KỸ SƯ NGUYỄN VĂN DƯƠNG:
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”
21:0', 16/7/ 2011 (GMT+7)

Đam mê và gắn bó nhiều năm với ngành cơ khí, kỹ sư Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Văn Dương (chuyên sản xuất các thiết bị cơ khí, ở Cụm công nghiệp Quang Trung, TP Quy Nhơn), là tác giả của nhiều loại máy “đặc chủng”, sản xuất theo đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Lối đi riêng qua sự sáng tạo không ngừng nghỉ này đã giúp Công ty TNHH Văn Dương dần khẳng định được thương hiệu.

 

Hệ thống máy bo đáy chỏm cầu do kỹ sư Nguyễn Văn Dương chế tạo. Ảnh: M.H

 

* Sáng tạo theo đơn đặt hàng

Tốt nghiệp kỹ sư khóa đầu tiên ngành chế tạo máy của Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 1980, qua kinh nghiệm nhiều năm sản xuất cơ khí, đến nay, kỹ sư Nguyễn Văn Dương là tác giả của nhiều loại máy như: máy cắt đánh bóng đá tự động; lò sấy titan; máy phối trộn, đùn đất sét; máy ép mùn cưa; hệ thống máy sàng dăm gỗ tự động... Hầu hết các thiết bị này đều được sáng tạo từ yêu cầu của khách hàng, được đánh giá cao về hiệu quả sử dụng và thường là “không đụng hàng”.

* Thay vì chọn sáng tạo những thiết bị có thể sản xuất hàng loạt như một số doanh nghiệp cơ khí khác trong tỉnh, tại sao ông lại chọn chế tạo ra những thiết bị đặc chủng - một hướng đi khó khăn và nhiều rủi ro hơn?

- Trong lĩnh vực cơ khí, mỗi cơ sở sản xuất đều có một thế mạnh riêng, tuy nhiên, đều hướng tới mục tiêu là làm thế nào để sản phẩm làm ra hoàn thiện nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho người sử dụng. Tôi chọn hướng đi này vì ham thích công nghệ, làm cho sản phẩm của Công ty thêm phong phú, tạo thế mạnh riêng, khẳng định thương hiệu của mình. Phải làm thế nào để khi khách hàng cần loại máy đó thì sẽ nghĩ đến mình đầu tiên.

Có nhiều thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài, giá thành khá cao; trong quá trình sử dụng, việc sửa chữa, thay thế phải nhập phụ tùng từ nước ngoài, vừa đắt, vừa mất thời gian chờ đợi, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và không đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Nhiều thiết bị mình làm được thì sẽ giúp cho các doanh nghiệp (DN) giảm chi phí thay vì phải nhập máy nước ngoài với giá thành cao.

* Vậy trong những sản phẩm mà ông đã nghiên cứu, sản xuất, ông tâm đắc nhất là sản phẩm nào?

- Mỗi sản phẩm đều có cái hay riêng, nhưng đến thời điểm này, tôi tâm đắc nhất là máy ép bo đáy chỏm cầu. Đây là máy để sản xuất ra đáy các bồn chứa khí nén, lò hơi có áp lực lớn. Để hoàn thành được máy này, tôi mất 5 năm tích lũy vốn liếng, sưu tầm thiết bị. Tổng giá trị máy gần 2 tỉ đồng, rẻ hơn nhiều so với máy của nước ngoài. Hiện nay, khu vực Tây Nguyên và các tỉnh lân cận Bình Định chưa có ai làm máy này.

Lâu nay, các DN muốn bo đáy chỏm cầu phải gửi đi TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng, rất bất tiện trong bảo hành, thay thế khi hư hỏng. Vì vậy, làm được máy ép bo đáy chỏm cầu, sẽ đáp ứng yêu cầu tại chỗ cho DN, lại giảm được giá thành, thuận tiện trong bảo hành, bảo dưỡng, thay thế.

* Người ta làm được thì mình cũng làm được

Chọn cho mình một lối đi riêng, sáng tạo ra những thiết bị “không đụng hàng”, một vài thiết bị trong số đó là những sản phẩm trong nước chưa sản xuất, chấp nhận rủi ro và đổ công sức, ông Nguyễn Văn Dương muốn khẳng định: “Người khác làm được thì mình cũng làm được”.

* Tạo ra một sản phẩm mới cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro trong đầu tư, nhất là những sản phẩm chưa từng sản xuất. Vậy ông có tính toán đến điều này không?

- Trong ngành cơ khí, để tạo ra một sản phẩm phải chấp nhận rủi ro, vì thành công và thất bại luôn gần kề. Có những thiết bị đầu tư lớn, lại là sản phẩm đặc chủng chưa ai sản xuất, thì phải chấp nhận rủi ro. Bị lỗ là chuyện bình thường. Vì vậy, phải có chút “lãng mạn” trong nghề nghiệp, nói đúng hơn là phải táo bạo và liều một chút, chấp nhận thử thách và tin ở khả năng của mình.

Một số thành tích đã đạt được của kỹ sư Nguyễn Văn Dương: Nghiên cứu chế tạo máy cắt đá granite liên hợp, Huy chương vàng Techmart 2003 và giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (HTSTKT) tỉnh Bình Định lần III (2002-2003); nghiên cứu chế tạo máy đốt đá tự động, đoạt giải Khuyến khích HTSTKT tỉnh lần IV (2004-2005). Bằng khen của UBND tỉnh vì thành tích xuất sắc trong HTSTKT tỉnh giai đoạn 1998-2007. Đề tài “Nghiên cứu, chế tạo máy ép bo đáy cầu”, do kỹ sư Nguyễn Văn Dương làm Chủ nhiệm, vừa được Hội đồng Khoa học công nghệ chuyên ngành của tỉnh xếp loại Xuất sắc.

Tất nhiên, để kinh doanh được trong ngành cơ khí thì không thể quá “hồn nhiên”, cũng phải tính toán, dự đoán khả năng và nắm bắt nhu cầu thị trường, vì một thiết bị có khi trị giá cả vài tỉ đồng. Một thiết bị hay một hệ thống đều phải được hoàn thiện dần, làm từ mô hình nhỏ đến mô hình lớn. Và khi đã chắc chắn độ thành công khoảng 70-80% thì mới quyết định sản xuất; mức độ rủi ro từ 20-30%, mình có thể kiểm soát được. Phải tính toán khả năng nếu có trục trặc thì sẽ có hướng xử lý. Thông thường, thiết bị có độ khó cao thì tôi càng hứng thú. Vì qua mỗi sản phẩm, kinh nghiệm tích lũy sẽ nhiều thêm, những sản phẩm làm sau này sẽ dễ dàng hơn.

* Đầu tư nhiều công sức để sản xuất ra một thiết bị, nhưng nhiều khi sản phẩm làm ra chỉ có 1 cái. Là một DN, không lẽ lợi nhuận không phải là yếu tố được ông đặt lên hàng đầu?

- Dù không sinh lời ngay nhưng có những thiết bị tôi vẫn làm để khẳng định mình làm được. Tại sao nước ngoài sản xuất được, người khác làm được mà mình lại không. Cơ khí là một ngành đặc thù, ngoài lợi nhuận, yếu tố sáng tạo cũng có ý nghĩa rất lớn trong việc thành - bại của DN. Vì vậy, việc được - mất đôi khi không chỉ thể hiện bằng những con số. Có những thiết bị sản xuất theo đơn đặt hàng chỉ một sản phẩm nhưng đó cũng là cách để người khác nhớ đến mình. Và biết đâu, chính sản phẩm này đem đến cho mình những cơ hội khác. Chẳng hạn, nhờ kinh nghiệm sản xuất máy sàng dăm gỗ bạch đàn năm 2007, đến nay, tôi vừa được đặt hàng sản xuất và lắp đặt cả một hệ thống dây chuyền sản xuất dăm bạch đàn cho một DN trong tỉnh. Trước đây, đa số hệ thống dây chuyền sản xuất dăm bạch đàn chủ yếu do Nhật và Đài Loan sản xuất. Dây chuyền này có 2 loại, loại công suất 120 tấn/ca và loại 170 tấn/ca. Loại 120 tấn/ca thì nhiều DN cơ khí trong nước sản xuất rồi; loại công suất lớn hơn là 170 tấn/ca thì trong cả nước chưa ai làm. Tôi đã nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu và sản xuất thành công hệ thống này. Ngoài DN ở Bình Định, tôi còn đang sản xuất và lắp đặt cho một DN ở Đà Nẵng.

 

Kỹ sư Nguyễn Văn Dương đang chạy thử máy sàng dăm gỗ bạch đàn, sản xuất cho một doanh nghiệp tại Bình Định. Ảnh: M.H

 

* Nghề cơ khí chỉ dành cho những người thật sự đam mê

Từ một cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ trên đường Diên Hồng (TP Quy Nhơn), chỉ chuyên làm những thiết bị đặc chủng, năm 1991, Cơ sở Cơ khí Văn Dương được thành lập với vỏn vẹn chưa tới 10 người. Hiện nay, Công ty TNHH Văn Dương đã có số nhân viên 40 người, trong đó có 6 kỹ sư cơ khí và 35 thợ. Sự phát triển từng bước vững chắc của Công ty gắn liền với sự sáng tạo bền bỉ và không mệt mỏi của người đứng đầu.

* Cơ duyên nào đã đưa ông đến với nghề sản xuất cơ khí?

- Tôi còn nhớ, hồi học lớp 8, khi cô giáo cho đề văn có câu hỏi: Ước mơ sau này làm gì? Tôi đã không ngần ngại trả lời là muốn làm kỹ sư. Hồi đó, khi nhìn thấy những chiếc xe đạp, xe máy hay các loại máy móc của nước ngoài, tôi đã luôn tự hỏi, tại sao nước mình không sản xuất ra các loại máy móc cho dân mình dùng mà phải mua từ nước ngoài. Người ta làm được thì chẳng có lý do gì mình không làm được. Sau này, thi đậu vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi được học khoa Chế tạo máy. Tôi may mắn vì có cơ hội để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

* Gắn bó với ngành cơ khí đã hơn 30 năm và liên tục cho ra những sản phẩm mới, điều gì khiến ông luôn giữ được cho mình sự sáng tạo bền bỉ đến vậy?

- Ở các nghề khác tôi không biết, nhưng riêng nghề cơ khí, muốn theo nghề, phải có chút năng khiếu; muốn trụ được với nghề thì phải thật sự yêu nghề. Có yêu, có đam mê thì mới có thể chấp nhận những thiệt thòi của nghề. Vì có những lúc công sức bỏ ra rất lớn, nhưng kết quả thu lại không tương xứng; lại phải luôn chấp nhận thử thách, tìm tòi, sáng tạo những cái mới, phải lăn lóc với nghề.

Chẳng ai có thể chọn giúp cho mình mà bản thân mình phải tự chọn một “mảnh đất” để mình “cày xới” và sống hết mình vì nó. Tôi thấy may mắn vì được làm nghề mình yêu thích và sống tốt với nghề. Nghề cơ khí giúp tôi sống hết 100% sức lực, nhiệt tình và khả năng của mình.

* Cảm ơn ông!

  • Mai Hồng (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)
Trò chuyện với “ông chủ” trang trại đà điểu lớn nhất bình định   (18/06/2011)
Như một tình cờ lạ lùng   (18/06/2011)
Chình giống Mỹ Châu  (12/06/2011)
Bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân là nhiệm vụ của chúng tôi  (08/06/2011)