Phập phù bên mép sóng
19:56', 28/8/ 2011 (GMT+7)

Với hàng ngàn hộ dân ở các xã ven biển của TP Quy Nhơn và các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, cảnh “chạy sóng” giữa đêm đã là chuyện thường xuyên mỗi mùa mưa bão về. Nhiều năm nay, họ luôn sống trong thấp thỏm vì triều cường, sóng biển xâm thực…

 

Thôn Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ có nhiều nhà dân đã phải di dời sâu vào đất liền.

 

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Bình Định có chiều dài bờ biển 134 km, thềm lục địa nhỏ dọc theo bờ, các đường đẳng sâu 30m- 50m - 100m chạy sát bờ biển, đáy biển không bằng phẳng và có độ dốc lớn. Việc biến đổi khí hậu toàn cầu gắn liền với sự ấm lên của trái đất, sự dâng cao của mực nước biển ảnh hưởng rất lớn đến Bình Định. Hiện tượng xâm thực của thủy triều ngày càng tăng. Mực nước biển dâng cao 1 m có thể làm mất 12,2% diện tích đất - phần lớn là đất màu mỡ nhất và cũng là nơi cư trú của 23% dân số.

Lo biển “nuốt” nhà

Một đêm giữa năm 2009, ngôi nhà bê tông của anh Võ Ngọc Vạn và chị Phan Thị Thiên Thai ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn, đổ sập và trôi ra biển sau một tiếng động dữ dội. Lối đi độc đạo trước nhà đã thành một dòng thác cuồn cuộn nước…

Hồi ấy, chúng tôi về Nhơn Lý, sau biến cố bị biển “nuốt” mất nhà, vợ chồng con cái chị Thai đùm túm nhau về nhà mẹ đẻ ở, ngôi nhà riêng của hai vợ chồng chỉ còn trơ mỗi một góc nền nhà và hai vách bê tông nham nhở. Đến giờ, chúng tôi vẫn không thôi ám ảnh bởi ánh mắt sợ hãi của chị Thai.

Và câu chuyện của những hộ dân rơi vào tình cảnh bị biển “nuốt” mất nhà hay đang đêm “chạy sóng” vẫn hiện hữu, tiếp nối trên suốt quãng đường dài vài chục cây số đường ven biển chạy qua 5 huyện, thành phố trong tỉnh từ Hoài Nhơn đến TP Quy Nhơn.

Hôm về huyện Hoài Nhơn, một cán bộ là dân Hoài Hải tình nguyện dẫn đường cho tôi về thôn Kim Giao Bắc, xã Hoài Hải. Chuyện biển xâm thực làm trôi hàng chục ngôi nhà của dân Kim Giao Bắc cách đây mấy năm vẫn còn như in trong trí nhớ của các hộ dân nơi đây. Bà Trần Thị Quá, 56 tuổi, là dân Hoài Hương theo chồng về Hoài Hải đã 30 năm, chỉ tay ra phía biển cách bờ chừng vài chục mét, kể lại: “Nhiều ngôi nhà trước ở chỗ nước biển đang đánh vào bờ đó. Bãi cát thoai thoải dài, giờ thì đứng sững như bức vách”. Chúng tôi nhìn theo hướng tay bà Quá, ước lượng biển đã ngoạm sâu vào đất liền vài chục mét.

 

Nhiều nhà dân chỉ còn trơ trọi một phần nền nhà và tường vách.

 

Anh Trần Văn Lý, Phó phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, dẫn chúng tôi đi men theo vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng của triều cường ở thôn Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2 của xã Mỹ Thọ, nói: “Từ tháng 9, 10 âm lịch đến giáp Tết hàng năm là mùa biển xâm thực. Ngày xưa, khu vực này có nhiều nhà dân nhưng giờ đã phải di dời sâu vào đất liền”.

40 km bờ biển trên địa bàn huyện có những nơi bị xâm thực vào đất liền từ 1 đến 3m mỗi năm. Dọc theo bờ biển thôn Tân Phụng 1 và Tân Phụng 2, hàng chục ngôi nhà nằm sát vách cao 3 đến 4 mét, bên dưới là những con sóng ăn sát vào nhà. Khi chúng tôi đến, phải men theo bờ biển mới vào được từng nhà dân, cuộc sống ở đây vẫn sôi động khi sóng biển đang đánh phầm phập bên tường nhà. Trong khi đó, gần chục năm qua, hàng ngàn hộ dân trải dài ven bờ biển luôn sống trong nỗi ám ảnh sóng biển cuốn trôi ở các xã Hoài Hải, Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn); Mỹ Đức, Mỹ Thắng, Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An (huyện Phù Mỹ); Cát Tiến, Cát Nhơn (huyện Phù Cát); Nhơn Hải, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn); Phước Thuận (Tuy Phước)…

Chị Lý, 29 tuổi, ở thôn Tân Phụng 1, xã Mỹ Thọ, phân trần: “Bình thường cánh chị em còn có chỗ phơi cá, phơi mực, chứ mùa biển động không còn đường đi. Mỗi bận triều cường, chưa đêm nào người dân chúng tui được trọn giấc, cả làng nhốn nháo bỏ của chạy lên bờ ở nhờ”. 

Tái định cư: Còn nhiều khó khăn

Cuộc sống đầy bất trắc vẫn luôn đe dọa. Một ngư dân ở xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ tính toán, cứ theo tốc độ biển xâm thực kiểu này thì cũng chỉ vài năm nữa, những gì chúng tôi thấy hiện nay rồi cũng hóa mênh mông biển nước. Những căn nhà ở phía trước mặt nước biển vài năm trước còn cách mép nước cả trăm mét, bây giờ chỉ còn chừng vài chục bước chân. Mùa biển động, có lúc sóng xô vào đến tận nhà, đánh vào vách đá bọc trước nhà. “Dân biển thì phải bám biển mới sống được. Vả lại cũng quen, biển lấn đến đâu mình chạy đến đó. Chưa có ai chết vì biển xâm thực cả”, chị Lý giải thích.

Anh Trần Văn Lý cho biết: Dọc bờ biển có dân cư sinh sống đã và đang sạt lở nặng như bờ biển thôn Phú Hà (Mỹ Đức), thôn Xuân Thạnh (Mỹ An), thôn Tân Phụng (Mỹ Thọ). UBND huyện đang xây dựng các khu bố trí tái định cư cho hơn 1.100 hộ dân tại các xã Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Đức. Nhưng ngoài 200 hộ ở xã Mỹ An đã xây nhà ở ổn định, các khu còn lại chỉ mới hoàn thành việc san lấp mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc bàn giao đất cho dân.

 

Khu tái định cư Mỹ An, huyện Phù Mỹ, một trong số ít khu tái định cư lấp đầy hộ dân.

 

Theo thống kê, toàn tỉnh vẫn còn gần 4.000 hộ dân, với hơn 13.000 nhân khẩu đang sinh sống trong vùng nguy hiểm bởi triều cường đe dọa. Ông Hoàng Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, nhẩm tính, số hộ dân bố trí vào 6 khu tái định cư hiện có cũng chỉ giải quyết được khoảng 2.000 hộ dân. Theo thời gian, tình trạng xâm thực biển ngày càng nặng, số hộ dân rơi vào diện nguy hiểm tăng thêm, nên việc giải quyết tái định cư cho các hộ dân cũng như… muối bỏ bể.

Kế hoạch từ năm 2011-2015, Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh cũng đã cho chủ trương triển khai quy hoạch xây dựng 31 dự án tái định cư tại các địa phương (tổng kinh phí thực hiện trên 332 tỉ đồng) để tạo chỗ ở ổn định cho 3.505 hộ dân vùng sạt lở nguy hiểm, trong đó có vùng triều cường. Tuy nhiên, điều đáng nói là đang tái diễn tình trạng dân chê… khu tái định cư dù đang phải nơm nớp lo âu mất nhà lúc nào không biết.

Chị Phạm Thị Hưng, 43 tuổi, ở thôn Kim Giao Bắc, cho biết gia đình chị nằm trong diện phải di dời vào khu tái định cư Hoài Hải. Đất tái định cư đã được giao, nhưng chần chừ mãi đến giờ chị cũng không chuyển lên đó ở. “Chồng đi biển, tui lại ở nhà làm nội trợ. Vợ chồng tích góp mấy chục năm, vay mượn thêm bà con anh em lối xóm mới dựng nên căn nhà kiên cố ở gần biển, giờ bảo chuyển vào trong đất liền, lấy tiền ở đâu mà xây nhà”, chị Hưng trăn trở.

Ông Hoàng Xuân Bình cho biết, đây là thực tế có thật. Điều kiện hạ tầng ở các khu tái định cư mới xây dựng tốt hơn rất nhiều so với nơi ở cũ. Các hộ trong diện di dời vùng sạt lở nguy hiểm đều được cấp đất miễn phí để xây nhà, đảm bảo các điều kiện về giao thông, điện, nước… Tuy nhiên, đời sống kinh tế của bà con còn khó khăn, để xây dựng một căn nhà mới ở khu tái định cư cần ít nhất 50-60 triệu đồng, trong khi mức hỗ trợ của Nhà nước để bà con ổn định cuộc sống hiện chỉ có 10 triệu đồng/hộ. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành Trung ương nâng mức hỗ trợ di dời từ 10 triệu đồng/hộ lên mức 30 triệu đồng/hộ và hỗ trợ xây nhà cho các hộ dân khó khăn. Nguyên nhân khác là người dân vùng biển gắn liền với việc mua bán, đánh bắt thủy sản ở chỗ cũ, nếu di dời đến các khu tái định cư thì không thuận lợi cho công việc.

Về vấn đề này, ông Bình cũng cho rằng, đến thời điểm này chỉ có cách là vừa di dời  dân vào khu tái định cư, vừa đảm bảo giữ nguyên chỗ ở cũ để dân cất ngư lưới cụ và thuận tiện khi đi biển. Tính đến chuyện lâu dài, huyện Phù Mỹ cũng đã từng xin làm vài km đê biển trọng yếu nhưng không khả thi về vốn đầu tư. Trong khi việc xây dựng các đê đá hay đê bao chắn sóng cũng không đảm bảo được an toàn cho người dân. Vì lẽ đó, ngư dân ven biển vẫn ngày ngày sống chung với chuyện “chạy sóng” hay biển “nuốt” nhà…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)
Trường Sa – Tổ Quốc nơi đầu sóng  (15/07/2011)