Rừng động mùa ươi
20:0', 25/9/ 2011 (GMT+7)

Mùa ươi làm “nóng” lên những cánh rừng tại xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão), làng O2 (huyện Vĩnh Thạnh) và các xã giáp ranh vùng cao ở hai huyện Phù Cát, Hoài Ân... Theo chân người dân địa phương, chúng tôi vào rừng đặc dụng An Toàn - nơi có nhiều nhóm người vào rừng khai thác trái ươi mỗi ngày. Những cảnh tượng tàn khốc phơi ra trước mắt.

 

Những cây ươi bị cưa trong rừng đặc dụng An Toàn.

 

Mùa ươi bắt đầu từ tháng 6 đến mùa mưa xuống, nhưng không phải năm nào ươi cũng cho quả. Già làng Đinh Văn Tĩnh (xã An Toàn) cho biết, cả đời ông chưa tới chục lần chứng kiến ươi có trái. Lâu nay, người miền cao An Toàn vẫn trông đến mùa ươi bay (trái ươi chín rụng) để đeo gùi vào rừng nhặt về ăn. “Quá trình ủ hoa ra trái của ươi lâu lắm, có khi trên 10 năm mới có một mùa. Người dân ở đây rất thích ăn trái ươi nên họ chỉ nhặt trái mà không bao giờ chặt cây. Những hạt ươi bay đủ độ chín, ăn vừa ngon vừa bổ. Ăn mùa này phải giữ cho mùa sau”- già làng tâm sự.

Săn lùng ươi

Theo lời của những người già trong làng, cây ươi mọc cao nhất trong rừng, lá màu nâu tím nên rất dễ nhận ra, chỉ cần đứng trên cao là có thể nhìn thấy. Anh Đinh Văn Đức, một người trong làng thường đi nhặt ươi bay, đưa chúng tôi lên những đỉnh đồi để quan sát, nhưng nhìn mãi mà chẳng thấy cây ươi nào xanh lá. Đi cả một ngày đường, băng qua mấy cánh rừng, dọc những hố sâu, hầu hết những gốc ươi đường kính trên 1 m, cao trên 30 m, đều nằm phơi xác; cả một vùng rộng khoảng 200 m2 quanh nó cũng tan nát vì cây ngã đập hoặc bị chặt ngã hẳn.

Anh Đức kể, mỗi ngày, có nhiều nhóm người từ các nơi đến, mang theo cưa máy, ngang nhiên khai thác, chỉ cần lắng tai là nghe tiếng cưa máy hoạt động. Đầu mùa, có nhóm hạ 5-7 cây mỗi ngày, trái ươi xanh hay chín cũng đều bị gom tất. Giá ươi cao mang lại nguồn lợi lớn nên họ bất chấp tất cả, khiến nhiều cây gỗ quý cũng bị ngã theo. Sau khi vặt hết trái, cây ươi bị bỏ nằm héo khô cùng với nhiều cây khác, “ươi tặc” lại tiếp tục tìm cây mới. Cứ thế, rừng ươi bị tiêu diệt gần như toàn bộ.

Chúng tôi được đưa đi khắp các đỉnh cao để quan sát khu rừng đặc dụng được đánh giá rất nhiều ươi ở xã An Toàn, rồi băng rừng đến tận làng O2 của huyện Vĩnh Thạnh nhưng chẳng còn thấy cây ươi có trái nào may mắn còn sống sót. Nơi nào có ươi, nơi đó chỉ còn một bãi trống ngổn ngang cây ngã và những lớp lá héo khô.

Gần một ngày đường lùng sục trong rừng già, anh Đức mới tìm ra được một cây ươi to còn sót lại: “Cây này chưa bị triệt hạ vì không có trái. Một cây chỉ cần có vài ký ươi cũng bị chặt không thương tiếc” - anh Đức cho biết. Một số cây, “ươi tặc” hạ chỉ kiếm được số ươi bán được khoảng vài trăm ngàn đồng nhưng tổn thất cho rừng có thể đến hàng chục triệu đồng khi nhiều cây gỗ quý xung quanh nó bị “bức tử”.

 

Những cây gỗ quý xung quanh cũng bị bức tử vì ươi.

 

Rừng “rưng nước mắt”

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, thời gian gần đây, nhiều nhóm người ở các tỉnh khác và các xã ở huyện An Lão vào rừng tìm trầm, hái ươi và xay. Họ đi thành băng nhóm, thuê cả xe tải hoặc xe du lịch đi với đầy đủ vật dụng để ở trong rừng nhiều ngày.

Vào vai người đi hái xay, chúng tôi dễ dàng tiếp cận với những nhóm hái ươi quê ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và cả người địa phương. Một người tên N. cho biết: “Ở Quảng Nam có nhiều nhóm lắm. Nhóm nào cũng chiếm một vùng và tuyên bố ươi ở rừng nào là của họ. Nhiều cuộc ẩu đả đã xảy ra nên chúng tôi chuyển vùng vào trong này”.

N. tâm sự: “Nghề này khổ lắm, sống trên rừng thiếu thốn lại nhiều tai họa rình rập. Nhiều lúc đi gặp rắn, bò cạp núi, muỗi, mòng, vắt... cắn. Nguy hiểm hơn là khi cây bị cưa ngã kéo theo nhiều cây khác đổ xuống, nếu bị cây đập trúng người thì khó giữ được tính mạng”. Đồ nghề của họ là chiếc máy cưa, rựa, bao, một ít thức ăn và ai cũng thủ trong người một con dao nhọn hoắt. Họ không chỉ đối phó với rừng mà còn với cả những nhóm “ươi tặc” hung hăng khác.

Mỗi chuyến đi của nhóm kéo dài khoảng một tuần, vào chính vụ hái được khoảng 5 tạ ươi. Giá ươi tươi (ươi xanh chưa chín) dao động khoảng 40.000 đồng/kg, tính ra một tuần nhóm này kiếm được trên 20 triệu đồng. Để có 5 tạ ươi, họ phải hạ ít nhất 12 cây, có khi đến 18 cây. Do bị cấm nên mỗi lần vác hàng ra, họ đi ban đêm hoặc băng rừng.

Cuộc tranh giành mua bán ở ngay tại cửa rừng cũng khá rộn ràng. Bà Dung- một trong những đầu nậu mua bán trái ươi và trái xay tại chợ Xuân Phong (xã An Hòa, huyện An Lão) - cho biết: “Tháng trước, việc mua bán ươi diễn ra khá tấp nập. Một ngày, các đại lý tại chợ Xuân Phong mua được hàng tấn trái ươi. Mỗi bao (khoảng 50 kg) vượt trạm kiểm soát thì người đi buôn cầm chắc lãi 2 triệu đồng (giá ươi khô, ươi bay tại An Toàn là 100 ngàn đồng/kg, bán tại chợ Xuân Phong 140 ngàn đồng/kg). Các đại lý lớn mua lại chuyển đi TP Hồ Chí Minh bán với giá dao động khoảng 200 ngàn đồng/kg. Lãi nhiều nên họ giành nhau mua dữ lắm”.

 

Ươi bay người dân nhặt nhưng không bán được vì bị cấm?

 

Bao giờ mùa ươi trở lại

Không khí mùa ươi ở An Toàn không còn rầm rộ như cách đây vài tuần. Nhiều người già ở An Toàn cho biết, mùa ươi kéo dài từ đầu hè đến khi mùa mưa tới. Tuy nhiên, mùa ươi năm nay kết thúc sớm vì số lượng người vào rừng chặt ươi quá nhiều, cây to, nhỏ đều bị lùng sục triệt hạ nên mùa ươi chưa hết mà cây ươi đã không còn.

Chỉ một cây ươi non mới vừa lên trên đầu người, anh Đức than thở: “Cây này cũng trên chục năm nữa mới có trái. Muốn có ươi ăn nữa chắc chờ đến rụng răng”.

Theo báo cáo của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn: “Tình hình khai thác trái ươi trên địa bàn xã An Toàn đang diễn biến khá phức tạp. Các đối tượng sử dụng các thủ đoạn khá tinh vi như dùng cưa máy giảm thanh hạ cây vào sáng sớm hoặc đêm khuya, liên kết với người dân địa phương theo dõi hoạt động của tổ kiểm tra để thực hiện các hành vi xâm hại rừng. Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn phối hợp với các ngành chức năng của huyện đã phát hiện thu giữ 2 máy cưa xăng, 300 kg trái ươi và nhiều phương tiện xâm hại rừng khác, đồng thời, đuổi ra khỏi cửa rừng 13 đối tượng từ Quảng Nam đến”.

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: “Sau khi nhận được tin báo của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, huyện An Lão đã thành lập đoàn công tác liên ngành phối hợp với lực lượng quản lý bảo vệ rừng đặc dụng An Toàn tiến hành lập chốt kiểm soát tại phân trường 3; đồng thời, tổ chức truy quét lâm tặc đang khai thác trái ươi tại rừng An Toàn. Đến nay, tình hình đã ổn định, nạn khai thác trái ươi đã được ngăn chặn”.

Hàng tấn trái ươi tuồn ra khỏi rừng mỗi ngày nhưng cả một đợt truy quét của liên ngành phối hợp chỉ thu giữ được… 300 kg. Kết quả truy quét ở rừng An Toàn của Ban quản lý rừng đặc dụng cho thấy, lực lượng giữ rừng vẫn còn quá mỏng, khó giữ được những cây ươi, giữ được rừng không bị phá vì ươi.

Và không biết đến bao giờ rừng An Toàn mới có mùa ươi trở lại…

Cây ươi còn có nhiều tên gọi như lười ươi, cây thạch, cây ươi bay, bàng đại hải, An Nam tử. Ươi có tên khoa học là Sterclia lyhnophora Hance. Ươi thường mọc ở rừng sâu, cao trên 20 m; hoa nhỏ, quả nặng, mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc, hạt to bằng ngón tay, hình bầu dục hay thuôn. Ươi ra hoa từ tháng 1 đến tháng 3, có quả từ tháng 6 đến mùa mưa xuống.

Theo Đông y, ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt.

  • Trường Đăng - Hoàng Nam Quốc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)
Cây chuối trên đất trung du  (07/08/2011)