Cây chuối trên đất trung du
19:54', 7/8/ 2011 (GMT+7)

Lâu nay, nói đến chuối ở Bình Định, người ta thường nghĩ đến Vân Canh. Tuy nhiên, ở vùng trung du Hoài Ân, bên những đồng lúa mênh mông là vườn chuối già hương xanh tốt, mang lại nguồn lợi lớn cho nông dân…

 

Việc chăm sóc chuối khá đơn giản, cây chuối lại ít sâu bệnh nên càng ngày càng được nhiều nông dân chọn trồng.

 

Bạt ngàn chuối già hương

Dù đã được hẹn trước, nhưng ông Trần Ngọc Chánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Thạnh, vẫn không khỏi lúng túng khi chọn ra những chủ nhà vườn trồng chuối già hương chuyên nghiệp nhất để giới thiệu cho chúng tôi. Trong 6 thôn của xã, hầu như gia đình nào cũng trồng chuối, nhiều nhất là ở Thế Thạnh 1, Thế Thạnh 2, Phú Văn và Hội An. Ước tính đến thời điểm này, cả xã có gần 80 ha đất bồi phù sa ven sông và những vùng ruộng chân cao được người dân chuyển đổi và ưu tiên trồng loại cây này.

Tính đến cuối năm 2010, huyện Hoài Ân có 812 ha chuối, trong đó có 732 ha thường xuyên cho sản phẩm với tổng sản lượng 5.651 tấn, dẫn đầu diện tích và sản lượng chuối toàn tỉnh. Trong khi đó, huyện Vân Canh có 230 ha chuối, 200 ha cho sản phẩm, với tổng sản lượng 1.916 tấn.

Ngang qua thôn Phú Văn và Hội An, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy những vườn chuối già hương xanh tốt nằm san sát nhau. Vành đai chuối xanh khổng lồ dập dờn như những ngọn sóng lớn, bao quanh từ dưới chân đồi núi Chéo đến gò Da (Hội An, xã Ân Thạnh), rồi trải dài bạt ngàn cả một vùng hóc núi Kiểm Sương (Năng An, xã Ân Tín) đến tận cuối thôn Thanh Lương, xã Ân Tín. Ông Nguyễn Văn An, Trưởng thôn Hội An, cho biết: Toàn thôn hiện có 476 hộ thì đã có 420 hộ trồng chuối. Có đến hàng chục hộ đầu tư thâm canh trồng chuối với diện tích từ 1 ha trở lên như hộ ông Trương Quang Minh, Lê Văn Phước, bà Nguyễn Thị An, bà Nguyễn Thị Hiền… Với những hộ này, thu nhập từ 40-50 triệu đồng/năm từ chuối là bình thường.

Được ông Bùi Xuân Thoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Tín, giới thiệu, chúng tôi tìm đến thăm gia đình cụ Lê Công Sinh, ở thôn Năng An, được xem là người trồng chuối giỏi nhất vùng. Năm 2010, sản phẩm chuối của cụ Sinh được huyện tuyển chọn đưa đi triển lãm tại Hội chợ Giới thiệu hàng nông sản thực phẩm miền Trung - Tây Nguyên tại TP Quy Nhơn.

Con đường xóm nhỏ dẫn vào vườn nhà cụ Sinh độ chừng 200 m, hai bên đường, chuối tràn ra cả lối đi. Bốn hàng chuối được trồng thẳng tắp phía sau vườn nhà cụ ước gần 100 gốc. Điều làm chúng tôi ấn tượng nhất là vườn chuối được dọn dẹp rất sạch sẽ. Tất cả gốc chuối đều được đắp, ủ bằng rơm và vun cao đều đặn, bụi nào cũng sum suê, bụ bẫm. Cụ Sinh cho biết: Để chuối trổ bắp to, ra buồng dài, cho trái lớn, phải giữ tốt độ ẩm cho gốc và ánh sáng cho cây quang hợp; chớ ham giữ lại nhiều cây con trong cùng một gốc. Khi thu hoạch, nên kết hợp chặt và xắn bỏ luôn gốc cây mẹ, để vừa hạn chế được bệnh tim “bất trị” của giống chuối này, vừa tạo cho đất tơi xốp để các cây con tiếp tục phát triển.

Trong vườn chuối của lão nông đã 76 tuổi này không buồng nào ra dưới 10 nải, có những buồng trổ đến 15 nải. Chuối đẹp nên thu hút nhiều người mua đến đặt cọc trước, không lo ngại phải “ăn chuối trừ cơm”. Cụ nhẩm tính: “Mỗi gốc hàng năm cho 2 buồng, giá mỗi buồng tại vườn thấp nhất cũng 200 ngàn đồng. Có mất mùa gì đi nữa thì hàng năm tôi cũng thu được gần 16 triệu đồng. Nguồn thu này giúp vợ chồng già tôi sống thanh thản mà không phải dựa vào viện trợ của con cháu…

 

Khác với chuối sứ chủ yếu dùng trong cúng kiếng, chuối già hương ngày càng được dùng phổ biến trong các bữa ăn.

 

Sống khỏe nhờ… chuối

Ngoài Ân Thạnh và Ân Tín - hai vựa chuối lớn nhất của Hoài Ân - người dân các xã Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây, Ân Phong, Ân Đức, Ân Hữu, Ân Mỹ, Bok Tới, Đăk Mang… cũng đang chuyển đổi một số cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế bấp bênh sang trồng chuối để tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Minh Nam, Bí thư Đảng ủy xã Ân Tín, khẳng định: “Chỉ cần mỗi hộ tranh thủ, tận dụng trồng vài sào chuối, biết dè xẻn trong chi tiêu hàng ngày là có thể lo đám cưới, làm nhà, mua xe máy… Nhờ trồng chuối mà nhiều hộ trong xã đã xóa được đói, giảm được nghèo, đời sống khá dần lên; những hộ có của ăn, của để, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn không phải ít. Từ đó, mọi chỉ tiêu giao nộp các khoản nghĩa vụ, đóng góp hàng năm cho địa phương đều đạt và vượt trước thời gian quy định. Vì vậy, nông dân ở 5 xã phía Đông Bắc huyện Hoài Ân gọi cây chuối già hương là cây “xóa đói, giảm nghèo”!”.

Nhiều lão nông ở Hoài Ân cho rằng, sở dĩ cây chuối phát triển xanh tốt trên đất trung du Hoài Ân là nhờ những mảnh đất vườn nơi đây được bồi đắp thường xuyên từ phù sa của sông Kim Sơn và sông An Lão.

Giờ đây, chuối không những ngày càng mang lại nguồn thu lớn ổn định cho hàng ngàn hộ dân trồng chuối ở Hoài Ân, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo ở nông thôn với công việc chạy chợ chuối lúc nông nhàn. Tại ngã ba Mỹ Thành (xã Ân Tín), chúng tôi gặp các chị Sử Thị Nhất, Dương Thị Xí, Lê Thị Tình… đang vận chuyển những xe chuối cao ngất ngưởng xuống thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) bán. Chị Nhất vui vẻ cho biết, nếu mua được chuối tốt, vận chuyển khéo léo thì chị kiếm được gần 200 ngàn đồng/ngày.

Tại chợ trái cây Liêm Bình (Bồng Sơn) - trung tâm buôn bán các mặt hàng nông sản của người dân hai huyện Hoài Ân, An Lão - chuối là mặt hàng chủ lực thu hút khá nhiều thương lái từ các nơi về đây buôn bán hàng ngày. Chị Lê Thị Liên Chiểu, từ Đà Nẵng vào đây mua chuối cung cấp cho các chủ vựa, khách sạn, nhà hàng ở Đà Nẵng và Huế, khẳng định, mỗi ngày có đến hàng chục tấn chuối từ đây chuyển đi các nơi.

Còn ông Trần Công Chính, người trông coi việc thu phí ở chợ trái cây Liêm Bình, cho biết: “Thường ngày, cứ khoảng 4-5 giờ chiều hôm trước, có hai xe tải vận chuyển chuối từ các ngả nguồn về tập kết tại chợ Liêm Bình, để sáng hôm sau xuất bán đi nơi khác.  Bên cạnh đó, hàng ngày cũng có gần 30 xe chuối của những người buôn lẻ, vận chuyển bằng xe đạp và xe máy đến đây buôn bán, trao đổi. Quanh chợ Liêm Bình, có đến hàng chục người sống nhờ vào chuối, từ chị buôn lẻ chuối ở các vườn, đến anh xe thồ chở chuối!”.

 

Những người phụ nữ sống nhờ chuối ở chợ trái cây Liêm Bình.

 

Để cây chuối mãi xanh

Ngày trước, chuối già hương ít được sử dụng trong những dịp cúng kiếng. Vả lại, loại chuối này khi quá mủi thì từng quả sẽ tự rớt ra, không để lâu được. Tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay, thị trường tiêu thụ chuối già hương ngày càng được mở rộng. Nhu cầu dùng chuối già hương của các siêu thị, nhà hàng, khách sạn ngày càng tăng, kích thích nhà nhà, người người trồng chuối. Nhiều hộ nông dân không có rẫy, vườn vẫn cố gắng tìm kiếm, thuê mướn đất trồng chuối. Quả chuối không bị lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, rất có lợi cho sức khỏe nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá cả từng bước ổn định và có phần tăng cao trong các dịp lễ, Tết.

Những năm gần đây, cây chuối chuyên canh đã phát triển mạnh ở Hoài Ân, nhưng không hề xuất hiện tình trạng được mùa mất giá. Ông Văn Công Hưởng, một nông dân có thu nhập cao từ chuối ở thôn Năng An, xã Ân Tín, cho biết: “Hơn mười năm nay, diện tích và sản lượng chuối già hương ở Hoài Ân liên tục tăng nhưng sản phẩm vẫn được tiêu thụ mạnh, có những thời điểm cung không đủ cầu”.

Nói về cây chuối trên đất trung du Hoài Ân, ông Nguyễn Ngọc Tề, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoài Ân, khẳng định: “Có thể thấy chuối là loại cây quen thuộc của nông dân Hoài Ân. So với nhiều loại cây khác, cây chuối có rất nhiều ưu điểm: dễ trồng, đầu tư chăm bón đơn giản, ít bị sâu bệnh gây hại nhưng giá trị kinh tế mang lại cao. Vì thế, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài, huyện Hoài Ân chúng tôi xác định cây chuối là một trong những cây chủ lực, sẽ có nhiều biện pháp để tăng diện tích và năng suất, nâng cao hiệu quả của cây chuối trong công tác xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho người dân nông thôn, để từng bước vươn lên làm giàu chính đáng”.

  • Bảo Sương - Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)
Xích lô ký sự  (26/06/2011)
“Biển mình mình đánh cá, sợ gì!”  (25/06/2011)