Hạt sen không chỉ nấu chè, nấu xôi mà tim sen còn có thể phơi khô làm trà, lá sen thỉnh thoảng trở thành nón che nắng cho tụi trẻ chăn trâu.

 

Em Nguyễn Thị Thanh Trang (học sinh lớp 10A5, trường THPT Nguyễn Trường Tộ, huyện An Nhơn) hái hoa sen đến trường tặng thầy cô nhân ngày bế giảng. Ảnh: Ngô Thanh Bình

 

* “Chẳng biết tay ai làm lá sen”

Thỉnh thoảng, những dịp về thăm, thả bộ quanh những bàu sen vào mùa, hẳn nhiều người sẽ không khỏi xao xuyến trước cái hữu tình ở thôn quê. Có lẽ vì thế mà chị Dương Hải Âu, quê ở Hoài Hảo, cùng những người bạn từ TP Hồ Chí Minh tranh thủ dịp nghỉ phép về thăm nhà, đã rất thích thú khi chứng kiến cái bàu sen ở làng nở rộ. Chúng tôi gặp chị Hải Âu vào một buổi sáng, khi sương còn lung linh trên những cành lá. Chị hồ hởi trò chuyện: “Mình và nhóm bạn rất thích ra đây chụp hình. Sen ở quê nở nhiều và đẹp quá!”. Trước khi lên xe quay lại cuộc sống sôi động ở thành phố, chị Hải Âu và những người bạn không quên mang theo những chuỗi hạt sen. Chị bảo: “Sen ở quê tươi và thơm. Mua hạt còn nguyên vỏ vào trong đó chịu khó bóc vỏ một tí, mình có thể làm quà cho bạn bè. Mà mùa này nấu chè sen ăn mát lắm”.

Hạt sen ở đâu cũng bán, nhưng mua ở quê mang vào thành phố lúc nào cũng mang một ý nghĩa riêng. Những người con đi lập nghiệp phương xa, trong tiềm thức luôn muốn mang theo chút gì đó hương vị của quê nhà, để không chỉ giới thiệu với bạn bè, mà còn nhắc nhở bản thân về một tình yêu… Suy nghĩ của chị Hải Âu khiến tôi chợt nhớ đến câu thơ của Nguyên Sa: “Vẫn hỏi mình hương cốm/ chả biết tay ai làm lá sen”.

  • Trường Đăng - Minh Úc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)
Trò chuyện với “ông chủ” trang trại đà điểu lớn nhất bình định   (18/06/2011)
Như một tình cờ lạ lùng   (18/06/2011)
Chình giống Mỹ Châu  (12/06/2011)
Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của chúng tôi  (08/06/2011)
Trên đôi chân của niềm tin và tự lực…  (05/06/2011)
Thành danh trên đất khách   (05/06/2011)
Tìm vận may trong lòng đất  (29/05/2011)
Làm nghề gì cũng cần nhiệt huyết  (28/05/2011)
Người đất Võ gieo chữ ở Trường Sa  (26/05/2011)
Một hiện vật gắn bó với đồng chí Lê Duẩn  (25/05/2011)