“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)
20:1', 22/8/ 2011 (GMT+7)

Từng ngày, từng đêm, gỗ từ các cánh rừng ở Hoài Ân vẫn ngã xuống và chảy về xuôi. Trước vấn nạn phá rừng ngày càng tinh vi và khốc liệt, các cơ quan chức năng của huyện chừng như bất lực…

Kỳ II: Nhận diện “lâm tặc” và giải pháp ngăn chặn

Việc ngăn chặn nạn phá rừng ở Hoài Ân là cuộc chiến khốc liệt; muốn giành chiến thắng, trước hết cần phải nhận diện đối thủ là các dạng “lâm tặc”, để từ đó có những giải pháp hữu hiệu cho từng đối tượng cụ thể...

 

Rừng đầu nguồn ở Suối Nước Dừng bị tàn phá.

 

Nhận diện…

Có thể thấy lâm tặc ở Hoài Ân có 3 dạng. Thứ nhất là dạng khai thác nhỏ lẻ và có chọn lọc gồm phần lớn là những người dân ở đồng bằng, chuyên khai thác các loại gỗ quý và vận chuyển về xuôi bằng xe gắn máy hoặc xe đạp, cộ cải tiến. Khi vận chuyển trót lọt, gỗ sẽ được bán cho các xưởng gỗ, trại cưa, thậm chí ngay tại các trại mộc nằm rải rác ở các xã: Ân Nghĩa, Ân Tường Tây… để sản xuất thành phẩm như: tủ, bàn, ghế, cửa… rồi sau đó bán trực tiếp cho người dùng. Dạng lâm tặc này ra đời trước nhất và cũng manh động nhất. Còn nhớ 7 năm trước, một nhóm lâm tặc gồm 5 đối tượng đã kéo đến nhà của ông Nguyễn Văn Bổ, khi ấy là Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Ân, dùng gạch đá ném vào nhà, chặt phá vườn tiêu, cây cảnh… do trước đó trong quá trình vận chuyển gỗ, bọn chúng bị lực lượng kiểm lâm đuổi bắt. Vào năm 2009, anh Hoài, nhân viên kiểm lâm thuộc trạm Ân Tường Đông cũng bị lâm tặc tìm đến cơ quan tấn công, anh thuật lại: “Hôm 13.8.2009, tôi đang nằm trên võng để hóng mát trước trạm, thì bất ngờ một người đàn ông xông thẳng vào trạm và đạp vào bụng tôi, sau đó tiếp tục đấm đá tôi túi bụi, miệng chửi: Đ.M. ai cho mày chặn bắt gỗ tụi tao, mày mới về nên hăng máu quá hả, tao đánh cho mày chết luôn...”. Trước đấy 4 tháng, vào lúc 3 giờ ngày 13.4.2009,  nhận được tin một số đối tượng vận chuyển gỗ trái phép từ Hoài Ân xuống Hoài Nhơn tiêu thụ, Hạt kiểm lâm Hoài Ân triển khai ngăn chặn. Đến khu vực giáp ranh giữa thôn Du Tự (Hoài Ân) và thôn Lại Khánh Tây (Hoài Nhơn) thì bị khoảng 25 tên lâm tặc mai phục và tiến công bằng gậy, đá làm bị thương một số kiểm lâm viên, trong đó có hai kiểm lâm viên là Trần Ngọc Hưng và Phan Văn Thành bị đánh trọng thương. Trên đường đưa hai người này vào bệnh viện cấp cứu, đám lâm tặc trên vẫn hung hăng tiếp tục vây đánh.

Ông Phạm Lộc, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Hoài Ân, cho hay: Toàn Hạt kiểm lâm chỉ có 24 nhân viên, trong đó tại trạm Ân Tường Tây có 5 người, trạm Suối Bà Nhỏ (xã Ân Hảo) có 2 người, trạm Ân Mỹ có 3 người và số còn lại thì ở trụ sở chính. Cũng vì lực lượng kiểm lâm mỏng và phải rải đều ra các trạm như thế nên chúng tôi gặp khó khăn trong công tác ngăn chặn phá rừng. Bên cạnh đó, những hạn chế trong việc quy định sử dụng công cụ hỗ trợ khiến cho kiểm lâm khó đối phó với lâm tặc, nhất là với đối tượng vận chuyển gỗ lậu. Chúng rất manh động và luôn đi với số đông, sẵn sàng hành hung kiểm lâm nếu bị truy bắt.

 

Tác giả và gốc một cây cổ thụ đã bị lâm tặc vừa đốn hạ.

 

Dạng lâm tặc thứ hai là một số người dân ngay tại địa phương, thường đốt, phá rừng để làm nương rẫy trồng trọt chứ không nghĩ đến chuyện đem gỗ ra ngoài bán. Cũng vì điều đó mà trong chuyến thực tế tại các khoảnh rừng ở làng T1, vốn là rừng phòng hộ đầu nguồn có tục danh là Suối Nước Dừng, hoặc rừng phòng hộ đầu nguồn Suối Bà Nú (làng T4, xã Bok Tới), chúng tôi bắt gặp rất nhiều cây cổ thụ, to đến 2 người ôm bị người dân đốt luôn tại chỗ, cháy nham nhở. Tại đây, nghe chúng tôi giới thiệu là người của một công ty trồng rừng đi khảo sát thực tế để đầu tư nên anh Đinh Văn N, xã Bok Tới, đang phát rẫy, cho biết: “Gia đình tôi làm một ít thôi, có nhiều người phá rừng làm rẫy to lắm, kể không hết đâu…”. Ngoài ra, còn phải kể đến những người phá rừng để đào đãi vàng vì mục đích mưu sinh. Đôi khi đối tượng thứ hai này dễ bị đối tượng thứ nhất lợi dụng bằng cách trả tiền cao hơn ngày công lao động bình thường để họ vào rừng lấy gỗ rồi chuyển ra ngoài.

Dạng lâm tặc thứ ba, nguy hiểm hơn và mức độ phá rừng cũng ác liệt hơn chính là những người lợi dụng các dự án trồng rừng để phá rừng. Hiện nay, trên địa bàn Hoài Ân có khá nhiều công ty đầu tư trồng rừng ở đây, đơn cử như Công ty PISICO, Công ty Nguyên liệu giấy…Với các công ty, việc phát rừng và trồng rừng thường tuân theo nguyên tắc và quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đáng sợ nhất là những cá nhân lợi dụng chức quyền, tận dụng nguồn tài chính mà mình có để phá rừng với danh nghĩa là trồng rừng: “phá rừng trên giấy” và phá rừng “trong phòng máy lạnh”.

Đâu là giải pháp ngăn chặn ?

Để ngăn chặn nạn phá rừng ở Hoài Ân hiện nay, cơ quan chức năng cần có những giải pháp cụ thể cho từng đối tượng. Với đối tượng lâm tặc chuyên khai thác gỗ quý hiếm, vận chuyển về các xưởng cưa, trại mộc bằng xe gắn máy, cơ quan chức năng ngoài việc tăng cường việc truy quét, tiêu hủy các loại phương tiện… còn phải kiên quyết xử lý đối với các xưởng cưa, trại mộc tiêu thụ nguồn gỗ lậu. Ngoài ra, đối với các cơ quan lập pháp, cần mở rộng hành lang pháp lý xử phạt người vi phạm. Ví như tăng mức tiền phạt, tăng khả năng truy tố hình sự chứ không đơn giản chỉ là xử phạt hành chính…

 

Một khoảnh rừng ở Bok Tới bị người dân chặt, đốt.

 

Ông Phạm Lộc cho biết: “Việc ngăn chặn lâm tặc đã khó, để bắt được họ và xử lý càng khó hơn. Vì mỗi khi bị lực lượng kiểm lâm truy bắt, họ vứt bỏ gỗ, bỏ phương tiện để thoát thân. Chúng tôi chỉ tịch thu được gỗ lậu, phương tiện vận chuyển chứ đâu bắt được người để xử lý cho rốt ráo. Cũng vì thế mà trong số 57 vụ kiểm lâm bắt được trong 6 tháng đầu năm 2011, chỉ 10 vụ là có chủ, 47 vụ còn lại là vô chủ…”. Khi chúng tôi đề cập việc gỗ lậu từ Hoài Ân được chuyển về các xưởng cưa, trại mộc ở Hoài Nhơn để tiêu thụ, ông Trần Trung Miên, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Hoài Nhơn, thẳng thắn: “Tôi có một thời gian được luân chuyển lên công tác ở Hoài Ân nên cũng hiểu được vấn đề này, vì thế kiểm lâm Hoài Nhơn cũng luôn sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với kiểm lâm Hoài Ân nhằm thực hiện công tác ngăn chặn”. 

Tổng diện tích đất tự nhiên của Hoài Ân có 74.512,60 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 55.068,00 ha; đất có rừng là 43.387,48 ha. Diện tích rừng tự nhiên khoảng 28,864,66 ha, rừng trồng chiếm 14.522,82 ha. Độ che phủ của rừng trên toàn địa bàn huyện là 55,9%.

Đối với những người phá rừng để khai thác vàng cần phải kiên quyết xử lý. Hiện nay, UBND huyện đã đề xuất lên cấp trên cho phép công binh dùng thuốc nổ đánh sập các hầm khai thác vàng trong thời gian sắp tới. Với người dân địa phương phá rừng làm rẫy, ngoài công tác tuyên truyền thì UBND huyện, UBND xã cần định hướng, quy hoạch những vùng đồi trống, núi trọc để bà con phát quang làm rẫy. Đặc biệt, đối với các dự án trồng rừng, UBND huyện cần tham mưu lên UBND tỉnh và các sở, ban ngành liên quan khảo sát thực tế tại địa phương trước khi cấp phép cho các dự án. Bởi hiện tại, các khoảnh rừng ở Hoài Ân luôn có rừng xen kẽ giữa đồi tranh, núi trọc và các rừng đang thuộc diện tái sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn. Nếu cứ cấp phép mà không thị sát thực tế tại địa bàn để rồi “lỗi thầy kệ sách, cứ mạch mà cưa” thì rừng phòng hộ, rừng tái sinh tiếp tục bị phá là điều khó tránh khỏi.

Ông Phan Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, cho biết: “Đúng là rừng Hoài Ân bị tàn phá đã nhiều năm nay. Cũng vì lợi nhuận từ rừng là rất lớn nên nhiều người vi phạm. Địa bàn Hoài Ân khá phức tạp với nhiều con đường đi lại. Hành vi vi phạm của lâm tặc thì ngày càng tinh vi nên các cơ quan chức năng gặp khó khăn khi làm công tác ngăn chặn. Hiện tại và sắp tới, UBND huyện sẽ chỉ đạo cho các ban, ngành liên quan phải cương quyết ngăn chặn vấn nạn này…”.

  • Công Tâm
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)
Chuyện một người đàn ông mê nón ngựa  (15/07/2011)
Xà lách xoong theo phong cách Quy Nhơn  (13/07/2011)
Bánh mì ở Quy Nhơn  (10/07/2011)