Gần như cả đời người, họ gắn bó với cây tre. Họ phải ngược xuôi khắp nơi, tự mình cầm rựa xông vào bụi mà chặt tre, tự mình bươn bả đưa tre đến nơi bán. Những vất vả, gian nan khiến số người theo nghề ngày càng giảm dần.
|
Ông Sửu chống bè tre giữa dòng sông Côn.
|
Xuôi ngược cùng tre
Dọc bờ sông Côn là nơi các lái buôn thường tập kết tre, rồi cho tre xuôi theo dòng nước đổ về đầm Thị Nại, tỏa đi khắp nơi. Một hình ảnh đã trở nên quen thuộc, mỗi sáng, đứng trên cầu Gò Bồi (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) nhìn xuống dòng nước trong xanh, tôi thường thấy một người đàn ông dong dỏng cao cùng chiếc bè tre thong thả xuôi dòng. Ông cầm sào tre, chốc chốc kéo sào lên khỏi mặt nước, rồi cắm thật sâu làm mặt nước xao động, chiếc bè tre rẽ sóng lao về phía trước, ung dung nương theo dòng nước hướng ra đầm Thị Nại.
Ông là Ngô Văn Sửu, 52 tuổi, người ở Bình Lâm, Phước Hòa, Tuy Phước. Vào nghề buôn tre đã gần 20 năm, hiện danh sách bạn hàng ông Sửu có tất cả 102 mối bỏ tre. Ông Sửu đến với nghề tre như một cái duyên: “Tui đi khắp nơi làm thuê cho các công trình thủy lợi. Thấy nhu cầu tre dùng đóng cọc nhiều, tui lân la hỏi các ông chủ công trình, họ đồng ý mua, quê mình lại nhiều tre, thế là thành dân buôn tre. Ngoảnh đi ngoảnh lại vậy mà đã ngót gần 20 năm rồi đấy!”.
Cũng bởi chừng ấy năm trong nghề, nên nói về tài nghệ chống sào lèo lái bè tre trên sông, ông Sửu thuộc hàng có “đẳng cấp”. Bất kể mùa nắng, mùa mưa đều thấy ông đứng trên bè tre chống qua đây. Mùa nắng, bè tre cứ êm êm theo con nước chảy xuôi. Mùa lũ, tay ông liên tục hoa sào, chống bên này, thoắt đẩy bên kia, giữ cho bè tre không quay ngang.
Ông Sửu bảo vất vả nhất là công đoạn đưa bè tre qua từng con đập. “Lúc mới vào nghề, chống sào đưa bè qua hai con đập Thạnh Hòa (nằm giữa xã Phước Quang, huyện Tuy Phước và phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) và Nha Phu (thuộc thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa), người tôi cứ run bần bật. Bè tre qua đập trồi lên, hụp xuống, tôi cứ nhắm nghiền mắt, còn miệng thì lầm bầm cầu trời phật phù hộ! Có lần tôi chống bè tre giữa nước lũ, bè chui tọt vào trong một lùm tre bên sông, nước chảy xiết quá không cách nào gỡ ra, phải cắt dây cho tre bung ra, sau đó bơi vớt được cây nào hay cây đó”, ông Sửu kể.
Khác với cảnh tre theo nước về như nghiệp tre của ông Sửu, những người buôn tre ở khu vực Bả Canh (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn) phải ngược lên vùng rừng núi Tây Nguyên. Tre ở Tây Nguyên thân to, lóng dài, tối đa có thể đến 40cm, thích hợp để làm chu nhang. Đi mua tre ở các làng dân tộc gần Quốc lộ 19, họ có thể đi một mình, nhưng khi mua lồ ô ở các khoảnh rừng xa xôi, họ phải đi từng nhóm 5-10 người, mang theo gạo nước, mắm muối, giăng bạt cất lều ở giữa rừng. Chặt tre hoặc lồ ô xong, họ cưa thành từng lóng, chẻ thành các hanh nhỏ. Những bó hanh nặng lặc lè được vác ra, chất lên xe cọc cạch chở đến nơi tập kết, sau đó thuê xe tải chở về Đập Đá.
Ông Phan Văn Ngọc, người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề, chia sẻ: “Có chuyến chúng tôi phải ăn dầm nằm dề trong rừng cả hai, ba tháng trời. Trời nắng ráo thì không nói gì, chứ mưa xuống cực lắm! Đứng nơi sườn đồi, tay bám tay chặt, sơ hở là trượt té lăn quay ngay”.
|
Người chặt tre phải cẩn thận, khéo léo để tránh xảy ra tai nạn.
|
Chủ cũng là thợ
Yêu cầu đầu tiên đối với một người buôn tre là phải biết chặt tre. Làm sao lôi được cây tre ưng ý cần mua, trong khi nó ở tít sâu giữa bụi, lại không phải chặt bỏ hay làm hư hỏng các cây bên ngoài, đó là cả một kỹ năng. Sau khi ngã giá với chủ tre, người mua tre phải tự chặt lấy. Vì thế, người buôn tre lâu năm cũng là thợ chặt tre lành nghề. Tất nhiên, để có được “ngón nghề”, họ cũng trải qua những vất vả, đau đớn. Tai nạn luôn chực chờ, từ gai tre đâm đến bạt rựa đứt tay cứa chân.
Để tận mắt thưởng lãm kỹ thuật chặt tre, tôi theo chân ông Sửu cùng hai thợ Huỳnh Văn Hồng và Võ Ngọc Hoàng đi chặt tre ở thôn Hữu Thành, xã Phước Hòa. Ba người đàn ông mặc áo công nhân loại vải dày, người thì lọt thỏm giữa bụi tre gai góc, người kéo tre, trảy cành. Ông Sửu cười nói: “Hai đứa theo tui chặt tre đến chục năm rồi đấy. Trông nhỏ con vậy chứ chặt tre giỏi ra phết. Bụi tre nào đầy gai chúng phát loáng là xong, rồi lựa thế chặt để tránh tre bật trúng người”.
Vừa đưa rựa lựa thế “mở miệng” một gốc tre gộc, anh Hồng tiếp lời: “Lúc đầu vào nghề chặt tre mướn, thấy bụi tre đầy gai góc mà ngán ngẩm. Rồi dần dần, được đàn anh chỉ dạy, tôi mới thành thục những kỹ thuật chặt tre. Chặt tre trước tiên phải nhìn lên ngọn xem hướng gió. Nếu trời đứng gió, mình muốn tre đổ bên nào mở “miệng” bên đó, còn khi có gió thì lựa theo chiều gió để mở miệng mà chặt. Nhiều người vì chủ quan mà bị thương tích do gốc tre mới chặt ra bật vào người”.
Với những người ở Đập Đá chuyên đi buôn tre ở xứ khác, công đoạn chặt tre càng phải cẩn trọng để tránh rủi ro. Ông Bùi Ngọc Bích, ở đội 10, khu vực Bả Canh, phường Đập Đá, cho biết, đi mua tre một mình, chặt tre cũng chỉ một mình, nên nguyên tắc quan trọng nhất là phải rong gai sạch chừng nào tốt chừng đó. Có vậy mới tránh được gai đâm vào người, lại đỡ tốn sức khi kéo từng cây tre ra khỏi bụi. “Biết mình làm nghề quen tay, nên người thân, hàng xóm có việc cần chặt tre lại đến nhờ. Với nhiều người chưa làm bao giờ thì việc lôi được cây tre ra khỏi bụi dày đặc những gai không phải dễ, nhưng cánh buôn tre, chặt tre như tụi tui chỉ làm loáng cái là xong”, ông Bích tự hào chia sẻ.
Người Đập Đá mua tre, lồ ô về để làm chu nhang, nên công đoạn xả tre, lồ ô tại chỗ cũng rất quan trọng. Từng thân tre, lồ ô được cưa nhỏ theo từng lóng. Mỗi lóng lại được chẻ thành nhiều hanh. Nhìn những bó hanh ngay ngắn, đều tăm tắp trước nhà ông Bích, mới hiểu được bàn tay khéo léo của những người quanh năm gắn bó với cây tre.
|
Vợ chồng ông Bích đang chẻ chu nhang.
|
Mai này, có còn người buôn tre!
Bả Canh là nơi nổi tiếng với nghề làm chu nhang truyền thống. Để có nguyên liệu làm chu nhang, từ những năm trước giải phóng, dân Bả Canh đã ngược lên Tây Nguyên mua tre. Các làng xa xôi ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk… đều in dấu chân của dân Bả Canh. Tre mua về, phần thì bán cho hàng xóm, phần thì để trong gia đình chẻ chu nhang. Chẻ hết, người buôn lại bắt xe trở lại Tây Nguyên.
Ông Bích tâm sự: “Nghề buôn tre chủ yếu lấy công làm lời, không giàu có gì, nhưng cũng đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Hiện giờ, một cây tre mua tại gốc đã 20.000 đồng, rồi chặt trẻ, chẻ hanh, chở về bán cao nhất cũng chỉ 200 ngàn đồng/bó. Lời không bao nhiêu, mà cây tre ngày càng lép vế trước cây cà phê, cây tiêu, nên tìm chỗ mua cũng không dễ như trước”.
Ở Bả Canh, có nhiều người cả đời gắn bó với những chuyến tre như ông Ba Tường, ông Bốn Nhân. Tuy nhiên, theo thời gian, số người gắn bó với nghiệp tre đã rơi rụng dần. Theo ông Ngọc, dân buôn tre Bả Canh bây giờ chỉ còn vài ba chục, chủ yếu là người đứng tuổi. Ông trầm ngâm: “Thời chúng tôi ít học, theo cha anh buôn tre, chấp nhận cuộc sống gian khổ, thiếu thốn, hiểm nguy nơi rừng núi, vượt qua hết những cơn sốt rét rừng, cốt kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tụi trẻ bây giờ được học hành tới nơi tới chốn, cơ hội nghề nghiệp cũng tốt hơn, đương nhiên không hứng thú với cái nghề gian nan này. Theo đà này, chắc năm mười năm nữa, ở đây chẳng còn ai đi buôn tre nữa”.
Tình hình ảm đạm đó cũng đang xảy ra ở Phước Hòa, nơi có nhiều người gắn bó với nghề buôn tre trên sông. Nguyên nhân chính vẫn là do công việc vất vả, mà thu nhập lại không cao. Ông Sửu cho biết, thông thường, tre mua cả bụi và tính tiền từng cây, mỗi cây giá 10.000 đồng. Một mình chặt không xuể, ông phải mướn công với giá 120 ngàn đồng/người/ngày. Tre được chặt xong, lại phải vác ra sông kết bè, chống đến nơi bán, giá cũng chỉ tăng lên được gấp đôi.
Ông Sửu ngậm ngùi: “Tôi chưa thấy ai buôn tre mà giàu cả, con đông, ruộng ít, mình đi buôn bỏ công kiếm đồng ra đồng vào giúp vợ nuôi con ăn học. Chúng nó thấy tôi cực khổ, đứa nào cũng ráng học; con trai cả đã tốt nghiệp cao đẳng, lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, đứa con trai thứ hai đang học năm thứ 4 Trường Đại học Xây dựng, hai đứa nhỏ cũng đang đi học. Nhờ cây tre mà chúng được ăn học bằng bạn bằng bè, tôi cũng không mong gì hơn”.
|