Làm giàu với biển
19:30', 18/11/ 2012 (GMT+7)

Từ một ngư dân nghèo, sau hơn 10 năm bám biển bằng niềm đam mê và tài chinh phục biển cả, ông Bùi Thanh Ninh, tên thường gọi là Sáu Ninh, 55 tuổi, ở thôn Thiện Chánh 1, xã Tam Quan Bắc, Hoài Nhơn, trở thành ông chủ của một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng mạnh, mỗi năm thu về hàng tỉ đồng. Nhiều người khâm phục, gọi ông là ông chủ tập đoàn tàu cá. Nhưng câu chuyện về một ông chủ của hơn chục chiếc tàu cá công suất lớn không dừng lại ở đó.

 

Sáu Ninh đang tiếp tục nâng cấp đội tàu của mình lên công suất 350CV-450CV cho mỗi tàu cá.

 

Hiện nay, đội tàu đánh bắt xa bờ của Sáu Ninh có tổng cộng 12 chiếc (tổng công suất gần 4.000 CV) và 120 ngư dân đang miệt mài mưu sinh từ biển. Đó là chưa kể, ông còn 2 chiếc đang đóng mới ở xưởng, mỗi chiếc công suất 400CV, dự kiến tháng 12 này sẽ hạ thủy 1 chiếc. Trái với vẻ ngạc nhiên đến nể phục của người đối diện khi biết 2 chiếc tàu công suất lớn này ngốn hơn 5 tỉ bạc, Sáu Ninh tỉnh queo: “Chưa vay ngân hàng đồng nào!”.

Ông vừa vinh dự được mời tham dự Hội nghị điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong phát triển kinh tế biển đảo do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 14.11.

Đi bạn, nậu cá và chủ xưởng đóng tàu

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang có 2 chiếc ô tô đắt tiền đậu trước nhà, Sáu Ninh bắt đầu câu chuyện về 12 tàu cá đang đánh bắt tại vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa của mình bằng những hồi ức về một thời nghèo khó. Trước giải phóng, nhà đông anh em nên từ nhỏ Sáu Ninh đã phải theo cha ra biển đánh cá để đổi gạo từng bữa. Ngày đó, cũng như bao dân chài khác, gia đình ông chỉ đánh cá trên những chiếc thuyền nhỏ chèo tay mỏi rã rời, ra xa bờ khoảng 2 hải lí là hết. Ước mơ vươn ra khơi xa được Sáu Ninh ấp ủ từ đó.

Năm 1976, Sáu Ninh nhập ngũ, làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Năm 1980, ông xuất ngũ về nhà, xin đi bạn cho những tàu cá tại địa phương. Sau 5 năm đi bạn có được ít vốn, Sáu Ninh mạnh dạn vay mượn thêm và hùn 50% vốn đóng tàu công suất 30CV đi đánh bắt xa bờ. Sản phẩm đánh bắt được chủ yếu là cá chuồn, nhưng giá bán rẻ như cho. Tức mình, Sáu Ninh bỏ thời gian đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ cá chuồn, và ông phát hiện các tỉnh phía Bắc rất “hít” mặt hàng này. Vậy là bỏ biển lên bờ. Đi buôn cá. Mỗi chuyến ông chở 10-15 tấn cá ra các tỉnh phía Bắc và tiến thẳng ra biên giới Việt - Trung để bán.

Mấy năm ròng rã ngược xuôi làm anh buôn cá chuồn, Sáu Ninh dành dụm được ít vốn và vay thêm ngân hàng 200 triệu đồng để đóng mới chiếc tàu đánh cá đầu tiên cho riêng mình vào năm 2000. Kiểu đóng tàu của Sáu Ninh cũng khác người. Thông thường, người ta đến đặt trọn gói cho xưởng đóng tàu; còn Sáu Ninh thì lò dò đi hỏi kinh nghiệm, rồi về nhà tự thiết kế, tính toán, chuẩn bị sẵn vật liệu, thuê mặt bằng và kêu thợ đến đóng tàu, trả theo công nhật. Chiếc tàu đầu tiên hạ thủy, ra khơi đánh bắt ngon lành.

Tiếng lành đồn xa, nhiều ngư dân trong tỉnh và cả tỉnh Quảng Ngãi tìm đến đặt hàng. Bất đắc dĩ, Sáu Ninh trở thành ông chủ của xưởng đóng tàu. Giai đoạn năm 2004-2005, xưởng của Sáu Ninh xuất xưởng trên 100 tàu cá đánh bắt xa bờ theo đơn hàng. Ông tâm sự: “Tôi phải tính toán làm sao để giá thành chiếc tàu xuống thấp nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cao. Nhờ vậy mà nhiều chủ tàu mới tin tưởng giao cho mình đóng tàu”.

 

Chỉ huy đội tàu đánh bắt ở quần đảo Trường Sa qua hệ thống Icom.

 

Xây dựng đội tàu hùng mạnh

Năm 2004, Sáu Ninh trả hết nợ ngân hàng. Sau đó, cứ kiếm được đồng lãi nào ông đều dành dụm đóng thêm tàu đánh cá. “Tiền lãi từ đánh bắt mỗi năm 400-500 triệu đồng và tiền lãi từ dịch vụ hậu cần nghề cá, lãi từ đóng tàu, tôi đều tích góp để đầu tư đóng thêm tàu lớn công suất từ 350-450CV, đồng thời loại bỏ dần những tàu công suất nhỏ” - ông cho biết. Cứ vậy, mỗi năm Sáu Ninh đóng mới 1-2 chiếc, mở rộng quy mô đội tàu, và nhanh chóng trở thành chủ của đội tàu đánh cá lớn nhất tỉnh Bình Định, chuyên hành nghề lưới rút đánh bắt cá ngừ sọc dưa và mực xà ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và vùng biển phía Nam của Tổ quốc.

Trong suốt câu chuyện với chúng tôi, niềm đam mê biển cả luôn lấp lánh trong đôi mắt ông, thể hiện trong những dự định, kế hoạch, dù cái cách nói của ông chẳng sóng gió như thường thấy ở một người dân biển. Ông say sưa kể về đội tàu của mình, rồi kết luận: “Đánh bắt giữa biển khơi, thường xuyên gặp bất trắc nên điều tất yếu là phải xây dựng đội tàu hùng mạnh để bám biển, vươn khơi, vừa hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Tàu lớn thì mới có thể  đánh bắt xa bờ hiệu quả, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Nhờ làm ăn hiệu quả, mỗi năm, các tài công đội tàu của Sáu Ninh được chia tiền công khoảng 100-120 triệu đồng/người, ngư dân được 50-60 triệu đồng/người. Chỉ riêng trong tháng 9 và 10.2012, đội tàu của ông đánh bắt được trên 200 tấn cá ngừ sọc dưa, mỗi người được chia 10-15 triệu đồng/đợt đánh bắt kéo dài 15 - 20 ngày.

 

Sáu Ninh (bên phải) chỉ cho PV Báo Bình Định vị trí đội tàu của mình đang khai thác xa bờ qua bản đồ.

 

Quyết đoán và hào sảng

Tài làm kinh tế của Sáu Ninh thì đã rõ, nhưng điều khiến nhiều người nể phục Sáu Ninh là ông dám giao tàu cá, mà trị giá mỗi chiếc cũng gần 2 tỉ đồng, cho các tài công trên biển, còn mình ở trên bờ chỉ huy qua hệ thống Icom và dịch vụ gọi điện thoại đến máy di động của ông thông qua Đài thông tin duyên hải Nha Trang.

Đánh bắt giữa biển khơi, thường xuyên gặp bất trắc nên điều tất yếu là phải xây dựng đội tàu hùng mạnh để bám biển, vươn khơi, vừa hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau. Tàu lớn thì mới có thể  đánh bắt xa bờ hiệu quả, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Ngư dân Bùi Thanh Ninh

Đó là vì Sáu Ninh có cách gắn trách nhiệm và quyền lợi của các tài công với tàu cá của mình. Nói nôm na là, các công ty cổ phần bán cổ phiếu giá ưu đãi cho nhân viên của mình sao thì Sáu Ninh làm y vậy.

Những tài công Sáu Ninh chọn là những người thật sự giỏi, vì không có vốn mà phải đi làm thuê cho các tàu cá khác. Sáu Ninh gọi họ đến, giao tàu, kèm theo chính sách ưu đãi là được góp cổ phần vào tàu từ 25% đến 50% tổng tài sản của con tàu bằng chính lợi nhuận sau mỗi chuyến ra khơi tích cóp được và trừ dần. Như tài công Lý Văn Vinh (ở thôn Thiện Chánh 2, xã Tam Quan Bắc) dù có 20 năm tuổi nghề, gom góp được 350 triệu đồng nhưng vẫn không đủ để đóng tàu lớn vươn khơi. Cảm thông với hoàn cảnh của anh Vinh, ông Sáu Ninh góp 50% cổ phần vào con tàu công suất 450CV trị giá 3 tỉ đồng giúp anh. Phần còn thiếu hụt, ông đứng ra giúp anh vay ngân hàng. Tàu hạ thủy vào cuối năm 2011, đến nay, anh Vinh thu lợi nhuận đã trả ngân hàng được hơn một nửa dù mới ra khơi 6 chuyến. Trường hợp như tài công Vinh ở đội tàu của Sáu Ninh không phải là hiếm.

“Mình phải trọng anh em như vậy, họ mới thủy chung và sống chết với mình ngoài biển cả. Làm ra 10 đồng, tài công được hưởng trọn 3 đồng, còn chủ tàu được hưởng 7 đồng, nhưng phải chi phí rất nhiều, đôi khi chỉ còn được 1 - 2 đồng thôi, nhưng vậy cũng là hiệu quả”, ông Ninh chia sẻ.

Không chỉ vậy, những tài công chưa có nhà ở, Sáu Ninh cho họ ứng trước trọn gói tiền xây nhà, sau đó đi biển trả dần. Ngư dân đi bạn cho tàu Sáu Ninh đều được ông cho mượn từ 30 - 50 triệu đồng để xây nhà mới. Ở trên bờ, vợ con tài công, ngư dân gặp lúc khó khăn, ngặt nghèo chạy đến Sáu Ninh mượn vài trăm đến vài triệu đồng để lo cuộc sống, chuyện học hành cho con đều được giải quyết kịp thời. Bởi vậy mà, làm trong đội tàu của Sáu Ninh, dù phải đối mặt với sóng to gió lớn, xa nhà dài ngày, song các tài công, thợ máy, ngư dân đều yên tâm bám biển.

* * *

Và như thế, sự nghiệp của Sáu Ninh, dù trên bờ hay dưới biển, nghề này hay nghề kia, như một duyên nghiệp, đều gắn liền với biển.

Người ta nói, Sáu Ninh thành công là nhờ biết người biết ta. Ông biết khả năng của mình, biết khai thác tiềm năng kinh tế biển, biết phát huy sức sáng tạo, trí tuệ của những người dân biển quê mình, và biết thu phục lòng người. Ông là một hình mẫu làm kinh tế biển hiệu quả bằng chính tình yêu biển, lòng quả cảm, sự quyết đoán và hào sảng của một người dân biển.

 “Ngoài việc tham gia đánh bắt xa bờ đạt hiệu quả cao, ông Ninh còn tích cực góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Mỗi năm, Đồn Biên phòng triển khai xây dựng nhà “Đại đoàn kết” trên địa bàn 6 xã biển do đơn vị quản lý, ông Ninh đều nhiệt tình ủng hộ. Ông còn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo hoặc chia sẻ kinh nghiệm về đánh bắt xa bờ cho các chủ tàu cá khác”. Thượng tá Mai Văn Tin, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Quan Nam.

* Hiện toàn tỉnh đã xây dựng trên 240 tổ, đội “Đoàn kết” đánh bắt xa bờ, mỗi tổ có 3-5 tàu cá nhằm giúp nhau bám biển dài ngày, tiết kiệm chi phí và giúp đỡ nhau khi hoạn nạn trên biển, mang lại hiệu quả rõ rệt. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ hướng phát triển đội tàu của ông Ninh thành ngư đội đánh bắt xa bờ; đồng thời tích cực giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để ông vay vốn đóng thêm tàu có công suất lớn làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT.

  • Bài, ảnh: NGUYỄN PHÚC - CÔNG CƯỜNG
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đời sống công nhân thời… suy thoái kinh tế  (11/11/2012)
Gian nan nghề buôn tre  (04/11/2012)
Tan biến giấc mơ những làng mai sạch  (28/10/2012)
Mênh mang Vạn Hội  (22/10/2012)
Dụ yến vào nhà  (14/10/2012)
Đưa dông vào… chuồng  (07/10/2012)
“Rừng ngọt”  (05/10/2012)
Dám nghĩ, dám làm thì sẽ thành công  (30/09/2012)
Nuôi chó thời nay  (23/09/2012)
Kỳ 3: Đường lớn đã mở  (18/09/2012)
Kỳ 2: Nghe dân nói, nói dân nghe  (18/09/2012)
Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước  (16/09/2012)
Trả nợ rừng  (09/09/2012)
Bồng Sơn, lửa và hoa  (01/09/2012)
Ánh sáng của nghị lực  (26/08/2012)