Năm 2008-2009, Chương trình Semla tại Bình Định đã thí điểm quy trình IPM, trồng mai sạch tại các làng nghề xã Nhơn An, TX An Nhơn. Chương trình đã chọn 5 hộ thí điểm để cung cấp chế phẩm trừ sâu sinh học và phương pháp, kỹ thuật trồng mai sạch, bảo vệ sức khỏe cho chính người trồng mai và cả cộng đồng, sau đó nhân rộng ra toàn xã, toàn huyện. Nhưng người trồng mai ở đây không theo đuổi chương trình… Giấc mơ về những vườn mai, làng mai sạch đã tan biến.
|
Ban đầu ông Đỗ Văn Khoa vẫn tiếp tục dùng chế phẩm sinh học cho vườn mai, nhưng những người chung quanh đều dùng hóa chất trừ sâu bệnh, buộc lòng ông phải dùng hóa chất mới giữ được cây mai xanh tốt.
|
Vận động trồng mai bền vững
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, việc hình thành các hộ trồng mai kinh doanh chuyên nghiệp ở An Nhơn và một số huyện lân cận, với số lượng tập trung, từ vài trăm đến vài ngàn chậu mai trong một vườn, đã làm ảnh hưởng đến tính cân bằng của hệ sinh thái; dẫn đến hiện tượng nhiều loại sâu bệnh phát sinh, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây mai. Vì vậy, buộc lòng người trồng mai tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Nhưng, do thiếu kiến thức về sử dụng thuốc BVTV, nên đã có tình trạng người làm vườn đã lạm dụng một cách dư thừa các hóa chất độc hại để bảo vệ cây mai. Vô hình chung, lượng thuốc và phân hóa học dành cho cây mai đã tích tụ, ô nhiễm đất, nguồn nước, ô nhiễm không khí và đe dọa đến sức khỏe, đời sống của người dân trong vùng. Riêng ở xã Nhơn An, mỗi hộ trồng mai, hàng năm sử dụng từ 80-200kg thuốc trừ sâu rầy và phân hóa học; ước tính hàng năm người trồng mai trong xã đã sử dụng hàng trăm tấn hóa chất cho cây mai.
Chương trình Semla tại Bình Định đã thí điểm quy trình IPM, trồng mai sạch tại các làng nghề xã Nhơn An, vào năm 2008-2009, là một định hướng kịp thời và gây chú ý quan tâm cho người sản xuất và xã hội. Xã Nhơn An có khoảng hơn 2.500 hộ, với gần 11.000 nhân khẩu; trong đó, có trên 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp, chiếm trên 65% số hộ trong toàn xã. Chương trình đã chọn một số hộ thí điểm để cung cấp sản phẩm trừ sâu sinh học (các chế phẩm sinh học được chiếc xuất từ các nguồn gốc, như: thảo mộc, vi sinh, nấm, virus và nhóm Pheromone); giúp cây có sức chống chịu cao; làm giàu thiên địch, tạo điều kiện cho thiên địch phát triển; và phương pháp, kỹ thuật trồng mai sạch, bảo vệ sức khỏe cho chính người trồng mai và cả cộng đồng.
|
Có được vườn mai xanh tốt, nghệ nhân Đặng Xuân Ngữ đã dùng thuốc BVTV hóa học.
|
Những kết quả bước đầu
Anh Lê Đình Ẩn (SN 1974, thôn Trung Định), trồng 1.000 chậu trên diện tích 870 m2, chọn thí điểm 20 chậu mai từ 3 đến 4 năm tuổi, dùng chế phẩm sinh học, như: Romex USA đặc trị nấm; Abamectin trị bọ trĩ,… Anh nhận xét: Độ phát triển của cây mai so với cách chăm sóc, sử dụng thuốc trừ sâu hóa học như lâu nay đạt khoảng 80-90%. Chi phí thuốc BVTV cao hơn khoảng gấp rưỡi. Còn anh Phan Văn Sáu (SN 1965), Chi hội trưởng SVC thôn Thanh Liêm, vườn có hơn 3.000 chậu mai từ 4 đến 35 năm tuổi. Trồng thí điểm mai sạch 350 chậu mai 5 năm tuổi, cây mai phát triển bình thường, có cán bộ kỹ thuật của dự án mỗi tuần đến kiểm tra, tư vấn 2 lần. Anh Sáu cho biết: “Dùng thuốc sinh học trừ sâu bọ thấy cũng hiệu quả, nhưng chi phí lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, cây mai ở An Nhơn là cây thương phẩm, nên phải hài hòa giữa năng suất, giá trị hàng hóa và bảo vệ môi trường. Mặc dù Chương trình Semla kết thúc, nhưng chúng tôi vẫn theo một thời gian nữa xem sao; vì trước mắt là sự an toàn cho gia đình mình và của cộng đồng”.
Khi chương trình hỗ trợ trồng mai sạch hơn kết thúc, Sở KH-CN có tổ chức tổng kết, nhân rộng quy trình IPM đến hàng trăm hộ dân trồng mai trong xã. Các hộ chọn trồng mai sạch thí điểm của chương trình hầu hết đều có cảm nhận tốt về thuốc trừ sâu sinh học. Chị Hồ Thị Dư (SN 1960, ở thôn Háo Đức) nhận xét: “Tôi đã thí điểm trồng 100 chậu mai sạch, cây phát triển bình thường. Chi phí nhiều hơn từ 30 đến 35% so với sử dụng chất hóa học; nhưng theo tôi là chấp nhận được, vì một môi trường sạch là trên hết”. Nhưng đó là chuyện từ cuối năm 2009.
|
Anh Hồ Văn Minh, thôn Háo Đức phun thuốc cho khoảng 60 cây mai vườn nhà đã dùng từng này hóa chất cho 1 lần (chu kỳ khoảng 20 ngày).
|
Quay lưng với chế phẩm sinh học
Những ngày này, nhất là sau những ngày mưa, khi đặt chân đến các làng mai chuyên canh Háo Đức, Thuận Thái, Thanh Liêm… xộc vào mũi tôi là mùi thuốc trừ sâu rầy nồng nặc đến khó thở. Nhiều người trồng mai tranh thủ trời có nắng phun thuốc trừ sâu rầy kết hợp với thuốc kích thích ra nụ hoa cho cây mai; bởi đây là thời điểm có yếu tố quyết định cho một mùa đơm hoa sắp đến. Nhiều nhà vườn dùng máy bơm điện áp lực lớn, hơi thuốc trắng nghịt bao quanh người phun, phát tán đến từng chậu hoa và lan cả chung quanh. Vốn có chút kinh nghiệm về chăm sóc cây mai, tôi biết hầu hết những người đang phun thuốc ở đây đều dùng các loại hóa chất, như Karate, Monitor, Polytrin…. Tiếp cận với hàng chục người trồng mai ở vùng này, chúng tôi được biết, đến giờ ít ai sử dụng thuốc sinh học để trừ sâu rầy cho cây mai. Vậy đâu là nguyên nhân?
Theo khảo sát của chúng tôi, có 2 nguyên nhân chính khiến cho nhiều người trồng mai quay lưng lại với việc sử dụng chế phẩm sinh học, đó là:
Thứ nhất, các loại sâu bệnh thường thấy ở cây mai tại Bình Định, như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá; nhện đỏ; rệp sáp; tuyến trùng rễ; bọ xít; bệnh rỉ sắt; bệnh nấm hồng; bệnh thán thư; bệnh cháy lá; bệnh vàng lá sinh lý… và nhất là bọ trĩ, thì các chế phẩm hóa học tỏ ra ưu thế hơn, diệt trừ hiệu quả hơn. Một lẽ khác, bởi rẻ tiền hơn, nhưng đặc tính rất độc và cực độc, lại có tính lưu dẫn và tác dụng trong thời gian khá dài của nó, nên được người trồng mai tin dùng.
Gặp anh Hồ Văn Minh, thôn Háo Đức đang bơm thuốc cho đám mai trong khuôn viên nhà; thấy thuốc bay mùi ít hôi nồng tôi tưởng anh dùng thuốc sinh học. Nhưng anh cho biết, anh đang dùng thuốc trị sâu rầy “con ó” (Eagle), “con rồng vàng”, Termosant và thêm vào một phần thuốc Karate, Monitor, Confidor… Tất cả đều là hóa chất độc hại.
Ông Đỗ Văn Khoa - nguyên Chi hội trưởng Chi hội Sinh vật cảnh Nhơn An, tỏ ra bức xúc: “Thật đáng tiếc, sau khi dự án IMP vừa kết thúc, thì không còn ai hoặc cơ quan, tổ chức nào theo dõi, hướng dẫn, tuyên truyền để bà con tiếp tục dùng chế phẩm sinh học cho cây mai. Thậm chí chính tôi cũng không biết mua thuốc sinh học ở đâu; sâu rầy kháng thuốc chúng tôi cũng không biết đổi loại nào cho phù hợp, vì các chế phẩm sinh học bán ít phổ biến. Phức tạp quá bà con đành sử dụng hóa chất cho cây mai theo thói quen cũ”. Nhiều loại thuốc trừ sâu cực độc (bảng A) đã bị cấm sử dụng ở Việt Nam nhưng vẫn còn lưu thông trên thị trường và loại thuốc trừ sâu cực độc này vẫn được sử dụng; ước còn khoảng 15-20%/ tổng lượng thuốc BVTV đang được sử dụng ở các vườn mai.
Thứ hai, khoảng vài ba năm trở lại đây, thị trường hoa kiểng kém sôi động, trong đó có cây mai. Cảnh mua bán ế ẩm, khiến cho người trồng mai nghĩ đến “giữ” cây mai là chính, nên họ chọn chất hóa học vừa ít tốn kém hơn, vừa diệt sâu bệnh hiệu quả hơn; ít ai để ý đến vấn đề sức khỏe, môi trường, chất lượng đất đai, cây trồng.
Nghệ nhân Đặng Xuân Ngữ, một trong những người đặt nền móng cho việc trồng mai kinh tế của thôn Háo Đức, xã Nhơn An, trăn trở: Do đặc điểm làm kinh tế vườn bằng cây mai thương phẩm có tính chất tự phát, số lượng vườn mai phát triển khá nhanh; chủ yếu trồng trong vườn nhà, đất màu và gần nhau nên ảnh hưởng nhau rất lớn. Nếu vườn bên cạnh dùng hóa chất, vườn nhà mình dùng chế phẩm sinh học thì chắc chắn là không hiệu quả, lại tốn nhiều tiền hơn, chu kỳ phun thuốc cũng ngắn hơn nên tốn công sức hơn.
Một lãnh đạo Phòng TN-MT thị xã An Nhơn, cho biết: Nhiều hậu quả khó lường đang tiềm ẩn tại các vùng chuyên canh cây mai trong huyện, nhất là xã Nhơn An. Tuy nhiên, các dự án, chương trình trồng mai sạch là để khuyến cáo, động viên bà con áp dụng chứ chưa thể bắt buộc bằng chế tài, bởi chưa có những quy định cụ thể. Rõ ràng, lạm dụng hóa chất trong chăm sóc bảo vệ cây mai sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như: Gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, phá vỡ mối cân bằng sinh thái của ruộng vườn … Vậy nên, trước khi có những quy định của Nhà nước về dùng thuốc BVTV, bà con hãy thận trọng chọn phương pháp bảo vệ cây mai sao cho an toàn sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Theo danh mục thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học của Bộ NN&PTNT, thì năm 2000 chỉ có 2 sản phẩm trừ sâu sinh học được đăng ký; năm 2005 có 57 sản phẩm và 6 tháng đầu năm 2007 có 193 sản phẩm được cấp phép. Đến nay đã có trên 480 chế phẩm sinh học. Các sản phẩm này góp phần không nhỏ vào công tác phòng trừ dịch hại, thay thế và hạn chế dần nguy cơ độc hại do sử dụng thuốc BVTV nguồn gốc hóa học. |
|