Bám biển cùng ngư dân Bình Định
KỲ 2: Những ngày biển động
17:36', 28/9/ 2011 (GMT+7)

Tính từ ngày rời bến đến nay đã tròn 10 ngày mà tàu chúng tôi chỉ mới bủa được 1 mẻ rất “hẻo”, chừng 10 tấn cá. Những ngày sau đó trời nổi giông gió, tàu phải dạt vào cồn nam đảo Đá Lát để trú ẩn. Chính trong trắc trở tôi lại thấm thía cái tình ngư dân với nhau. Câu phương ngôn “ăn đằng sóng nói đằng gió” bỗng nhiên bật lên với vẻ hào sảng tươi mới mà lúc ở đất liền chưa bao giờ tôi cảm nhận được.

Cơn bão nhiệt đới đi qua, biển dần êm trở lại. Gió ngoài khơi lặng dần và xuống chỉ còn cấp 5, cấp 6. Tàu BĐ 94439 TS của tài công Nguyễn Minh Vương ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (Phù Mỹ) rời nơi ẩn náu ra khơi kiếm cá.

 

“Tấm lưới dài 600 sải, chiều đứng 70 sải. Đáy lưới được gắn 120 khoen bằng chì, mỗi khoen nặng 10kg để kéo lưới chìm sâu xuống biển. Trọng lượng của cả tấm lưới gần 7 tấn, trong đó khoen chì 1,2 tấn, lưới nặng 5 tấn, còn lại là dây cáp. Kinh phí làm tấm lưới này hơn 1 tỷ đồng”.

 

Nương nhau trên biển

“Chuyến biển này chắc “bể”, ra khơi đã 10 ngày mà 1 hầm cá chưa đầy”, tài công Vương than. “Để nghe tin thời tiết trưa nay xem sao, nếu gió giảm còn cấp 6 thì anh em mình dong ra khơi rảo qua rảo lại, bà cậu thương cho gặp cây trôi kiếm thêm giác lưới”, Vương nói như ...xin xỏ. Dường như lời than của Vương đã được “bà cậu” chứng.

Vừa ăn trưa xong, chúng tôi đang ngồi uống nước bên bánh lái thì tổng đài Icom vang lảnh lót giọng nói “Lưới vây 439, lưới vây 439”. Vương vội cầm ống nói. Tôi không nghe được nội dung cuộc nói chuyện vì 2 máy Icom rồ rồ liên hồi. Nhưng nhìn vẻ mặt giãn ra của Vương, tôi ngầm hiểu có tin tốt lành.

Quả như dự đoán, vừa treo ống nghe lên chiếc đinh, Vương nói: “ Chiến hữu tàu KH 01548 TS ở Khánh Hòa câu cá ngừ đại dương vừa gọi chỉ điểm cá ở vùng 8. Mình dong thôi” (dân đánh cá lấy độ vĩ bắc để tính vùng. Có thể hiểu thế này: tàu đang ở tọa độ 6.12 độ vĩ bắc thì họ gọi là đang ở vùng 6 - TG). Rồi Vương nhìn máy định vị nhẩm tính “Từ đây đến đó là 110 hải lý. Trời săn gió, đẩy ga chạy 9 hải lý/giờ, mất khoảng 12 giờ sẽ đến đ”.

 

Thuyền viên tàu BĐ 94439 TS chung tay kéo lưới.

 

Ngay sau đó, khởi động cả 2 máy, Vương cho tàu rời cồn nam đảo Đá Lát. Tàu phăm phăm lướt sóng hướng mũi về vùng 8. tài công Vương và thuyền trưởng Tý thay nhau cầm bánh lái cho tàu chạy 1 hơi. Con tàu vật vã trong gió cấp 6 cấp 7 suốt 12 giờ đồng hồ, đến 00g30 sáng 30.7 tàu đi vào vùng 8. Chỉ tay về ánh đèn lấp lánh phía xa, Vương nói: “Tàu chiến hữu đang đứng ở đó. Sau khi phát hiện cây trôi, họ dằm dù neo tàu, cắm cờ hiệu và đèn báo chờ mình đến. Bủa xong mẻ lưới này, thu được bao nhiêu cá sẽ chia cho họ 30%. Đó là cách ăn chia trên biển giữa các tàu lưới vây ở Bình Định và các tàu câu mực, câu cá ngừ đại dương ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Vương nhìn máy định vị rồi nói thêm: “Còn nửa độ nữa (30 hải lý) là mình đến ngay điểm cây trôi”. Vương với tay cầm chiếc đèn pha bật sáng làm hiệu cho tàu bạn. Máy Icom vang vang giọng nói: “Thấy rõ rồi”. Đến tọa độ 113.21 độ đông, 8.33 độ bắc, tàu chúng tôi dằm dù neo lại cạnh khúc cây trôi chừng 500 số (500m). Tài công Vương thở phào: “Anh em mình đánh 1 giấc, 4 giờ sáng mai dậy làm”.

Theo bóng cây thả lưới

Đang say giấc, tôi choàng tỉnh theo sự bừng thức của c tàu. 19 thuyền viên đã tập trung đầy đủ ở tầng khoang. Trong khi tàu nổ máy di chuyển tiếp cận gốc cây trôi, anh em vội vàng la tô mì tôm. Khẩn trương chia nhau ly cà phê rồi bắt tay vào việc. Tàu lại neo. 2 thuyền thúng được thả xuống, mỗi thúng đưa 3 thuyền viên ra gốc cây trôi. Nhìn 2 chiếc thúng trôi chậm trong gió cấp 6, dưới ánh trăng hạ tuần mờ mờ trông sao mong manh quá. Tôi chợt nhận ra sự bé nhỏ của ngư dân trước đại dương mênh mông. 2 thuyền viên Phính, Đô nhận nhiệm vụ lặn xuống thăm dò đàn cá còn ở đó không. Thấy 2 người lặn xuống biển mà để nguyên đồ dài, tôi ngạc nhiên: “Sao lặn dưới nước mà không cởi đồ cho gọn?”. “Mặc đồ dài tránh mấy con sứa chạm vào. Dính nhớt của sứa là ngứa bong cả da”, một người giải thích. Thế mới hay cuộc mưu sinh giữa biển Đông của ngư dân chẳng dễ dàng tí nào.

4 thuyền viên còn lại trên thúng, 2 người có nhiệm vụ giữ thẳng gốc cây, 2 người kia dùng dây buộc gốc cây trôi vào đầu phao giữ cho cây đứng ngay tâm khi tàu bủa lưới. Tất cả thuyền viên còn lại trên tàu đứng quanh tấm lưới chờ lệnh bủa. Tài công Vương bắt đầu cho tàu chạy quanh gốc cây. Lúc này, “tay lái lụa” của Vương được thể hiện. Chiếc tàu được Vương bẻ những vòng cua theo hình tròn chuẩn đến không thể chê vào đâu được. Chiếc tàu được Vương bẻ vòng cua theo hình tròn chuẩn đến không thể chê vào đâu được. Thật diệu kỳ, trong khi tàu chạy, chỉ cần 2 thuyền viên thả 1 mép lưới xuống biển là sau đó nặng gần 7 tấn cứ thế tự động bủa sát mạn tàu. Tôi không thể tính được tàu chạy bao nhiêu vòng thì tấm lưới được bủa xong. Chỉ đoán mất chừng 1 giờ đồng hồ. Lưới bủa kép kín 1 vòng tròn rộng, 2 máy cảo (ru lô) tiếp tục nhiệm vụ rút sợi dây cáp to trong những khoen chì để thắt đáy lưới nhốt cá lại.

 

Xếp cá vào rổ để đem cấp đông ở hầm lạnh trên tàu.

 

Sẽ là thiếu sót nếu không “đặc tả” tấm lưới vây rút chì khổng lồ. Thuyền trưởng Nguyễn Công Tý cho biết: “Tấm lưới dài 600 sải, chiều đứng 70 sải. Đáy lưới được gắn 120 khoen bằng chì, mỗi khoen nặng 10kg để kéo lưới chìm sâu xuống biển. Trọng lượng của cả tấm lưới gần 7 tấn, trong đó khoen chì 1,2 tấn, lưới nặng 5 tấn, còn lại là dây cáp. Kinh phí làm tấm lưới này hơn 1 tỷ đồng”. “Hơn 1 tỷ đồng” được bủa xuống biển chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, bằng cơ bắp của những đôi tay của 10 thuyền viên. Quan sát cảnh bủa lưới giữa đại dương tôi càng hiểu thêm, sức lực của con người là vô hạn, khi cần người ta sẽ bùng lên để vượt qua giới hạn. Nhất là trong cuộc mưu sinh giữa muôn trùng hiểm nguy giữa biển trời mênh mông.

Sau khi việc bủa lưới hoàn tất, chiếc máy kéo lưới được mang ra đặt ở mạn tàu. Công việc kéo lưới rất nặng nên cả máy lẫn người cùng chung sức. Ấy vậy mà tấm lưới cũng chỉ trồi lên từ từ. Đứng cạnh nhau, nhưng không ai nói với ai lời nào. Họ đăm đăm tập trung vào công việc. Việc kéo lưới có cả sức góp của tài công Vương. “Máy kéo lưới chạy bằng số của máy tàu. Khi kéo, chạy số tới. Cần dừng thì trả số lại. Muốn nhả lới thì tui chạy số lùi” Vương cho biết. Lưới được kéo lên đoạn nào liền được các thuyền viên xếp ngay ngắn đoạn ấy vào vị trí cũ như lúc đầu chưa bủa. Rất gọn ghẽ.

Đàn cá được tóm lại. Chiếc vợt nặng 3 tạ được thả xuống, 4 người ngâm mình thường trực dưới nước bắt cá bỏ vào vợt. Mỗi khi họ ngoi lên mặt nước, tôi thấy môi họ tím tái trong gió cấp 6. Khi vợt đầy, họ giật dây, 2 cái tời trên tàu có nhiệm vụ kéo vợt lên. Những người đứng bên boong tàu ngẩng cổ đón cây vợt nặng trĩu rồi ra sức trút lũ cá xuống boong tàu. Trông lũ cá ngừ còn tươi roi rói, giãy đành đạch xuống boong tàu mà sướng cả mắt.

Mặt trời lên dần, cá nằm la liệt kín cả khoang. Để giữ cá được tươi, thỉnh thoảng 1 thuyền viên lấy gàu múc nước biển lên tưới đều trên những con cá. Dưới ánh sáng bình minh rạng rỡ, những chiếc vây của lũ cá lấp lánh.

9 giờ sáng, vợt cá cuối cùng được đưa lên tàu. Vương nói giọng không vui mấy: “Còn yếu cá hơn cả mẻ trước anh ạ. Chỉ chừng 200 rổ (10kg/rổ)”. Tôi chạnh lòng nói vui: “Hay do chuyến biển này có anh đi theo. Mạng anh không “sát cá” nên tàu mình bị vạ lây”. Vương khoát tay: “Không phải vậy đâu, cây trôi vào mùa này toàn từ trong lộng do gió tây nam đẩy dạt ra nên không có cá dựa. Vào mùa tháng 2 tháng 3 (ÂL), cây trôi từ biển Đông gió bấc dạt vào nên đàn cá đi theo vừa nhiều vừa lớn cá”. Châu, 1 thuyền viên nhớ lại: “Trong mấy chuyến biển đầu năm cá nhiều nên giá rẻ, cá lớn chỉ độ 20.000đ/kg, cá nhỏ chỉ mười mấy ngàn. Khi ấy, có mẻ lưới bủa xong, lặn xuống thấy toàn cá nhỏ, tụi tui phải rạch lưới thả cá ra. Thời điểm đó mà đánh loại cá nhỏ, dù khẳm be cũng bị lỗ tổn. Bây giờ cá có giá thì kiếm mờ cả mắt cũng không có cá đánh”.

Con tàu lại tiếp tục dạo quanh biển Đông săn tìm cây săn cá.

  • Vũ Đình Thung

KỲ 1:

Mái ấm giữa trùng khơi

KỲ 3:

Ấm áp tình quân dân trên biển

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bám biển cùng ngư dân Bình Định  (27/09/2011)
Rừng động mùa ươi  (25/09/2011)
Khấp khởi Kông Trú  (18/09/2011)
Trung thu nói chuyện lân  (11/09/2011)
Một trái tim sáng tình yêu Bình Định  (08/09/2011)
Theo chân “người ăn ong”  (04/09/2011)
“Đầu tư đào tạo học sinh giỏi có nhiều cái lợi”  (01/09/2011)
Giỗ Vua  (31/08/2011)
Phập phù bên mép sóng  (28/08/2011)
Vui theo mùa cá nục  (26/08/2011)
Có hay không nạn “bảo kê mộ” ở Nghĩa trang Quy Nhơn?  (26/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân (kỳ II)  (22/08/2011)
“Bức tử” rừng Hoài Ân  (21/08/2011)
Mùa hoa ngâu  (14/08/2011)
Buông neo cho Tổ quốc  (11/08/2011)