* Bút kí của Vĩnh Hoan
Cá nục rộ suốt mấy tháng qua ở vùng biển quê mình. Cũng là những ngày oi nồng bức bối bởi giữa mùa hè. Biển lại êm ở những khoảng thời gian này và ghe tấp các bến ở Bình Định bắt khẳm bởi nục ơi là nục. Quá chừng chừng cá nục… Trên bãi, dưới thuyền, trên bờ, trong chợ, sân phơi, lò hấp… đâu đâu cũng cá, đâu đâu cũng nục.
|
Cá nục kho.
|
1 .
Có cá nục bữa cơm ở nhà thật phong phú mà khuôn mặt của vợ lại thấp thoáng nụ cười. Không hỏi chồng cũng hiểu ngay và chạnh lòng xót xa. Vật giá leo thang ngày một mà thu nhập lại chẳng chịu leo theo. Đi chợ ít ỏi, lèo tèo thì cực lòng chẳng đặng mà không, thâm thủng lấy đầu bù? May quá lại tới mùa cá nục.
Cá nục nấu thơm cà, tô canh thanh cảnh đẹp tươi sắc màu. Này nhé, màu xám đen của cá, đỏ rực những miếng cà, vàng ươm những lát thơm và ngắt xanh hành ngò. Nước canh trong mà ngọt lịm đầu môi. Chưa kịp bới cơm đã muốn múc ngay mấy muỗng vô chén để húp. Người miền Trung, dân biển có kiểu dùng mắm trong lấy muỗng giằm mấy trái ớt hiểm và đựng mắm vô cái đĩa có lòng rộng, sâu. Chừng bắt đầu ăn mới vớt cá từ tô canh ra đặt vô lòng đĩa mắm. Ở Bình Định, nếu muốn thay đổi thì bữa sau lại nấu canh cá nục lá giang, ăn giải nhiệt. Cá nục nấu lá giang mới nghe nói đã thấy cái giọng xứ củ mì phảng phất...
Ngoài canh thế nào vợ cũng chiên một ít cá nục ăn với xoài bằm dầm mắm ớt tỏi chanh đường, hấp dẫn khỏi chê. Cá nục lớn hơn kho nước sền sệt và nước đó thêm trái ớt, làm nước chấm rau luộc mới là đúng kiểu. Rồi cá nục nho nhỏ kho keo, dẻo tốn cơm thôi khỏi nói. Vợ đã biết chừng mua hơi nhiều nhiều để sáng ngày ra làm soong cháo đặc. Ăn nhẹ bụng mà nhẹ cả túi tiền gia đình.
|
Cá nục hấp cuốn bánh tráng là một món ăn đặc trưng của Bình Định.
|
2 .
Hồi ở ngoài quê, chợ đã xa mà phải theo phiên nên mỗi lần đi, phải lo mua đồ ăn nhiều nhiều. Tới mùa cá nục má tha hồ mua vì cá nục đâu có mắc. Thường má cho nhà ăn xổi canh, chiên, cháo, hấp… gì đó ngay trong ngày, còn bỏ kho hết. Cái thứ cá kho đó mà phải là cá nục kho, dầm sấu làm canh có một hương vị hết sức độc đáo. Cũng là chua nhưng chua của khế, của lá giang, của chanh không hề giống cái chua khó quên của sấu. Đã vậy lại thêm những miếng cá nhỏ đã dầm hết sức đậm đà. Tôi ghiền món canh này do được ăn suốt một thuở ấu thơ, qua rất nhiều mùa cá nục. Giờ thì chịu vì trong này đâu có trái sấu.
Người giàu ăn nhiều đồ ăn cao cấp bỗ dưỡng. Ăn hoài cá thu, cá chẽm, cá cam… cũng ngán. Muốn đổi bữa cho chồng con bằng tô canh cá nục hay mớ cá nục nhỏ xíu kho tiêu dẻo quẹo mặn mòi. Như vậy là người giàu đã biết thương cá nục rồi đó! Mà cá nục cũng đâu có “mặc cảm” gì với người giàu. Thấy cũng thân thiện, gần gụi. Còn hỏi người nghèo có thương cá nục không? Trời ơi! Thương hung và ham lắm. Bởi cá nục rẻ, ngon, dễ chế biến, mát, hiền và ăn hoài không ngán.
3.
Tôi có người bạn ở Sài Gòn mở một nhà hàng bán toàn thức ăn miền Trung. Một bữa vợ chồng anh ấy nhận được một cái đơn đặt hàng với chỉ một món: cá nục hấp theo kiểu “nẫu” cuốn với rau sống, bánh tráng Bình Định. Mà cái bàn đặt ấy nói toàn giọng Trung lai lai, không cần tinh ý vẫn nhận ra đó là những người ngoài này vô sống đã lâu năm trong đó. Còn cá nục hấp kiểu “nẫu” là hấp trơn cá với cá, hấp không có phụ liệu đi kèm. Hấp thiệt nên cái ngon, cái ngọt rất thiệt. Đúng cách kiểu chân chất, mộc mạc của người miền Trung. Cũng may giờ có dịch vụ gửi hàng theo xe khách và họ có nhận cả đồ hải sản. Nên trong đó chỉ cần alô về đây bữa nay là ngay ngày mai nhà đã có cá mú, mực, tôm… tươi rói của biển giả ngoài này để kho, nấu, chiên, um.
Tuần trước bà cô tôi gọi điện về nói thèm tô cháo cá nục nấu kiểu Tam Quan. Nấu cháo kiểu này là nấu với nước cốt vắt từ cơm dừa. Ngon lắm! Tô cháo thơm lựng và béo ngậy. Cũng do Tam Quan hồi xưa dừa bạt ngàn nên mới dám hoang lung dừa tới vậy. Chứ giờ dừa Tam Quan cũng đâu còn nhiều mà giá lại cao, nấu một nồi cháo kiểu đó tốn kém cũng không ít. Cũng may là chưa hết mùa nục và tuần dăm lần vợ tôi cho cả nhà điểm tâm cháo đặc ăn với cá kho keo. Keo cá, dẻo cháo và dẻo queo tình cảm gia đình. Bởi đó đã thấy lo lo khi sắp qua mùa cá nục…
Mùa cá nục, có việc ra bến bãi thấy lòng rộn vui. Tâm hồn lang thang theo từng cái ghe tấp bờ khẳm cá, theo bước chân người gánh, theo cánh tay người bưng… Những rổ, những thúng, những mủng đầy vun cá nục. Ăm ắp nục suông, nục bông, nục gai, nục giời…
|