Người dân ven biển chẳng lạ gì con dông. Dông đào hang sống giữa những động cát, thỉnh thoảng lên mặt đất kiếm ăn, thấy bóng người là lủi mất. Thịt dông là một đặc sản “cao cấp”, nên nhiều năm nay dông đã được đưa vào chuồng, là một loại vật nuôi nhiều triển vọng.
|
Anh Nguyễn Kim Tài bắt dông để xuất bán.
|
Nhiều người nuôi dông tin rằng Hoài Nhơn là nơi đầu tiên ở tỉnh ta xuất hiện nghề nuôi dông. Từ năm 2008, chuồng nuôi dông đã bắt đầu hiện diện ở các động cát ven biển. Sau đó, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, nghề nuôi dông tiếp tục phát triển rộng hơn. Trong đó, hai mô hình nuôi dông của ông Đỗ Tạo (ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương) và ông Nguyễn Chum (ở khối 1, thị trấn Tam Quan) được đánh giá đạt hiệu quả cao.
Nuôi dông không chỉ trên cát
Trong khi đó, tuy “chậm chân” hơn, nhưng đến nay số hộ nuôi dông ở huyện Phù Mỹ có khá nhiều, đặc biệt là ở xã Mỹ Thắng. Tháng 4.2011, anh Phan Văn Nhớ, 39 tuổi, ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, thả nuôi gần 400 con dông giống. 4 tháng sau, lứa dông đầu tiên ra đời, anh tách sang chuồng khác. Anh bắt đầu lựa con đực bán, giữ con cái để sinh sản. Anh Nhớ bẻ miếng đu đủ chín lia vào chuồng, lập tức đàn dông đã xúm lại giành ăn. Thoáng thấy bóng người, những con dông trưởng thành da sặc sỡ, mập mạp đã chạy biến xuống hang. “Dông không quá khó nuôi, thức ăn thập cẩm từ rau muống, rau lang đến dưa hấu, đu đủ, cà rốt, bí đỏ… dông đều ăn được, lỡ 2, 3 ngày không cho ăn cũng không hề gì. Mùa mưa, dông không lên mặt đất, cứ tự ăn đuôi để sống”, anh Nhớ cho biết.
“Dông là vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở các vùng ven biển tỉnh ta. Nông dân mình hay hứng thú với vật nuôi mới, nhưng trong quá trình chăn nuôi vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là về liên kết sản xuất. Trạm khuyến nông TP Quy Nhơn sẵn sàng giúp bà con về mặt kỹ thuật nuôi, tuy nhiên bà con phải tìm hiểu đầu ra trước đi quyết định đầu tư”
Ông PHAN TUẤN, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Quy Nhơn |
Người có chuồng nuôi dông lớn nhất hiện nay ở tỉnh ta có lẽ là ông Võ Trọng, 58 tuổi, ở thôn 10, xã Mỹ Thắng. Trước khi đến với nghề nuôi dông, ông Trọng từng làm rẫy cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên. Thấy nghề nuôi dông phát triển tại quê nhà, ông bán hết rẫy về đây đầu tư hơn 250 triệu đồng xây dựng 2.000m2 chuồng trại và mua 3 tạ dông giống (khoảng 6.000 con) thả nuôi từ tháng 8.2010. Hiện nay, đàn dông của ông đã lên đến trên 10.000 con, riêng tiền bán dông thịt đã được 5-6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông còn cung cấp dông giống cho những người mới nuôi. Đưa tôi ra xem chuồng, ông dặn: “Phải đi thật khẽ, nếu không dông trốn hết vào hang”. Đúng như lời ông, vừa nhác thấy bóng tôi ló đầu qua khỏi bức tường rào thì nào dông lớn, dông bé bỏ chạy, chui tọt vào hang.
Môi trường thích hợp nhất của dông là các động cát. Tuy nhiên, chuồng nuôi dông không chỉ có ở các vùng ven biển. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở huyện miền núi Vân Canh cũng đang có 3 chuồng dông của anh Tạ Đình Hoàng (ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh), ông Đào Văn Nhật (ở thôn An Long 2, xã Canh Vinh) và ông Đoàn Ngọc Châu (ở thôn Hiển Đông, xã Canh Hiển). Không có những động cát tự nhiên, người nuôi phải làm chuồng nuôi với lớp cát dày cả mét. Chuồng nuôi khá nhỏ, chừng 40m2, nên cả ông Đoàn và ông Châu đều đang dự định mở rộng diện tích để tách dông con. Riêng anh Hoàng, không chỉ nuôi dông, anh còn là người mua bán dông có tiếng.
Ở TP Quy Nhơn, nghề nuôi dông cũng đã xuất hiện ở xã Nhơn Lý, Nhơn Hội và phường Ghềnh Ráng. Trong đó, Nhơn Lý là nơi có số chuồng nuôi nhiều nhất, tiêu biểu là chuồng nuôi rộng 1.000m2 ở thôn Lý Hưng của anh Nguyễn Kim Tài. Anh xây chuồng cao khoảng 1,5m, phần trên có dán gạch men trơn để dông không trèo ra ngoài.
|
Một con dông trưởng thành ở chuồng nuôi của anh Phan Văn Nhớ.
|
Dễ nuôi, vẫn phải có “bí quyết”
Theo nhiều người, dông là vật dễ nuôi, đến nay chưa thấy có dịch bệnh gì, việc chăm sóc cũng đơn giản. Tuy nhiên, để con dông mang lại hiệu quả cao nhất, người nuôi vẫn phải nắm chắc một số “bí quyết”.
Khác với nhiều chuồng nuôi dông hiện nay, chuồng nuôi của ông Nguyễn Sơn Hải, cán bộ tổ chức của Văn phòng Đảng ủy xã Mỹ Thắng, có đặc thù là độ dốc tương đối lớn, phù hợp với tập quán di chuyển của dông. Ông Hải còn trồng cây trứng cá, dâm bụt trong chuồng, trồng mướp, bí để đảm bảo nguồn thức ăn an toàn cho dông. Ông lý giải: “Cái anh dông này rất thích ăn những trái ngọt và mềm, nhất là trái trứng cá. Nhờ trái trứng cá mà lượng thức ăn phải mua đã giảm khá nhiều, tiết kiệm được chi phí”.
Vốn là người ham học hỏi, không chỉ học qua sách vở, anh Nguyễn Kim Tài còn thường xuyên tham khảo kinh nghiệm của nhiều người nuôi lâu năm. Anh chia sẻ: “Chuồng dông cần độ ẩm nên tôi làm hệ thống phun nước lên cát để tạo độ ẩm cho cát, nhưng tuyệt đối không làm nước ứ đọng trong hang của chúng; nhiều người đã phạm sai lầm khi làm nền chuồng nuôi để tránh dông ra ngoài. Phải để cho môi trường yên tĩnh, cách ly với các “kẻ thù” như chim bìm bịp, mèo, gà… Ngay cả khâu bắt dông cũng cần có phương pháp riêng, mồi nhử tốt nhất là mít và giá. Đối với dông giống nhỏ thì dùng lồng nhỏ đặt ở miệng hang vào đầu buổi chiều, dông lớn thì đặt lợp khắp chuồng”. Theo tìm hiểu của anh Tài, giá là loại thức ăn tốt nhất cho dông; có nơi nhờ ăn giá mà dông giống đưa về chỉ nuôi hơn 3 tháng đã đạt 0,3kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán.
Đặc biệt, để tránh hiện tượng “dông lớn nuốt dông bé”, người nuôi dông cần chú trọng quản lý dông con bằng cách tách bầy, đưa vào một chuồng nhỏ để chăm sóc riêng. Như chuồng nuôi của ông Võ Trọng được chia thành 4 ô, dành nuôi riêng dông ở các độ tuổi khác nhau.
|
Anh Phan Văn Nhớ cho dông ăn đu đủ.
|
Liên kết để phát triển
Nghề nuôi dông khá đơn giản, có thể phù hợp cho cả phụ nữ, người lớn tuổi… Thừa thắng xông lên, những hộ nuôi dông ở Mỹ Thắng đã mở rộng mô hình nuôi và lên kế hoạch lập “hội nuôi dông”.
Lật từng trang Dự án xây dựng trang trại nuôi dông trên cát, lão nông Hồ Văn Dư, ở xóm 2, thôn 7 Nam, xã Mỹ Thắng, tâm sự: “Dự án được lập từ năm 2010, với sự tham gia của 21 người. Chúng tôi định thuê 10ha mặt cát cách khu dân cư hơn 1km để làm chuồng nuôi dông, bên cạnh đó còn trồng rau, khoan giếng… Nhưng, hơn 2 năm “gõ cửa” nhiều cơ quan chức năng, việc thuê đất vẫn chưa xong, thành ra dự án này còn… nằm trên giấy”.
Bên cạnh khó khăn về diện tích chuồng trại, đầu ra của sản phẩm cũng là băn khoăn của nhiều người nuôi dông. Có một thực tế là người nuôi, mua và bán dông chưa “gặp” nhau. Theo anh Tạ Đình Hoàng, thị
trường tiêu thụ dông mạnh nhất là các tỉnh phía Bắc và Tây Nguyên. Mùa nắng đã khan hàng, đến mùa mưa càng “sốt”, do dông khó bắt hơn. “Đầu ra hoàn toàn không đáng lo, quan trọng là người nuôi dông phải liên kết lại. Những người nuôi ở cùng địa phương phải bắt dông cùng lúc để đủ số lượng khi cần. Ngoài ra, cần phải đảm bảo uy tín trong mua bán. Khi gom dông ở nhiều chuồng, mỗi chủ nuôi phải đảm bảo trọng lượng tiêu chuẩn của dông (3-4 con/kg), chỉ vài lần cố ý để dông nhỏ lẫn với dông lớn thì sẽ mất bạn hàng ngay” - anh Hoàng phân tích.
Theo các nhà chuyên môn, dông từ lúc còn nhỏ đến khi động dục khoảng 6 tháng. Mỗi năm dông cái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 3-6 trứng, sau 45 ngày thì trứng nở, nuôi thêm 30 ngày nữa là có thể bán dông giống. Thông thường, sau 5-7 tháng, dông giống sẽ đạt trọng lượng 0,3-0,4kg, đủ tiêu chuẩn xuất bán. Mỗi năm người nuôi dông có thể xuất chuồng 2 lứa, mỗi lứa có sản lượng gấp 2-3 lần lượng giống ban đầu. Với giá thị trường hiện nay là 250 - 350 ngàn đồng/kg, người nuôi dông hoàn toàn có thể đặt nhiều hy vọng vào loài vật nuôi mới mẻ này. |
|