Khấp khởi Kông Trú
20:57', 18/9/ 2011 (GMT+7)

Cách đây gần 1 năm, trong một dịp tình cờ mà tôi có mặt tại làng Kông Trú (xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Thạnh). Làng đẹp hoang sơ và trong lành với nếp sống người dân Bana thấm đẫm văn hóa truyền thống. Giờ có mặt ở Kông Trú, tôi cảm nhận thêm nhiều đổi khác.

 

Một khu tái định cư đang được xây dựng để giãn dân trong làng.

 

Ấn tượng Kông Trú 

Những ai từng một lần đến Kông Trú đều bị cuốn hút bởi vẻ đẹp và sự trong lành của thiên nhiên cùng những ấn tượng về sự thân thiện của con người nơi đây. Làng nằm trong thung lũng chơi vơi giữa hai ngọn Kông Bru của huyện Vĩnh Thạnh và Kông K’riêng của huyện Hoài Ân. Lần về Kông Trú năm ngoái, bok Bách, người già nhất làng ở tuổi trên 80, đã nói về ngôi làng có 24 hộ với 104 nhân khẩu đều là người Bana từng sinh sống hàng chục năm theo đúng phong tục tập quán truyền thống của cha ông. Tôi đã đến nhiều làng dân tộc, chưa thấy nơi nào sạch như ở Kông Trú. Khắp làng không thấy rác. Không khí trong lành, thoang thoảng hương rừng vào buổi sớm. Bên trong những ngôi nhà sàn Bana truyền thống, nhiều loại nhạc cụ treo trên vách; các mế, các mí ôm đứa cháu nhỏ vào lòng khe khẽ hát ru bằng những bài dân ca Bana ngọt ngào.

Bok Bách kể, dân làng này mến cái đất, quý cái rừng nên khi Nhà nước chủ trương sáp nhập Kông Trú vào huyện Hoài Ân và xây khu tái định cư ở thôn Gò Dũng, có 12 hộ xin được ở lại với Vĩnh Thạnh. Nguyện vọng ấy của đồng bào được Ban Dân tộc tỉnh ủng hộ.

Vì sao tên làng lại là Kông Trú? Hóa ra nguồn gốc cũng thật giản dị. “Trú” là tên dân làng gọi một loài cây thân xốp mềm, lá nhỏ màu xanh, mọc dày hai bên bờ suối, có cây to hai ba người ôm không xuể, từ đó dòng suối bắt nguồn từ huyện An Lão chảy ngang qua có tên Trú. Ghép tên cây, tên núi, tên suối lại thì ra tên làng. Thật lạ, những năm 1967-1970, giặc Mỹ rải chất độc hóa học hai bên suối, không một loài cây cỏ nào sống được. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, cây Trú đã nứt mầm xanh phủ mát hai bên bờ suối Trú. Người dân Kông Trú  tuy nghèo về vật chất nhưng luôn ý thức giữ gìn cho mình một môi trường sống xanh - sạch - đẹp. 

Con đường đổi đời

Làng Kông Trú cách xã Vĩnh Kim 14 cây số, nhưng đoạn đường 6 cây số cuối tính từ làng O5 về là khó khổ nhất. Đường quanh co, gấp khúc, dốc nối dốc cao dần đến tận ngọn Kông Bru. Lần trở lại này, phần lớn những đoạn đường xung yếu đã được bê tông xi măng, một số ít đoạn được đổ đất cấp phối, mặt đường rộng 4 mét. Thỉnh thoảng, gặp một vài xe máy chở những giỏ hàng hóa chạy vụt qua mặt, ông Đinh Y Nam, nguyên Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, người nhiều năm gắn bó với núi rừng Vĩnh Kim thời chống Mỹ cứu nước chừng tỏ ra xúc động: “Bà con gọi con đường từ làng O5 đến làng Kông Trú là “con đường đổi đời”, vì nhờ nó mà đời sống được ấm no, sung túc hơn. Khi chưa có con đường, đồng bào phải cõng lúa đi bộ đường rừng ngót 2 ngày trời mới xuống tới làng O5 để máy gạo rồi cõng về. Hộ nào không có người khỏe mạnh thì phải tự giã theo kiểu thủ công. Có đường rồi, một số hộ kinh tế khá đã mua xe máy; cách sống theo kiểu “tự cung tự cấp” lâu nay của dân làng đang thay đổi, hàng hóa không chỉ để dùng mà còn dành bán cho thương lái ở xuôi lên hay chở xuống chợ bán”.

Ở độ cao trên 600 mét so với mặt nước biển, Kông Trú có khí hậu và đất đai khá lý tưởng để sản xuất, chăn nuôi, thế mà người dân Kông Trú bao đời vẫn bị cái nghèo, cái khó đeo bám. Họ nghèo không phải vì không có đất sản xuất mà bởi họ chưa biết cách sản xuất, làm ăn hiệu quả để vươn lên thoát nghèo. Con đường mở ra, giao thông thuận lợi, đồng bào có điều kiện đi đó đây để “mở rộng tầm mắt”, học cách làm ăn. Thêm vào đó, cán bộ nông nghiệp huyện, xã và các hội đoàn thể tới lui hướng dẫn cách gieo sạ, chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, nhờ vậy, năng suất thu hoạch lúa và các loại cây hoa màu tăng đáng kể. Dọc đường đi, nhìn những rẫy mì, bắp, chuối, những ruộng lúa nước đương thì con gái, tôi cảm nhận được sự chuyển mình của vùng đất khó này.

 

Thầy Bá và những học sinh của mình.

 

Khấp khởi và hy vọng

Làng Kông Trú đang được đầu tư, hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo. Chúng tôi đến khu tái định cư của làng. Những chiếc xe xúc, xe ủi, xe chở đất hối hả như một công trường. Ông Đinh Văn Thành, Trưởng thôn Kông Trú, cho biết: “Khu tái định cư được quy hoạch rộng hàng chục héc ta để giãn dân vì lâu nay bà con cất nhà sát nhau quá. Ở trên núi, khu nhà và đất phải rộng cả ngàn mét vuông bởi ngoài đất ở còn phải có đất sản xuất rồi kho chứa lúa, chuồng gà, chuồng bò, công trình vệ sinh… Ở đây đồi núi chập chùng, dân làng đâu đủ sức san bằng nên không có đất sản xuất, cái đói nghèo đeo bám hoài. Đến cuối năm nay, khu tái định cư sẽ hoàn thành, làng sẽ có nhà rông cộng đồng, có hệ thống nước sinh hoạt, đường giao thông nội bộ, đường vào khu sản xuất, trồng cây xanh..., nên ai cũng náo nức và phấn khởi”.

Ghé lại điểm trường mới xây dựng, tôi bắt gặp những gương mặt hân hoan của học sinh. Trường làng Kông Trú là một điểm trường của Trường THCS Vĩnh Kim, trước đây do dân dựng bằng tranh, có 1 phòng học cho 2 lớp (lớp 5 và lớp ghép 1+2), mỗi lớp học một buổi. Trường mới có 2 phòng, xây trên nền cũ. Hôm chúng tôi đến, hai lớp học vừa được cấp 2 tấm bảng mới. Thầy Cao Văn Bá phụ trách lớp ghép và thầy Trần Minh Phụng phụ trách lớp 5 cho biết, năm học mới đã bắt đầu từ hai tuần qua, mỗi lớp có 7 em. Các em đều chăm ngoan, chịu khó đi học, phụ huynh cũng tỏ ra quan tâm đến việc học của con em. Nhưng việc dạy và học khá vất vả vì đa số các em bị hổng kiến thức. Tất cả các hộ trong làng đều ở diện nghèo, nên muốn yêu cầu phụ huynh mua thêm dụng cụ học tập gì rất khó. Giáo viên thấy các em thiếu gì thì bỏ tiền túi mua cho học sinh. Trường dù được xây mới, nhưng bàn ghế bên trong đều cũ và không đúng quy cách. Sách vở cũng thiếu thốn. 18 năm trong ngành, nhiều lần về dạy ở những điểm trường vùng cao, thầy Bá rất biết cách động viên học sinh vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Thầy cho biết: “Học sinh của làng chưa rành tiếng Kinh, nhất là lớp 1, chúng tôi phải giảng bài bằng tiếng Kinh và Bana. Mong muốn nhất hiện nay là mở thêm lớp mẫu giáo để các em nhỏ quen đến trường và tiếp xúc với những con số, chữ cái để không khỏi bỡ ngỡ khi vào lớp 1”.

Chúng tôi rời Kông Trú khi mặt trời sắp lặn xuống phía bên kia ngọn núi Kông Bru với nhiều tâm trạng. Văng vẳng trong tiếng gió thổi ngược, có tiếng ê a đọc bài của học sinh Kông Trú tại những lớp phụ đạo buổi chiều. Tôi hình dung đến một ngày Kông Trú sẽ đông đúc và ấm no hơn khi người dân ở các làng O3, K6, O5, Dăktra chuyển đến sinh sống ở khu tái định cư.

Bóng đêm dần bao phủ núi rừng, làng Kông Trú mờ xa và chìm lỉm trong màn đêm. Tôi bỗng nhớ đến câu nói như một lời nhắn nhủ của ông Đinh Văn Nghét, Bí thư chi bộ thôn: “Bà con khấp khởi vui mừng trước những đổi thay của làng và đang hy vọng một ngày không xa, điện sẽ về đến làng, để đêm đêm, trẻ con có ánh sáng học bài, người già thấy đường thấy ngõ mà qua lại thăm nhau”.

  • Ngọc Tú
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)
Bay ra Bạch Hổ  (03/08/2011)