Những nẻo đường xuân
22:0', 29/1/ 2012 (GMT+7)

Chào đón năm mới, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội được tổ chức ở khắp nơi trong tỉnh, tạo không khí vui tươi, sôi động; thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong những ngày đầu xuân.

 

CLB Kỳ Hoàn biểu diễn múa rồng trong Dạ hội giao thừa chào Xuân Nhâm Thìn 2012.

 

So với mọi năm, chương trình Dạ hội mừng Đảng mừng Xuân đón giao thừa năm Nhâm Thìn 2012 tổ chức ở thành phố Quy Nhơn phong phú và rực rỡ màu sắc hơn. Dạ hội giao thừa kết thúc bằng những tràng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời và tiếng vỗ tay phấn khích của hàng chục nghìn người dân đổ về chật kín đại lộ Nguyễn Tất Thành. Năm nay đường Nguyễn Tất Thành mới thật xứng danh “đại lộ” bởi đường đã hoàn tất, rộng và đẹp. Việc trang hoàng những lưới đèn trang trí rực rỡ đã điểm tô dung nhan cho đường Nguyễn Tất Thành, lại thêm món “trang sức” là tháp đồng hồ màn hình điện tử trang trí 4 mặt tại vòng xoay Nguyễn Tất Thành – Trường Chinh khiến cho đại lộ đón xuân càng thêm lộng lẫy…

Mùng Một đi hội Chợ Gò

Ông bác tôi ở ngoài Bắc vào Bình Định ăn Tết, biết có phiên chợ Gò được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings liệt vào tốp “100 phiên chợ độc đáo ở Việt Nam” muốn đi một lần cho biết. Sáng sớm mùng 1 Tết, bác cháu tôi lên đường dự hội chợ Gò. 7 giờ sáng, mặt trời bắt đầu chiếu những tia nắng ấm áp đầu tiên, cũng là lúc hàng nghìn người dân từ khắp nơi kìn kìn đổ về chợ Gò. Bác tôi ngạc nhiên bởi không thể ngờ một phiên chợ quê lại đông vui đến thế.

Chương trình hội chợ do Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước tổ chức tại chợ Gò năm nay “mỏng” hơn mọi năm, chỉ có biểu diễn vài tiết mục văn nghệ đơn giản, hát tuồng, ít trò chơi dân gian nhưng không vì thế mà chợ Gò kém sôi động, bởi người ta đến đây không phải để xem các chương trình, mà để tận hưởng không khí rộn ràng của ngày hội. Có lẽ đây cũng chính là nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của chợ Gò.

 

Chợ Gò tạo không khí vui tươi, nhộn nhịp đầu năm mới.

 

Chợ Gò bày bán đủ loại rau củ, thịt heo; các loại tôm, cua, cá đồng được đánh bắt ở khu vực đầm, biển xung quanh. Bác tôi hăng hái mua liền một lúc mấy con cá lóc đồng, nửa kí cá cơm, thêm mấy lạng tôm kèm mấy bó rau muống về nấu canh. “Mấy bữa nay toàn ăn tiệc tùng dầu mỡ nhiều. Đầu năm mà có được một bữa ăn đặc sản cá, rau như vậy là hết ý!”, bác tôi vui vẻ nói.   

Rộn ràng nơi phố thị

Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn đã cố gắng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật sinh động hơn để phục vụ mọi người vui Tết Nhâm Thìn 2012. Ngay từ đêm mùng 1 Tết đã có một chương trình nghệ thuật có chủ đề “Đảng ta là mùa xuân” được tổ chức, thu hút đông đảo người xem tại Quảng trường tượng đài Chiến thắng. Tối mùng 2 Tết, lần đầu tiên có đến hai chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra cùng thời điểm là chương trình Đêm hội tháp Đôi và Hội đánh bài chòi cổ dân gian, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí đa dạng của mọi người. Đêm hội tháp Đôi do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn phối hợp với Nhà hát tuồng Đào Tấn xây dựng chương trình biểu diễn. Năm nay chương trình có sự đổi mới nội dung và hình thức nghệ thuật nhằm phục vụ công chúng tốt hơn trong ngày Tết.

 

Hàng vạn người dân và du khách đã về tham quan Bảo tàng Quang Trung.

 

Khi chương trình Đêm hội tháp Đôi đang rộn rã, thì Hội đánh bài chòi cổ dân gian cũng diễn ra sôi động không kém tại quảng trường trước Trung tâm Thương mại Quy Nhơn (phía đường Trường Chinh). Nhiều người ban đầu còn lạ lẫm với cách hô xướng tên các con bài có cái tên ngộ nghĩnh như Tứ Cẳng, Ông Ầm… nhưng dần bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn này. Anh Nguyễn Văn Hùng, du khách ở TP HCM, nhận xét: “Đã xem đánh bài chòi Hội An - Quảng Nam nhưng thấy cách thức không sinh động và bài bản như ở Bình Định. Tôi và gia đình đã được tận hưởng cảm giác “ngồi chòi” đầy thú vị!”.

Gặp mặt tại Hội đánh bài chòi cổ dân gian đêm mùng 6 Tết, ông Lê Ngọc Anh, Trưởng phòng kiêm Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn, cho biết: “Hội đánh bài chòi dự kiến sẽ kết thúc vào đêm mùng 6 Tết nhưng lượng khách đến đông vui và yêu cầu kéo dài nên chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức thêm vài ngày nữa”.   

Náo nức hội Đống Đa

Trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, hàng vạn lượt người dân và du khách đã đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, tham dự các hoạt động lễ hội kỷ niệm 223 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. Các hoạt động diễn tấu cồng chiêng, chương trình biểu diễn văn nghệ của Trung tâm Văn hóa tỉnh, biểu diễn võ thuật của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh đã tạo không khí lễ hội sôi động ngay từ chiều mùng 4 Tết.

Khu vực các gian nhà trưng bày của Bảo tàng Quang Trung là tâm điểm thu hút sự tham quan của đông đảo người dân và các đoàn du khách đến từ nhiều vùng, miền trong nước. Ông Nguyễn Tâm (60 tuổi), du khách ở Hà Nội, tâm sự: “Năm nay gia đình chúng tôi thật vui khi được cùng nhau đến tham quan Bảo tàng Quang Trung, tận hưởng không khí đông vui của lễ hội Đống Đa tổ chức trên quê hương người anh hùng dân tộc Quang Trung- Nguyễn Huệ.

 

Hội Bài chòi cổ dân gian lần đầu tiên được Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TP Quy Nhơn tổ chức thành công.

 

Tại Bảo tàng Quang Trung năm nay đã diễn ra các hoạt động mới được chuẩn bị bài bản, đạt hiệu quả thiết thực. Lần đầu tiên Hội VHNT tỉnh phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Bảo tàng Quang Trung tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Chào xuân mới” trên quê hương Tây Sơn tam kiệt. 100 tác phẩm ảnh nghệ thuật, báo chí của 43 tác giả có đề tài đa dạng, nội dung phong phú được trưng bày đẹp mắt, thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Ông Võ Khánh (74 tuổi) tâm sự: “Xa quê hương Tây Sơn lên sống ở Đà Lạt gần 50 năm qua, nhưng tôi luôn cố gắng duy trì về quê hương thường xuyên, lần nào về cũng thăm viếng Bảo tàng Quang Trung. Triển lãm ảnh năm nay đã giúp cho các hoạt động Tết tại Bảo tàng thêm sinh động hơn”.

Sáng mùng 5 Tết, Hội thi làm bánh ít lá gai do Trung tâm VH-TT&TT huyện Tây Sơn phối hợp với Bảo tàng Quang Trung, UBND thị trấn Phú Phong đã được tổ chức lần đầu tiên. Tham gia hội thi là các chi hội phụ nữ của 10 khối phố ở thị trấn Phú Phong. Bà Võ Thị Thứ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khối Phú Văn, cho biết: “Do ngày Tết nên công tác chuẩn bị cập rập, nhưng không chỉ có chị em phụ nữ chúng tôi mà cánh đàn ông cũng vui vẻ bàn bạc, giúp đỡ chuẩn bị kĩ lưỡng để tham gia đóng góp tốt cho hoạt động vui hội Đống Đa.”.

Hội thi làm bánh ít lá gai đã tạo không khí đoàn kết, vui vẻ cho đông đảo mọi người. Nhiều du khách phương xa được mời ăn thử bánh ít lá gai đã tấm tắc khen ngợi món bánh dân dã nhưng hương vị thơm ngon đậm đà. Kết quả hội thi: chi hội phụ nữ khối 5 đạt giải nhất, khối 3 và khối 4 cùng đạt giải nhì, khối Phú Văn và khối Phú Xuân cùng đạt giải ba. Hội thi càng thêm phần ý nghĩa khi bánh ít lá gai của các đội làm ra đã được dâng cúng tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt và Văn thần Võ tướng, gởi tấm lòng thành kính, thơm thảo ngày xuân của người dân đất Võ đến các bậc tiền nhân…

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tin vui từ khơi xa đua nhau ùa về  (25/01/2012)
Cá tầm Nga trên đất Vĩnh Sơn  (24/01/2012)
Dọc những miền hoa  (20/01/2012)
Những người làm đẹp thành phố  (20/01/2012)
Âm âm lòng đất…  (15/01/2012)
Hồi chuông cảnh báo từ một vụ ngộ độc rượu  (08/01/2012)
Bình minh thị xã  (31/12/2011)
Lặng lẽ “vác tù và”… dân số  (25/12/2011)
Mở lối về nẻo thiện…  (18/12/2011)
Nuôi cá lóc ở xứ Dừa  (11/12/2011)
Mưu sinh từ bàu Đưng  (27/11/2011)
Bản sắc nhà rông  (20/11/2011)
KỲ CUỐI: ẤN TƯỢNG VỀ ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)
Săn cá niên  (13/11/2011)
KỲ 3: “HỒN VIỆT” TRÊN ĐẤT NƯỚC TRIỆU VOI  (13/11/2011)