Trung thu sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu thiếu đi tiếng trống thì thùng và hình ảnh những con lân vui nhộn. Ở Bình Định, từ lâu lân đã có một sức sống mãnh liệt, thăng hoa. Song câu chuyện về lân còn có cả những mặt trái.
|
Múa lân An Thái có nét độc đáo riêng hình thành từ việc phục vụ lễ hội Đổ giàn. Ảnh: Hiệp Mỹ
|
Từ bề dày lịch sử
Theo những bậc cao niên, phong trào múa lân đã xuất hiện ở Bình Định từ lâu, phổ biến tại những nơi tập trung đông người Hoa sinh sống như: Quy Nhơn, thị tứ An Thái (xã Nhơn Phúc, huyện An Nhơn). Đội lân đầu tiên của đất An Thái do những võ sư người gốc Hoa gầy dựng, để múa trong lễ hội Đổ giàn độc đáo của vùng đất này. Không như những nơi khác, lân An Thái là “lân sĩ”, tức lân múa các chiêu thức võ thuật nên người biểu diễn phải là con nhà võ. Một đội lân An Thái khi xưa có đến vài chục người tham gia biểu diễn. Ngoài những người trực tiếp tham gia múa lân, còn có “sĩ” (những người biểu diễn võ thuật) đi theo để biểu diễn các bài quyền hay binh khí trước khi múa lân.
“Tuyệt chiêu” của lân An Thái là cách lấy lèo trên cao. Với dụng cụ trèo lèo là hai cây tre dài chừng 10m, được róc trơn tru đặt song song và được một số người đứng tấn cho vững. Khi tiếng trống báo hiệu trèo lèo vang lên, người múa đầu lân sẽ được cõng leo lên. “Người đỡ người” cứ thế tiếp nối, cho đến khi tới vị trí lấy được lèo. Từng có màn biểu diễn múa lân An Thái huy động đến hơn 20 người lấy lèo ở độ cao trên 20 m, khiến khán giả phải “thót tim” vì lo đổ “cây lân người”…
Ở Quy Nhơn trước giải phóng, hầu hết các đội lân đều của người gốc Hoa. Cụ Phạm Văn Chai, 74 tuổi, cả đời gắn bó với Quy Nhơn, kể: “Thuở bé, tôi hay thích đến các hội quán, chùa của người Hoa để xem múa lân. Về kỹ thuật múa lân thì không khác gì bây giờ, nhưng thường chỉ có con lân và ông địa chứ không nhiều nhân vật phong phú như ngày nay. Các đội lân của các nhóm người Hoa chủ yếu chỉ biểu diễn vào các dịp lễ hội”.
Theo anh Nguyễn Duy Khang, phụ trách đội lân gia đình phật tử (GĐPT) chùa Xá Vệ, cuộc thi lân đầu tiên được tổ chức ở Quy Nhơn vào Tết Nguyên đán năm 1991. Anh Khang còn nhớ, khi ấy chỉ có 3 đội lân tham gia là đội lân của phường Trần Hưng Đạo, GĐPT chùa Ny Liên (phường Hải Cảng) và GĐPT chùa Xá Vệ. “Cũng như nhiều đội lân khác, đội lân GĐPT chùa Xá Vệ được thành lập bởi cụ Lý Văn Cang, một người gốc Hoa. Hồi đó tôi còn nhỏ, được các bậc huynh trưởng trong GĐPT chỉ dẫn cách dùng tre đan thành đầu lân. Lúc ấy, chúng tôi chưa có hình dung cụ thể về lân, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên lân cũng không đẹp như bây giờ. Lân là cái gì đó rất thiêng liêng, ai được cầm cái đầu lân là sung sướng lắm, sắm được con lân là niềm vui của cả xóm”- anh Khang tâm sự.
|
Hội thi múa lân thị trấn Diêu Trì năm 2010 thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân địa phương.
|
Hình thành phong trào sâu rộng
Sau giải phóng, phong trào múa lân phát triển sâu rộng ra các huyện trong tỉnh. Hội thi múa lân truyền thống thị trấn Diêu Trì một thời từng thu hút đến 20 đội lân tham dự, đông đảo khán giả mua vé vào xem cổ vũ. Đến nay, hội thi này vẫn được duy trì hàng năm vào dịp Trung thu, với sự tham gia ổn định của khoảng 10 đội lân. Đội lân xóm Ga do anh Nguyễn Việt Điệp thành lập, hoạt động gần 20 năm qua, được thừa nhận là “Diêu Trì đệ nhất lân”.
Ở huyện An Nhơn, ngoài múa lân độc đáo ở An Thái vẫn còn được duy trì vào dịp lễ, Tết, nay có thêm sự “nổi lên” của đội lân võ đường Lê Xuân Cảnh (xã Nhơn Hưng). Sau 30 năm duy trì hoạt động, đội lân này đã phát triển vững mạnh. Võ sư Cảnh chọn các thành viên đội lân từ các môn sinh của võ đường (từ 15-19 tuổi), đưa các chiêu thức võ vào nên động tác của lân mạnh mẽ, dẻo dai, đẹp mắt. Cách đây hơn chục năm, võ sư Cảnh đã học hỏi để đội lân chuyển sang tập múa theo phong cách cung đình Huế; đến năm ngoái, lại luyện thêm múa rồng, đánh dàn trống hội 10 cái để chương trình biểu diễn thêm sinh động, hấp dẫn hơn. Võ sư Cảnh cho biết: “Đội lân của chúng tôi có lực lượng ổn định từ 30-40 thành viên, tuyển lựa từ số võ sinh, trong đó có 10 thành viên nữ. Nhờ sự ủng hộ của các “Mạnh Thường Quân” trong xã, đội đã thường xuyên mua sắm trang phục, đạo cụ và có điều kiện đi biểu diễn miễn phí phục vụ các hoạt động xã hội”.
Anh Võ Xuân Vĩnh: “Nhiều người múa lân rất giỏi, nhưng vì tính tình không hướng thiện, nên không được giao trọng trách quản lý đội lân”. |
Phong trào múa lân ở Quy Nhơn cũng phát triển mạnh từ sau giải phóng đến nay. Hiện trên địa bàn TP Quy Nhơn có khoảng hơn 10 đội lân, trong đó, có một số đội lân tổ chức tập luyện bài bản và hoạt động biểu diễn thường xuyên. Đặc biệt, ở Quy Nhơn có nhiều đội lân được thành lập bởi GĐPT của các chùa như: GĐPT chùa Xá Vệ, GĐPT Kỳ Hoàn (chùa Long Khánh), GĐPT chùa Giác Hải, GĐPT chùa Phú Thọ…
Từ thực tiễn hoạt động của múa lân ở Quy Nhơn, có thể thấy, các đội lân của các GĐPT hoạt động rất bài bản, quy củ. Việc quản lý các đội lân được giao cho những người thật sự có tâm. Anh Võ Xuân Vĩnh, phụ trách đội lân GĐPT Kỳ Hoàn, cho biết: “Nhiều người múa lân rất giỏi, nhưng tính tình không hướng thiện nên không được giao trọng trách quản lý đội lân”.
Ở đội lân GĐPT chùa Xá Vệ, hai anh Nguyễn Duy Khang và Lý An Thành - những người quản lý đội lân bây giờ - luôn nhắc về những bậc “tiền bối” với sự kính nể. Họ đã xây dựng nên truyền thống tốt đẹp của lân. Nguồn thu từ “giật lèo” hay thưởng không dùng để chia cho các thành viên, mà ủng hộ cho quỹ tình thương của GĐPT, giúp đỡ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn, cùng thực hiện công tác từ thiện - xã hội của chùa. Truyền thống đó đã được các thế hệ mê lân gìn giữ suốt hơn 20 năm qua...
|
Truyền thống của đội lân GĐPT chùa Xá Vệ được gìn giữ nhờ những người yêu lân như anh Nguyễn Duy Khang.
|
Tìm sân chơi cho lân
Những đội lân nổi tiếng, có truyền thống như: đội lân sư rồng xóm Ga, đội lân võ đường Lê Xuân Cảnh, đội lân GĐPT chùa Xá Vệ, CLB Lân sư rồng Kỳ Hoàn… đều không đi múa dạo, mà chỉ đi biểu diễn khi được mời tại nhiều địa phương ở trong và ngoài tỉnh. Một số đội lân có tiếng ở Quy Nhơn vài năm gần đây cũng bắt đầu có điều kiện tham gia phục vụ cho các sự kiện như lễ khai trương, khánh thành, đám cưới, chúc thọ… góp phần tạo nên sức phát triển mới cho phong trào múa lân ở phố biển.
Tuy vậy, hoạt động bát nháo của nhiều đội lân địa phương (nhất là ở TP Quy Nhơn) đang làm xấu đi hình ảnh của múa lân. Biểu diễn không theo bài bản, tranh giành địa bàn, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự…; múa lân đã “biến tướng” từ một thú chơi, hoạt động giải trí phục vụ cộng đồng thành hiện tượng tiêu cực trong dịp Trung thu.
Để tạo sân chơi tôn vinh vẻ đẹp của nghệ thuật múa lân trong dịp Tết Trung thu, các cơ quan chức năng nên tăng cường quản lý và hướng dẫn hoạt động cho các đội lân. Võ sư Lê Xuân Cảnh cho biết: “Nếu tổ chức được một cuộc thi múa lân cấp tỉnh trong dịp Trung thu thì rất hay. Nó sẽ tạo điều kiện cho các đội lân gần xa có cơ hội giao lưu, thể hiện và phục vụ đông đảo người dân”. Ông Lê Trọng Đức, người từng phụ trách Đội lân GĐPT chùa Xá Vệ, bộc bạch: “Một cuộc thi nghiêm túc như thế chính là điều chúng tôi khao khát. Không chỉ góp phần giữ gìn truyền thống tốt đẹp của múa lân, nó còn giúp thế hệ chơi lân sau này được học hỏi kỹ năng của đàn anh đi trước”.
Tổ chức một hội thi múa lân cấp tỉnh cũng không phải là chuyện khó nếu các đơn vị văn hóa (như Sở VH-TT&DL) đứng ra “xâu đầu mối” để lo về khâu tổ chức, kêu gọi kinh phí xã hội hóa cho một hoạt động mang ý nghĩa thiết thực, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa lành mạnh của đông đảo người dân.
|