* Phóng sự của Vũ Đình Thung
Mới chỉ đánh được một mẻ cá, lại có tin báo bão khẩn cấp. Chúng tôi lại dạt vào đảo Đá Lát - Trường Sa neo trú bão. Những hòn đảo quê hương luôn hấp dẫn tôi. Tôi ngỏ ý muốn vào thăm lính đảo, tài công Nguyễn Minh Vương khuyến cáo: “Phải đi bằng thúng vượt qua 3 hải lý, gió cấp 6 thổi ngược, hơn 2 tiếng đồng hồ mới tới nơi”. Mặc kệ. Đời người có mấy dịp được đến với Trường Sa. Tôi nhất quyết xuống thúng để vào đảo.
Tiếng hát trên rặng san hô
Gật đầu xong, tôi nhớ lại, hôm trước chỉ đi thúng có 300 số (300m) vào đảo Đá Tây mà tôi đã nhừ người. 1 hải lý bằng 1.852 m. 3 hải lý bằng 5.556 mét. Tức là gần gấp hai chục lần ... mỏi nhừ. Mặc kệ. Xuống thúng.
|
Đảo Đá Lát-Trường Sa. |
Vương cùng hai ngư dân - Mạnh và Đấu, thay nhau cầm chèo “dáy” thúng, tôi tất nhiên là ngồi yên bắm chặt vành thúng. Vừa khởi hành chỉ chừng 100 số (100m), gió bỗng săn dần. Sóng dập dồn mỗi lúc một mạnh. Thúng chòng chành như muốn hất văng mọi người ra ngoài. Tôi tự trấn an mình bằng cách không màng đến biển trời, chỉ chăm chú vào cách chèo thúng của 2 thuyền viên.
Họ không chèo như kiểu chèo thuyền. Mái chèo được gắn dính vào vành thúng, người điều khiển 2 tay cầm cán chèo ngoáy liên hồi xuống mặt nước nên họ gọi là “dáy”. Khi “dáy” thúng, trông họ như vũ công đang múa. Sóng mỗi lúc một cao. Gió mỗi lúc một lớn. Nhịp dáy của chàng “vũ công” càng dứt khoát và uyển chuyển hơn. Chiếc thúng nhích dần, nhích dần từng mét một. Với bàn tay điệu nghệ, thay nhau đưa chúng tôi vào đảo Đá Lát.
“Thúng đi với tốc độ này đạt bao nhiêu hải lý/giờ?”, tôi tò mò. “Nếu biển êm, gió lặng, tốc độ bình thường của thúng là 3 hải lý/giờ. Đi trong gió ngược cấp 6 như bây giờ chỉ đạt hơn 1 hải lý”, Đấu, người đang cầm chèo cho biết. Giữa mênh mông sóng nước, 4 con người ngồi trong chiếc thúng có đường kính chỉ khoảng 2m, tôi thấy sao mà mong manh quá. Lòng tôi dấy lên nỗi lo. Không nói gì, tôi lẳng lặng lấy cái túi nhựa, bỏ máy ảnh, máy ghi âm, điện thoại, ví, sổ tay... buộc chặt rồi đeo vào chiếc áo phao. Chỉ chai dầu gió là để ngoài hít cho đỡ...hồi hộp.
Chiếc thúng đang ngon trớn, gió bỗng bùng lên thông thốc. Gió tây nam ùa về rủ theo những cơn sóng ầm ập vỗ vào mạn thúng. Chiếc thúng như dựng đứng trên biển. Vương trấn an: “Đừng lo. Chỉ khi nó bủa từ trên trời, ập xuống đầu mình thì thúng mình mới lật. Sóng xô vào mạn thì chỉ khiến thúng chòng chành, làm ướt đồ mình chứ chẳng nguy hiểm gì. Anh phải thật bình tĩnh ngồi yên để giữ thăng bằng!”.
Tay chèo của Đấu vật vã với sóng và gió ngày càng dữ dội. Đấu than: “Lúc nãy cấp 6 thâu. Giờ gió tăng lên cấp 7 rầu”. Trời kéo mây mù mịt, lại thêm giông giật. “Sắp mưa to”, Mạnh vừa đứng lên thay Đấu cầm mái chèo vừa nói. Chiếc thúng của chúng tôi như “dậm chân tại chỗ”. Nó chẳng thể vượt lên vì cả sóng và gió đang hùa nhau chặn đầu. Đảo Đá Lát vẫn còn xa tít.
Ngại tôi không đủ tinh thần chống chọi với những khó khăn đang chờ phía trước, đã mấy lần Vương đề nghị xuôi thúng quay lại tàu. Thế nhưng Mạnh và Đấu quyết không thua cuộc. Tôi đứng về số đông. Thế là chiếc thúng tiếp tục nhích về phía đảo. Gió ngày càng giật mạnh, chiếc thúng của chúng tôi bị đánh bạt vào vũng cạn của cồn nam trên vùng biển gần đảo. Mái chèo không thể tiếp tục “dáy” vì san hô dày đặc, san hô chạm vào mái chèo kêu cồm cộp.
Lúc này mà gãy mái chèo là toi cả 4 mạng. Mạnh và Đấu nhảy ra khỏi thúng. Ở trên rặng san hô, nước chỉ quá gối, 2 ngư phủ trẻ dùng tay đẩy chiếc thúng tiến về phía trước. Chiếc thúng lại mắc tại vùng nước cạn hơn, tài công Vương lại phải rời thúng để giảm tải vì Vương nặng đến hơn 80kg. Tôi được đặc cách ngồi trên thúng vì không phải là dân biển, chưa quen với sóng gió.
Trời đổ mưa, ngày càng nặng hạt. Gió vỗ những hạt mưa vào mặt nghe rát rạt. Thấy anh em cực khổ quá, tôi áy náy vì đã đưa mọi người lâm vào tình cảnh này. Nhìn về phía đảo Đá Lát, còn xa lắc. Như để tiếp sức cho Mạnh và Đấu, Vương cất tiếng hát lớn. Những câu hát đứt khúc, đứt đẫn nhưng chúng giải tỏa được không khí căng thẳng đang bao trùm.
|
Tàu ngư dân trú bão tại đảo Đá Lát |
Tôi chợt nghĩ, trong cuộc mưu sinh giữa trùng khơi, phong ba bão táp đã tôi luyện cho ngư dân tinh thần thép. Có lẽ đó chính là sức mạnh giúp họ chống chọi với những hiểm nguy luôn rình rập. Và chưa bao giờ tôi lắng nghe ai hát như lúc này, tiếng hát của Vương hút lấy hồn tôi. Bất chợt tôi không còn nghe thấy cả tiếng gió đại dương nữa. Chỉ còn tiếng hát của một ngư dân san sẻ nhọc nhằn với bạn bầu.
Thượng khách của Trường Sa
Sau gần 3 giờ đồng hồ vật vã, cuối cùng chúng tôi cũng vào đến đảo Đá Lát. “Đến nhà rồi”, Đấu mừng rỡ reo lên to khi thúng chạm vào đảo. Chừng hơn 20 con chó vạm vỡ chồm mình, giăng hàng ngang ngay lối vào và đồng thanh sủa oang oang. Biết có khách, lính đảo chạy ra đón chúng tôi.
Giữa mưa gió mà lòng bàn chân tôi như được sưởi ấm lên. Rất nhanh. Đất đai của tổ tiên mình đây rồi! Tổ Quốc mình đây rồi, lòng tôi thầm reo lên như trẻ thơ. Trường Sa là một mơ ước cháy bỏng của tôi. Và giờ đã thành sự thật. Cái cách mà giấc mơ trở thành sự thật giữa giông bão thật là một kỉ niệm chẳng thể nào quên.
Vừa bước vào, trà nóng đã được mang ra. Tôi chưa hớp ngụm nào đã thấy ấm lòng giữa nơi chốn này. Tiếp chúng tôi trước tiền sảnh nhà đảo là anh lính trung niên, tôi được giới thiệu đây là thiếu tá chính trị viên Văn Hải. Với 18 tháng bám đảo, thiếu tá Hải là lính có thâm niên nhiều nhất trên đảo. Lính đảo không có nhiều chuyện để kể, nhưng mỗi chuyện nghe được đều để lại trong tôi những ấn tượng mạnh mẽ.
Hỏi thăm về đời sống, lính đảo không hề than khổ, chỉ than ...thiếu. Ở đảo Đá Tây, tôi thấy anh em bên ấy còn dễ tiếp cận với rau xanh nhờ vườn rau trồng trong nhà kính của khu dịch vụ hậu cần. Ở đây, lính Đá Lát phải mang đất từ bờ ra, trồng rau trên những cái khay nhỏ được đóng bằng ván. Rau thuộc loại thực phẩm “quý hiếm” nên được đưa vào thực đơn mỗi này rất dè sẻn. Một món còn phải dè sẻn hơn nữa là nước ngọt. Nguồn nước ngọt ở đảo chủ yếu trông vào những cơn mưa. Mưa ở đây chỉ thoáng qua, lại bị gió bay dạt nên chẳng hứng được bao nhiêu. Nên chuyện tắm của lính đảo cũng được tính toán rất kỹ lưỡng. “Tuy nhiên, nếu ngư dân ghé vào xin nước ngọt, anh em cũng sẵn sàng chia sẻ”, thiếu tá Hải cho biết.
- Tàu ngư dân thường ghé đảo không anh?, tôi hỏi.
Hải phấn khởi:
- Tinh thần bám biển của ngư dân mình mạnh lắm, có con trăng (1 tháng) chúng tôi tiếp đến 40-50 tàu vào ký giấy xác nhận.
Ngư dân không có nhiều thời gian trên biển, nếu họ ghé vào trúng ngày chủ nhật thì làm sao?”, tôi thắc mắc.
|
Ngư dân ký giấy xác nhận tại đảo Đá Lát. |
- Ôi trời, giữa biển cả bao la này mà còn chủ nhật ngày lễ gì nữa. Ngư dân vào là đảo có khách. Lúc nào cũng tiếp hết á , trừ ban đêm vì đây là khu vực quân sự. Tháng 30 ngày chúng tôi làm 30 ngày, mà có ngày 31 là làm luôn ngày 31. Ngày làm không nghỉ trưa. Trong những thứ thiếu của lính đảo có món “thiếu khách” đó anh. - Thiếu tá Hải khoát tay khẳng khái.
Theo các chiến sỹ ở đảo Đá Lát, tình quân dân ở đây khắng khít đến chỉ cần nhìn sổ, nhìn tên là biết tàu đó ở đâu, công suất bao nhiêu, làm nghề gì. Tài công Vương góp chuyện: “Chuyến trước vào ký giấy xác nhận ở đây, bọn tui được anh em lính Trường Sa chiêu đãi trà, kẹo. Khi về, các anh còn gởi theo 10kg đường, đậu để về tàu nấu chè bồi dưỡng cho anh em. Mang được từng đó thực phẩm ra đảo không dễ đâu. Mấy ảnh xài dè xẻn lắm nhưng biếu cho ngư dân thì rất rộng tay! Lính Trường Sa là vậy đó!”.
Tôi quay sang bắt chuyện với một chiến sỹ trẻ mới nhập đảo 7 tháng; “Ở đây thức ăn chủ yếu của lính đảo là món gì?”. “Toàn đồ hộp thôi”, Yên, chàng trai quê Hải Dương nhỏ nhẻ trả lời. Rồi Yên khoe: “Hộ khẩu thường trú tại đảo Đá Lát còn có hơn 50 chú chó. Đầu tiên chỉ vài chú được mang từ đất liền ra rồi sinh sản đông dần. Chó ở đây sống trong môi trường trong lành nên rất nhanh lớn. Chó giúp lính giữ nhà đảo, chỉ một động tĩnh nhỏ trên vùng biển quanh đảo là chúng sủa vang trời. Thỉnh thoáng lính đảo chúng em “tỉa thưa” vài con kho mặn cải thiện bữa ăn”.
Sợ trời lại nổi giông gió, chúng tôi rời đảo Đá Lát lên thúng quay lại tàu. Đường về xuôi gió, không cần “dáy” chiếc thúng vẫn đi phăng phăng.
Đá Lát - Trường Sa mờ dần sau lưng nhưng từ sâu thẳm tim mình, sau cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy, tôi biết trái tim tôi đã ở lại với Trường Sa.
KỲ 1: Mái ấm giữa trùng khơi
KỲ 2: Những ngày biển động
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển
KỲ CUỐI: Trái tim tôi đã ở lại Trường Sa |