Vụ ngộ độc tập thể xảy ra ở nhà ông Huỳnh Giống (sinh năm 1964, ở đội 9, thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) trưa ngày 7.1 đã làm 1 người chết và 17 người phải nhập viện điều trị. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng sử dụng thực phẩm không an toàn…
|
Ngành chức năng lấy mẫu các loại rượu được dùng tại bữa giỗ ở nhà ông Huỳnh Giống.
|
Bữa giỗ “nhớ đời”
Trưa 7.1, bữa giỗ ở nhà ông Huỳnh Giống tập trung gần 40 người. Tại bữa giỗ này, ngoài các món ăn được gia chủ “đầu tư” khá kỹ, thực khách còn được đãi 3 loại rượu: rượu trắng, rượu nếp và rượu thuốc. Sau khi kết thúc mâm cỗ thứ nhất, có người kêu buồn ngủ, mắt nặng trĩu. Khi mâm cỗ thứ hai đang dang dở, đám giỗ trở nên hỗn loạn khi có khoảng 20 người xuất hiện các triệu chứng co giật và một số người bị hôn mê.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà: “Sau khi xảy ra vụ ngộ độc ngày 7.1, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế trực tiếp cử cán bộ xuống Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn để hỗ trợ cấp cứu, kịp thời cứu chữa cho các nạn nhân; đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để xác định chính xác nguyên nhân gây ra ngộ độc. UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình làm việc thời gian tới phải chú ý hơn nữa đến các mặt hàng rượu. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin truyền thông cần công bố rộng rãi thông tin về ngộ độc rượu để người dân nâng cao cảnh giác”. |
Ngay sau khi xuất hiện hiện tượng khác thường, ông Huỳnh Quang Kính (59 tuổi, ở thôn Đệ Đức, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn) đã gọi taxi để đưa những người bị nặng nhất xuống cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn). Những người nhẹ hơn được người thân chở đi bằng xe máy. Ông Kính kể lại: “Sau khi đưa mấy người lên taxi, tôi buồn ngủ quá nên lên giường ngủ một lúc. Sau đó, con cháu lo lắng nên chở tôi xuống bệnh viện. Đi chừng 3 cây số, tôi bắt đầu thấy tay chân tê hết, cứ nghĩ mình sẽ không sống nổi đến khi đến được bệnh viện”.
Trong số 18 người có biểu hiện ngộ độc, ông Nguyễn Xuân Tùng (sinh năm 1943, ở thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh) là người bị nặng nhất và đã tử vong trước khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn để cấp cứu. Sáng 7.1, ông Tùng đi mời khách dự đám cưới con gái út, đã uống khá nhiều rượu trước khi đến nhà ông Giống. Tại đây, ông Tùng chỉ uống 2 ly rượu thuốc “chào sân” chứ chưa ngồi vào bàn. Tuy nhiên, do thể trạng yếu, nên ông Tùng đã nhanh chóng hôn mê sâu và tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Thành Vân, Phó khoa phụ trách Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, cho biết, khi nhập viện, triệu chứng phổ biến của các nạn nhân là toàn thân tê cứng, sụp mi mắt, buồn ngủ, những người bị nặng thì co giật, hôn mê sâu. Các y bác sĩ tại Bệnh viện đã khẩn trương tiến hành các biện pháp giải độc cho họ. Đến chiều 8.1, còn 11 nạn nhân vẫn tiếp tục được theo dõi, điều trị tại Bệnh viện. “Biện pháp chống độc đối với các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu là phải rửa dạ dày và bơm thuốc chống độc, kết hợp cho bệnh nhân thở máy, để chống co giật” - bác sĩ Vân cho biết thêm.
Ngay trong tối 7.1, các cơ quan chức năng đã tiến hành giải phẫu khám nghiệm tử thi nạn nhân Nguyễn Xuân Tùng. Lãnh đạo Sở Y tế đã chỉ đạo tăng cường bác sĩ từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tham gia hội chẩn các ca ngộ độc nặng.
|
Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh niêm phong rượu tại nhà ông Huỳnh Giống.
|
Truy tìm “thủ phạm”
Ông Huỳnh Giống là người có nhiều năm gắn bó với núi rừng Hoài Ân, hiện ông là cán bộ hợp đồng của Dự án khôi phục và phát triển rừng bền vững (KWF6). Ông Giống cho biết, từ năm 2005, ông đã bứt dây ba kích từ các vùng rừng Ân Nghĩa, Ân Phong… về ngâm rượu uống. Số ba kích mà ông ngâm mời khách trong bữa giỗ trưa 7.1 được hái về từ núi Bằng Heo (thuộc thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây).
Trong số 18 nạn nhân của vụ ngộ độc tập thể ở thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân trưa ngày 7.1, có 14 người ở thôn Năng An; 2 người ở thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Đông; 1 người ở thôn Phú Văn, xã Ân Thạnh; 1 người ở thôn Đệ Đức, xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn. |
Gần một ngày sau khi xảy ra sự việc, bà Nguyễn Thị Nhồng (sinh năm 1964, vợ ông Huỳnh Giống) vẫn chưa hết thảng thốt. Theo những lời kể rời rạc của bà Nhồng, năm nào ông Giống cũng hái dây ba kích về để ngâm rượu đãi khách trong ngày giỗ cha, đồng thời cũng là bữa tất niên của gia đình. Năm nay, bà ngâm 6 lít rượu trắng với dây ba kích vát mỏng trong một thùng nhựa.
Theo lời kể của những người dự đám giỗ ở nhà ông Giống vào trưa 7.1, chỉ những người có uống rượu thuốc ngâm dây ba kích mới có những biểu hiện khác thường. Ông Nguyễn Hồng Thuận, Bí thư Chi bộ thôn Năng An, khẳng định: “Những người xuất hiện triệu chứng mắt díp, buồn ngủ, tay chân co giật đều đã uống rượu thuốc. Người ít thì chưa đầy ly, người nhiều cũng chỉ 3-4 ly. Có người sau khi uống rượu vào chưa đầy 20 phút đã xuất hiện dấu hiệu ngộ độc. Những người chỉ uống rượu trắng và rượu nếp thì không có biểu hiện gì lạ”.
Những người đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, cho biết đã nhiều lần uống rượu ngâm dây ba kích. Thường loại rượu này có màu vàng nhạt, vị hơi ngọt. Tuy nhiên, loại rượu uống ở bữa giỗ nhà ông Giống lại có màu vàng sậm, có vị đắng.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các cán bộ của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã tiến hành lấy mẫu các loại rượu đã được sử dụng trong bữa giỗ ở nhà ông Huỳnh Giống. Đồng thời, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cũng đã lấy toàn bộ rượu trắng đã được niêm phong trước đó ở quán tạp hóa, nơi bà Nhồng mua rượu về ngâm ba kích.
Trao đổi cùng chúng tôi ngày 8.1, bác sĩ Lê Phước Nin, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết: Bộ phận rễ củ của cây ba kích là một trong những vị thuốc bổ của đông y, nằm trong danh mục các vị thuốc được sử dụng do Bộ Y tế ban hành. Đây là loại thuốc bổ dành cho nam giới.
Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết Trung tâm sẽ tiến hành kiểm nghiệm các mẫu vật thu được; đồng thời, sẽ nhờ kiểm nghiệm thêm ở các cơ quan chuyên ngành như Viện Kiểm nghiệm dược liệu, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia, Viện Pasteur Nha Trang… “Khi có những căn cứ khoa học cụ thể mới kết luận chính thức nguyên nhân gây ra ngộ độc, từ đó chúng tôi mới có những khuyến cáo chính thức đối với người dân”- thạc sĩ Lân cho biết.
|
Mẫu cây trong thùng rượu thuốc ở nhà ông Huỳnh Giống.
|
Lời cảnh báo
Với nỗ lực của các y, bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Bồng Sơn, đến 17 giờ chiều ngày 8.1, 3/4 bệnh nhân còn nằm tại Khoa Hồi sức cấp cứu đã tỉnh táo và ăn uống được. Riêng bệnh nhân Bùi Xuân Tài (33 tuổi, ở thôn Năng An) cũng đã tỉnh và đã rút ống nội khí quản.
Bác sĩ Nguyễn Phan Anh Ngọc, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Nội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ do rượu, nhưng phần lớn đều ở dạng nhẹ. Cách đây vài năm, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận một ca ngộ độc rượu nặng ở huyện Vân Canh, trong số đó có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, các ca ngộ độc rượu ở Vân Canh không xảy ra cùng lúc như vụ ở Hoài Ân.
Đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm ở Hoài Ân. Tuy nhiên, vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sử dụng thực phẩm không an toàn, đặc biệt trong các dịp cúng giỗ và tất niên cuối năm. Trong khi chờ kết luận chính thức từ cơ quan chuyên môn về “thủ phạm” thật sự dẫn đến vụ ngộ độc tập thể ở thôn Năng An, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, thạc sĩ Lê Quang Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, khuyến cáo người dân nên cẩn thận trong việc sử dụng thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc, đặc biệt đối với các loại rượu thuốc ngâm cây, con.
|