Gần 1 tháng trời cùng ngư dân lênh đênh trên biển Đông, được nếm trải những hiểm nguy giữa muôn trùng sóng nước, được cảm nhận sự nhỏ nhoi của con người giữa biển cả mênh mông, được chứng kiến cảnh lao động vất vả của những đứa con của biển... Những trải nghiệm trên đã đọng lại trong tôi dấu ấn, đó là sự gắn bó không thể rứt rời giữa ngư dân và biển. Tôi hiểu, họ yêu biển như yêu chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
|
Mồ hôi của ngư dân góp thêm vị mặn vào biển mỗi ngày.
|
Sau hơn 20 ngày vật vã với sóng gió mà tàu của Vương chỉ mới kiếm được vài ba giác lưới, trong khi lương thực dự trữ đã gần hết. Khả năng tàu sẽ quay vào bờ với những hầm cá còn rỗng rất nhiều.
1.
“Những ngày đầu năm, vào mùa tháng 2, tháng 3 (ÂL) biển Đông rất nhiều cá. Khi ấy mùa gió bấc, con nước xuôi trôi êm, mặt biển lặng như mặt gương, cá từ ngoài khơi kéo về cả đàn. Mùa này gió tây nam săn gắt, con nước ngược xua cá đi hết”, tài công Nguyễn Minh Vương giải thích.
Nhìn lướt qua gương mặt những thuyền viên có mặt trên boong tàu lúc ấy, tôi thấy nỗi buồn hiện rõ trong mắt mỗi người. Họ buồn là điều đương nhiên, bởi tàu không đánh được cá, lỗ tổn, đồng nghĩa với 1 chuyến biển “công toi”, họ sẽ không có thu nhập. Vương nói thêm: “Ra khơi vào mùa biển động bọn tui đã xác định có thể sẽ chẳng thu hoạch được gì. Cũng buồn thiệt. Nhưng làm nghề biển mà không ra biển còn buồn hơn. Với lại ở quê tui (Mỹ An - Phù Mỹ) đang rầm rộ phong trào ngư dân bám biển để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển. Những chiếc tàu chỉ 90 CV cũng ra khơi ào ào, lẽ nào chiếc tàu “đại cù lô” của mình lại nằm bờ. Dị chết!”.
Tôi suýt bật cười trước những lời tâm sự trút lòng rất thật thà của tài công Nguyễn Minh Vương. Sau 1 hồi trầm ngâm, ngư dân cao niên nhất tàu Nguyễn Văn Tống (50 tuổi) tiếp lời góp chuyện: “Trong nghề đi biển, bọn tui đã gặp không ít những chuyến biển trắng tay nhưng không bao giờ nản chí. Chim trời cá nước biết đâu mà lường. Ông bà ta đã dạy “ruộng năng canh, biển năng hành”, cứ dong buồm ra khơi thì sẽ được biển ban phát. Với lại, biển đối với ngư dân bọn tui như là nhà của mình. Bây giờ tàu bè neo bờ hết thì cầm bằng bỏ nhà trống. Ra biển, vừa có chuyện làm ăn, vừa “coi nhà” luôn thể”.
Từ những tâm sự của ngư dân, tôi hiểu, con tàu và khơi xa vốn đã thân thuộc với họ như là vùng đất quê hương mình. Những hiểm nguy, bão tố không hề làm họ nao núng mà còn hun đúc trong lòng họ sự quyết tâm bám biển. Với họ, nghề biển bây giờ không chỉ để mưu sinh mà còn để góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
|
Mong manh giữa mênh mông biển cả.
|
2 .
Gần 1 tháng, 1 thời gian không dài nhưng biển Đông và đặc biệt là Trường Sa đã cho tôi nhiều thú vị. Ngay khi mới “chạm mặt”, biển đã cho tôi nếm ngay mùi bão tố. Thú thật, sợ đến thót tim nhưng tôi vẫn thấy thú vị. Thú vị vì được nếm trải điều mà trước đây chỉ được nghe. Nằm trong ngôi nhà ấm áp, trước màn hình tivi, nghe tin báo bão trên biển. Tôi nhớ, khi ấy lòng tôi chỉ thấy lo lo và thương cảm những ngư dân đang nháo nhào đưa thuyền đến nơi ẩn nấp. Tôi không đặt mình vào vị thế người trong cuộc. và nếu chưa trải nghiệm sẽ không thể hình dung ra nó dữ dội, khắc nghiệt đến thế nào. Trong đêm vật vã cùng con tàu trong cơn bão số 3, tôi đã ngậm ngùi nhận ra sự mong manh đến cực cùng của con người trong trời đất, nhất là lúc bà mẹ thiên nhiên giận dữ.
Trong gió cấp 7, cấp 8, mặc dù được bình an trên con tàu lớn nhất trong số những tàu đánh cá ở Bình Định nhưng tôi vẫn bị sóng quăng quật đến nhừ người. Khi ấy tôi chợt liên tưởng đến những ngư dân nghèo không có tiền đầu tư đóng tàu lớn, dù đang làm những nghề đánh bắt xa khơi như câu mực, lưới chuồn, câu cá ngừ đại dương. Mà đó là số đông trong lực lượng tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Bình Định. Trong hơn 400 chiếc tàu đánh bắt xa bờ hiện có ở trong tỉnh, chiếm phần lớn là tàu có công suất nhỏ. Đáng quan ngại nhất là những tàu 90CV, dài chỉ 14m, ngang chưa đến 4m. Tuy tàu nhỏ nhưng theo yêu cầu của nghề cũng phải bương ra biển Đông.
Tôi hình dung, nếu lúc này, những chiếc tàu 90CV như thế đang có mặt tại vùng biển đầy sóng gió này, liệu chúng sẽ xoay sở ra sao? Tìm nơi an toàn để nấp thì xa quá. Mà chống chọi với giông bão giữa đại dương mênh mông thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vì sao họ không cố gắng vay mượn tậu tàu to hành nghề sẽ an toàn và thuận lợi hơn?
Tài công Nguyễn Minh Vương giải thích: “Tàu nhỏ thì đánh được ít cá, lại chỉ dám ra khơi vào mùa biển êm, thu nhập còn phải để dành cho cả gia đình sống trong mùa mưa bão, làm gì có dư mà tích lũy. Còn đi vay ngân hàng thì lãi suất cao ngút trời. Bà cậu thương cho làm ăn suôn sẻ không nói gì, lỡ làm ăn thất bát lấy gì trả lãi vay?”.
Một trăn trở khác của ngư dân mà tôi cũng được nếm trải, đó là trong suốt những ngày lênh đênh trên Biển Đông, hiếm khi tôi thấy bóng dáng những chiếc tàu Hải quân Việt Nam tuần tra trên biển.
- Cứ lầm lũi rong tàu đánh bắt trên biển Đông mênh mông có khi nào anh thấy đơn độc không? tôi hỏi tài công Nguyễn Minh Vương.
Vương trả lời:
- Thú thiệt, mùa bình yên tàu bè một mình trên biển là thường. Nhưng khi biển cả dậy sóng, tàu đánh cá của ngư dân mình thường bị các “tàu lạ” đuổi bắt, đe dọa, thấy cũng lo lo. Lo lo nhưng cũng phải đi. Biển dã của ông bà mình khai phá, sao có thể để cho kẻ khác khai thác hả em! Vả lại nó làm thế mà mình sợ thì rồi được thể nó sẽ biến nhà mình thành sân nhà nó.’
|
Kéo lưới trong đêm.
|
Với chuyến thực tế bám biển cùng ngư dân biển Đông có lẽ tôi đã chạm được vào những miền tâm tư thẳm sâu của ngư dân. Những hiểu biết của tôi về đời sống của ngư dân, về những nghề đánh bắt hải sản trên biển vốn được góp nhặt từ những câu chuyện, qua lời kể lại. Những hình ảnh thi vị như khoang tàu đầy cá, đầy ắp niềm vui, những lấp loáng biển bạc, những khuôn ngực vạm vỡ, những cánh hải âu chập chờn... những khoản lãi tiền triệu, tiền tỷ... Dân biển vốn ít nói, lại càng ít than thở nên không làm sao tôi hiểu được phía sau những hình ảnh kia là khuất lấp điều gì. Khi tận mắt chứng kiến cảnh lao đao khi cả 10 ngày không tìm ra luồng cá, cảnh lao lực của ngư dân giữa giông tố, tôi nhận ra mình quá đỗi lơ ngơ.
Theo đuổi cuộc mưu sinh trên biển, ngư dân phải đánh đổi rất nhiều: hiếm khi được gần gia đình, ít được hưởng tiện nghi, thường xuyên đối mặt với rủi ro, bất trắc... Tôi đã gặp những ngư dân chuyên hành nghề câu mực xà. 1 chuyến biển của họ kéo dài ròng rã 3 tháng. Thức suốt đêm trong chiếc thúng, bên ngọn đèn tù mù để câu mực. Ngày, về đánh những giấc ngủ chen chúc trong khoang tàu chật chội cùng với những con mực. 7 ngày mới được tắm 1 lần, 1 lần tắm chỉ được xối 2 ca nước ngọt. Quần áo bẩn bỏ vào bọc lưới, thả xuống biển, khi tàu chạy nhờ sóng giặt hộ.
3.
Nhờ cơn bão số 3 mà con tàu đưa tôi ra biển Đông đã hết lần này đến lần khác phải dạt vào các cụm đảo thuộc khu vực Trường Sa để nấp bão. Nhờ đó tôi đã thực hiện được ước mơ của mình – được đặt chân lên Trường Sa – đất thiêng trên biển của Việt Nam. Nhờ đó mà được gặp những người lính đảo trẻ trung, hiền hậu mà rất ngoan cường. Nơi “chôn nhau cắt rốn” của các chàng trai ấy cách đây hàng ngàn cây số nhưng họ đã gắn bó với những cụm đảo Đá Tây, Đá Lát... như chính quê hương của mình.
|
Tác giả cạnh tấm bia chủ quyền trên đảo Đá Tây - Trường Sa.
|
Những người lính ấy có mặt ở biển Đông không chỉ với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, mà họ còn là chỗ tựa vững chắc để ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, là nơi để khi gặp sự cố trên biển ngư dân có chỗ để trong cậy, dựa dẫm. Nói như như thơ ngư dân trên con tàu đi nhờ là “là một chốn để ngư dân tìm hơi ấm”. Dù nhiều lần ghé lên, nhưng tổng thời gian tôi lên đảo, trò chuyện, uống với họ ly nước không nhiều. Nhưng trong không gian ấy, trong những thời khắc đặc biệt ấy, sự dồn nén tạo ra những giá trị phi thường mà trong hoàn cảnh bình thường là điều không thể. Viết đến đây tôi chợt nhớ tiếng hát trên rặng san hô. Tôi không thể hiểu vì sao anh bạn ngư dân của tôi có thể át tiếng bão rít những hồi dài như bất tận rất gần trên đầu, và hát lên với tất cả hy vọng. Nhìn từ trên cao, đảo chỉ là một chấm nhỏ nhoi. Nhưng nếu không có chấm nhỏ nhoi ấy, hai chục ngư dân hôm ấy và biết bao ngư dân khác biết trông cậy vào đâu. Đất thiêng là như thế đó.
Chuyến đi có chút phiêu lưu của tôi đã kết thúc. Khi rời tàu, đặt chân lên bờ, lần tiên trong đời tôi có cảm giác dất dưới chân mình rất vững. Và sau gần một tháng lênh đênh cùng ngư dân, tôi thật sự cảm nhận rõ ràng giá của sự thăng bằng. Chuyến đi là một trải nghiệm lớn, có lẽ là lớn nhất trong đời tôi. Nhưng với ngư dân, trước mắt họ vẫn còn cuộc mưu sinh dài đăng đẳng với muôn trùng cơ cực và bất trắc! Nhưng với những người lính đảo, họ vẫn căng mắt dõi theo đồng bào mình đang mưu sinh trên biển, lắng nghe và sẵn sàng bảo vệ cương vực Tổ quốc. Giờ đây, mỗi khi những bản tin thời tiết vang lên, trong tôi chừng như vang vọng tiếng sóng gầm, tiếng gió rít, ánh mắt ấm áp của những ngwòi lính, nụ cười hồn hậu của ngư dân... Tôi cảm nhận và thấy rất rõ, rất gần, vì lẽ hiểu theo một cách nào đó, trái tim tôi đã ở lại Biển Đông, ở lại Trường Sa.
KỲ 1: Mái ấm giữa trùng khơi
KỲ 2: Những ngày biển động
KỲ 3: Ấm áp tình quân dân trên biển |