Chúng tôi đến huyện Hoài Ân vào những ngày cuối tháng 7, đi đâu cũng nghe người ta bàn tán, hân hoan chuyện Nhà nước cho phục dựng Văn chỉ Hoài Ân. Không chỉ là nơi tưởng nhớ những bậc khoa bảng ngày xưa, người dân ở huyện trung du này còn xem Văn chỉ là biểu tượng tinh thần hiếu học, là nơi nuôi dưỡng và khuyến khích truyền thống hiếu học ở địa phương.
|
Các điển hình tiên tiến trong học tập của Hoài Ân được động viên thường xuyên, kịp thời. Trong ảnh: Xã Ân Phong tổ chức gặp mặt và trao thưởng cho học sinh đạt thành tích cao trong năm học 2010-2011.
|
Một thưở “sơn son thếp vàng”
Theo Đại Nam nhất thống chí - Quốc sử quán triều Nguyễn, ngày xưa ở huyện Hoài Ân có một Văn chỉ ghi danh các nhà khoa bảng một thời làm rạng danh quê nhà. Văn chỉ này do các nhà khoa bảng của phủ Hoài Nhơn (nay là hai huyện Hoài Ân và Hoài Nhơn) sáng lập có tên là Văn chỉ phủ Hoài Nhơn. Khi chia tách huyện, Văn chỉ nằm tại thôn Hội Yên, xã Ân Thạnh của huyện Hoài Ân nên được gọi là Văn chỉ Hoài Ân.
Văn chỉ Hoài Ân tồn tại 78 năm (từ năm 1867 -1945), có 37 vị tiến sỹ, cử nhân của phủ Hoài Nhơn ngày xưa được ghi danh ở đây. Theo các bậc cao niên ở Hoài Ân, Văn chỉ Hoài Ân không có bia đá mà chỉ có bảng sơn son thếp vàng đề danh những người đỗ đạt qua các kỳ khoa cử được gắn trên vách trong gian đầu.
Người mở đầu cho con đường khoa cử của đất Hoài Ân là cụ Hồ Văn Nghĩa - người làng Vĩnh Viễn, xã Ân Tường Đông. Cụ tham dự khoa thi Tân Tỵ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) và đỗ hàng cử nhân 14/16. Cụ Hồ Văn Nghĩa cũng chính là người đề xướng xây dựng Văn chỉ tạc chữ vinh danh các vị đỗ đạt giúp con cháu đời sau noi gương học tập.
Từ năm 1825 đến năm 1915, Hoài Ân luôn có các vị đỗ cử nhân trong các khoa thi như ở Ân Phong có 5 người, Ân Đức có 3 người, Ân Thạnh, Ân Tường mỗi xã có 2 người, Ân Nghĩa, Ân Hảo, Ân Hữu, Ân Tín mỗi xã có 1 người. Đặc biệt, nhà họ Trần ở thôn Linh Chiểu (xã Ân Phong) có 2 anh em là Trần Văn Chánh, đỗ thủ khoa cử nhân năm Minh Mạng thứ 21 và đỗ tiến sĩ khoa thi Nhâm Dần tại trường thi Thừa Thiên sau đó 2 năm; người em là cụ Trần Văn Quang cũng đỗ cử nhân hạng 4/38 trong năm Nhâm Dần.
Không chỉ có truyền thống hiếu học, người dân Hoài Ân còn tự hào quê hương mình là một vùng đất có tinh thần đấu tranh bất khuất. Nơi đây từng là căn cứ của cuộc khởi nghĩa chàng Lía (thế kỷ XVIII), là địa bàn hoạt động của nghĩa quân chống Pháp trong phong trào Cần Vương (1885- 1887) do Bùi Điền và Tăng Bạt Hổ chỉ huy. Trong kháng chiến chống Pháp, Hoài Ân là nơi đóng cơ quan của Liên khu ủy khu V và Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung bộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Hoài Ân cũng là vùng đất được giải phóng sớm nhất ở tỉnh Bình Định vào ngày 19-4-1972… Nên có thể nói, Hoài Ân không chỉ là “đất học” mà còn là “đất trung kiên”.
|
Em Huỳnh Nhật Tân (lớp 7 trường THCS thị trấn Tăng Bạt Hổ, phải) đang chăm chú nghe anh trai hướng dẫn bài toán khó. |
Tiếp bước cha ông
Xã Ân Phong, nơi sinh ra 5 vị cử nhân của triều Nguyễn, là cái nôi của tinh thần hiếu học ở Hoài Ân. Do đặc thù địa lý, cuộc sống ở đây còn nhiều khó khăn, hầu hết người dân đều vất vả với nghề nông nhưng khi nhắc đến chuyện học hành thì Ân Phong nức tiếng cả một vùng.
Tiếp nối truyền thống của quê hương, “cậu bé chăn trâu, cắt cỏ” Nguyễn Văn Thắm (thôn Ân Thiện, xã Ân Phong) đỗ thủ khoa trường Đại học sư phạm kỹ thuật TPHCM kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2004-2005. Hoàn thành tốt việc học, sau khi đạt danh hiệu cử nhân, anh Thắm làm việc công ty TNHH SYOHUNG Việt Nam tại KCN Nhơn Trạch 5, Đồng Nai, Việt Nam, và hiện đảm nhận một ví trị quan trọng trong công ty. Ông Nguyễn Đấu, bố anh Thắm, kể: “Là con út trong nhà nhưng từ nhỏ ngày ngày Thắm cũng phải chăn trâu, cắt cỏ, giúp việc đồng áng cùng bố mẹ. Suốt 12 năm học chúng tôi không đủ tiền để mua cho con bộ sách mới, Thắm toàn dùng lại sách cũ của người ta. Biết gia đình nghèo nên Thắm rất chăm chỉ học tập, 12 năm liền đều là học sinh giỏi”. Không chỉ là thủ khoa khi thi vào trường mà sau 4 năm học ngành Công nghệ thực phẩm anh Thắm cũng là người đỗ tốt nghiệp cao nhất.
Ở Hoài Ân không thiếu những gương sáng hiếu học như thế. Đến năm 2011, dân số trong độ tuổi phải xóa mù (từ 15 đến 35 tuổi) huyện Hoài Ân có khoảng 42.240 người thì 99,3% trong số đó biết chữ (khoảng 41.948 người). Bình quân mỗi năm Hoài Ân có 99% học sinh đỗ tốt nghiệp THCS, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bậc THPT cũng trên 90%, trong đó 35- 40% học sinh lớp 12 trúng tuyển vào các trường đại học… Ông Phạm Minh Nhất, Chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Hoài Ân, cho biết: “Hiện Hoài Ân có 48 trường học, trong đó: 15 trường Mầm non, 19 trường Tiểu học, 10 trường THCS, 4 trường THPT. Hiện nay có 21 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; quy mô trường lớp ổn định và phủ khắp địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Cở sở vật chất của các trường ngày càng được kiên cố hóa. Tỷ lệ học sinh lên lớp ngày càng đông, tình trạng học sinh bỏ học giảm dần…”.
Để động viên truyền thống hiếu học, người Hoài Ân cũng biết cách thể hiện tinh thần trọng học của mình. Năm 2011 quỹ khuyến học của huyện trao học bổng cho 8 học sinh nghèo vượt khó học giỏi, 2 học sinh được xét để trao giải thưởng Quang Trung về học tập của tỉnh Bình Định cùng nhiều em học sinh có thành tích cao trong học tập.
Ở Hoài Ân có nhiều dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học, tổ chức khuyến khích con cháu học hành, làm việc có ích cho gia đình, họ tộc và phụng sự cho quê hương, đất nước như họ Hoàng ở Tân Thạnh, xã Ân Tường Đông; họ Phan ở thôn An Hậu, xã Ân Phong; họ Nguyễn ở xã Ân Thạnh; họ Trần ở xã Ân Tín... Nhiều gia đình ở huyện trung du này có con cái theo học tại các trường đại học, nhiều gia đình có 3 đến 4 người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng…
Ông Giang Trung, Chủ tịch hội khuyến học huyện Hoài Ân, cho biết: “Truyền thống hiếu học ở Hoài Ân sẽ phát huy mãi mãi nếu từng gia đình, dòng họ luôn chăm lo, vun vén, khuyên dạy con cháu có khát vọng lập thân bằng sự học. Để khuyến khích tinh thần học tập của con em, huyện Hoài Ân đã thành lập quỹ khuyến học, kêu gọi sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm, những người con Hoài Ân thành đạt… ủng hộ, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho các em có thành tích cao trong học tập…”.
Theo ông Trung, công tác khuyến học ở Hoài Ân ngày càng hiệu quả là do làm tốt khâu “xã hội hóa”. Chăm lo cho việc học của con em ở huyện Hoài Ân không chỉ có gia đình mà cả họ tộc, doanh nghiệp, xã hội… cùng tham gia. Nhiều thế hệ đi trước thành đạt rất quan tâm đến việc học của thế hệ sau bằng cách tích cực ủng hộ cho quỹ khuyến học của huyện Hoài Ân. Tiêu biểu như ông Huỳnh Uy Dũng, Giám đốc Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam văn hiến ủng hộ 200 triệu chi quỹ khuyến học và việc phục dựng Văn chỉ Hoài Ân. Có những người lập quỹ khuyến học của hội đồng hương Hoài Ân xa quê như quỹ khuyến học Đặng Thành Chơn do ông Bùi Thiềm và một số đồng hương Hoài Ân ở Hà Nội tài trợ; Qũy khuyến học Tâm Châu và quỹ tài năng trẻ do ông Trần Đình Định thành lập, các quỹ này hằng năm trao học bổng cho nhiều học sinh nghèo vượt khó học giỏi trong huyện.
Việc Hoài Ân phục dựng Văn chỉ Hoài Ân không chỉ mang ý nghĩa phục dựng lại một công trình có giá trị tốt đẹp về văn hóa mà còn tạo động lực khuyến khích con em Hoài Ân nỗ lực học tâp, phấn đấu tiến bộ trong cuộc sống.
|