“Rừng ngọt”
17:3', 5/10/ 2012 (GMT+7)

(Bút ký)

Khu rừng sườn nam núi Lớn thuộc địa phận rừng xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ rộng chừng 860 ha, chạy từ núi Thu Mé qua núi Chóp Gai, núi Nhao đến hết núi Gò Tạp được những người lấy mật ong rừng xem là vựa mật ong của núi rừng Bình Định. Rừng nơi đây có quần thể đặc biệt và “người ăn ong” luôn biết cách giữ ong, giữ rừng.

 

Rừng sườn nam núi Lớn được xem là vựa mật ong của rừng Bình Định.

 

Quần thể rừng

Theo chân các “thầy ong”, tôi men theo mép hồ Lô Sổ, qua hồ Bộ Đội, đến mấy vạt keo non rồi vượt con dốc mới đến đỉnh cao có thể nhìn bao quát khu vực. Dọc đường, tôi bắt gặp nhiều trảng chìu nở hoa trắng muốt, tỏa hương dìu dịu. Ven suối, hàng trăm cây đùng đình buông rèm hoa trắng xóa, thoảng hương thơm ngát cả vạt rừng. Những tấm sim dú, chòi mòi, chà là, chùm bìa cũng thi nhau trổ hoa. Hoa nào cũng ngạt ngào hương thơm, lóng lánh phấn vàng, khiến các loài ong rừng quẩn quanh không ngớt .

Đứng trên đỉnh Chóp Gai, nhìn khắp “vựa” mật ong, cánh rừng có hình cánh cung, mặt hướng về làng Trung Bình (Mỹ Chánh Tây). Dãy núi phía đông rừng vững chãi, nhô ra đồng ruộng, ưỡn ngực chắn gió mặn từ biển Mỹ Thọ thổi vào. Sườn tây cao ngất, bành lưng ngăn gió mùa đông bắc. Rừng tựa lưng vào núi Lớn, tiếp giáp với nhiều dải rừng rộng. Trong khu rừng có nhiều đồi thấp chen giữa những suối nước trong vắt. Cả khu rừng nhiều vùng sình, cỏ lau, hoa dại mọc um tùm. Độ dốc của rừng chừng 30-450. Chân rừng thoai thoải, rẽ xuôi ra cửa  theo hình cánh quạt. Rừng có hai tầng thực vật, tầng trên là tán keo non mươn mướt, tầng dưới là cỏ, dây, cây bụi .Ven rừng, nhiều lùm dứa núi mọc san sát; những thảm lách trổ cờ vàng óng; mấy bụi gai mắc mèo ngoằn ngoèo, đan cài trong keo như ma trận.

Chen giữa rừng keo, thảm lách là những khóm gai cắc cu, thồ lồ, mây rắc, cò ke. Không gian rừng yên ắng, chứa đầy bí ẩn. “Thầy ong” Phan Văn Quốc ở xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) – người có trên mười lăm năm theo nghiệp “ăn ong” cho hay: “Núi ở hướng đông ngăn được hơi mặn. Núi bọc hướng tây ngăn gió trái trời. Rừng yên tĩnh, nhiều hoa, đủ nước, rất thích hợp cho ong làm tổ! Tôi lấy mật ong ở nhiều rừng nhưng chưa thấy rừng nào có thế đất đặc biệt như rừng này!”. Chỉ tay từng vạt rừng, anh Quốc giải thích: “Ong vận chuyển mật, nước theo đường vòng, đến gần tổ lên – xuống theo chiều thẳng đứng. Ong rất cần không gian rộng, thoáng để đi – về đúng tổ. Rừng này là rừng non, chồi thấp, có nhiều điểm để ong định vị đường bay bay như các lùm dứa núi, trảng keo, bãi sình. Mùa nắng, ong cần nhiều nước để giữ ẩm cho tổ và làm mát ong con. Rừng nhiều hố nước rất thuận lợi để ong vận chuyển, làm tổ, sinh sản. Cùng với việc hút mật làm tổ, ong thợ còn phải bảo vệ ong chúa. Do đó, ong thường làm tổ vào những nơi kín đáo. Rừng này hội đủ các điều kiện tốt nên ong tập trung làm tổ!”

 

“Thầy ong” đang thực hiện thao tác lấy mật ong.

 

Ong và mật

Rừng nam núi Lớn có nhiều loài ong sinh sống. Chỉ tính riêng ong hút mật làm tổ đã có đến bốn loài: ong ruồi, ong mật, ong lỗ và ong vú. Rời đỉnh Chóp Gai, “thầy ong” Nguyễn Đắc Tâm cùng xã với anh Quốc – người có nhiều năm “ăn ong” trên vựa này dẫn tôi bươn vào đám lách rộng chừng 200 m2. Đi được một đoạn, anh Tâm phát hiện tổ ong ruồi, chỉ cho tôi xem. Tổ ong to bằng chiếc quạt lá kè. Phần tiếp giáp với thân lách là ké mật phình to như bắp tay. Anh mở bao lấy vật dụng, phủi ong, cắt mật, chừa lại 1/3 ké. Lấy xong tổ thứ nhất, anh cắt đường ra rìa lách. Và tổ ong thứ hai lộ dạng ngay trước mặt. Tổ này to hơn. Anh Tâm say sưa thổi ong, lấy mật, quên cả nắng trưa.

Nghỉ chân dưới tán đùng đình thơm ngát, anh Tâm cho hay: “Rừng này nhiều ong ruồi, mỗi đàn có từ 2000-3000 con. Ong làm tổ từ tháng ba đến tháng tám âm lịch. Tổ ong thường đóng cặp đôi trong lùm gai, bụi lách cách nhau chừng 5-7 mét. Cách đây một tháng, anh Nguyễn Nhật Quang ở xã Mỹ Hiệp (Phù Mỹ) lấy tại rừng này một tổ 2 lít mật. Hai tổ mình vừa lấy cũng được hai lít!”

Đang nói chuyện, anh Tâm vụt đứng lên, ngước mặt, che tay, nheo mắt. Bỗng anh giục: “Đi, đi! đến lấy tổ ong mật!” Tôi vội vàng bám theo anh. Qua hết khe suối chính, anh Tâm dừng lại đảo mắt, reo khẽ: “Kia! đóng trên cây dứa!”.

Tôi theo anh đến gần. Thật sự, tôi thấy rợn vì tổ ong quá lớn. Anh Tâm loay hoay gom rác, bó khói, ra sau mặt tổ châm lửa. Tôi ngồi im, theo dõi. Khói tỏa nhẹ, ong rùng mình chớp cánh như sóng dâng. Khói mỗi lúc một dày, ong cuộn tròn, rớt phạch, vỡ òa. Có con hung hăng lao vào lửa. Có con mất hướng cắm thẳng vào tôi té nhào. Một lúc, ong chúa rời tổ, cả đàn lập tức kéo theo. Tổ sạch ong, phơi ké mật vàng hươm, căng mọng.

Xong các công đoạn, anh Tâm vừa vắt mật vừa trò chuyện cùng tôi: “Tổ này được ba lít rưỡi! Ong mật rừng này rất đông con, có đàn ước tính trên mười vạn. Chúng làm tổ từ tháng giêng đến tháng tám âm lịch. Loài ong này rất hung dữ, chỉ cần sơ suất nhỏ là chúng cắn phủ đầu. Tổ ong mật to nhất ở đây trữ từ 8-10 lít mật. Đàn ong lỗ ở rừng này cũng đông  không kém, trung bình khoảng 5000 con. Ong lỗ dữ như ong mật, thường làm tổ trong đất hoặc bọng cây. Mới tuần trước, anh Trương Thanh Giảng cùng xã tôi lấy tại rừng này một tổ 8 lít mật! Ong vú rừng này cũng nhiều, chúng làm tổ trong hốc cây, bọng đất. Tổ có nhiều vú mật, mỗi vú mang một vị khác nhau, thường là ngọt, chua, đắng, chát. Rừng này nhiều ong làm tổ hơn các rừng khác. Mỗi mùa, rừng cho “người ăn ong” quanh vùng từ 800 – 1000 lít mật!”

Mật ong rừng sườn nam núi Lớn rất dẻo, thơm, ngọt thanh, để lâu không chua; vào chai đóng nút có thể để được năm, bảy năm không mất mùi vị. Lúc mới lấy về, mật vàng hươm, để thật lâu mật mới ngã màu đỏ. Anh Tâm cho biết thêm: “Mật ong lấy từ rừng Miền Tây Nam Bộ nặng mùi hoa tràm, loãng, để lâu sẽ ngã màu đen, vị hơi nhẩn, ít được người dùng ưa chuộng. Mật ở vựa ong này vào Nam ra Bắc, không đủ để bán. Người mua phải đặt trước cả tháng trời!”

 

Sản phẩm mật ong lấy từ núi Lớn.

 

Gìn giữ cho mùa sau

Mùa ong hút mật làm tổ, mỗi ngày rừng sườn nam núi Lớn có từ 20 - 30 người len rừng theo ong. “Thầy ong” Trương Công Minh ở xã Mỹ Trinh (Phù Mỹ) – người thường xuyên bám rừng, cho hay: “Xã tôi có hai mươi người, Mỹ Hiệp có hai, Mỹ Phong, Mỹ Lộc khoảng mười người chuyên “ăn ong” rừng này. Họ vào rừng theo ong vì “nghiệp”. Có người đang làm công nhân, bỏ xưởng về theo ong. Có người ngày đi ong, chiều tối về chơi nhạc đám cưới. Có người theo ong suốt nhiều tháng liền, xong mùa mới trở lại việc cày cuốc. Nhiều người trong số này trước đây đi tận núi rừng Ghềnh Ráng-Vũng Chua (Quy Nhơn), Cát Sơn (Phù Cát), Phước An (Tuy Phước) tìm mật ong nhưng thất bại. Họ về và quả quyết “chỉ có rừng này là nhiều mật ong nhất, phải quyết giữ!”.

Hầu hết những người theo ong ở vựa mật núi Lớn đều là những “người ăn ong” chuyên nghiệp. Trong số họ có khoảng mười người được tôn bậc “thầy ong”. Lượng mật thu về sau từng ngày tùy thuộc vào kinh nghiệm “ăn ong” của từng người. Ngày có, ngày không, bù qua chế lại, công “người ăn ong” ở rừng này luôn đạt từ 250 – 300 ngàn đồng/ngày. Rất nhiều “thầy ong” quanh đây thu được năm, sáu mươi lít mật/mùa như anh Quốc, anh Vinh, anh Cường ở xã Mỹ Trinh, anh Quang, anh Trạng ở Mỹ Hiệp, anh Trường ở xã Mỹ Phong!”

Được mật - được giá trị ngày công, được sống với “nghiệp” là niềm vui lớn của “người ăn ong” nên tất cả người theo ong ở rừng đều biết quí ong, trọng rừng. “Thầy ong” Phan Thanh Cường (Mỹ Trinh) tâm sự: “Mặc dù không phân chia ranh giới nhưng mỗi người đều có một sơn phận tìm ong riêng, không tranh giành, trùng lặp. Thường ngày, anh em chúng tôi hẹn nhau tại cửa rừng. Người đến trước chờ người đến sau. Sau khi đủ mặt, mỗi người đi một hướng rừng, liên lạc với nhau qua điện thoại di động. Đi cách nhau nhưng anh em biết rõ vùng rừng lấy mật của nhau, luôn nhắc nhở giữ ong, giữ rừng. “Người ăn ong” ở đây biết tự chịu trách nhiệm về sự an toàn của vùng rừng mình lấy mật, luôn thực hiện tốt lời thề “đạo ong” rằng: Không dùng dao, rựa cắt mật; không dùng lửa đuổi ong; không đánh khói mặt trước tổ làm suy sức ong chúa; cắt mật phải để lại 1/3 ké đủ để  nuôi sống ong con; xong các công đoạn phải dập tắt lửa, khói; khi không cần thiết không được nổi khói trong rừng; hút xong thuốc lá phải dụi tàn; gặp những tổ ong mới bạ, mật còn ít, phải chờ đủ mật mới được lấy; lấy ong trong rừng keo, phải phát dọn sạch chồi! Nhờ làm tốt những điều này mà nhiều năm qua, rừng không xảy ra cháy, ong đi – về dập dìu, mật độ ong làm tổ ngày càng dày, suốt mùa mật “chắc” như thóc. “Người ăn ong” quanh vùng không còn phải lội rừng xa, cực nhọc như trước!”.

  • TẤN PHƯỚC
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dám nghĩ, dám làm thì sẽ thành công  (30/09/2012)
Nuôi chó thời nay  (23/09/2012)
Kỳ 3: Đường lớn đã mở  (18/09/2012)
Kỳ 2: Nghe dân nói, nói dân nghe  (18/09/2012)
Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước  (16/09/2012)
Trả nợ rừng  (09/09/2012)
Bồng Sơn, lửa và hoa  (01/09/2012)
Ánh sáng của nghị lực  (26/08/2012)
Theo tiếng chim hót  (19/08/2012)
Làng gà thả bộ  (12/08/2012)
Rơm vàng  (05/08/2012)
Người “lì” mê kỹ thuật  (29/07/2012)
Kỳ III: Quản lý, bảo vệ rừng còn lỏng lẻo  (23/07/2012)
Kỳ II: Chặt rỗng rừng phòng hộ Vân Canh  (22/07/2012)
“Quá khứ là động lực để tôi không ngừng phấn đấu”  (22/07/2012)