Được thành lập từ năm 2000, sau 11 năm, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã gặt hái được khá nhiều thành công. Mới đây, một học sinh (HS) của trường đã giành huy chương Đồng trong Kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế năm 2011. Phóng viên Báo Bình Định đã chuyện trò với ông Phạm Quang Bắc, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn xung quanh những vấn đề về chế độ đãi ngộ dành cho trường chuyên cũng như việc đào tạo, rèn luyện học sinh…
|
Những năm qua, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nhận được sự đầu tư khá nhiều của tỉnh. Trong ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện tặng quà cho nhà trường nhân dịp dự lễ khai giảng năm học 2010-2011.
|
Trường chuyên và chế độ đãi ngộ riêng
+ Là một ngôi trường “sinh sau đẻ muộn” nhưng lại nhận được khá nhiều ưu ái đầu tư của tỉnh về nhân lực cũng như vật lực. Với những thành tích về đào tạo học sinh giỏi mà trường đạt được trong 10 năm qua, đánh giá một cách thành thực, ông cho rằng đã xứng với “đồng tiền bát gạo” mà tỉnh đầu tư hay chưa?
Phải nói rằng ngay từ khi thành lập trường (năm 2000), Ban Giám Hiệu nhà trường (BGH) đã đề xuất xây dựng chế độ ưu đãi cho cán bộ, giáo viên, học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn. Bấy giờ ông Vũ Hoàng Hà đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách khối Văn xã rất ủng hộ. So với mặt bằng bấy giờ, chế độ ưu đãi của tỉnh đã động viên thầy trò chúng tôi rất nhiều.
Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của các thầy cô giáo và sự chỉ đạo quyết liệt, đúng hướng, đúng cách của BGH để các giáo viên hăng say lao động, dạy dỗ học sinh đến nơi đến chốn. Kết quả các kỳ thi HSG cấp tỉnh, Olympic 30/4 toàn miền Nam, HSG Quốc gia là minh chứng.
|
Học trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn trong ngày khai trường.
|
+ Có lần một thầy giáo trường chuyên đã than rằng: “Làm giáo viên trường chuyên không hề sướng, mà ngược lại, áp lực rất nhiều”. Là hiệu trưởng trường chuyên, áp lực nào là lớn nhất đối với ông?
Đó là làm sao giữ được nền nếp, kỷ cương trong nhà trường; dạy và học phải thật tốt, kết quả năm sau cao hơn năm trước… Học sinh sau khi ra trường phải phát triển tốt. Muốn vậy, phải theo dõi quá trình phát triển, thành đạt của những HS ở bậc Đại học, sau Đại học và học sinh đã trưởng thành để lấy đó làm tấm gương cho các thế hệ học sinh tiếp theo. Tuy nhiên, mỗi khi trường bị cắt dần những chế độ đãi ngộ, tôi cũng cảm thấy thất vọng.
+ Vậy tại sao ông không đấu tranh?
Mình có biết đâu mà đấu tranh. Khi có văn bản chỉ đạo xuống, thì mình chỉ là người thực thi mà thôi. Nhưng điều đáng mừng là lãnh đạo tỉnh đã có định hướng xây dựng chế độ ưu đãi mới cho trường THP chuyên Lê Quý Đôn và Sở GD-ĐT cũng đã nhận thức được rằng trường chúng tôi xứng đáng có những chế độ đãi ngộ riêng…
|
Nhà trường tuyên dương các thủ khoa, á khoa Kỳ thi ĐH năm 2009-2010
|
Hoàn toàn có thể đào tạo HS đạt giải Quốc tế
Việc em Võ Duy Việt, HS lớp 12 chuyên Hóa năm học 2010-2011 vừa đoạt huy chương Đồng Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011, là cả kết quả của tư chất riêng của học sinh, đầu tư tổng lực của trường, từ việc thuê giáo sư ở Hà Nội về dạy đến tạo điều kiện hết sức để Việt học tập.
+ Theo ông, liệu Bình Định sẽ tiếp tục có thêm những HS như em Việt nếu được phát hiện, đào tạo bài bản?
Qua thành công của Việt, tôi thấy việc đầu tư đào tạo cho một học sinh đạt giải Quốc tế là hoàn toàn có thể, nếu biết cách làm hiệu quả. Thực tế chúng ta có những học sinh thông minh hơn, cẩn thận hơn Việt, có điều chúng ta có chịu đầu tư dạy dỗ cho các em hay không mà thôi. Bởi vì bồi dưỡng học sinh giỏi dự thi Quốc tế là công việc rất khó khăn,đòi hỏi giáo viên, học sinh phải lao động với cường độ cao để có nền kiến thức cơ bản và nâng cao ngang tầm Quốc tế.
+Đầu tư như vậy chắc sẽ tốn nhiều công sức và tiền của?
Năm 2010 nhà trường chủ trương đào tạo thủ khoa và đã thành công với 06 thủ khoa: 02 học sinh thủ khoa tốt nghiệp, 04 học sinh thủ khoa Đại học. Năm 2011 nhà trường có chủ trương đầu tư bồi dưỡng học sinh giỏi Quốc tế. Năm học 2010 - 2011 lúc nào chúng tôi cũng suy nghĩ về kỳ thi Olympic Quốc tê.
Về đầu tư vòng 1 thi học sinh giỏi Quốc gia và chuẩn bị thi chọn học sinh giỏi dự thi Quốc tế, chúng ta đầu tư như các tỉnh khác, có khi thấp hơn. Giáo sư tôi mời dạy cho cả miền Trung và Tây Nguyên gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cùng học như nhau.
Chỉ có điểm khác là em Việt đã được chọn lựa đầu tư từ năm lớp 10 và phần thực hành cần những máy móc thiết bị đắt tiền thì phải đi làm nhờ nơi khác. Đến năm học lớp 12 nhà trường mới dốc sức đầu tư về tài chính, giáo viên cho Việt. Đến khi Việt chuẩn bị thi vào vòng 2 (vòng tuyển chọn để lấy 4 học sinh đi thi Quốc tế- PV), tôi phải đích thân ra ở cùng em Việt. Có khi thầy trò cùng nhau học đến quá nửa đêm chỉ để dạy cho Việt cách làm bài, trình bày bài sao cho logic, chặt chẽ và có tính sáng tạo cao.
Đêm trước của ngày thi thứ nhất vòng 2 tôi chỉ cho em Việt làm Văn chứ không dạy kiến thức về Hóa học. Vì chọn học sinh thi Quốc tế là chọn học sinh thông minh, có cách giải hay đạt chuẩn Quốc tế.
+ Nếu coi việc đầu tư cho HS giỏi Quốc tế là một vụ đầu tư không hơn không kém, ông đánh giá “thương vụ” này như thế nào?
Nói “ thương vụ” thì có phần hơi quá, nhưng đầu tư cho giải học sinh giỏi Quốc tế thì lợi rất nhiều. Học sinh đạt giải Quốc tế đem lại vinh quang cho trường, cho ngành Giáo dục, cho tỉnh và đất nước. Và dĩ nhiên, qua việc này, nhà trường nhận thêm được sự ưu ái đầu tư của tỉnh để bồi dưỡng nhân tài. Hiện tỉnh đã có chủ trương cấp đất mở rộng nhà trường, xây dựng chế độ ưu đãi mới cho cán bộ, giáo viên và học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
+ Vậy trong tương lai hứa hẹn sẽ có thêm nhiều học sinh giỏi Quốc tế nữa?
Cũng chưa thể nói trước được điều gì, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.
|
Ngoài học tập, HS trường chuyên Lê Quý Đôn rất nhiệt tình tham gia các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Trong ảnh: Một buổi offline của các thành viên của “Diễn đàn học sinh chuyên Lê Quý Đôn Bình Định”
|
Lôi kéo “hạt giống” từ sớm…
Năm học 2010-2011, có 5 HS lớp 12 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời điểm này, nhà trường đang lo hoàn tất các thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho các em vào các trường ĐH mình thi đậu. Đây đã là năm thứ 3 trường kết nạp Đảng cho HS THPT với tổng cộng khoảng trên chục đảng viên. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là một trong những trường THPT trong tỉnh đầu tiên thực hiện việc kết nạp đảng viên cho HS.
+ Ông có vẻ hãnh diện về thành tích học sinh được phát triển Đảng không kém gì khi các em đoạt giải thưởng cao...
Thanh thiếu niên là tương lai của một dân tộc, nhưng cũng là đối tượng được lôi kéo nhiều nhất vì họ có tuổi trẻ, được học hành chu đáo và thích tiếp thu cái mới. Tôi thấy không ít trường hợp HS đi học trong và ngoài nước bị các tổ chức tôn giáo, thế lực thù địch lôi kéo vì các em chưa có bản lĩnh chính trị vững vàng. Vậy thì tại sao ta lại không chủ động giáo dục rèn luyện những “hạt giống đỏ” ngay từ trước mà phải chờ đợi đến sau này.
Những học sinh được Trường xét chọn kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam đều là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, học sinh giỏi trưởng thành qua các hoạt động trong nhà trường và có lý lịch gia đình trong sạch…
Được kết nạp Đảng sớm, các em có thể sẽ không được tự do, thoải mái về một số mặt nào đó như các bạn khác. Nhưng bù lại, các em sẽ trưởng thành sớm hơn, vững vàng hơn trong cuộc sống; sống có lý tưởng có bản lĩnh, có trí tuệ sẵn sàng phục vụ cho quê hương, đất nước.
+ Cách đây đã lâu, có trường hợp một học sinh trường chuyên Lê Quý Đôn tham gia băng nhóm trấn lột khiến dư luận e ngại. Vậy thầy đã làm gì để chứng minh rằng đó thực sự chỉ là một trường hợp “ngoại lệ”, và phải chấn chỉnh, rèn giũa tư cách đạo đức của học sinh ngay từ khi mới vào trường như thế nào?
- Chuyện xảy ra vào tháng 3 năm 2004 và đó một học sinh lớp 10 chuyên Lý. Cháu có dấu hiệu phạm tội từ cuối năm lớp 9 và khi vào trường chuyên lại tiếp tục. Tôi coi đây là trường hợp ngoại lệ nên không thông báo rộng rãi.
Theo tôi, để giáo dục đạo đức cho học sinh phải thông qua các hoạt động dạy học, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhà trường có quy định riêng chặt chẽ, khắc khe giúp học sinh nhận thức được các chuẩn mực đạo đức của xã hội, rèn luyện kỹ năng, hành vi theo chuẩn mực đó và hình thành thái độ, ý thức trong học sinh về đạo đức.
|
Võ Duy Việt, HS đầu tiên của trường đoạt huy chương trong một kỳ thi học sinh giỏi quốc tế.
|
Để chọn được học sinh thực sự giỏi cần...
+ Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường chuyên có một số bất cập. Một số học sinh học thực sự giỏi môn năng khiếu, đã từng đạt giải trong kỳ thi cấp huyện, thành phố nhưng chỉ vì điểm các môn thi điều kiện thấp nên không thể vào trường chuyên; một số HS không thực sự nổi trội nhưng học đều lại được vào trường; trong khi trường chuyên lại thực sự cần những HS có năng khiếu thực sự. Ông nhận định vấn đề này như thế nào?
- Công tác tuyển sinh do Sở GD-ĐT thực hiện. Người ra đề tuyển sinh rất quan trọng; đề thi phải đảm bảo tính khoa học, chính xác, chặt chẽ và đạt yêu cầu phân loại được trình độ học lực của học sinh nhằm tuyển chọn được người giỏi nhưng phải phát triển toàn diện. Một hệ thống đề gồm các đề: Văn, Toán, Tiếng Anh, và môn chuyên mà ra đề không tốt thì không thể chọn được những người tài vào trường. Có những em rất giỏi môn chuyên, nhưng lại không đủ điểm điều kiện vào trường thì rất thiệt thòi cho học sinh và trường chuyên.
Về khâu tổ chức, tôi thấy một số tỉnh khác khi tuyển học sinh vào trường chuyên, giáo viên trường chuyên đều được tham gia thẩm định đề.
+ Nhưng làm như vậy sẽ có thể dẫn đến sự không công bằng nếu giáo viên đó dạy thêm ở nhà, luyện “gà” thi vào trường chuyên trước?
- Tôi nói giáo viên trường chuyên không ra đề mà chỉ là người thẩm định đề, định hướng đề cho tốt và có tính phân hóa cao, không để lọt những em có năng khiếu thực sự. Để tránh tình trạng lộ bí mật, có thể “cấm trại” những giáo viên ra đề, thẩm định đề vài ba ngày từ khi ra đề đến khi thi xong. Còn ở tỉnh ta, tôi thấy người ra đề thường được giữ bí mật, người ra đề không hiểu mức độ khó dễ các môn khác ra sao, cho nên mới có tình trạng một vài học sinh giỏi thực sự bị “bắn” ra ngoài chỉ vì một môn thi điều kiện nào đó.
+ Hiện nay có hai luồng ý kiến: một là nên tập trung xây dựng, đầu tư hệ thống trường chuyên bồi dưỡng nhân tài. Song có ý kiến cho rằng nên bỏ hệ thống trường chuyên, lớp chọn vì HS trường chuyên không khác gì “gà nòi” được luyện để đi “đá người”, thiên về học lệch, học tủ. Đó là chưa kể đến tình trạng phụ huynh chen chân nhau chạy cho con được vào học trường chuyên, lớp chọn. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?
Trường chuyên trên thế giới, nhất là các nước tiên tiến có lâu rồi, nước Mỹ có trường chuyên cách đây khoảng 100 năm. Việt Nam có trường chuyên cách đây 46 năm. Singapore đã từng qua Việt Nam học tập kinh nghiệm xây dựng trường chuyên, nhưng hiện tại họ lại làm tốt hơn chúng ta nhiều. Nếu nói “luyện gà nòi để “đá người” thì phải nhắc đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… chứ Việt Nam mình chưa là gì cả. Mới đây thôi, khi trên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn HSG Việt Nam gặp đoàn HSG Ba Lan gặp nhau ở sân bay Frankfurt (Đức), trong khi bốn học sinh Việt Nam chụp ảnh, tìm mua sôcola… thì cả thầy lẫn trò người Ba Lan vẫn vùi đầu vào học bài.
Trước đây đất nước mình đã từng xóa các trường chuyên, lớp chọn; sau lại khôi phục và đầu tư nhiều hơn trước đây. Còn tệ nạn chạy trường chuyên lớp chọn là do phụ huynh mà ra, học sinh kém dù có chạy vào được trọng trường, không sớm thì muộn cũng bật ra ngoài, lỗi không phải của ngành Giáo dục.
+ Cám ơn ông về cuộc chuyện trò này!
+ Nếu cho ông một cơ chế tự chủ hoàn toàn, ông có thể kêu gọi được các nhà đầu tư, thành lập ngôi trường chất lượng cao mà không cần sự đầu tư, hỗ trợ nhiều của tỉnh như mô hình trường Lương Thế Vinh của GS Văn Như Cương, Hà Nội?
- Cách đây vài năm, tôi cũng có ý định giúp một doanh nghiệp mở trường chất lượng cao tại Quy Nhơn. Tôi đã sang tận Singapore để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm xây dựng các trường tư của họ. Tuy nhiên, Bình Định nói chung và Quy Nhơn nói riêng dân số còn ít, thu nhập của người dân thấp, đất xây dựng trường còn khó khăn; phụ huynh ở miền Trung và Tây Nguyên nếu có điều kiện cho con học hành thì bao giờ cũng hướng về TP. Hồ Chí Minh. Nếu mở trường vì mục đích giáo dục phi lợi nhuận thì được, còn để tồn tại trong cơ chế thị trường thì rất khó. |
|