Mùa hoa ngâu
22:20', 14/8/ 2011 (GMT+7)

Cả tỉnh Bình Định, chỉ có mỗi huyện Phù Mỹ trồng ngâu thương phẩm. Ở Phù Mỹ, ngâu cũng chỉ tập trung tại thôn Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ), thôn Vĩnh Bình (xã Mỹ Phong). Hoa ngâu chính vụ một năm chỉ hai đợt vào tháng tư và tháng tám âm lịch. 

 

Vườn ngâu hai đời người của gia đình ông Nguyễn Ngọc Thơ (ở xóm Tân Hưng), gốc cây ngâu này đã trên 80 năm.

 

Xóm Tân Hưng, thôn Diêm Tiêu, nằm cách quốc lộ hơi xa, vắng lặng và trong lành. Bởi vậy, từ xa, tôi đã có thể cảm nhận được một mùi thơm dịu dàng, thuần khiết. Nhà ông Nguyễn Ngọc Thơ, ở ngay đầu xóm, có diện tích vườn ngâu tương đối lớn so với cả xóm. Hương ngâu bọc từ trong nhà ra ngoài ngõ.

Dẫn tôi đi dạo một vòng quanh vườn ngâu, ông Thơ không giấu vẻ tự hào: “Vườn nhà tôi rộng khoảng 2 sào thì ngâu chiếm gần 3/4 diện tích. Ngày còn nhỏ, tôi đã thấy cây ngâu mọc trong vườn, chẳng biết cha ông mình đã trồng tự khi nào. Thôi thì, cứ tạm coi tuổi nó gần bằng hai đời người, đời cha tôi rồi đến đời tôi. Cây to nhất trong vườn nhà chắc phải từ 80 tuổi trở lên. Năm nay tôi đã 67 tuổi rồi còn gì”. Những cây ngâu mọc dày, có gốc đã hơn bắp vế người lớn, tẻ cành mọc cao khoảng 2,5 m, lá cây nọ đan vào lá cây kia, tạo thành một hàng rào tự nhiên ngăn cách nhà ông Thơ với đường trong xóm. 

Dọc đường làng, dễ nhận thấy hoa ngâu mọc đầy bên hàng rào vườn nhà, trong sân, dẫu nhà nhiều, nhà ít. Người dân trong xóm cho biết, thời điểm cây ngâu ra hoa rộ nhất là vào tháng tư và tháng tám âm lịch; trong đó tháng tư là vụ chính, cây cho hoa sai và đẹp hơn. Nếu trời nắng lên, mưa xuống, ngâu cũng ra hoa nhưng không nhiều bằng hai thời điểm trên.

Cây ngâu chia làm hai loại. Cây lá hơi vàng, mỏng, ra hoa sai gọi là “cây cái”; cây có lá xanh, hơi cứng hơn, ra hoa ít mà lại kết quả gọi là “cây đực”. Thường thì “cây đực” sẽ bị đốn bỏ, nhường chỗ cho “cây cái” phát triển, ra hoa. Khi ngâu nở, cả cây rực một màu vàng dịu, hương thơm lan tỏa khắp vườn. Người leo lên cây, suốt hoa nhẹ nhàng xuôi theo cành lá. Ngày trước, khi hái hoa, người dân phải dùng nong, nia hứng hoa ở dưới; nhưng nay đã có những tấm bạt nhựa thay thế, hái đến đâu kéo đi đến đó. Hoa ngâu rất dễ khô, trời nắng to có thể phơi được ba ca chỉ trong một buổi sáng.

 

Muốn thu hoạch hoa ngâu, phải trèo lên cây mà suốt nhẹ theo cành.

 

Một bao ngâu, một chỉ vàng

Theo các đại lý thu mua hoa ngâu tại thị trấn Phù Mỹ, bởi hoa ngâu có mùi hương nhẹ nhàng nhưng lâu phai, lại không quá nồng như hoa nhài, nên rất thích hợp để làm hương liệu ướp trà, làm nhang và tinh chế nước hoa. Ngoài một số thị trường quen thuộc như TP Hồ Chí Minh, Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), nay xuất hiện thêm các thương lái ở ngoài Bắc vào thu mua hoa ngâu để xuất sang Trung Quốc.

“Hoa ngâu Phù Mỹ luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Ở ngoài Bắc có nhiều hoa ngâu nhưng mùi hương không đậm đà như ngâu quê mình. Vả lại, tháng 8 ngoài đó mưa nhiều, không phơi nắng được mà phải sấy nên mùi hương ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Nếu hoa ngâu được xuất trực tiếp sang Nhật Bản, Đài Loan thì giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều…”- bà Lê Thị Đông, chủ một đại lý thu mua hoa ngâu lâu năm và khá lớn ở Diêm Tiêu, nhận xét.

Nhiều người dân trong vùng đã ví von “một bao ngâu là một chỉ vàng” khi nói về giá trị kinh tế mà cây ngâu mang lại. 3-4 kg hoa ngâu tươi phơi được 1 kg ngâu khô. Cách đây gần chục năm, khi vàng trị giá 500 ngàn đồng/chỉ, hoa ngâu khô đã được mua với giá khoảng 30.000 đồng/kg. Một bao hoa khô nặng 30 kg, sau khi trừ mọi chi phí nhân công thu hoạch, vẫn có giá hơn một chỉ vàng. Thời điểm giá vàng lên cao như thế này, giá trị của một bao ngâu chỉ còn bằng nửa chỉ vàng nhưng vẫn lãi hơn các cây trồng khác. “Nhà tôi có 50 gốc ngâu, thu hoạch chỉ hai mùa, nhưng lại không bỏ công chăm bón nhiều như các loại cây khác…”- bà Võ Thị Liên (ở thôn Trung Thành, thị trấn Phù Mỹ), đang bán ngâu cho một đại lý thu mua ở thị trấn Phù Mỹ, nói. Bán hơn 7 kg ngâu, bà Liên thu được gần 500 ngàn đồng. Dẫu đang là thời điểm ngâu mất mùa nhưng cứ hai ngày, bà Liên lại thu được 6-7 kg hoa ngâu khô.

Cách đây hơn 20 năm, khi thấy một lon ngâu khô trị giá bằng 4 kg lúa, anh nông dân Nguyễn Văn Phong (ở thôn Diêm Tiêu), đã quyết định bỏ công bỏ sức trồng bằng được loại cây này. “Khi ấy, tôi mới 22 tuổi, một mình ra hồ Diêm Tiêu khai phá đất để trồng ngâu. Làm khổ quá nên tôi luôn tự động viên mình rằng: Giờ mình làm không công, nhưng về sau sẽ ngồi không mà hưởng lợi. Bí quyết trồng ngâu là ở chỗ, khi bứng cây ngâu mọc trên đất tự nhiên đem về trồng trong vườn thì phải bứng nguyên khối đất bám quanh cây, để rễ cây không bị động. Khi còn nhỏ, ngâu thích chỗ râm, nhưng khi cây lớn, phải phát quang vì nếu bị rợp cây không thể ra hoa sai…”- anh Phong kể chuyện.

Vườn ngâu của anh Phong hiện rộng khoảng 2 ha, được coi là lớn nhất ở thôn Diêm Tiêu. Cho đến giờ, anh vẫn xuýt xoa tiếc khi nhắc lại việc mình đã từng đốn bỏ gần một nửa vườn ngâu để trồng điều; sau đó, lại phải chặt điều để trồng ngâu. Giờ vườn ngâu của anh Phong có cây hơn 20 năm tuổi, song có cây mới được vài năm. Năm 2010, sau khi trừ mọi chi phí nhân công, anh Phong thu khoảng 80 triệu đồng từ tiền bán ngâu.

Trước đây, ngâu mọc tự nhiên chủ yếu ở thôn Diêm Tiêu (thị trấn Phù Mỹ) và thôn Vĩnh Bình (xã Mỹ Phong). Do thấy giá trị kinh tế cao của cây ngâu, vài năm gần đây, người dân ở các xã khác của Phù Mỹ như Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, thị trấn Bình Dương… đã bứng cây ngâu mọc tự nhiên về trồng, thậm chí, họ còn chặt bỏ những cây trồng kém hiệu quả để trồng ngâu. Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng ước cả huyện Phù Mỹ có khoảng 100 hộ trồng ngâu mang tính chất thương phẩm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong khi công chăm sóc, phân lạt không đáng kể.

 

Bán hơn 7 kg  hoa ngâu cho một đại lý thu mua, bà Võ Thị Liên thu về gần 500 ngàn đồng.

 

Của trời cho

Nhiều nông dân đều bảo hoa ngâu là của trời cho. Bởi lẽ, ngâu mọc tự nhiên thì phát triển tốt, thế nhưng lại rất đỏng đảnh trước sự can thiệp của con người. Cho đến nay, chưa có nông dân nào trong vùng thành công trong việc ương cây ngâu giống mà chỉ có cách bứng cây ngâu mọc tự nhiên về trồng.

Ông Nguyễn Ngọc Thọ, một nông dân kỳ cựu và đang sở hữu vườn ngâu nhiều nhất ở xóm Tân Hưng, dẫn chứng: “Cách đây đã lâu, một người quen của tôi đến xin hạt để ươm giống về trồng. Ông ấy ươm cả sào nhưng chẳng đậu lại cây nào. Ngay vườn của tôi đây, cây mọc tự nhiên ở hàng rào thì phát triển rất mạnh, chưa đầy 3 năm đã cao hơn 1 m, cho hoa rất sai; thế mà cây tôi bứng về trồng cũng đã 3 năm lại còi cọc, cao chỉ độ vài gang tay…”. 

Ngoài ra, ngâu cho hoa nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Trời đang nắng to, bỗng mưa lớn thấm đất vài ba trận thể nào ngâu cũng ra sai hoa. Đúng một tháng sau kể từ khi trời mưa, ngâu nở hoa đặc cây. Chờ thêm khoảng mươi ngày nữa, trên chùm hoa ngâu vàng óng bắt đầu xuất hiện những hạt đốm nâu vàng - đó là thời điểm hoa “mủi” (chín muồi) - nên thu hoạch. Thời điểm ngâu “mủi” rất ngắn, chỉ khoảng độ một tuần lễ, nên phải thu hoạch thật nhanh, nếu không, hoa sẽ đen lại, mùi không thơm và bán chẳng được giá. Bởi vậy, những nhà trồng nhiều ngâu đều phải thuê nhân công hái. Chi phí nhân công chiếm khoảng 1/3-1/4 tổng thu nhập hoa ngâu.

Từ năm ngoái đến năm nay, Phù Mỹ mất mùa ngâu vì trời hạn, ít mưa và mưa không đáng kể. Giá ngâu đã tăng lên  65.000-70.000 đồng/kg hoa khô nhưng vẫn không có để bán. Bà Đông cho biết, mấy năm ngâu trúng mùa, bà thu mua khoảng 50 tấn, nhưng năm nay, đến thời điểm này bà mới thu mua được 5 tấn. “Từ giờ cho đến tháng 8 âm lịch không biết trời có mưa to trận nào để ngâu ra bông không…”- bà Đông băn khoăn.

Có lẽ, đây cũng là nỗi lòng của những người trồng ngâu ở Phù Mỹ. Cây ngâu khó trồng, đỏng đảnh nhưng người dân đã và đang “thuần phục” được khi bỏ công dọn chồi, phát quang, chăm sóc. Thế nhưng, chuyện thay trời làm mưa to, thấm đất để cây ngâu nở hoa thì nông dân đành chịu. “Đành phó mặc cho ông trời mà thôi…”- anh Phong tặc lưỡi.

Cầu trời cho mưa xuống, nắng lên…

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)
Ghi chép ở cụm thi Quy Nhơn   (05/07/2011)
Đời thường của “quốc hoa”  (03/07/2011)