Anh công nhân sáng tạo
19:14', 30/7/ 2011 (GMT+7)

Dù chỉ là công nhân và mới học hết cấp 3, nhưng những năm qua, anh Trần Quốc Hội (công nhân Công ty TNHH Cấp thoát nước Bình Định) đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, dám nghĩ, dám làm và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của Công ty.

* Duyên nợ với ngành cấp nước

Sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề nhiếp ảnh với hiệu ảnh Tân Long nổi tiếng một thời ở Diêu Trì (huyện Tuy Phước), cứ ngỡ, anh Hội sẽ tiếp nối truyền thống nghề của gia đình nhưng bất ngờ, anh lại rẽ ngang sang làm công nhân cấp nước.

 

Anh Trần Quốc Hội kiểm tra áp lực tại các máy bơm.

 

Trước khi làm công nhân cấp nước, anh đã là một thợ chụp ảnh?

- Năm tôi đang học lớp 12, Công ty Mỹ thuật - Nhiếp ảnh thông báo tuyển nhân viên. Do quá thích nghề ảnh, tôi bỏ học giữa chừng để dự thi và trúng tuyển. Vào làm việc được 3 năm, cha tôi qua đời, không ai quản lý hiệu ảnh, nên tôi quyết định nghỉ việc về lại hiệu ảnh để làm thợ chụp ảnh.

Lúc đó, thợ chụp ảnh sử dụng toàn máy cơ nên đèn flash rất quan trọng. Trong lúc hành nghề, đèn thường bị hư, nếu mua mới mất khá nhiều tiền, còn đưa đến các tiệm sửa chữa điện từ thì họ không sửa được. Thế là tôi mua tài liệu về tự nghiên cứu, tìm tòi và sửa thành công loại đèn này. Đây chính là bước ngoặt khiến tôi đâm ra mê công việc sáng tạo trên lĩnh vực tự động hóa sau này.

 

Anh Trần Quốc Hội với sáng kiến “Cải tiến kỹ thuật tự động đóng mở van 2 chiều D32 máy khí nén hiệu Kobe 45KW”.

 

Công việc thợ ảnh đang phát triển, sao anh lại bỏ ngang để đến với nghề cấp nước?

- Đúng là công việc làm thợ ảnh của tôi đang thuận lợi nhưng do nhà có đông anh em, nên khi lập gia đình, tôi phải dọn ra ngoài ở riêng, không còn mặt bằng để tiếp tục mở tiệm hành nghề.

Hồi đó ra riêng, tôi thuê một phòng tại dãy nhà tập thể của Công ty Cấp thoát nước ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) để ở. Tại đây, mỗi khi thấy các thiết bị phục vụ cho các giếng bơm thường xuyên bị hư, anh em công nhân rất vất vả để sửa chữa, thế là tôi xắn tay áo vào phụ việc. Mỗi khi tôi phụ sửa chữa, giám đốc công ty đứng sau quan sát, để ý đến tôi. Một hôm, ông giám đốc gọi tôi ra hỏi: “Cậu có thích làm công nhân cấp nước không?”. Sau đó, ông lấy ý kiến công nhân, không ngờ tất cả anh em đều đồng ý cao việc nhận tôi vào làm. Thế là, từ tháng 9.1989, tôi chính thức trở thành công nhân cấp nước.

* Đam mê sáng tạo

Trở thành công nhân cấp nước, anh Hội có nhiều cơ hội để tìm tòi, sáng tạo, cải thiết kỹ thuật tại Công ty. Những năm qua, anh Hội đã cho ra đời nhiều đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó đề tài: “Cải tiến kỹ thuật tự động đóng mở van 2 chiều D32 máy nén khí hiệu KOBE 45KW”, áp dụng trong thổi rửa giếng khoan, súc xả đường ống cấp nước mang lại hiệu quả cao, năm 2010 được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.

 

Anh Trần Quốc Hội đang kiểm tra tủ điều khiển bể lọc tự động.

 

Làm việc tại Công ty Cấp thoát nước Bình Định, chắc anh có nhiều cơ hội để “triển khai” niềm đam mê sáng tạo của mình?

- Làm việc tại Công ty là môi trường khá tốt để tôi phát huy sở trường của mình. Tôi bắt đầu tham gia sáng kiến, cải tiến từ những việc nhỏ như: Tham gia chế tạo hệ thống chuông cảnh báo tự động tại các tủ điện motor khi mất điện hoặc có điện lại; thiết kế dụng cụ đo mực nước động, nước tĩnh chính xác hơn để có cách điều chỉnh nguồn nước bơm tại các giếng…

Tiếp đó, tôi tìm ra phương pháp phát hiện rò rỉ điện tại các motor chìm và tự sửa, bởi trước đó, mỗi khi các motor này bị hỏng, phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh để sửa, rất tốn kém; hay nghiên cứu và sửa chữa thành công hệ thống cảm biến tự động để điều khiển xử lý tại các bể lọc…

Ngày vào làm công nhân, anh chưa học xong lớp 12, lại chưa qua bất cứ một trường lớp chuyên môn nào. Khi đó, anh có gặp khó khăn trong công việc?

- Đúng là có nhiều khó khăn, hạn chế trong công việc, bởi tất cả những việc tôi làm, tôi chỉ tự đọc sách vở, mày mò tự nghiên cứu là chính. Hơn nữa, những cải tiến đó chỉ là những việc nhỏ, còn tôi lại ấp ủ làm những đề tài lớn hơn. Bởi thế, làm được 8 năm, tôi quyết định đi học lại để lấy bằng tốt nghiệp THPT rồi tính chuyện học đại học về ngành tự động hóa mà mình yêu thích. Ban ngày đi làm công nhân, tối đến, tôi đạp xe đạp từ Tuy Phước xuống Quy Nhơn học bổ túc. Lấy xong bằng bổ túc THPT tôi dự định thi đại học nhưng tính đi tính lại, nếu đi học thì 2 con tôi phải nghỉ học vì đồng lương giáo viên của vợ không đủ nuôi 3 người đi học cùng lúc.

 

Điều chỉnh cảm biến áp lực.

 

Dù ước mơ học lên cao không thành, nhưng anh vẫn tiếp tục có những đề tài sáng tạo mang lại hiệu quả?

- Về làm việc tại Công ty, tôi được trải qua rất nhiều công việc, có dịp cọ xát với thực tế nhiều hơn, học hỏi kinh nghiệm nhiều hơn. Khi về làm việc tại Nhà máy Xử lý nước Phú Tài, tôi quan sát thấy mỗi tháng bể lắng lại đầy bùn, anh em công nhân phải vất vả dọn mấy ngày mới xong. Thế là tôi tự mày mò viết đề tài sáng chế: “Máy cạo bùn tự động”, đây là đề tài lao động sáng tạo lớn đầu tiên của tôi. Do chi phí để lắp đặt máy lớn nên không được Công ty duyệt, đưa vào thực hiện.

Đề tài đầu tiên không được ứng dụng, vậy anh có nản chí?

- Dù đề tài không thực hiện được nhưng đam mê sáng tạo trong tôi vẫn không ngừng. Qua quá trình làm việc, tôi tiếp tục nghiên cứu thực hiện đề tài lớn thứ hai: “Cải tiến kỹ thuật tự động đóng mở van 2 chiều D32 máy khí nén hiệu Kobe 45KW” theo áp lực và thời gian dùng trong thổi rửa giếng khoan, súc xả đường ống cấp nước. Trong 3 tháng, tôi tự mày mò, nghiên cứu để cải tiến, tự bỏ tiền túi để đi mua vật tư về làm; sau nhiều lần đưa vào ứng dụng mới cho kết quả khả quan, sử dụng trong 3 năm chưa xảy ra trục trặc.

Anh có thể mô tả rõ hơn về giải pháp cải tiến kỹ thuật trong việc thổi rửa, súc rửa đường ống cấp nước?

- Trong quản lý hệ thống cấp nước, công tác thổi rửa giếng khoan, súc rửa làm sạch đường ống cấp nước rất cần thiết. Việc này góp phần làm tăng tuổi thọ khai thác giếng khoan, làm sạch đường ống cấp nước, tăng khả năng chuyển tải nước của ống và tăng chất lượng nước phục vụ các nhu cầu tiêu thụ nước máy.

Các giếng khoan khai thác nước ngầm, khi máy bơm hút nước, mực nước trong giếng hạ thấp. Do độ chênh mực nước ngầm trong giếng và mực nước ngầm dưới đất, nước ngầm chảy qua các lớp, tầng cát, sỏi, đá vào ống lọc đến miệng hút của máy bơm cấp nước cho hoạt động khai thác bị tắc. Để xử lý, lâu nay công nhân phải vận hành bằng tay van 2 chiều D32 để điều khiển áp lực, lưu lượng khí súc xả. Công nhân vận hành van phải làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, vị trí làm việc bất lợi về ánh sáng, nhiệt độ, không khí; làm việc liên tục trong nhiều ngày đêm.

Với quy trình vận hành sau khi cải tiến, người công nhân khởi động động cơ điện kéo máy nén khí, chuyển công tắc đảo điện sang vị trí tự động, khi áp lực lên đến vị trí cài đặt bộ giải mã cảm biến áp lực tác động sẽ tự động mở van, sau một thời gian đã cài đặt, bộ hẹn giờ tác động sẽ tự động đóng van theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Quy trình cứ thế tiếp diễn đến khi nào việc thổi rửa, súc rửa đường ống cấp nước hoàn thành.

Anh Trần Quốc Hội, ở thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước; là công nhân vận hành máy bơm nước bậc 7/7 Công ty TNHH Cấp thoát nước Bình Định. Trong quá trình làm việc tại Công ty, anh Hội đã có một số cải tiến mang lại hiệu quả thiết thực được công nhận và ứng dụng vào thực tế, được Công ty và Sở Xây dựng tặng nhiều Giấy khen, nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao bằng Lao động sáng tạo…

Ban Giám đốc Công ty cũng như Hội đồng xét duyệt đề tài lao động sáng tạo đã đánh giá hiệu quả cải tiến kỹ thuật này như thế nào?

- Hiệu quả mang lại là việc thổi rửa, súc rửa đường ống cấp nước nhanh hơn, chất lượng nguồn nước cung cấp cho khách hàng sử dụng tốt hơn; từ đó, làm lợi cho Công ty hàng chục triệu đồng so với nếu đi mua thiết bị bên ngoài về lắp đặt. Ngoài ra, với phương pháp tự động, mỗi năm làm lợi cho Công ty gần 53 triệu đồng để trả cho công nhân so với làm bằng phương pháp thủ công.

Sau những kết quả đạt được, anh có dự định gì trong thời gian tới?

- Tôi mong muốn Ban Giám đốc Công ty, anh em công nhân quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để tôi hoàn thành các đề tài sáng tạo, tạo động lực cho tôi tiếp tục có thêm những sáng tạo mới trong thời gian tới. Một niềm vui với tôi là 2 đứa con của tôi cũng đã học xong đại học, trong đó, 1 cháu học ngành điện tự động - ngành mà tôi có niềm đam mê và theo đuổi.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

  • Nguyễn Phúc (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)
Về làng rượu Bàu Đá  (19/06/2011)