Bám biển cùng ngư dân Bình Định
15:38', 27/9/ 2011 (GMT+7)

* Phóng sự của Vũ Đình Thung

Ngư dân Bình Định sống và làm việc như thế nào khi tàu của họ lênh đênh giữa trùng khơi? Nỗi vất vả của cuộc mưu sinh khi treo mình trên đầu sóng ra sao? Tình quân dân trên biển ấm lạnh đến đâu và ngư dân – đặc biệt là như dân Bình Định đã được san sẻ, bảo vệ như thế nào? Chuyến bám biển cùng ngư dân gần một tháng ròng của Vũ Đình Thung - CTV Báo Bình Định điện tử sẽ giải đáp cho bạn đọc hiểu một phần những câu hỏi trên.

KỲ 1              

Mái ấm giữa trùng khơi

Mỗi người một cảnh đời khác nhau, nhiều lứa tuổi khác nhau, thế nhưng khi ra khơi, 19 thuyền viên của tàu đánh cá BĐ 94439 TS cùng ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định thành anh em một nhà. Con tàu trở thành mái ấm giữa trùng khơi.

 

Khi ra khơi, tất cả các thuyền viên trên tàu trở thành anh em một nhà, đây là điều kiện quan trọng để có được những chuyến biến thắng lợi.

 

Những đứa con của biển

Gia đình 439 (gọi tên tàu bằng 3 số đuôi của số hiệu tàu là thói quen của ngư dân) gồm 19 người toàn đực rựa. Chuyến này tính thêm tôi là 20. Trừ tôi ra, thành viên lớn nhất trong gia đình là 50 tuổi, nhỏ nhất 18. Vì là ngư phủ “nhí” nhất trong gia đình nên Trần Văn Tiến được phân công nhiệm vụ chính là “anh nuôi”.

Làm “anh nuôi” cho gia đình trên thuyền kiểu này không phải là chuyện đơn giản. Nhìn thân người nhỏ thó của Tiến mỗi bữa phải vật lộn với một nồi cơm nấu hơn 20 lon gạo, những chảo đồ ăn to tướng mà tôi thấy ngưỡng mộ thật lòng. “Không chỉ nấu ăn, khi gặp luồng cá, cháu cũng tham gia vào công việc của mọi người”, Tiến bộc bạch.

Mới 18 tuổi nhưng Tiến già dặn lắm. Nhưng 2 năm lăn lộn ngoài biển khơi vẫn chưa làm Tiến mất vẻ hồn nhiên đặc trưng của ngư dân. Tiến quê thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ. Vào nghề năm 16 tuổi. “Ba cháu tuổi đã lớn tuổi, mình ổng làm không đủ nuôi mẹ và 3 đứa con đi học nên cháu nghỉ học theo nghề kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình. Từ khi cháu đi biển, 2 đứa em của cháu yên tâm học hành hơn” - Tiến tâm sự.

Nhấc chảo măng xuống, bắc nồi canh lên bếp ga xong Tiến tiếp tục câu chuyện: “Khi chia tiền, người lớn có người ăn 10 điểm, có người 7 điểm, cháu còn nhỏ nên ăn 6 điểm”. Qua tìm hiểu tôi được biết cách chia quyền lợi của bầu bạn gia đình 439, mỗi điểm là 1 triệu đồng. “Từ đầu năm đến trước chuyến đi này, phần cháu được nhận 41 triệu đồng, ba cháu được nhận gần 70 triệu đồng nữa. Mẹ cháu vui lắm. Trước sau làm chừng 2 tháng đó chú”, Tiến khoe.

 

Một miếng bí đao cũng thành mồi câu và chú mực này đã dính câu.

 

Như người anh lớn trong gia đình, anh Nguyễn Văn Tống cùng ở thôn Xuân Thạnh, rất tự hào về nghề biển của mình. Năm nay 50 tuổi mà anh Tống đã có 34 năm trong nghề. Có 3 đứa con, thằng lớn cũng theo nghề của ba, cũng là thành viên trong gia đình 439. “Trước đây thằng út cũng theo nghề biển nhưng sau này đi biển ngày càng khổ, lại nhiều nguy hiểm nên tôi cho nó ở nhà học nghề, giờ đang làm nghề ở TP HCM”, anh Tống kể chuyện.

Rồi như không dằn được lòng tự hào, anh Tống kể thêm: “Con gái tôi đang học đại học năm thứ tư tại Đại học Quy Nhơn, nó là niềm tự hào của gia đình tôi. Người quê biển ít được học hành lắm, cả làng chỉ vài 3 cháu học lên đến đại học. Lương của những nghề trên bờ tuy ít nhưng ổn định, nghề biển năm được năm mất nên nuôi con học đại học cũng là tứa mồ hôi”.

Sau những giờ lao động nặng nhọc, cả gia đình 439 quây quần bên nhau ở tầng giữa, nơi thường xuyên ồn ào, náo nhiệt những chuyện vui. Từ lúc tôi “nhập gia”, anh em bảo là trên tàu mình giờ có đến 2 “nhà”, 1 nhà báo, 1 nhà thơ. Hẳn nhà báo là tôi, còn nhà thơ là ai tôi chưa biết. Hỏi ra thì đó là “nhà thơ” Sơn, chàng ngư phủ trẻ có gương mặt hiền hậu. Tôi đề nghị Sơn cho nghe thơ, Sơn bẻn lẽn lắc đầu nguầy nguậy. Ngại Sơn xấu hổ, mọi người cho qua chuyện này.

Có một điều rất lạ. Trước nay tôi cứ nghĩ ngư dân ai khoái uống rượu và có thể uống rất nhiều. Nhưng với gia đình 439 thì không. Bỗng “nhà thơ” Sơn buộc miệng góp chuyện một câu nói vần vè hẳn hoi: “Ru mà tốt lành gì. Ông Tư thì chết vì ru, còn thằng Tám thì mất tiền tru cũng bởi vì men”. Cả nhà cùng cười. Tôi vỡ lẽ vì sao anh em gọi Sơn là “nhà thơ”.

Với ngư dân, biển không chỉ là nơi mưu sinh, đi biển không chỉ là nghề. Giữa ngư dân với biển tồn tại mối quan hệ như máu thịt, như hơi thở từng phút từng giây. Bởi thế, họ gắn bó cả đời với sóng gió trùng khơi dù có những lúc biển đói thê thảm, dù hiểm nguy trùng trùng là điều dễ hiểu. Trong gia đình 439 có 2 thành viên vừa cưới vợ. Hồ Xuân Đấu (25 tuổi) kết hôn ngày 20 tháng 4 âm lịch vừa qua giờ cũng có mặt trong chuyến biển này. Đấu cười hồn nhiên: “Đâu phải cưới xong là đi liền đâu mà. Cũng hầu dâu 3 ngày xong mới ra biển chớ...”.

 

Lũ mực được xẻ ra làm ruột sạch sẽ tại boong tàu, sau đó được ướp vào khay đá để ăn dần.

 

Đêm câu mực cải thiện

5 giờ chiều 22.7, cả tàu nhốn nháo hẳn lên khi thấy những con cá “bay” lên nhảy múa trên mặt nước ngay tọa độ 10.36 độ đông, 10.22 độ bắc. Ùm, một ngư phủ giỏi lặn chuyên trách việc thăm dò cá chịu trách nhiệm lập tức có mặt dưới biển. Toàn bộ thuyền viên dồn hết lên mũi tàu mắt đăm đăm nhìn về phía Đạt, ngư phủ vừa lặn sâu trong nước. Tôi cũng như mọi người, đang cầu mong gặp đàn cá lớn. Lại một lần nữa thất vọng. Đạt bơi vào. “Cá dũa, nhỏ, đàn ít, lại không có bóng cho chúng dựa nên chúng sẽ tản đi rất nhanh không đánh được”, Đạt nói.

Như đã quen với cảnh này nên gương mặt tài công Nguyễn Minh Vương không hé lộ chút buồn. Vương phát lệnh “thả dù”, rồi quay sang nói với tôi: “Mình neo lại đây vài tiếng đồng hồ để anh em câu mực cải thiện bữa ăn. Đồ ăn từ bờ mang theo hết rồi, không dám mua nhiều vì ăn đồ bờ anh em ớn lắm. Đã ra đến biển thì không lo gì thức ăn”.

Cơm tối xong, anh em thuyền viên nô nức chuẩn bị cước lưỡi, mồi câu. “Không còn món gì tươi để làm mồi”, bếp trưởng 18 tuổi Trần Văn Tiến tuyên bố. “Chẳng sao, xắt cho miếng bí đao rồi ta sẽ lấy mực câu mực”, những thợ câu vừa chọn vị trí ngồi câu vừa trả lời. Họ ngồi trên mạn tàu, người này cách người kia vài mét. Lần đầu tiên tôi thấy lưỡi câu mực.

 

Một bữa cơm đoàn kết giữa biển khơi của ngư dân trên tàu BĐ 94439 TS.

 

Nó là 1 cái vòng tròn bằng sắt, có 12 chấu. Chỉ cần móc mồi vô 1 chấu, lũ mực thấy miếng mồi, nhào vô kiếm ăn sẽ bị những tay câu giật mạnh, tất cả các chấu của lưỡi câu bám vào chòm râu dày đặc của con mực. Thế là dính. Miếng bí đao, miếng mồi đi “tiên phong” nhanh chóng mang về 1 con mực xà nặng khoảng 3 lạng. Thế là đã có lủ khủ mồi.

Mặc dù không phải là thợ câu mực chuyên nghiệp nhưng những lưỡi câu dính mực liên hồi. Tiếng cười mừng thắng lợi vang vang khắp tàu. Loáng chốc, lũ mực nằm lăn lóc khắp sàn tàu. To có, nhỏ có. Con to thì tới 1 cân, nhỏ nhất cũng 3 lạng. “Câu mực dễ lắm, cả anh cũng câu được. Hôm nào tui móc mồi cho anh câu”, Vương hứa hẹn.

Khi mực câu đã được kha khá, anh em phân công, ai câu cứ câu, ai làm mực vào làm. Lũ mực được xẻ ra làm ruột sạch sẽ tại boong tàu, sau đó được ướp vào khay đá để ăn dần. Từ hôm nay, thực đơn của chúng sẽ là: sáng, mì tôm với mực tươi. Trưa, chiều mực luộc chấm muối tiêu hoặc xào. Khi nào đánh được cá thì không cần phải nói ai cũng biết, thức ăn tươi ê hề. Cá, mực tươi roi rói thì ăn sao cũng ngon. Tôi nghĩ ai cũng nói như vậy. “Nhờ ăn nhiều thức ăn tươi nên anh em ai nấy đều khỏe như vâm. Có như vậy mới kham được công việc nặng nhọc này”, một ngư phủ nói.

Đạt cho biết thêm: “Nhiều lúc trúng luồng cá, anh em lặn dưới nước từ 4 giờ sáng hôm nay đến 2 giờ sáng hôm sau. Không có thời gian ăn cơm, anh em phải vừa làm vừa ăn mì tôm sống. Thế mà ai cũng làm ào ào, miệng cười tươi rói cả ngày”,

Nụ cười đáng mến của những ngư phủ 439 là biểu hiện dễ thấy của cách họ sống tận tình với nhau, sẵn lòng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ!

  • Vũ Đình Thung

KỲ 2:

Những ngày biển động

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)
Đất học Hoài Ân  (10/08/2011)