Những ngôi nhà xi măng xây dựng theo kiểu rất đặc trưng với nhiều lỗ thông gió, lúc nào cũng ríu rít tiếng chim yến gọi bầy không còn giới hạn ở Quy Nhơn hay vùng giáp ranh Quy Nhơn - Tuy Phước, mà đã xuất hiện ở các làng quê xa hơn như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, lan đến tận các xã ven biển ở Hoài Nhơn. Thời điểm này, tại Bình Định, có khoảng 70-80 nhà nuôi yến.
|
Một nhà nuôi yến được đầu tư chuyên nghiệp tại Hoài Hương (Hoài Nhơn). Ảnh: Diệp Bảo Sương
|
Tiến lên chuyên nghiệp
Nhà nuôi yến của anh Đặng Thanh Lâm, ở gần cuối thôn Thạnh Thế, thị trấn Tuy Phước (Tuy Phước), gần như ở giữa đồng không mông quạnh. Nhà yến của anh 3 tầng, xây dựng năm 2010, tổng diện tích sàn 200m2, chưa kể phòng lượn cho chim. Anh Lâm là giáo viên môn Sinh học, học kỹ thuật nuôi yến trên mạng và kinh nghiệm từ người đi trước để tự thiết kế nhà yến. “6 tháng sau, đã có khoảng 20 cặp chim vào ở. Chưa kịp mừng thì chim heo mò vào ăn trứng yến, ăn cả chim con. Sau đận đó yến sợ bỏ đi hết, có con đang làm tổ dở dang cũng bỏ luôn. Nửa năm sau chúng mới quay lại, đến giờ, mới được 7 tổ chim...”- anh Lâm nói.
Người đi ngang qua xã Phước Thuận, không thể không chú ý đến vài ba nhà yến được xây dựng bài bản. Trong đó, có một ngôi nhà được người trong nghề đánh giá là xây dựng rất chuyên nghiệp với mức đầu tư khoảng 2 tỉ đồng; và là một trong những nhà thu hoạch yến hiệu quả nhất tại Bình Định trong thời điểm hiện nay. Một hộ nuôi khác là ông H. ở Quy Nhơn lên đây đầu tư 2 nhà yến, trong đó có một ngôi nhà mà chủ nhân cất công ra tận Quảng Ngãi tìm mua đá ong về xây tường, vừa có tác dụng giữ nhiệt tốt vừa có độ nhám, giúp yến có thể bám ngay trên bề mặt tường thay vì chỉ bám trên các xà gỗ.
Huyện Hoài Nhơn đang có khoảng 20 hộ nuôi yến, chủ yếu tập trung ở các xã ven biển. Tại khu vực Cầu Cháy, thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, có khoảng chục hộ dân nuôi yến từ 3 đến 6 năm nay. Nhiều người ước đoán, đàn yến đã về ở ổn định và phát triển ở mỗi nhà với số lượng có thể từ vài trăm lên đến cả ngàn con. Còn ở xã Hoài Hương, có 8 hộ nuôi chim yến rải rác, quy mô đầu tư tương đối lớn. Ông Võ Năng, trưởng thôn Ca Công Nam (Hoài Hương) đồng thời cũng là người nuôi yến từ năm 2010, đầu tư 600 triệu đồng xây nhà yến cho biết, hiện nhà yến của ông có khoảng 100 con chim đang ở. Ông tin tưởng: “Với cách xây dựng, trang bị các thiết bị cần thiết cho nhà nuôi của mình và quy trình kỹ thuật chăm sóc bài bản, tôi tin đàn yến của mình sẽ tăng lên. Một số gia đình trong xã đã thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng từ bán tổ yến, với giá bán 4-4,3 triệu đồng/lạng”.
Năm 2007, tận dụng phần gác của gia đình, bà Lê Thị Kim Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Sản xuất yến sào Tôn Thủy (đường Bạch Đằng, Quy Nhơn), đã làm 2 sàn nuôi yến với tổng diện tích 200m2. Với 500 tổ chim hiện có, tổng sản lượng tổ yến Công ty thu hoạch trong cả 3 vụ của năm nay ước đạt khoảng chục ký. Tuy nhiên, bà Thủy nói: “Đã đến lúc phải đầu tư nuôi chuyên nghiệp hơn, vì đàn yến trong thành phố hiện đã bị phân tán nhiều. Một sàn nhà yến của tôi bị thấm nước, có mùi ẩm mốc nên yến không còn thích ở nữa. Chúng tôi đang xúc tiến việc thuê đất, đầu tư để xây dựng trang trại nuôi yến rộng khoảng 500 m2 tại xã Phước Thuận và thị trấn Tuy Phước (200 m2)”.
Ông Đoàn Hữu Phùng, nguyên là công nhân Ban Quản lý và khai thác yến sào Bình Định, nay là kỹ thuật viên tư vấn xây nhà yến, cho biết: Một nhà nuôi yến thành công phải hội tụ đủ các yếu tố: đường đi chim thường qua lại, mô hình lý tưởng phù hợp cho chim ở, kỹ thuật bên trong nhà hoàn hảo phù hợp với điều kiện sống của chim (nhiệt độ 27-29oC, độ ẩm 80-90%), tìm được những âm thanh hay để gọi yến về, dùng hóa chất để dụ mùi chim yến… “Mô hình tận dụng nhà ở để làm nhà yến có thể và đã thành công ở 6-7 năm trước tại Quy Nhơn và vùng giáp ranh, hiện nay có thể không còn phù hợp nữa, khi mà nhiều gia đình dám đầu tư mạnh xây nhà nuôi chim chuyên nghiệp, đáp ứng đủ điều kiện về không gian, ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… để yến làm tổ, phát triển bầy đàn. Theo lý thuyết, với đặc tính cẩn trọng trong việc lựa chọn chỗ ở của mình, chim yến sẽ chọn nơi ở nào lý tưởng nhất…”- ông Phùng phân tích.
|
Thu hoạch tổ yến tại Công ty TNHH sản xuất thương mại Yến sào Tôn Thủy. Ảnh: Thu Hà
|
Gọi thì dễ, giữ và phát triển đàn mới khó
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: “Phong trào nuôi yến trong nhà tại Bình Định phát triển khoảng từ năm 2005 và đang có xu hướng phát triển thêm. Cho đến nay, việc nuôi chim yến vẫn mang tính tự phát trong dân, lẻ tẻ và chưa có sự hướng dẫn, định hướng của ngành nông nghiệp vì thấy chưa thực sự cần thiết. Bởi lẽ, tại các nơi được coi là thủ phủ của chim yến hiện nay như Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), Gò Công (Tiền Giang) cũng chưa có sự hướng dẫn, định hướng nào, và Bộ NN-PTNT cũng chưa có chỉ đạo gì. Dự kiến giai đoạn 2015-2020, nghề nuôi yến ở Bình Định chắc chắn sẽ phát triển hơn, lúc đó sẽ phải có quy hoạch cho từng vùng”.
Cũng là một người nuôi yến từ năm 2007 và được người trong giới đánh giá thành công trong nghề, ông Hào nhận xét: “Gọi yến, nuôi yến không khó, mà khó là ở chỗ giữ được chim ở lại, làm tổ, sinh trưởng bầy đàn. Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Người nuôi chim phải thực sự say mê, nghiên cứu tìm tòi, học hỏi. Ngay cả việc chọn lối ra vào, chọn nhạc cho chim cũng là vấn đề quan trọng, chọn không đúng, chim không vào ở, không kích thích được sinh trưởng. Trong nghề này, cũng phải kể đến yếu tố may mắn nữa…”.
Từ nhận định trên cũng có thể lý giải vì sao, ngay tại TP Quy Nhơn, dù có khoảng 30 hộ đang nuôi yến, nhưng số được gọi là thành công như ý muốn chưa đến 1/3. Số hộ thu hoạch tổ yến đạt năng suất từ 5 - 10kg/năm chỉ tầm 3-4 hộ. Chủ nhân của một trong những hộ nuôi yến thành công nhất ở Quy Nhơn đã từng tiết lộ: “Có người thấy yến ở nhà tui đông quá, trong khi nhà mình gần đó lại không có con nào, đã mang tiền sang nhờ tôi bày bí quyết”. Trong thực tế, đã có trường hợp đầu tư nuôi yến không hiệu quả, buộc chủ nhân âm thầm tắt loa, dẹp đồ nghề, hoặc vẫn đang loay hoay tìm thợ rước thầy về sửa lại nhà yến, dụ yến vào ở.
Vừa mới nghe nhắc đến nuôi yến, bà Thanh (đường Trần Văn Ơn, Quy Nhơn), chép miệng: “Khổ quá, tôi vừa mới vác sào đuổi mãi yến mới chịu đi đấy thôi. Đêm nào chúng cũng về bay lượn ở ngoài, đòi vào ngủ vì nhớ tổ…”. Sau 6 năm nuôi yến không hiệu quả, bà vừa dẹp nhà yến cách đây 2 tháng, cải tạo 3 phòng nuôi yến thành phòng cho sinh viên thuê ở, nhưng hôm nào quên đóng cửa thì yến lại bay vào, dây bẩn khắp nơi.
Chồng bà, ông Nguyễn Vũ Thanh, nguyên là kỹ sư thủy sản, đã được bạn là một nhà khoa học có thâm niên trong nghiên cứu việc nuôi yến tư vấn về kỹ thuật và đã bắt tay vào nuôi yến khá sớm, từ năm 2007. Vậy mà, lại thất bại. Ông Thanh trầm ngâm: “Nhà xây vốn để ở, tận dụng cải tạo lại thành nhà nuôi yến nên không đủ điều kiện về độ ẩm, nhiệt độ. Mùa nóng thì nóng quá, chim bỏ đi hết. Mùa lạnh lại không đủ ấm. Bà vợ tôi bắt 2 máy lạnh để chống nóng, phòng đủ mát nhưng lại thiếu độ ẩm. Gỗ ốp trần cho yến bám tổ lại sinh mối mọt. Cuối cùng đành phải dỡ bỏ. Chỉ được cái an ủi là đã biết được mùi yến là như thế nào…”.
|
Tổ yến nuôi ở Hoài Nhơn khá dày, khoảng 8-9 tổ/lạng. Ảnh: Diệp Bảo Sương
|
Nên có sự liên kết và hướng dẫn
Theo đánh giá của PGS. TS sinh học Nguyễn Khoa Diệu Thu thì vùng ven biển từ Quy Nhơn ra đến Hoài Nhơn đều có thể nuôi chim yến. Trong đó, Tuy Phước được coi sẽ là vùng nuôi yến lý tưởng nhất vì vừa có biển lại có cánh đồng lúa, thuận lợi cho việc di chuyển kiếm thức ăn của chim.
Hiện nay, nắm được nhu cầu phát triển nghề nuôi yến ở Bình Định, ngoài các đội quân lắp đặt kỹ thuật nhà nuôi yến từ Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, còn có những kỹ thuật viên trong tỉnh nhận lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật. Giá cả dao động từ 200 ngàn đồng/m2 đến 700-800 ngàn đồng/m2 tùy theo yêu cầu của gia chủ. Tuy nhiên, theo một người có kinh nghiệm nuôi yến ở Quy Nhơn, thì: “Bên cạnh những kỹ thuật viên thực sự có kinh nghiệm, có người từ thành công từ nhà của mình rồi học lóm một ít ngón nghề của người khác, rồi tự nhận mình là kỹ thuật viên nhận lắp đặt nhà yến cho người khác. Nếu chủ nhân không tinh tường thì cũng rất dễ bị tiền mất tật mang. Ngoài ra, việc đầu tư nuôi yến là đầu tư lâu dài. Giai đoạn từ khi xây nhà yến cho đến lúc có thu hoạch (nếu thành công) phải mất ít nhất 3 năm. Trong khi đó, kinh phí đầu tư xây một nhà yến bài bản (600m2 sàn) tối thiểu phải mất 1,5 tỉ đồng, chưa kể máy móc, thiết bị. Người nào có ý định đầu tư nuôi yến thì nên tính toán thật kỹ”.
Là một người tâm huyết với nghề nuôi yến, ông Trần Văn Gia, Giám đốc Công ty Hải Nguyên (xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn), người đã đầu tư trên 1,5 tỉ đồng xây 2 nhà yến ở Tam Quan Nam và ở Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, tâm sự: “Nhiều người quen của tôi vốn là bậc thầy về nuôi yến, nhận xét Hoài Nhơn là nơi khá lý tưởng về nuôi yến, vì có đường biển dài 25 km, lại dồi dào về nguồn thức ăn tự nhiên từ đồng lúa, đồng lác. Ở các vùng Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Thanh, Hoài Mỹ… nuôi yến cũng rất tốt. Tiếc là đến nay, nhiều người dân chưa được hướng dẫn, tiếp cận kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi yến để có thể vươn lên làm giàu từ nguồn lợi thiên nhiên quý hiếm này…”.
|