Âm âm lòng đất…
21:11', 15/1/ 2012 (GMT+7)

Lòng đất lạnh lẽo. Những ống cống đen ngòm, tanh nồng. Cảm giác bức bối tạo nên từ hơi đất ngột ngạt và mùi tanh tưởi của bùn nhơ. Một lần xuống cống, đi trong cái âm âm của lòng đất, để thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh…

Ba lần gặp gỡ và trò chuyện, tôi mới được những người thợ vét cống cho xuống lòng cống để “tận mục sở thị” công việc của họ. Miệng cống được chọn nằm ngay ngã tư Trần Phú - Tăng Bạt Hổ, đông đúc xe cộ lại qua.

 

Những người vét cống phải làm việc giữa lòng cống tanh tưởi.

 

Ngập ngụa nước cống

Cách duy nhất để xuống được lòng cống là đu theo dây thừng dùng để kéo các xô bùn từ dưới cống lên. Tôi vừa thò mặt xuống miệng cống, một mùi ngang ngang, tanh tanh đã xộc mạnh vào mũi. Để tránh bị ngạt, bao giờ cũng có hai nắp cống cạnh nhau được mở cùng một lúc để thoát khí độc. Nước từ các ngách cống ào ào chảy ra. Chỗ tôi đứng, nước chưa tới đầu gối. Ông Nguyễn Nam nói: “Đây là đoạn cạn nhất, nên anh em nhất trí cho “nhà báo” xuống, chứ chỗ khác nước ngập đến nửa người”.

Có xuống cống mới đồng cảm được với những người lao động lương thiện đang nhọc nhằn chắt chiu từng đồng tiền công để lo cho gia đình và nuôi dưỡng tương lai cho con cái.

Nhiệt độ trên mặt đất tầm 180C, nhưng không khí dưới cống lại khá bức. Thấy ông Đinh Minh Triểu lội nước ào ào về phía trước, tôi cũng nhón theo. Ông Triểu liền quay lại nói to: “Đi từ từ thôi, cúi thấp xuống, kẻo đụng ống dẫn trên đầu”. Tôi vừa thụp đầu xuống, vừa lúc tránh được mấy đường ống bằng thép chạy ngang qua cống. Bùn non nhơm nhớp, tôi không dám nhấc chân lên mà chỉ dò dò bước đi. Sau này, nghe những người thợ vét cống kể lại, cái cống mà tôi từng xuống đi thực tế vẫn còn sạch chán, chủ yếu là bùn non lâu ngày. Các anh từng nạo vét ở những lòng cống gần bệnh viện, tiệm sửa xe, quán ăn… với bùn và nước cống kinh khủng hơn nhiều.

Lòng cống lấp loáng ánh sáng từ những chiếc đèn “thợ mỏ” gắn trên trán của mỗi người. Thấy ánh đèn flash từ máy ảnh, mọi người cùng ồ lên gọi nhau í ới. Trong lúc chờ người xúc bùn đổ vào chiếc xe cút kít, ông Triểu mở lời: “Mỗi tổ vét cống có 5 người; lòng cống có 3 người để xúc bùn lên xe, đẩy xe tới miệng cống; còn 2 người trên mặt đường kéo xô bùn lên và đổ ra ngoài. Bùn nhão thì phải dồn vào bao, không cho nước chảy ra đường. không khí dưới này ngột ngạt, nên lâu lâu anh em đổi vị trí cho nhau”.

Trong lúc chờ ông Nam xúc bùn từ xe cút kít vào xô, ông Triểu châm điếu thuốc. Ông bảo, ở dưới này, người không thèm thuốc thỉnh thoảng cũng phải hút một điếu cho bớt cái mùi thum thủm của nước cống. Tôi thắc mắc sao không đeo khẩu trang, mang ủng, ông lắc đầu: “Ủng, bao tay vướng lắm, khó làm việc. Còn khẩu trang mang vào không quen, lại khó thở hơn”.

Sau gần một tiếng, tôi chui lên khỏi miệng cống, hít một hơi dài mới thấy luồng không khí mà mình đang tận hưởng đáng quý biết bao…

 

Bữa cơm trưa tạm bợ bên vỉa hè của thợ vét cống.

 

Lòng cống - dòng đời

Gần trưa, trời bắt đầu hửng nắng. 11 giờ, những người thợ ở dưới cống nơi tôi thực tế bắt đầu kéo nhau lên. Xin được thùng nước, rửa ráy qua loa, họ sà xuống vỉa hè bên hông Trường THPT Quốc Học Quy Nhơn, nơi mâm cơm tạm bợ sắp sẵn. Chưa đầy 15 phút, 1 xô cơm lớn, 1 xô canh nhỏ, nồi thịt kho dưa môn đã sạch veo. Họ lại tản ra, người kiếm một hiên nhà ngả lưng, người túm tụm trò chuyện phiếm cho qua buổi trưa.

Ba hôm sau, tôi tìm đến nơi ở của những người vét cống vào lúc chạng vạng. Đó là những mái lều tạm bợ được dựng trên khu đất trống nơi ngã ba Hoàng Văn Thụ - Lý Thái Tổ. Nhóm thợ mới đi làm về, đang thay nhau tắm táp ngoài bể nước giữa bãi đất trống.

Anh Lê Trọng Ánh, “anh nuôi” của cả nhóm thợ mời tôi ở lại dùng bữa cơm cùng những người “ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ” - cách nói đầy hài hước mà nghe ra thoáng chút bùi ngùi. Bữa cơm chiều ấy thịnh soạn hơn, bởi có món cá lồ ồ kho mặn và canh bí đao nấu tôm. Vừa ăn, họ vừa chuyện trò rôm rả. Phần đông trong số họ là người dân tộc H’rê ở huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi. Mỗi khi họ nói tiếng của dân tộc mình, những người còn lại chỉ biết nhìn nhau mà cười.

Nhân chuyện ông Đinh Văn Khỏe (ở xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà) khoe mới được cho mấy bộ quần áo cũ và một chai rượu, không khí xôm hẳn lên. Một người trong nhóm tâm sự: “Làm nghề này buồn nhất là khi mở nắp cống, múc lên những xẻng bùn nặng trĩu lổn nhổn những mảnh giẻ rách, túi nilon, hộp cơm, có khi còn lẫn cả xương cá, kim tiêm… Bùn hốt lên để trên đường, xe tải chở đi không kịp, người ta ra chửi bới nặng lời. Nhưng bù lại, cũng có người tốt bụng mang nước sạch ra cho rửa ráy. Nhớ nhất là hồi làm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, có hai nhà nằm kề nhau, một nhà suốt ngày càm ràm vì người vét cống làm bốc mùi hôi thối, còn người kia thì mời nước uống, thuốc lá lúc nghỉ trưa, bảo nhờ mấy chú mà mùa mưa đường này khỏi ngập...”.

Chui xuống lòng cống mới thấy ngồn ngộn cuộc sống. Anh Lê Thanh T., quản lý nhóm 30 thợ vét cống làm việc ở Quy Nhơn, chia sẻ: “Đường cống chúng tôi nhận nạo vét đều mới được xây dựng, thế nhưng đã bắt đầu có nhiều rác lẫn trong bùn. Hệ thống thoát nước của thành phố đang hoàn thiện, để nó phát huy tối đa hiệu quả thì mỗi người dân phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung”.

 

Bùn non mới được hốt lên ở ngã tư Trần Phú - Tăng Bạt Hổ, chờ chuyển đi nơi khác.

 

Đi về phía ánh sáng

Vét cống được coi là nghề độc hại, nguy hiểm. Không ít người phải thiệt mạng vì tai nạn bất ngờ. Như trường hợp của anh Võ Thanh Lâm (ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) bị nắp cống rơi xuống đầu khi đang nạo vét cống thoát nước tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Cao Vân, chưa đầy 15 phút sau đã chết. Những người làm lâu không tránh khỏi các bệnh ngoài da, bệnh hô hấp. Thế nhưng, khi được hỏi, những người vét cống mà tôi gặp vẫn chưa có ý định bỏ nghề, bởi trên vai họ vẫn nặng gánh lo cơm áo, gạo tiền cho cả gia đình.

Mỗi ngày, thợ vét cống được trả 150 ngàn đồng/người, người làm lâu có kinh nghiệm được trả 180 ngàn đồng/người. “Ở quê tôi, làm keo cực khổ không kém, công việc bấp bênh, tiền công chỉ 70 ngàn đồng/ngày, không được lo ăn uống. Ở đây, công việc tuy cực nhọc, nhưng thu nhập cũng đỡ!” - Đinh Văn Lấy, ở xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết.

Trong nhóm thợ vét cống tôi gặp, chỉ có anh Lê Bảo là người trong tỉnh. Anh Bảo quê ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn. Anh có một con trai vừa tốt nghiệp trung cấp xây dựng, vẫn đang trong thời gian thử việc. “Rồi thằng nhỏ đang học lớp 12 cũng “nhắm nhe” vào Sài Gòn thi đại học. Nhà có 4 sào ruộng, rồi trồng mì, nuôi bò chẳng bõ bèn, nên tôi mới theo cái nghề vất vả này” - anh Bảo chia sẻ. Anh Bảo kể lại những ngày đầu chui xuống lòng cống, tầm tháng 6, tháng 7, nắng nóng bức, lòng cống nặng mùi kinh khủng; lội bùn hôi thối cứ buồn ói, tới bữa cầm chén cơm mà nuốt không nổi. Chịu không nổi, vài người cùng quê đi với anh Bảo đã bỏ về chỉ sau chưa đầy 2 ngày làm việc.

Với họ, nai lưng làm công việc vét cống nặng nhọc cốt để kiếm tiền nuôi con ăn học. Vì thế, hạnh phúc lớn nhất của họ là con học hành đến nơi đến chốn. Ông Đinh Giải, người huyện Sơn Hà, cười sảng khoái, khoe: “Con trai tôi đang học nghề sửa chữa ô tô ở Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn, cũng sắp ra nghề rồi. Tuy được nhà nước hỗ trợ theo chế độ ưu tiên cho học sinh người dân tộc thiểu số, nhưng tháng nào tôi cũng dành cho nó 2,5 triệu đồng, tính ra mất đứt gần tháng lương chui cống!”.  

* * *

Có xuống cống mới thấy được công việc vét cống - nhiều người xem là nghề “dưới đáy xã hội” - cực nhọc, nhưng có ích biết bao. Những người lao động lương thiện ấy đang nhọc nhằn chắt chiu từng đồng tiền công để lo cho gia đình và nuôi dưỡng tương lai cho con cái.

Những ngày cuối tháng Chạp, phía trên lòng cống, dòng người vẫn lướt qua...

  • Bài, ảnh: NGUYỄN VĂN TRANG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hồi chuông cảnh báo từ một vụ ngộ độc rượu  (08/01/2012)
Bình minh thị xã  (31/12/2011)
Lặng lẽ “vác tù và”… dân số  (25/12/2011)
Mở lối về nẻo thiện…  (18/12/2011)
Nuôi cá lóc ở xứ Dừa  (11/12/2011)
Mưu sinh từ bàu Đưng  (27/11/2011)
Bản sắc nhà rông  (20/11/2011)
KỲ CUỐI: ẤN TƯỢNG VỀ ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
Săn cá niên  (13/11/2011)
KỲ 3: “HỒN VIỆT” TRÊN ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
KỲ 2: VIÊN CHĂN - THỦ ĐÔ YÊN BÌNH  (12/11/2011)
Hành trình trên đất nước Triệu Voi  (10/11/2011)
“Tôi không hối tiếc khi chọn bóng đá”  (06/11/2011)
Trường học ở phía trước…  (30/10/2011)
Khúc tráng ca ở vũng Lộ Diêu  (22/10/2011)