Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Đức Thọ:
“Tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa”
21:48', 2/12/ 2012 (GMT+7)

Với những nỗ lực không ngừng trong công tác chuyên môn và hoạt động Đoàn Thanh niên, kỹ sư Nguyễn Đức Thọ, cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (KHKTNNDHNTB), đã vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc”. Anh cũng là một trong số 141 tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam vừa được tuyên dương.

 

Kỹ sư Nguyễn Đức Thọ tại Lễ tuyên dương tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức vào tháng 11.2012 tại Hà Nội. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Làm công tác chuyển giao công nghệ phải gần gũi người dân

Là Phó bộ môn Chuyển giao công nghệ-Khuyến nông của Viện KHKTNNDHNTB, kỹ sư Nguyễn Đức Thọ đã cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, chuyển giao nhiều mô hình mới, các tiến bộ KHKT… ở nhiều địa phương trong tỉnh và các tỉnh trong khu vực, góp phần đưa những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp đến với bà con nông dân.

* Một cán bộ chuyển giao tiến bộ KHKT như anh cần có những kỹ năng gì?

- Làm công tác chuyển giao KHKT không đòi hỏi kiến thức nghiên cứu sâu ở một lĩnh vực cụ thể, mà cần phải có kiến thức rộng ở những lĩnh vực liên quan. Để bà con nông dân hiểu và chịu áp dụng những tiến bộ KHKT mới thì người làm công tác chuyển giao cần phải có kỹ năng truyền đạt, tùy theo từng đối tượng cụ thể mà có cách thức truyền đạt, hướng dẫn riêng. Làm nghiên cứu, chuyển giao ở lĩnh vực nông nghiệp thì phải gần địa phương, phải gần gũi người nông dân, quan trọng nhất là phương pháp tiếp cận, nắm bắt thông tin, xem thử họ cần gì, sau đó là lắng nghe, chia sẻ, cùng làm thử với họ. Đi đến đâu cũng phải hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán địa phương để dễ hòa đồng và được người dân tin tưởng.

* Anh có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân không?

- Từ năm 2008 đến giữa năm 2011, tôi trực tiếp chỉ đạo kỹ thuật, thực hiện dự án “Xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh”. Để thực hiện dự án này, chúng tôi triển khai các mô hình như: trồng lúa nước, trồng cỏ nuôi bò, Zebu hóa đàn bò (nâng cao chất lượng đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo), trồng bắp lai…

Chuyển giao tiến bộ KHKT cho đồng bào miền núi thì đòi hỏi cán bộ chuyển giao phải kiên nhẫn và chịu khó. Chẳng hạn, họ đã quen với việc trồng lúa rẫy, xoi lỗ rồi bỏ lúa giống xuống và ít chăm sóc. Khi chuyển sang làm lúa nước, đồng bào không biết cày, làm đất, làm cỏ, ngâm giống, nên anh em chúng tôi phải kiên nhẫn cùng làm, qua đó hướng dẫn từng công đoạn cụ thể cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi còn phải am hiểu tập tục văn hóa, những lễ hội của làng và nhiệt tình tham gia để có thể hòa đồng, tạo sự tin tưởng, xóa tan cảm giác e ngại. Khi đã trở nên thân thiết thì họ lại rất tình cảm. Tôi được họ đặt một tên gọi mới là “bá Thi”. Mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng bất cứ lúc nào quay trở lại, chúng tôi đều được bà con tiếp đón rất thân thiện, như con cháu trong nhà. Đáng mừng nhất là các mô hình này đều thành công, đồng bào đã tự mua giống có phẩm cấp và chủ động tìm hiểu về kỹ thuật sản xuất.

 

Nguyễn Đức Thọ tham gia nghiên cứu đề tài “Ảnh hưởng mật độ đến năng suất, chất lượng các giống khoai lang ăn lá” của Viện KHKTNNDHNTB. Ảnh do nhân vật cung cấp

 

Cán bộ nghiên cứu trẻ cần được tiếp sức nhiều hơn nữa

Nguyễn Đức Thọ sinh năm 1983, tốt nghiệp chuyên ngành Khuyến nông và Phát triển nông thôn của Trường Đại học Nông lâm Huế. Qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHKT nông nghiệp có hiệu quả cho nông dân, anh là một trong 141 tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam vừa được tuyên dương. Hiện nay, anh cũng đang hoàn thành luận văn thạc sĩ chuyên ngành trồng trọt để nâng cao thêm kiến thức chuyên môn của mình.

* Là một trong 141 tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam, cảm giác của anh thế nào?

- Tôi cảm thấy vinh dự vì là một trong 141 cá nhân được tuyên dương trong hoạt động “Gặp gỡ toàn quốc Tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam” do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học-Công nghệ vừa tổ chức trong tháng 11.2012.

Khi đọc qua lý lịch khoa học của 140 cá nhân được tuyên dương, tôi thấy mình còn quá nhỏ bé, chưa có thành tựu gì đáng kể. Nhiều cán bộ trẻ đã đứng độc lập, chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu lớn, nhiều công trình nghiên cứu đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín trong nước và quốc tế, tạo ra nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. Tôi thấy bản thân mình còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

* Với vai trò là một người nghiên cứu trẻ và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ sáng tạo trẻ lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp của Đoàn khối các cơ quan tỉnh, theo anh, cần những điều kiện gì để các cán bộ nghiên cứu trẻ có thể phát huy khả năng của mình?

Cơ chế chính sách, sự động viên, tin tưởng dành cho cán bộ nghiên cứu trẻ chưa nhiều. Hiện nay, rất ít cán bộ trẻ được giao chủ nhiệm các đề tài, dự án. Tôi nghĩ, nếu được quan tâm hơn thì những cán bộ trẻ có thể cống hiến nhiều hơn nữa

- Từ những trải nghiệm của bản thân và quan sát những đồng nghiệp xung quanh, tôi nhận thấy, để một sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn mang lại hiệu quả là điều không đơn giản, nhất là những mô hình, kỹ thuật mới mà hiệu quả thì không thể thấy ngay tức thì. Vì vậy, người làm nghiên cứu phải có sự đam mê, yêu nghề, chịu khó tiếp cận thực tế, không ngừng học tập để vững vàng hơn trong chuyên môn.

Bên cạnh đó, môi trường nghiên cứu rất quan trọng. Tuy nhiên, cơ chế chính sách cho cán bộ nghiên cứu trẻ còn ít, sự động viên dành cho cán bộ nghiên cứu trẻ chưa nhiều, chưa có sự tin tưởng vào thế hệ trẻ. Hiện nay, rất ít cán bộ trẻ được giao chủ nhiệm các đề tài, dự án. Tôi nghĩ, nếu được quan tâm hơn thì những cán bộ trẻ có thể cống hiến nhiều hơn nữa.

Hoạt động Đoàn gắn với hoạt động nghiệp vụ

Đoàn cơ sở Viện KHKTNNDHNTB luôn là một trong những đơn vị dẫn đầu về các phong trào thi đua của Đoàn khối các cơ quan tỉnh. Riêng Nguyễn Đức Thọ đã được nhận nhiều Bằng khen của Ban Chấp hành Đoàn Dân chính đảng tỉnh và Trung ương Đoàn, tiêu biểu nhất là Giải thưởng Lương Định Của (năm 2009 - của Trung ương Đoàn) dành cho các cá nhân tích cực tham gia công tác đoàn-hội, giúp đỡ thanh niên nông thôn có việc làm; có thành tích trong công tác nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân.

* Đoàn cơ sở của Viện KHKTNNDHNTB đã tổ chức nhiều phong trào tạo sân chơi lành mạnh cho các đoàn viên-thanh niên (ĐV-TN), anh có thể cho biết một vài hoạt động tiêu biểu?

- Hiện nay, Đoàn cơ sở Viện KHKTNNDHNTB có 65 đoàn viên với 4 cơ sở Đoàn trực thuộc. Ngoài tham gia các hoạt động của Đoàn cấp trên tổ chức, chúng tôi thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho ĐV-TN các vùng nông thôn trong khu vực. Trên cơ sở nắm bắt tình hình sản xuất, nhu cầu của địa phương, sau đó chúng tôi đưa ra những chương trình tập huấn phù hợp, trung bình mỗi năm từ 10-15 lớp ở các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Hàng năm, Đoàn cơ sở Viện KHKTNNDHNTB thực hiện từ 5-7 công trình thanh niên. Đặc biệt là công trình “Hồ cá thanh niên” do đoàn viên tự quản, chăm sóc, thu hoạch. Đây là nguồn quỹ để duy trì các hoạt động Đoàn như: đỡ đầu các trẻ mồ côi, quỹ khuyến học của Đoàn dành tặng cho con em cán bộ, nhân viên của Viện có thành tích xuất sắc trong học tập, hoặc những học sinh nghèo học giỏi tại một số xã trong tỉnh.

Ngoài ra, để tạo sân chơi lành mạnh và gắn kết ĐV-TN, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động như bóng đá, bóng chuyền giao lưu giữa các cơ sở Đoàn hoặc giữa các chi đoàn vào những ngày cuối tuần.

* Những điều gì đã giúp cho Đoàn cơ sở Viện KHKTNNDHNTB có thể gắn kết ĐV-TN và thực hiện nhiều việc có ý nghĩa như thế?

- Đoàn cơ sở Viện KHKTNNDHNTB có thể tích cực tham gia các hoạt động do Đoàn cấp trên tổ chức trước hết là do các cấp lãnh đạo của Viện rất tạo điều kiện để ĐV-TN trong đơn vị tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức. Ngoài ra, các hoạt động của Đoàn đều gắn với đặc thù công việc, phù hợp với sở trường của nhiều ĐV-TN nên anh em nhiệt tình tham gia mà không cảm thấy nhàm chán hay bị bắt buộc.

Hơn nữa, các cán bộ Đoàn luôn trau dồi kỹ năng về công tác Đoàn, nhiệt tình, nhanh nhạy nắm bắt tâm lý của từng ĐV-TN, chia sẻ những khó khăn trong công việc chuyên môn, trong cuộc sống để mỗi cá nhân đều trưởng thành hơn.

* Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

  • MAI HỒNG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làm nhà… cho chim  (25/11/2012)
Làm giàu với biển  (18/11/2012)
Đời sống công nhân thời… suy thoái kinh tế  (11/11/2012)
Gian nan nghề buôn tre  (04/11/2012)
Tan biến giấc mơ những làng mai sạch  (28/10/2012)
Mênh mang Vạn Hội  (22/10/2012)
Dụ yến vào nhà  (14/10/2012)
Đưa dông vào… chuồng  (07/10/2012)
“Rừng ngọt”  (05/10/2012)
Dám nghĩ, dám làm thì sẽ thành công  (30/09/2012)
Nuôi chó thời nay  (23/09/2012)
Kỳ 3: Đường lớn đã mở  (18/09/2012)
Kỳ 2: Nghe dân nói, nói dân nghe  (18/09/2012)
Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước  (16/09/2012)
Trả nợ rừng  (09/09/2012)