Theo dấu rùa biển
19:1', 24/7/ 2011 (GMT+7)

Cuối tháng 7, nghe một người quen ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) rỉ tai: Có chú rùa biển đang tìm vào đẻ, vị “sứ giả của đại dương” này có nhiều chuyện hay lắm. Lòng khấp khởi, tôi vội khăn gói lên đường.

 

Ý thức bảo vệ rùa biển của ngư dân đang được nâng cao.

- Trong ảnh: Rùa biển mắc vào lưới ngư dân tại Bãi Xép (TP Quy Nhơn) đang được cứu hộ để đưa về biển. Ảnh: Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS

 

* “Sứ giả đại dương”

Sau khi tập kết tại bãi biển trước trụ sở UBND xã Nhơn Hải, chúng tôi lên tàu nhằm hướng thôn Hải Đông, vốn là nơi “chuyển dạ” của rất nhiều rùa biển. Anh Minh, tên người quen, cho biết: Khoảng 10 năm trước, từ độ tháng Giêng đến khoảng tháng 10 âm lịch, dọc bãi biển Hải Đông lúc nào cũng có rùa lên đẻ. Mấy tháng đầu, chủ yếu là rùa nhỏ; phải đến tháng 4 trở lên mới có rùa lớn, tụi tui gọi là Tráng bông hay Vích. Riêng ở bãi Hải Giang, từ canh trưa trở về chiều, rùa nổi lên, lặn xuống, rồi lại nổi lên rất nhiều.

Tàu cập đảo Hòn Khô. Anh Minh nhảy xuống, đi dọc bãi cát cạnh mép nước, đưa mắt kiếm tìm. Thấy tôi tò mò, anh giải thích: “Tui đi tìm dấu rùa bò. Rùa thường bò từ dưới biển lên bờ đẻ lúc tối trời; đẻ xong, lại bò từ trên bãi cát xuống, nên để lại dấu trên cát. Đường rùa bò có khi rộng cả mét, nếu phát hiện sớm, còn thấy cả dấu chân rùa nhưng lờ mờ thôi”.  

Cẩn thận xem tới xem lui một hồi, anh Minh lắc đầu: “Không thấy dấu vết gì. Vậy là tối qua không có con nào lên”. Chừng tiếc rẻ, anh nói: “Bây giờ tìm dấu rùa khó lắm. Trước đây, tối tối tụi tui ngồi chơi trên bãi cát, thấy rùa từ biển bò lên cả đàn. Sáng ra, dấu rùa bò đầy cả bãi cát. Khoảng 2 năm nay, rùa lên đẻ không bao nhiêu vì dân lấn dần xuống bãi xây cất nhà cửa, lấy cát nuôi ốc, nên rùa không đào ổ được, rồi có người còn đi soi ổ rùa lấy trứng…”.

 

Những “bà đỡ” của rùa.

 

Theo TS. Chu Thế Cường, cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường biển thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam, trước những năm 80 của thế kỷ trước, hầu hết các bãi biển của Bình Định đều có rùa lên đẻ. Một số bãi tập trung nhiều, mỗi năm, có đến 40-90 lượt rùa lên đẻ như bãi Hoài Nhơn (dài hơn 10 km), bãi ngang thuộc xã Cát Tiến - Nhơn Lý (dài 7,5 km), bãi biển các xã Nhơn Hải (Quy Nhơn), Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam (Hoài Nhơn)... Từ năm 1980 đến năm 2000, tuy số lượng rùa lên bãi đẻ giảm dần, song vẫn còn xuất hiện nhiều như tại bãi Tam Quan Bắc - Tam Quan Nam. 10 năm trở lại đây, các bãi này hầu như không còn rùa lên đẻ. Hiện nay, nơi duy nhất còn rùa lên đẻ là bãi Hải Giang và Hòn Khô (xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn). Hàng năm, Vích (tên khoa học là Chelonia mydas) lên đây đẻ nhưng số lượng không nhiều (khoảng 5 cá thể/mùa).

Ông Cường cho rằng, đây là thực trạng chung của toàn vùng biển Việt Nam. Bình Định có thể tự hào là một trong những địa phương còn rùa biển lên đẻ thường xuyên hàng năm tại Việt Nam (các địa phương còn lại là: Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và một số nơi ở tỉnh Quảng Trị).

* Những “bà đỡ” của rùa

Ngày 1.4.2011, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS), Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên và xã Nhơn Hải phối hợp thành lập Nhóm Quan sát và bảo vệ rùa biển. Nhóm có 5 thành viên, ngoài anh Minh còn có các anh: Huỳnh Kim Phụng, Nguyễn Thành Phương (ở thôn Hải Giang); Nguyễn Xuân Hiển và Lê Thái Bình (ở thôn Hải Đông). Các anh có nhiệm vụ quan sát và bảo vệ bãi đẻ, kiểm tra, giám sát và ngăn chặn hành vi khai thác, mua bán rùa biển và trứng rùa.

5 người đàn ông đều mặt nám, tay chai, người đã ngót nghét 60 tuổi, người mới khoảng 30 tuổi. Cả 5 người đều có thâm niên nghề biển, gắn bó với biển nên tình nguyện tham gia bảo vệ “sứ giả của biển”. Mỗi người một gia cảnh, nhưng điểm chung ở họ là lòng yêu quý rùa biển và muốn tình nguyện tham gia bảo vệ chúng.

 

Trứng rùa. Ảnh: St

 

Nhìn các anh say sưa kể về những lần đi tuần tra tìm ổ đẻ, những vất vả khi thời tiết không thuận lợi, rồi phải thường xuyên xuống dân tuyên truyền, vận động, tôi cảm nhận được sự tâm huyết với công việc trong từng con người “ăn sóng nói gió” này. Anh Lê Thái Bình, người trẻ nhất trong nhóm, khẳng định: Tụi tui đi bảo vệ rùa biển vì tụi tui là ngư dân, chỉ vậy thôi.

Hơn 3 tháng qua, từ nguồn tin báo của ngư dân, nhóm đã thả về biển 2 con rùa (1 ở thôn Hải Đông, 1 ở thôn Hải Giang). Tình trạng soi trứng, bắt rùa làm thịt không còn xảy ra nữa. Mới đây, được ngư dân báo có một ổ trứng đã nở ở khe đá gần một bãi dứa tại Hòn Khô, nhóm đến ngay hiện trường và thấy khá nhiều vỏ trứng. Một, hai ngày sau đó, anh Minh tình cờ nhìn thấy 5 con rùa con chạy dọc theo bãi biển. “Vậy là mừng vì ổ trứng đã nở an toàn” - anh Minh nói vậy.

Tôi trêu: “Gọi các anh là “bà đỡ” cho… rùa đẻ nhé”. Tưởng bị giận, không ngờ mọi người tỏ ra vui vẻ. Thì cũng có khác gì đâu. Phát hiện con rùa nào đẻ xong, bị mắc cạn hay gặp vật cản không quay về biển được, cả nhóm phải khiêng “bà đẻ” xuống mép nước; rồi canh chừng ổ. Hiện nay, nhóm đã phát hiện một ổ trứng ở bãi biển Hải Giang. Anh Phương, người chịu trách nhiệm chính trong việc này, cho biết: “Theo kinh nghiệm của tụi tui, ổ này đã được 40 ngày tuổi, chỉ còn non nửa tháng nữa sẽ nở. Tụi tui đã lên kế hoạch, gần đến ngày ấy, cả nhóm sẽ thay phiên thức suốt đêm canh bảo vệ cho rùa nở và xuống biển an toàn”.

* Giữ lại một phần kỳ diệu của thiên nhiên

Năm 2007, Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS đã thực hiện khảo sát bãi đẻ của rùa biển tại xã Nhơn Hải và phát hiện một bãi đẻ tại Hòn Khô. Công tác bảo tồn từ đó đến nay vẫn được tiến hành thường xuyên nhưng gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực, kinh phí. Do vậy, việc Nhóm Quan sát và bảo vệ rùa biển ra đời hứa hẹn không chỉ giúp bảo vệ an toàn cho rùa mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và môi trường sống của rùa biển.

 

Các tình nguyện viên đổ cát giúp rùa đào ổ.

 

TS. Chu Thế Cường cho biết, đây là mô hình mới toanh của Bình Định vì các địa phương khác thường sử dụng lực lượng Kiểm lâm hoặc cán bộ Vườn quốc gia để tiến hành công tác bảo tồn.

Theo bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ NLTS, ngoài nhóm tình nguyện viên trên, tháng trước, Chi cục đã phối hợp với Trường THCS xã Nhơn Hải đưa các nội dung tuyên truyền bảo vệ rùa biển vào chương trình giảng dạy và hoạt động của trường; đồng thời, tổ chức thi “Tìm hiểu và bảo vệ rùa biển” cho học sinh; phát động học sinh tham gia sáng tác văn thơ, vẽ tranh, dựng kịch, thi Rung chuông vàng với chủ đề bảo vệ rùa biển và môi trường sống của chúng.

Đọc những bài viết của các em học sinh tham gia cuộc thi sáng tác thơ văn về rùa biển, bắt gặp bao nhận thức chín chắn về ý nghĩa của việc làm này. Em Đoàn Thị Kim Thoa, lớp 8A3 Trường THCS Nhơn Hải, đoạt giải Nhất với bài viết: “Vì một thế giới biển cả”. Bài viết cho thấy tác giả đã tìm hiểu rất kỹ về vòng đời, quá trình sinh sản và môi trường sống của rùa. Kim Thoa cho biết: “Em muốn thông qua bài viết kêu gọi mọi người hãy cùng nhau bảo vệ rùa biển khỏi những hiểm họa từ thiên nhiên và con người, cùng chung tay giữ lại một phần kỳ diệu của thiên nhiên”.

TS. Chu Thế Cường, Cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường biển thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam: Rùa biển có thể được xem là một loài chỉ thị, biểu thị sự trong lành của môi trường biển. Việc rùa biển suy giảm số lượng biểu thị sự suy giảm liên tục mức độ trong lành của hệ sinh thái biển. Rùa biển, cũng là một chủng loại chủ yếu như loài cá heo, đại diện cho nhu cầu bảo vệ môi trường. Loài này rất nhạy cảm với môi trường, chỉ chọn những nơi có môi trường trong sạch và ít bị con người tác động để sinh đẻ. Ví dụ như tại Hòn Khô (TP Quy Nhơn), do nằm tương đối biệt lập, cách xa các cộng đồng cư dân và không có người sinh sống, nên rùa biển mới lên đẻ trứng. Tuy nhiên, do diện tích thích hợp để đẻ trứng tại đây rất nhỏ và nền đáy có nhiều đá hộc lớn nên số lượng rùa mẹ lên đẻ hàng năm chỉ dao động trong khoảng 10 cá thể. Ngược lại, bãi Hải Giang kế bên có điều kiện rất lý tưởng cho rùa biển sinh sản. Nếu có những biện pháp bảo vệ thích hợp và hạn chế sự hiện diện của con người trên bãi này, nhất là vào ban đêm, thì số lượng rùa biển tại Hải Giang sẽ tăng lên.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)
Trò chuyện với “ông chủ” trang trại đà điểu lớn nhất bình định   (18/06/2011)