Giỗ Vua
9:24', 31/8/ 2011 (GMT+7)

Bút kí của Lê Hoài Lương

Ngày 29 tháng 7 âm lịch hàng năm, người Bình Định lại tổ chức giỗ Hoàng đế Quang Trung ở Bảo tàng Quang Trung - Bình Định. Nghi ngút khói hương trong ngày giỗ này và không chỉ người địa phương, đông đầy người dân khắp nơi cũng về đây thành kính dâng lên tiên tổ mà họ tự hào tấm lòng thơm thảo của mình.

Đúng từ giỗ theo nghĩa truyền thống Việt Nam, là tưởng nhớ tiên linh người quá cố vào ngày mất. Do hoàn cảnh đặc biệt sau khi vương triều Tây Sơn mất, những tưởng niệm công tích vua và triều đại Tây Sơn, trước đây chỉ được kín đáo thực hiện bằng các hình thức xuân kỳ thu tế như phong tục bình thường địa phương, cuộc tưởng vọng chung như thờ cúng Thành hoàng làng, còn lời khấn, tế cũng lặng gửi hoặc khéo sắp bày.

 

Người Bình Định xưa nay vẫn giỗ Vua với tất cả niềm kính ngưỡng thiêng liêng.

1.

Theo nhiều ghi chép trong các sách, trên nền cũ nhà Tây Sơn, ban đầu dân dựng ngôi thờ tạm tranh tre vách đất hương khói, sau thành đình làng Kiên Mỹ, sau thành điện thờ Tây Sơn tam kiệt. Giờ, điện thờ cũ đã được trùng tu quy mô hơn, cùng nội điện 9 tượng thờ dát vàng 3 anh em Tây Sơn vương và các văn thần võ tướng tiêu biểu của vương triều, trong khuôn viên chung của Bảo tàng Quang Trung. Tất cả xây mới khang trang. Nhưng trên vùng đất “phát tích” này còn hai “hiện vật” xưa, giờ rất thiêng liêng trong lòng người hành hương tìm về di tích: cây me và giếng nước. Ngày thường, khách hành hương thường múc nước giếng xưa lên uống lấy khước và chụp hình kỷ niệm dưới tán me cổ thụ sau khi dâng hương tưởng niệm bậc anh hùng.

Như đã nói trên, giỗ vua Quang Trung ngày trước chỉ tự dân lo. Gần đây có phần chính  của Bảo tàng, hiểu nôm na là Nhà nước, và dĩ nhiên, tính xã hội, cộng đồng nâng lên nhiều. Phần Nhà nước gồm vật cúng, các nghi lễ, quan khách dâng hương. Phần dân vốn xưa nay có Ban tế lễ của làng Kiên Mỹ, gồm những bô lão được dân tín nhiệm về phẩm cách, uy tín, tiến cử đại diện, đứng ra tiếp nhận đồ cúng tự nguyện của dân, bày biện, sắp xếp. Đồ cúng phần dân mỗi nhà tự lo lấy ở nhà, mang đến gửi bày vào dãy nhà bạt mới dựng trước điện thờ. Phần Bảo tàng bố trí nấu nướng tại chỗ, thợ nấu là các chị em nhân viên, những người nữ cũng bận rộn chuyện bếp núc ngày giỗ như truyền thống các gia đình. Nhà để xe nhân viên thành bếp, chị em chung tay như giỗ cha, giỗ mẹ. Cuộc phối hợp với chính quyền chủ yếu qua bài tế chung, cũng một vị đại diện bô lão thực hiện. Rồi phần ‘‘thọ lộc’’ cứ liều liệu, tùy nghi, khách xa chủ gần, vừa tôn trọng vừa bình đẳng... Kết lại, cũng như nhau, ai đi dự đám giỗ  cũng có túi phần mang về cho con cháu, vài cái bánh ít, trái cây.

 

Khách thập phương dâng hương trong ngày giỗ Vua.

2.

Năm nay, tôi về giỗ vua với nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, nhà thơ Trần Viết Dũng, nhà báo trẻ Sao Ly. Nữ nhà báo thế hệ 8x thành kính đốt hương các bàn thờ và rất siêng bấm máy, cô nhanh chóng làm xong tin giỗ gửi về tòa soạn. Nhà thơ Trần Viết Dũng là người bản địa, sáng sớm anh đã mang rượu qua cúng Vua như mấy chục năm qua đã cúng cùng những người con đất Tây Sơn, giờ tự nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cho mọi người, dù bạn quen hay khách lạ.

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, tuổi cận cửu tuần, ông là tác giả mấy câu đối ở điện thờ hiện nay, là người dịch nhiều văn bản chữ Hán của Bảo tàng, hầu như năm nào ông cũng là khách quý ngày này. Thấy ông nghẹn lời, chảy nước mắt nhiều lần. Ngó thấy lễ vật dân cúng bày biện từ trong điện ra ngoài, thành kính khói hương, ông khóc.

Nghe nói người ở xa, từ An Khê xuống, người từ Đồng Phó lại chứ không riêng làng Kiên Mỹ, không riêng loanh quanh thị trấn Phú Phong, cũng khóc. Thấy các đoàn khách du lịch, hỏi thăm nói từ Hà Nội, Sài Gòn, cả nhà vợ chồng con cái xúm quanh giếng nước, gốc me, thành kính lễ bái, lại khóc. Ông già là người yêu quê hương theo kiểu cực đoan bản địa. Và dù được đào tạo như một nhà khoa học, xúc cảm ông lại thiên về hướng tâm linh. Tôi biết những giọt nước mắt ông sáng ngày kỵ Vua lần này vẫn cũ thôi, là mừng, là tự hào, là gửi gắm tin yêu. Nhưng, hình như không cũ - lòng yêu nước, tinh thần tự tôn về dân tộc mình…

Đúng vậy, không cũ khi người ta còn kính ngưỡng tiên tổ, tiền hiền, anh hùng…, vì như vậy vận nước còn tốt, xã hội còn nhiều hy vọng.

Ông Văn Trọng Hùng, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Định thông tin rằng đang có đề án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt việc đề nghị tỉnh chủ trì tổ chức ngày giỗ vua Quang Trung. Tức là, đúng như xưa kia dân làm xuân kỳ thu tế, giờ Nhà nước cũng làm, thêm đúng tầm, ngoài xuân kỳ đại lễ mồng 5 tháng giêng chiến thắng Đống Đa, còn thu tế cũng đầy tính phổ biến lòng yêu nước, lòng hàm ơn tiền nhân, tiên tổ trong ngày giỗ Vua. Phối hợp tổ chức thu tế giỗ Vua với hoạt động ngành du lịch. Ngày này sẽ có khách các tỉnh về, sẽ có kế hoạch gắn vào các ‘‘tua’’ du lịch. Vừa giáo dục truyền thống vừa phát triển kinh tế địa phương.

 

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ ở TP Quy Nhơn.

3.

Rất tình cờ, trong lúc trò chuyện với những người dân về ăn giỗ vua, ngoài những chuyện kể về việc ‘‘Ngài’’ hiển linh, tôi nghe một người khách xa nêu góp ý. Anh là Lê Hữu Toản, một cán bộ khoa học kỹ thuật, cùng vợ con từ Hà Nội, đi du lịch Bình Định, tình cờ đến Bảo tàng Quang Trung dịp giỗ. Anh và vợ anh đều bày tỏ niềm hạnh phúc, sự may mắn đến Bảo tàng ngày giỗ Vua, và bất ngờ nêu ý kiến rằng, sao không in trên lịch ngày này để nhân dân cả nước biết mà tìm về kính bái vị vua anh hùng.

Ngó qua các bạn đồng hành dân Bình Định, thấy ai cũng bất ngờ và gật gù tán thưởng góp ý của người khách đến từ phương xa. Nếu phối hợp với đề án của ngành Văn hóa tỉnh mà ông giám đốc vừa thông báo, thấy như một bổ sung hoàn hảo. Thuần túy niềm yêu kính bao giờ cũng hồn nhiên và có những bất ngờ xúc động.

In trên lịch ngày giỗ vua Quang Trung như lâu nay in ngày chiến thắng Đống Đa, ngày 29-7 cùng ngày mồng 5 tháng giêng. Chưa dám nói ở tầm quốc gia, riêng tỉnh Bình Định, chắc rằng quảng bá đúng nghĩa ngày giỗ vị vua anh hùng cũng là một biểu hiện hàm ân và tự hào quê hương, tự hào dân tộc, mọi người hẳn đều nồng nhiệt ủng hộ.

  • L.H.L
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)
Anh công nhân sáng tạo  (30/07/2011)
Theo dấu rùa biển  (24/07/2011)
Chỉ là bước khởi đầu  (23/07/2011)
Săn hải sâm  (17/07/2011)
Tác giả của những thiết kế “đặc chủng”  (16/07/2011)