Buông neo cho Tổ quốc
17:14', 11/8/ 2011 (GMT+7)

“Buông neo cho Tổ quốc”, “kê cao Tổ quốc”, “tôn nền Tổ quốc”  là từ ngữ đầy chất thơ và oai hùng mà nhiều người dùng để nói về những cán bộ, chiến sĩ, công nhân đã và đang tham gia xây dựng quần đảo Trường Sa, với tất cả lòng tự hào và khâm phục. Đất Bình Định cũng tự hào đã từng góp công sức để “buông neo” cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

 

Kéo thuyền chở vật liệu xây dựng vào đảo Đá Lớn. Ảnh tư liệu từ Kỷ yếu ngành Xây dựng Bình Định.

 

1.

Chuyện bắt đầu vào cuối năm 1987, khi tình hình hoạt động của nước ngoài ở khu vực quần đảo Trường Sa ngày một phức tạp hơn. Đặc biệt, Trung Quốc đã cho quân chiếm đóng một số đảo ở đây. Với Chiến dịch CQ-88 (Chủ quyền - 88), từ cuối năm 1988 đến đầu năm 1989, Hải quân Việt Nam đã dũng cảm bảo vệ và đóng giữ thêm các đảo: Tiên Nữ, Đá Lớn, Đá Tây, Chữ Thập, Đá Lát, Đá Đông, Tốc Tan, Núi Le, bước đầu ngăn chặn hành động mở rộng phạm vi chiếm đóng của Hải quân Trung Quốc.

Trước tình hình đó, phong trào Cả nước vì Trường Sa được phát động. Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) giao nhiệm vụ cho 6 tỉnh, thành gồm: Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Vũng Tàu - Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh, Phú Khánh, mỗi địa phương làm một nhà kiên cố cho một đảo. Tỉnh Nghĩa Bình được phân công xây dựng công trình nhà ở và chiến đấu cho bộ đội hải quân tại đảo Đá Lớn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Thực hiện chủ trương trên của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 25.4.1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình có Quyết định số 733/QĐ/UB về việc thành Ban Quản lý công trình, do ông Đỗ Minh Xuân, Phó giám đốc Sở Xây dựng Nghĩa Bình làm Trưởng ban; ông Nguyễn Cảnh Cam, Giám đốc Công ty vận tải biển Nghĩa Bình, làm Phó ban; ngoài ra còn có sự tham gia của đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Ủy ban Kế hoạch, Sở Tài chính - Vật giá.

Đoàn cán bộ, công nhân xây dựng tỉnh Nghĩa Bình lên tàu ra đảo Đá Lớn có khoảng 40 người, gồm một số cán bộ văn phòng Sở Xây dựng Nghĩa Bình, công nhân Công ty Xây dựng I (thuộc Sở Xây dựng) và các chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh.

 

Công nhân và chiến sĩ chuyển vật liệu xây dựng từ thuyền đến chân công trình trên đảo Đá Lớn. Ảnh tư liệu từ Kỷ yếu ngành Xây dựng Bình Định.

 

Để bảo đảm an toàn và thuận tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo, Ban Quản lý công trình phải dùng đến 30.000 chiếc bao (loại 30kg) để đóng gói toàn bộ đá và cát xây dựng; còn xi măng thì bọc thêm 3 lớp bao nilon để không bị ướt... Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6, đoàn xuất phát ra đảo. Vì không có tàu tải trọng lớn nên việc vận chuyển vật liệu phải đi thành 6 chuyến, trong đó có đến 5 chuyến chở đá chẻ và đá hộc, bởi toàn bộ công trình đều được xây bằng đá. Những con tàu mang tên Ba Tơ, Sông Côn, Tây Sơn, Quy Nhơn... cứ thế lướt sóng, đưa cán bộ, công nhân, bộ đội và vật liệu ra đảo.

Dẫu là dân phố biển, nhưng với ông Hồ Trung Ái, cán bộ Sở Xây dựng, phụ trách công tác vật tư công trình, cảm giác lần đầu đắm mình giữa đại dương bao la mới tuyệt làm sao. “Đó là lần đầu tiên tôi được thấy cá chuồn bay trên mặt biển rào rào, thấy con sứa to bằng cái nia, thấy chim hải âu bay trên biển” - ông nhớ lại. Nhưng rồi những tính từ: lãng mạn, hùng vĩ, hào sảng... của đại dương trong cảm nhận ban đầu của chàng trai trẻ đã được tăng dần cấp độ và biểu thị bằng những cơn say sóng vật vã cùng nỗi sợ hãi bỏ mình ngoài biển cả bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Còn ông Tô Ngọc Chỉnh, lúc ấy là cán bộ Sở Xây dựng, phụ trách công tác kế hoạch - kỹ thuật công trình (hiện là Giám đốc điều hành Dự án Vệ sinh môi trường TP Quy Nhơn), chỉ dám nhờ người báo tin cho gia đình biết sau khi mình đã ra đến đảo.

Mà không lo sao được khi sự nguy hiểm và gian lao của chuyến công tác đặc biệt này đã được dự liệu từ trước. Bên cạnh sự khắc nghiệt của điều kiện làm việc và sinh hoạt là tình hình an ninh biển Đông đầy bất trắc, nhất là sự kiện CQ-88 vừa mới xảy ra, khi 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng ngã xuống để giữ đảo quê hương. Bởi thế, nhiều người xác định là có thể mình sẽ không về được, không bao giờ về được đến nhà, dẫu chỉ là thân xác, bởi: “Chết thì chỉ có cách là thủy táng. Cột một hòn đá vào thân mình, thả xuống biển, thế là xong”. Mà cả đoàn cũng chủ yếu cũng là lính trẻ, thợ trẻ.

2.

Đảo Đá Lớn là đảo chìm, dài 13km, rộng 2 - 3 km, mặt đảo là đá san hô tương đối bằng phẳng. Khi nước thủy triều lên, phần lớn đảo ngập 1,7 - 2,3m, khi thủy triều xuống thì đảo cao hơn mặt nước 10 - 20cm. Bình Định được phân công xây nhà ở phía Nam đảo, còn nhà ở phía Bắc đảo thì do một tỉnh khác đảm nhiệm.

Theo Kỷ yếu ngành xây dựng Bình Định (giai đoạn 1975 - 2005), công trình do tỉnh Nghĩa Bình xây dựng trên đảo Đá Lớn là một nhà ở 4 tầng, diện tích sàn sử dụng là 240m2, kiến trúc theo kiểu pháo đài cùng các hạng mục phụ khác để ở và chiến đấu bảo vệ tổ quốc của bộ đội hải quân. Việc thi công công trình do Trung đoàn 83 (Bộ tư lệnh Hải quân) và Công ty xây dựng I (Sở Xây dựng Nghĩa Bình) phối hợp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Ban quản lý công trình.

 

Ông Đỗ Minh Xuân, Trưởng ban quản lý công trình (bìa trái), ông Hồ Trung Ái (người thứ ba từ phải sang) cùng các thành viên Ban Quản lý công trình, nhà báo, công nhân với công trình Nhà ở và chiến đấu của bộ đội hải quân tại đảo Đá Lớn. Trong ảnh: Ảnh tư liệu từ Kỷ yếu ngành Xây dựng Bình Định.

 

Vất vả nhất trong việc xây dựng công trình là khâu vận chuyển vật liệu, mà gian lao, khổ cực nhất là chuyển vật liệu từ tàu vào đảo. Tàu phải neo cách công trình 1.000 - 1.500m, các chiến sĩ, công nhân phải chờ lúc thủy triều lên, dùng dây nilon kéo thuyền nhỏ chở vật liệu từ tàu vào đảo. Bê tông cũng được trộn trên xuồng rồi chuyển vào đảo. “Đó là thời gian đầu, còn sau này, chúng tôi dùng canô kéo thuyền chở vật liệu vào đảo để giảm sức người” - ông Chỉnh nhớ lại.

Bởi đây là đảo chìm nên việc thi công công trình hết sức khó khăn, nhất là phần móng, khi phải xếp đá hộc dưới nước ở độ sâu gần 2m. Đây là phần việc nguy hiểm nhất bởi vừa phải đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo an toàn cho người và công trình. Trong quá trình thi công, một tai nạn xảy ra làm nhiều người hú vía. Đó là trong lúc bốc đá từ tàu sang thuyền nhỏ, chiếc thuyền chở đầy đá bị nghiêng và lật, kéo theo một công nhân của Công ty Xây dựng I. May mắn, anh công nhân ấy thoát chết, nhưng chiếc thuyền cùng đá thì đành phải bỏ luôn vì không thể trục vớt được.

Giữa biển khơi nên điều kiện làm việc và sinh hoạt của các cán bộ, kỹ sư, chiến sĩ cũng hết sức khó khăn. Dẫu đã đoán định, nhưng những vất vả và gian lao của lính đảo và chính mình phải trải qua vẫn ngoài sức tưởng tượng của nhiều người. Lều trại của công nhân là pontong và chiếc tàu bồng bềnh trên mặt biển. Trời êm thì mọi người còn được nấu cơm ăn, tối ngủ trên boong. Những hôm gió to, không nấu cơm được, cả đoàn ăn mì tôm sống. Và tối thì bó gối ngủ ngồi trên tàu. Vì thiếu thốn, ăn uống kham khổ, thiếu rau xanh, nước ngọt nên một số người bị phù và ghẻ. Vật chất đã vậy, những tưởng sự thiếu thốn tinh thần còn khủng khiếp hơn nhiều: “Trời ơi, hoàng hôn xuống buồn thúi ruột, nhìn tứ bề không có cục đất, cục đá nào cả”, ông Hồ Trung Ái nhớ lại.

3.

Dẫu vậy, bằng tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết chia sẻ, hăng say lao động, chỉ trong thời gian ngắn công trình đã hoàn thành. Có thể nói, đoàn cán bộ, chiến sĩ, công nhân Nghĩa Bình khi ấy đã thực hiện nhiệm vụ với tất cả nhiệt huyết và trái tim vì Tổ quốc. Và không chỉ có cơ hội được bổ sung những trải nghiệm cuộc sống, kinh nghiệm công việc, thời gian làm việc tại Đảo Đá Lớn còn đã giúp nhiều cán bộ, chiến sĩ, công nhân hiểu rõ hơn về nỗi vất vả, sự cống hiến to lớn của những người lính đảo tuổi đôi mươi, từ đó hun đúc thêm lòng yêu nước ở mỗi người.

Ông Đỗ Minh Xuân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nghĩa Bình, Trưởng Ban quản lý công trình đã nhận xét trong Kỷ yếu ngành xây dựng Bình Định: “Đây là công trình đầu tiên tỉnh ta xây dựng trên đảo, trong điều kiện hết sức khó khăn từ khâu vận chuyển vật liệu, thi công, nhưng với quyết tâm và tinh thần khắc phục khó khăn của các lực lượng tham gia xây dựng công trình, nên chỉ trong thời gian ngắn đã hoàn thành, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng”.

 

Ký ức về những tháng ngày vất vả, gian lao nhưng cũng đầy tự hào khi được góp sức xây dựng biển đảo quê hương vẫn thường ùa về trong Bốn Ái, mỗi khi nghe ai đó nhắc đến những từ: Đá Lớn, Trường Sa. 

 

Ngày 28.10.1988, UBND tỉnh Nghĩa Bình chính thức bàn giao công trình cho Bộ Quốc phòng (Đại diện là Bộ tư lệnh hải quân). Mặt trước ngôi nhà, bên cạnh tấm bảng lớn “Đảo Đá Lớn Trường Sa” là tấm bảng nhỏ khắc dòng chữ: “Nhà ở hải quân do quân dân Nghĩa Bình xây dựng năm 1988”.

Với ông Hồ Trung Ái, thời khắc chia tay cảm động vẫn còn đọng lại mãi trong ký ức. Giây phút bắt đầu xa nhau sau hơn 5 tháng kề vai sát cánh vì biên cương tổ quốc, lính đảo và cả đoàn đều khóc. Nhớ nhung, bùi ngùi. Nhớ những bao bí đao, bí đỏ, những can rượu mía, rượu cồn đoàn mang ra tặng, chỉ đơn sơ thế mà lính đảo mừng rối rít. Nhớ những chàng lính trẻ đời sống tinh thần thiếu thốn, chuyền tay nhau đọc đến thuộc làu cả một tờ báo Tiền Phong nhàu nát. Khi bóng tàu trở về đất liền nhỏ dần, khi nước mắt đã cạn và khuất mặt người, những người ngồi trên tàu nghe thấy một loạt tiếng súng, biết là lính đảo bắn tiễn mình.

Ngày đoàn công tác về đất liền, lãnh đạo tỉnh Nghĩa Bình ra tận Cảng Thị Nại đón, rồi chiêu đãi cả đoàn một bữa thỏa thê, như để “bù” cho anh em những tháng ngày vất vả nơi biên cương Tổ quốc.

Tạm biệt Đảo Đá Lớn, tạm biệt Trường Sa, quà biển mà nhiều người mang về cho người thân, bạn bè ở nhà là những nhánh san hô trúc tuyệt đẹp. Và một vùng ký ức không thể phai mờ về những tháng ngày gian nan nhưng cũng đầy oai hùng, tự hào bởi đã được đóng góp một chút công sức bé mọn của mình xây dựng biển đảo quê hương.

Trước khi đến gặp những nhân vật trong bài viết này, tôi quyết định đọc lại lần nữa, dẫu trước đó đã đọc nhiều lần, tập truyện ký Đảo Chìm của Trần Đăng Khoa. Dù được kể bằng giọng văn hóm hỉnh, song tập sách ấy có nhiều mẩu chuyện khiến người đọc dậy gai ốc, mà một trong số đó là chi tiết anh chàng lính đảo lém lỉnh phát minh ra sáng kiến giấu đảo chìm. Chàng ta bảo, chỉ cần xúc cát trên đảo chìm cho xuống biển, để kẻ thù khỏi nhìn thấy đảo thì chúng có muốn cướp đảo cũng chịu. Thế nhưng rồi cũng cái cậu trai tơ lính đảo ấy, khi được Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương cho hẳn cái xẻng để giấu đảo thì lại hì hục nạy, khuân từng từng tảng đá san hô dưới nước đem đắp quanh bờ cho cát khỏi trôi, và nói với Tư lệnh Hải quân: “...Báo cáo bố, con mở mang bờ cõi ạ!... Mà, mà, đúng ra, đúng ra con chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi”.

  • NGUYÊN SƯƠNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)
Người hơn 20 năm “vác tù và hàng tổng”   (02/07/2011)