Chơi chim, đá chim vốn không xa lạ với nhiều người, bởi chỉ riêng ở Quy Nhơn đã có trên dưới 20 trường chim. Nhưng chơi lồng chim thì có lẽ chỉ mới xuất hiện ở tỉnh ta vài năm gần đây, với những điều rất thú vị.
|
Anh Văn với con chim đắt nhất tỉnh trong chiếc lồng có giá 9 triệu đồng.
|
Lồng chim giá trăm triệu đồng
Được một người sành chơi chim tiết lộ ở Quy Nhơn có người đang sở hữu hai chiếc lồng chim “đỉnh” nhất tỉnh, có giá 10.000 USD và 20.000 USD, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Nam Hải (giới chơi chim thường gọi là Hải “ba Tàu”) trong con hẻm bên hông Ga Quy Nhơn. “Đệ tử” của Hải “ba Tàu” cho biết anh đang đem chim đi chơi, không để chìa khóa ở nhà, nên chúng tôi chỉ được xem chiếc lồng chim qua lớp kính của chiếc tủ trưng bày. Sáng hôm sau, chúng tôi cũng được anh dẫn về nhà, chính thức được mục sở thị hai chiếc lồng có giá trị bằng cả gia tài.
Cả hai chiếc lồng đều thuộc dạng lồng khuyên, có kiểu dáng tương tự nhau nhưng được chạm trổ khác nhau. Quả thật, chưa bao giờ tôi được chiêm ngưỡng bất kỳ một sản phẩm hay tác phẩm nghệ thuật nào liên quan đến lĩnh vực chạm khắc lại được làm kỳ công đến thế. Chiếc lồng được cho là có giá 10.000 USD chạm khắc theo chủ đề “cua tôm cá”, với những chi tiết cực kỳ tinh xảo, những chân tôm, râu tôm dù rất mong manh nhưng vẫn nổi lên rõ ràng; các chi tiết ở chao, coóng (bình đựng nước, thức ăn cho chim), cửa lồng, hay cả cầu (cây để chim đậu)… đều được chăm chút, chạm khắc tỉ mẩn và rất sống động. Hải “ba Tàu” lý giải: “Thực ra hai chiếc lồng này có giá 10.000 USD và 4.000 USD. Tôi phải năm lần bảy lượt ra Hà Nội năn nỉ, chủ nhân của nó mới chịu để lại”.
Hải “ba Tàu” bật mí điểm đặc biệt của chiếc lồng này là được làm từ cây tre đỏ ở Trung Quốc, phần đế được làm nguyên khối chứ không phải lắp ghép như các lồng khác. Trong một rừng tre tự nhiên thì chỉ có vài cây tre đỏ, người ta thường chặt ngọn tre đỏ để phần thân dưới phát triển to ra. Một cây tre được cưa thành nhiều khúc, nhưng để chạm trổ được một chiếc lồng như thế này phải mất rất nhiều thời gian, có khi cả một đời người chỉ làm được một cái. Vì việc chạm khắc trên chất liệu tre khó hơn trên gỗ rất nhiều, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể làm sản phẩm bị xước, hỏng. Một chiếc lồng “độc” thường là tâm huyết của những người đam mê chứ không hẳn vì kế sinh nhai. “Chiếc lồng này từng đoạt giải nhất ở một cuộc thi lồng chim tại Hà Nội năm 2006 nên nó mới có giá trị như vậy, phải rất thân thiết thì người ta mới chịu để lại. Với người ngoại đạo, có thể họ cho là tôi khùng nên mới rước thứ này về với giá đó, nhưng họ không biết rằng bất kỳ lúc nào tôi muốn bán thì vẫn có lời lớn”, Hải hào hứng nói.
|
Lồng xấu hay đẹp không ảnh hưởng nhiều đến chim, nhưng nó phần nào thể hiện được đẳng cấp của người chơi.
|
Theo những người chơi lồng chim, giá trị của chiếc lồng phụ thuộc vào chất liệu làm lồng; độ tinh xảo trong các chi tiết chạm khắc và tích của lồng (đã từng được ai dùng, nếu là lồng cổ, thời phong kiến thì càng có giá). Lồng chim có giá trị được coi như một vật trưng bày, hầu như không ai nuôi chim trong những chiếc lồng có giá trăm triệu mà chỉ để trong tủ kính. Hiện nay, số người chơi lồng chim ở Quy Nhơn không nhiều, có thể kể ra đây một vài nhân vật điển hình, như: Sơn “đầu gù” (ông chủ Trung tâm Âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ Khánh Hưng) là người vừa chơi vừa bán các loại lồng có xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc; một người tên Ngọc, công tác ở ngành công an, sở hữu khoảng chục lồng chim, trong đó có cái trị giá hàng chục triệu đồng.
Công phu nghề làm lồng
Với những người mới bắt đầu chơi chim, chiếc lồng chỉ là chỗ nuôi nhốt, cốt sao để chim khỏi bay mất hoặc bị mèo, chuột ăn thịt. Với họ, chim chơi có đẹp, có hót hay hay không mới là vấn đề được quan tâm đầu tiên, chứ không phải là những chiếc lồng.
Nhưng, với người chơi chim lâu năm thì khác, việc đầu tư cho một chiếc lồng có giá khoảng một vài triệu đồng là chuyện bình thường. Tuy vậy, ngoại trừ những chiếc lồng “độc” chỉ dùng để trưng, thông thường giá trị của lồng thường không tương xứng với giá trị của chim. Anh Văn, ở quán café Thu Sa, được cho là người sở hữu hai con chích mào bông đắt nhất tỉnh. Một con đã được anh hứa để lại cho một tay chơi chim kỳ cựu ở Hà Nội với giá 250 triệu đồng. Bù lại, người mua chim sẽ “chia lại” cho anh Văn chiếc lồng có giá 3.500 USD. Hiện, con chim giá trăm triệu đang được nuôi trong chiếc lồng chỉ có… 9 triệu đồng.
Ngoài việc tìm mua lồng ở các cửa hàng, giới chơi chim ở Quy Nhơn có lẽ đều biết ông Bình (tên thật Đinh Trọng Hiển, ở số nhà 366/1 Nguyễn Thái Học, người được coi là “nghệ nhân” làm lồng chim số một ở Bình Định. Đến nhà ông vào giữa trưa một ngày cuối tháng 11, chúng tôi phải chờ, bởi ông đang bận… từ chối nhóm người ở Tuy Hòa (Phú Yên) đến đặt hàng. Ông giải thích: “Hiện giờ, nhà chỉ còn có tôi và thằng út làm chính, lượng hàng anh em quen biết lâu nay đặt làm không kịp, sao dám nhận thêm. Nhận mà làm không đúng hẹn thì mất uy tín lắm!”.
|
Những chi tiết chạm khắc tinh xảo trên đế lồng của Hải “ba Tàu”.
|
Trước đây, ông Bình làm thợ sửa máy may, máy in… Vốn mê chơi chim, ông nảy ra ý làm lồng chim để mưu sinh, không ngờ nó đã theo ông đến gần 20 năm nay.
Nhờ có chút hiểu biết trong lĩnh vực cơ khí, máy móc, ông Bình tự sáng chế ra tất cả các dụng cụ để làm các chi tiết của lồng chim, như: máy khoan lỗ, dao chuốt nan, máy cắt ván lót đáy... Ông phải lên tận Đăk Lăk để tuyển loại nứa đúng chuẩn làm phần vành thân. Nhờ đó, công việc được thực hiện nhanh hơn và đạt được chất lượng như mong muốn. Đơn cử như cách làm vành thân lồng của ông không giống bất kỳ người thợ nào, bởi để có thể khoan lỗ xỏ nan lồng vào, người ta phải chọn miếng giang dày và uốn cật ra mặt ngoài còn ruột quay vào trong. Riêng ông, vì nguồn nguyên liệu có lúc khan hiếm, nhiều khi phải năn nỉ người bán nên ông nghĩ ra chiếc máy quay khá đơn giản, chỉ cần bỏ cọng giang mỏng vào quay vài lần sẽ được vành thân cong đều, cật ở trên, ruột ở dưới nên nhìn đẹp hơn các sản phẩm khác.
Cách làm vành đế của ông Bình cũng nhanh và đều hơn người khác, nhưng đó là bí quyết, chỉ tiết lộ rằng để làm được như thế cần có một dụng cụ riêng và phải quét một lớp hóa chất “đặc biệt” lên thanh tre. Trong lần đến tham quan các xưởng làm lồng chim nổi tiếng ở làng Vác (Hà Nội), ông còn chỉ cho những người làm lồng ở đây cách cắt ván đáy nhanh và chuẩn xác hơn. Lồng chim do ông Bình làm được dân chơi chim ưa chuộng vì các chi tiết đều, đẹp và chắc chắn. Nhưng để có một chiếc lồng như ý, khách phải đặt hàng trước cả tháng trời. Với những chiếc lồng có yêu cầu cầu kỳ hơn thì thời gian chờ cũng lâu hơn. Hiện, giá trị “đơn hàng” mà ông thường nhận ở tầm từ một đến vài triệu đồng/chiếc.
Mở hướng kinh doanh
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của thị trường, hiện có khá nhiều điểm bán các loại lồng chim với nhiều mức giá khác nhau. Trong đó, dù chỉ mới bước chân vào lĩnh vực cung cấp lồng chim chừng chưa đầy một năm, nhưng Hải “ba Tàu” được rất nhiều người biết đến nhờ giá cả hợp lý và đa dạng về chủng loại do được nhập từ nhiều nguồn: Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh và cả Trung Quốc.
Anh Hải cho biết: “Vốn là người mê chim từ hai chục năm nay, nên tôi hiểu được tâm tư của những người cùng sở thích. Nhiều người biết được giá trị thực của chiếc lồng, nhưng phải mua với giá cao hơn nhiều sau khi sản phẩm qua tay các đại lý. Do đó, sau khi mua lồng về lắp ráp, bổ sung thêm một số phụ kiện như: móc, ly nước, quét dầu, tôi chỉ lấy thêm vài chục ngàn đồng mỗi chiếc gọi là tiền công và tàu xe”. Ngoài ra, Sơn “đầu gù” cũng là nơi cung cấp nhiều mẫu lồng đẹp, các mẫu lồng của anh được giới thiệu trên cả website của Trung tâm Khánh Hưng.
|
Ông Bình chạm khắc một chi tiết trên bộ chao lồng
|
Việc sở hữu những chiếc lồng chạm luôn là mơ ước của những người chơi chim. Nhưng giá cả vẫn là trở ngại lớn nhất. Nắm bắt được nhu cầu đó, Hải “ba Tàu” đang “âm mưu” mở một xưởng sản xuất lồng quy mô, bởi anh đã tìm hiểu về loại máy chạm khắc cho ra sản phẩm rất nhanh, đẹp và chính xác. Hải sơ lược về giấc mơ của mình: “Chỉ cần có một khoảng đất rộng, tôi sẽ lập xưởng và cung cấp loại hàng này cho người chơi chim. Chắc chắn lúc đó giá thành sẽ rẻ hơn, nhiều người được sở hữu những chiếc lồng chim đẹp mà không phải mất nhiều tiền”.
Theo nhẩm tính của anh Hải, hiện Quy Nhơn có khoảng 20 trường chim, với số người thường xuyên tham gia ở mỗi trường chừng vài chục người, mỗi người có trung bình 5-7 con chim, chưa kể những người chơi chim riêng lẻ và thị trường trong nước cũng như nước ngoài nên nhu cầu về lồng khá lớn. Nếu đầu tư vào lĩnh vực này nhiều khả năng sẽ đem lại lợi nhuận cao.
|