Dọc những miền hoa
16:53', 20/1/ 2012 (GMT+7)

Những ngày này, các làng hoa Bình Định rộn ràng đón Tết. Hoa kiểng Bình Định đi muôn nẻo và được sự đón nhận nồng nhiệt. Trên các con đường ở làng mai An Nhơn, làng cúc Tuy Phước rầm rập những chuyến xe mang biển số Hà Nội, TP HCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên… Hai “cây” nắng trời cho khiến gương mặt của những chủ vườn thêm hồ hởi.

 

Anh Nguyễn Thanh Tùng (vườn hoa Bình Lâm, Tuy Phước) đang nâng niu những chậu hoa Nhật Lệ - giống cây lai Nhật do chính anh nghiên cứu. Nhìn thoáng qua, hoa Nhật Lệ rất giống với cây Lựu của Việt Nam. “Nhật Lệ là một loại hoa chỉ nở vào mùa hè, tuy nhiên mình dùng kỹ thuật để làm nó nở vào dịp cuối năm sắp tết” anh Tùng cho biết thêm.

 

Đi dọc làng hoa

Nhiều làng trồng hoa ở Bình Định đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Giống như đào Nhật Tân (Hà Nội), những làng mai, cúc trên đất Vua cũng trở thành “thương hiệu” được nhiều nơi thừa nhận và đón nhận. Mấy tuần trước, đi dọc làng hoa cúc Bình Lâm (Tuy Phước), làng mai ở An Nhơn chúng tôi cảm nhận được nỗi lo lắng của những người trồng hoa trên ngay ruộng hoa sắp đến mùa thu hoạch. Những ngay sau mấy ngày mưa nắng xen nhau, những cây nắng từ ngày 26 tháng Chạp nhen lên niềm vui trong mắt họ.

Ngay sau màu xanh mướt mát trải dài ở khu vườn “ông vua” cúc Nguyễn Thanh Tùng là các dãy hoa Nhật Lệ, Cúc, hoa Ly Ly. Hoa Nhật Lệ được trồng trong chậu, cao chừng 30cm đến nửa mét, có hoa và quả. Mới nhìn cứ ngỡ Nhật Lệ là cây lựu thu nhỏ, nhưng theo anh Tùng “Nhật Lệ lá nhỏ hơn, cánh hoa lớn hơn hoa lựu”. “Nhật Lệ nở vào mùa hè nhưng mình dùng kỹ thuật để chúng nở vào mùa Tết. Năm ngoài là lần đầu tiên tôi nghiên cứu trồng bán giống hoa này. Thấy khách hàng có vẻ thích nên năm nay tôi tiếp tục đầu tư”, anh Tùng cho biết thêm. Những nốt vàng cam nở sớm này là điểm nhất thú vị không chỉ ở làng hoa Bình Lâm mà còn ở trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Ngoài các giống cúc, Nhật Lệ, tại vườn anh Tùng còn có giống hoa Ly Ly. Cũng theo anh Tùng đây là năm đầu tiên anh gieo giống và trồng thử nghiệm tại Bình Lâm loại hoa này. Những năm trước chủ yếu nhập từ Đà Lạt về. “Thông thường một cây Ly Ly sẽ ra 5 nụ hoa nhưng lần đầu mình trồng nên chỉ ra được 4 nụ. Dù sao như thế tôi cũng tạm hài lòng”, anh Tùng chia sẻ.

Cảm giác miên man lan tỏa trong tôi dong xe chầm chậm qua làng mai Háo Đức và Thanh Liêm ở thị xã An Nhơn. Không ít thửa trên những cánh đồng mai này trước là đất ruộng. Nay gần như mai xanh bạt ngàn. Từ ngày cây mai lên ngôi, ruộng lúa dần nhường chỗ cho mai. Người nông dân ở đây có mấy trăm năm làm ruộng trồng lúa mà chưa thành danh. Nhưng chỉ chừng mươi năm chuyển sang trồng mai, tê làng đã vang lừng khắp trong Nam ngoài Bắc.

Những người làm vườn thoăn thoắt đếm mai để thương lái chuyển đi. Họ làm việc luôn tay nhưng tiếng cười vẫn rôm rả và tươi rói.

 

Ở Bình Định dịp Tết hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chậu hoa cúc.

 

Mai Háo Đức, Thanh Liêm

Ghé đến vườn mai của anh Nguyễn Đức Nhuận ở Thanh Liêm, cảnh kẻ bưng người bê đang diễn ra tấp nập. Mai đang được những người thợ chất lên xe để về điểm tập trung ở huyện Phù Cát. Người thương lái đang mua chuyến hàng này là chị Nguyễn Thị Thư Thanh, vị khách không còn xa lạ với những chủ vườn mai ở Thanh Liêm và Hảo Đức. “Hiện tại riêng ở vườn chúng tôi có hơn 4.000 gốc mai nhỏ và cổ thụ. Năm nào tôi cũng vào đây mua mai, tổng cộng một mùa chúng tôi mua và chuyển đi Hà Nội khoảng hơn 5.000 gốc”, chị Thư Thanh cho biết. Chị cũng chia sẻ thêm: “Dù vườn chúng tôi có kỹ thuật giữ ấm cho mai nhưng những ngày này hôm nào cũng chú tâm xem dự báo thời tiết trên ti vi. Hồi hộp từng ngày ấy chứ”.

Không chỉ cung cấp mai ở các tỉnh lân cận mà mai Bình Định còn được xuất ra Bắc và vào Nam. “Khoảng 20/11 âm lịch bắt đầu lặt lá để chuyển mai ra Hà Nội. Đến cuối tháng thì lặt lá để chuyển lên Gia Lai, mồng 10 tháng chạp thì lặt lá để chuyển đi Sài Gòn”, anh Hồ Văn Tiến ở Hảo Đức cho biết thời gian xuất mai.

Chị Nguyễn Thị Minh Thanh quê ở An Nhơn niềm nở cho biết: “Mai ở đây tuy giá cao nhưng ai cũng thích. Những người làm mai ở đây họ có kỹ thuật nên cây mai rất đẹp. Tới mùa tết ở Háo Đức rất đông người ở nhiều nơi khác tới tìm mua mua. Nó gần như là một “món đặc sản” nổi tiếng ở quê mình nên đi đâu ai cũng hỏi.

Mỗi chậu mai được bán ra với giá hàng trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng. Người chơi mai thích thú khi chọn được cho mình một chậu hoa nở đẹp, thế cây hợp ý. Nhưng cái công của người tạo ra những hình dáng đẹp ấy trước đó đôi khi vô ý bị lãng quên. Cái công của họ không đơn giản là việc hao tốn mồ hôi mà đó còn là công sức của sự sáng tạo trí óc.

Ngay khi mai còn nhỏ người thợ phải uốn tạo thế, đến khi mai trưởng thành thì phải hãm gốc, chọn thời điểm lặt lá cho hoa nở đúng ngày Tết. Công việc ấy lặp lại chừng 3 năm mai mới được bán ra thị trường. Nếu thế cây không hợp với con mắt thẩm mỹ của người mua, hoa nở quá sớm hoặc quá muộn, và còn rất nhiều những nguyên nhân nho nhỏ khác khiến mai không bán được thì vụ mùa năm đó người làm vườn đành ngậm ngùi ôm mai về tiếp tục chăm sóc, đợi xuân năm sau. Chính vì biết điều đó nên họ luôn phải nắm bắt nhu cầu thị trường và áp dụng kỹ thuật mới để mùa nào hoa cũng bán được giá.

 

Cúc là loài hoa được bày bán nhiều nhất tại các chợ hoa Tết.

 

Cúc Bình Lâm

Khác với mai, cúc bắt đầu được trồng từ tháng 7 hàng năm. Đến khoảng tháng 11 âm lịch người ta bắt đầu tỉa cành, tạo thế cho chậu hoa, tháng Chạp cúc bắt đầu ra nụ và nở cho đến tháng Giêng năm sau. Trong suốt thời gian chăm sóc cây, ngoài nhiệt độ của thời tiết cao hay thấp thì gió còn là một mối lo của người làm vườn.

Khi chúng tôi đến vườn cúc của anh Tùng ở Bình Lâm, rất nhiều chậu cúc Đà Lạt đang trong tình trạng đổ rạp xuống, nằm bẹp dí theo nhiều hướng. Hỏi ra mới biết đêm hôm vừa có trận gió lớn, “nhưng thế này là may, gió mà lớn hơn nữa thì cây gãy hết”, anh Phan Ngọc Vinh, một người làm vườn ngậm ngùi. “Với những hộ làm vườn ở thôn quê, không có điều kiện để xây dựng nhà kính thì hẳn nhiên gió, mưa là một mối nguy hại đến tài sản của họ. Nạn sâu bọ có thể kiểm soát được chứ thời tiết thì chỉ còn biết… nhờ vào ông trời”, anh Vinh tâm sự.

Không biết ở các nơi khác thế nào chứ ở Bình Định dịp Tết hầu như nhà nào cũng có ít nhất một chậu hoa cúc, ai có điều kiện hơn thì thêm một chậu mai và nhiều loại hoa khác. Thường thì  mỗi gia đình sẽ để một chậu hoa trước cửa nhà, một chậu để ngay đầu bàn đón khách, trên bàn có thể có thêm một lọ hoa đủ màu sắc nữa nhằm tạo một không khí ấm cúng, tràn ngập sắc xuân. Cái rực rỡ xum xuê của những đóa hoa là hy vọng vào những niềm vui mới, song hành là niềm tin thịnh vượng vào những chồi lộc đầu năm, đó chính là những quan niệm cầu phước lành của người dân ta trong dịp Tết cổ truyền.

“Vì điều kiện ở nhà thuê nên dịp Tết tôi không hay mua cả một chậu mai hoặc cúc về nhà. Nhưng mỗi khi cùng vợ về Hoài Nhơn ăn Tết tôi đều ra chợ hoa tìm mua một chậu mai An Nhơn hoặc cúc đại đóa Tuy Phước. Mai ở An Nhơn đẹp nổi tiếng ai mà chả mê. Có năm hoa nở đẹp nên thích quá tôi và em trai mua cả mai, cúc và đào về cho nhà nhiều sắc màu hơn”, anh Nguyễn Anh Khoa làm việc ở Quy Nhơn chia sẻ.

Trong hơi thở của mùa Xuân

Những năm gần đây do nhu cầu chơi đào trong miền Nam và thời tiết có nhiều biến đổi nên đào dần thích ứng được với khí hậu ở phía nam. Chính vì vậy đào Hà Nội ngày càng được đưa vào thị trường trong Nam nhiều hơn. Những cành đào chuyển vào, mai chuyển ra. Những sắc hoa hòa quyện các miền làm cho ngày tết thêm ấm áp, phong phú. Một người bạn ở Hà Nội điện thoại vào ao ước: “Làm sao có cành hoa mai đẹp chưng ngày tết?”, “Chuyện xưa rồi, hàng ngày biết bao nhiêu cành mai được chuyển ra Hà Nội đó ông ơi. Nhưng được rồi, tôi sẽ vào đến tận làng mai Háo Đức hoặc Thanh Liêm mua cho ông một cành nhé”, ông bạn hét lên “Ôi, tuyệt quá!”… Câu chuyện háo hức quanh hoa đào và mai làm lòng tôi cũng rạo rực một niềm tự hào về xứ sở của mai.

Chúng tôi quay lại Háo Đức, Thanh Liêm vào những ngày đầu tháng 12 âm lịch, con đường nhỏ trống trải ngày nào giờ chật kín những xe tải đợi chở mai đi phân phối các tỉnh. Những tiếng đếm số đưa mai lên xe, tiếng còi xe la hét í ới tránh đường, tiếng cười đùa của những chàng trai, cô gái làm công rất trẻ, thỉnh thoảng là tiếng đổ vỡ của một em nhỏ nào đó nghịch ngợm đống chậu cảnh đang chất kế bên hàng mai…

Làng hoa đã thực sự vào mùa, thở nhịp thở của mùa xuân.

  • MINH ÚC - TRƯỜNG ĐĂNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Những người làm đẹp thành phố  (20/01/2012)
Âm âm lòng đất…  (15/01/2012)
Hồi chuông cảnh báo từ một vụ ngộ độc rượu  (08/01/2012)
Bình minh thị xã  (31/12/2011)
Lặng lẽ “vác tù và”… dân số  (25/12/2011)
Mở lối về nẻo thiện…  (18/12/2011)
Nuôi cá lóc ở xứ Dừa  (11/12/2011)
Mưu sinh từ bàu Đưng  (27/11/2011)
Bản sắc nhà rông  (20/11/2011)
KỲ CUỐI: ẤN TƯỢNG VỀ ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
Săn cá niên  (13/11/2011)
KỲ 3: “HỒN VIỆT” TRÊN ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
KỲ 2: VIÊN CHĂN - THỦ ĐÔ YÊN BÌNH  (12/11/2011)
Hành trình trên đất nước Triệu Voi  (10/11/2011)
“Tôi không hối tiếc khi chọn bóng đá”  (06/11/2011)