Bay ra Bạch Hổ
14:57', 3/8/ 2011 (GMT+7)

Tôi được ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN mời làm khách giàn khoan của mỏ Bạch Hổ 2 ngày. Ban đầu tôi muốn lên tàu thăm dò Bình Minh 02 kia, nhưng ông Thăng bảo “nhạy cảm lắm, ở Bạch Hổ cũng có lắm cái hay”, mà thật, giàn khoan mà tôi đặt chân lên chính là một con tàu khổng lồ.

 

Giàn khoan ban đêm

 

Đó là con tàu của Công ty cổ phần Dịch vụ khai thác dầu khí (PTSC) mang tên FSO Bạch Hổ. Từ con tàu có sức chứa 150 ngàn tấn dầu này (tương đương với 1 triệu thùng dầu), có thể phóng tầm mắt ra khắp một vùng rộng lớn, nơi giăng mắc cơ man các giàn khoan dầu khí thuộc mỏ Bạch Hổ. Đây là một trong những mỏ dầu có trữ lượng lớn và được phát hiện từ trước ngày giải phóng miền Nam nhưng đến sau năm 1975 mới đưa vào khai thác thương mại. Mỏ Bạch Hổ mang lại cho ngân sách quốc gia mỗi năm lên đến 5 tỷ USD từ việc khai thác dầu thô!

Lên tàu

Sân bay Vũng Tàu là cảng hàng không cực lạ. Chỉ có mỗi một loại máy bay trực thăng, không thấy loại máy bay nào khác. Không có cảnh người đưa tiễn hay chờ đón người nhà. Chỉ có những chiếc ôtô 16-24 chỗ ngồi đỗ xịch trước sân ga cho khách xuống xe rồi vội vã chạy vù đi chở lượt khách khác. Khách làm thủ tục để vào phòng chờ, chỉ “bị” kiểm tra an ninh chứ không phải kiểm tra vé. Thực ra, nhân viên kiểm tra ở đây cũng không quá “gắt” như các sân bay khác, vì khách lên máy bay đều là khách quen - cán bộ, chuyên gia làm trong ngành dầu khí, ra các giàn khoan để đổi ca. Chỉ có tôi là “khách lạ”, lẫn giữa một rừng người nơi phòng chờ và lẫn giữa 26 nhân viên của PTSC trên chiếc máy bay trực thăng của Công ty Dịch vụ bay miền Nam.

 

Một giàn khoan trên mỏ Bạch Hổ

 

Nhìn trang phục tôi mặc trên người với máy ảnh lủng lẳng trên vai, kỹ sư Nguyễn Hữu Quang, bạn đồng hành trên chuyến bay, hỏi: “Hình như anh không phải là người của dầu khí?”. Tôi gật đầu xác nhận. “Vậy, anh ra giàn khoan (dân dầu khí quen miệng, hễ lên máy bay ra các mỏ dầu đều được gọi chung một cái tên là ra giàn khoan) có việc chi?”. Tôi ỡm ờ: “Ừ, thì cũng … đi chơi ấy mà”. Nghe giọng Quảng của tôi, Quang không buông: “Em cũng là dân Mộ Đức, Quảng Ngãi đây ông anh ơi! Ông anh “khai” thiệt đi, ra giàn khoan để … chụp ảnh à? Nếu thế thì cất ngay máy ảnh vô túi đi, ra đó rồi tha hồ chụp, chứ bây giờ mà thò ra thụt vào như vậy, cánh quạt máy bay nó hất văng cả máy lẫn người luôn đó!”. Tôi vội cất máy ảnh vào túi theo lời khuyên của Quang và bắt đầu leo lên máy bay trong tiếng động cơ đinh tai, tiếng gió rít buốt óc từ các cánh quạt. Dù đã được xem qua một đoạn video clip ở phòng chờ, nói về cách “ứng phó” khi máy bay trực thăng gặp sự cố, như rơi tòm xuống biển chẳng hạn, rồi được mặc một bộ đồ bảo hiểm với dây nhợ nhùng nhằng và cả mũ chống tiếng ồn nhưng khi chiếc máy bay cất cánh để bay ra biển ở độ cao ngàn mét, lòng tôi lại rộn lên một nỗi bất an.

Cho đến khi chiếc máy bay bắt đầu giảm tốc độ, bãi đỗ cũng rõ dần, nhất là khi tận mắt nhìn thấy những giàn khoan khổng lồ lô nhô trước mặt thì sự háo hức bắt đầu chiếm chỗ cho những lo sợ vu vơ. Tôi nhìn đồng hồ: 8 giờ 35 phút. Vậy là, mất 35 phút cho quãng đường 145km từ bờ biển Vũng Tàu ra giàn khoan.

 

Khách giàn khoan

 

Tiếp cận tàu khủng

Kỹ sư Lê Viết Xuân Bằng, máy trưởng của tàu FSO Bạch Hổ kể: “Tàu do Nhà máy đóng tàu Nam Triệu đóng mới, đưa vào sử dụng năm 2009. Mang tiếng là tàu nhưng chức năng của nó như một kho chứa dầu nổi, gọi là tàu không bến. Các giàn khoan của mỏ Bạch Hổ, sau khi lấy dầu từ các giếng sẽ bơm trực tiếp về con tàu này. Nước biển lẫn với dầu được tách ra, sau đó bơm dầu về các con tàu đến mua dầu. Mỗi tuần có 2 tàu đến “ăn” dầu. Tàu của PVTrans vẫn thường lấy dầu tại đây để chở về Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây không phải là “tàu chạy” nhưng vẫn hoạt động 24/24, do vậy, 35 cán bộ kỹ thuật cũng như nhân viên phục vụ trên tàu cũng “nổ máy” suốt ngày đêm, dĩ nhiên là làm theo ca…”.

Nói rồi anh chỉ lối xuống cầu thang bãi đỗ máy bay: “Nhà báo cứ theo lối này mà vào bên trong con tàu, khắc biết nó thế nào!”. Anh Cao Văn Thắng, người được lãnh đạo PTSC giao làm “hướng dẫn viên” trong thời gian tôi ăn nhờ ở đậu ngoài giàn khoan, bước đi thoăn thoắt như một chú sóc trong rừng. Thắng thuộc từng … con ốc của chiếc tàu mười lăm vạn tấn này. Sau một hồi lên lên xuống xuống cầu thang với đủ các ngóc ngách, Thắng đưa tôi vào một phòng ở cuối tầng 5 của con tàu, nói: “Đây là phòng của anh, không phải khóa. Cần gì, anh cứ alô, sẽ có người đến giúp”. Đi được một quãng, như sực nhớ ra cái điều không thể quên dặn cho vị khách “vô tích sự” là tôi, Thắng quay ngoắt lại: “Mà anh nhà báo nè, trong phòng có bộ quần áo “đồng phục” của PTSC đấy, hễ có báo động cháy, anh mặc bộ đồ ấy vào và đến cuối dãy nhà này sẽ có người đón anh”. Tôi thầm nghĩ: “Hèn chi, tại cửa kiểm soát ở sân bay, đến cái máy lửa ga cũng bị tịch thu. Ra mỏ dầu có khác”.

 

Thợ máy trên tàu

 

Tôi bước vào phòng của mình, việc đầu tiên là nhìn xem bộ “đồng phục” mà Thắng dặn dò ấy đang treo ở chỗ nào để nhỡ có sự cố thì khỏi lung túng, thứ hai là tìm … nước tắm. Ngại nhất là phải “kiềm chế” những thứ mà mình luôn được “thoải mái” ở đất liền. Hóa ra con tàu này chẳng khác nào như một khách sạn cỡ 3 sao. Nó được trang bị không thiếu bất cứ một thứ gì, trừ một vài cái thiếu mà tôi sẽ đề cập ở phần sau.

Ở giữa “thành phố dầu”

Tàu “khủng” là thế, nhưng dạo quanh … một buổi là hết chuyện. Trước khi tham quan “giàn khoan” khổng lồ này, kỹ sư Thắng đưa tôi đến gặp trưởng tàu, ông Alan, một người Ấn Độ, để xin phép. Biết tôi là nhà báo, Alan OK ngay nhưng dặn dò kỹ lưỡng: “Anh mặc đồ bảo hiểm vào thì mới được đi ra ngoài boong, đi đâu cũng phải có người đi cùng”. Nói đoạn, ông bảo Thắng trao cho tôi … một cục sắt, giống chiếc máy bộ đàm, đeo ngay vào túi áo ngực, dặn tiếp: “Nếu nghe cục sắt này tút tút liên hồi là không nên đi tiếp mà quay trở lại. Đó là vùng có khí độc. Thế thôi”.

Tôi “bỏ rơi” ngay anh chàng dẫn đường và tự đi một mình nhưng luôn cảnh giác với âm thanh phát ra từ chiếc hộp sắt đeo túi áo ngực. Không có một âm thanh nào “nguy hiểm” cả, chỉ có tiếng sóng biển rì rào, tiếng máy bay trực thăng quần đảo trên vùng trời Bạch Hổ để đưa và đón công nhân ở các giàn khoan.

 

Bãi đỗ máy bay.

 

Tôi chui vào nhà bếp và xin phép bếp trưởng Trần Ngọc Tứ lục hết các tủ lạnh để xem 35 con người ở đây sẽ phải ăn uống như thế nào trong 28 ngày sắp tới. Tứ cười rung bếp: “Không thiếu gì đâu anh, chỉ thiếu ...đàn bà thôi!”. Đúng là không thiếu một thứ gì thật. Từ rau củ quả cho đến sữa thịt bơ, đủ cả. Nhưng đàn bà thì đành “nhịn” vậy. 35 ông “đực rựa”, toàn thanh niên hừng hực thế này, 28 ngày sau mới được về nhà, thấy một bóng hồng nào lởn vởn trên tàu, có mà loạn! Là nói cho vui thế thôi, thời gian đâu mà nghĩ đến đàn bà con gái. Họ làm gần như suốt đêm, mỗi ca trực 12 tiếng, chỉ nghỉ được 30 phút để ăn giữa ca và …hút thuốc lá tơi bời. Có lẽ đó là phần “tiêu cực” nhất ở nơi này, dù trên giàn hay tàu đều có phòng dành riêng để hút thuốc. “Ở đây, chỉ được có mỗi cái hút thuốc là sướng, giờ cấm nữa, chắc xin nghỉ luôn, anh ơi!”. Một “con nghiện” đã nói như vậy. Cũng là vui mà nói thế thôi, còn một cái “sướng” nữa mà anh nào cũng giấu nhẹm - Lương cũng “khủng” như con tàu này!

Đêm trên biển như thể dài ra. Tôi có cảm giác như mình đang gặp một góc Sài Gòn sáng bừng trước mặt. Đấy là “thành phố dầu” giữa biển. Các giàn khoan vẫn hoạt động một cách miệt mài, cần mẫn và cũng thật bình yên.

  • TRẦN ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)
Quy Nhơn - “Khát” chỗ ở, “nóng” lấn chiếm đất đai  (21/06/2011)