Khơi nguồn sức dân
21:16', 9/12/ 2012 (GMT+7)

Hoài Nhơn đang là điểm sáng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” bởi số lượng xã văn hóa được công nhận vượt trội, cùng sự hiệu quả trong công tác huy động nhân dân đồng lòng xây dựng phong trào vững mạnh.

 

Các xã văn hóa đều có sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, đời sống kinh tế người dân ngày càng đi lên.

- Trong ảnh: Mộc góc thôn văn hóa Quy Thuận, xã văn hóa Hoài Châu Bắc.

 

Để được công nhận danh hiệu xã văn hóa, mỗi địa phương phải mất nhiều năm nỗ lực thực hiện tốt các tiêu chí về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị - an toàn xã hội, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng. Hiện nay, toàn tỉnh có 10 xã, phường văn hóa được công nhận. Và thật ấn tượng khi riêng huyện Hoài Nhơn đã có đến 4 xã văn hóa là Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc. Trên thực tế, ngoài sự chỉ đạo, vận động hiệu quả ở các cấp, yếu tố hết sức quan trọng tạo nên thành công đó là sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân.

Hưởng ứng mạnh mẽ phong trào

Năm 2008, Tam Quan Bắc trở thành xã đầu tiên của huyện Hoài Nhơn được công nhận danh hiệu văn hóa. Từ đó đến nay, phong trào xây dựng xã văn hóa tiếp tục có những bước phát triển mạnh về chiều sâu. Ông Đào Duy Hội, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, nhận định: “Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, đường lối kịp thời đúng đắn trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa, phù hợp với lòng dân nên được đông đảo các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng…”. Hiện xã Tam Quan Bắc có 9/10 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa, trong đó có 3 thôn văn hóa cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2010, thôn Tân Thành 1 đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa. 5/5 cơ quan, trường học trên địa bàn xã đạt danh hiệu văn hóa.

Trong khi đó, ở xã văn hóa Hoài Châu, suốt 3 năm qua, tỉ lệ hộ dân được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa luôn đạt ở mức cao (từ 91,8% - 94,82%). Xã Hoài Châu còn có 5/9 thôn được công nhận thôn văn hóa, 4/4 cơ quan, trường học đạt danh hiệu văn hóa. Ông Phạm Đình Phán, Trưởng thôn văn hóa An Quý Nam, bày tỏ: “Phát huy truyền thống địa phương, chính quyền và nhân dân cùng đồng lòng thực hiện tốt mục tiêu xây dựng xã văn hóa. Đảng viên gương mẫu đi đầu, người dân noi theo, nên các phong trào, chủ trương, chính sách luôn nhận được sự ủng hộ cao…”.   

  

Trường mầm non Tam Quan Bắc được đầu tư xây dựng khang trang.

 

Khơi nguồn sức dân

Về thăm 4 xã văn hóa của Hoài Nhơn, điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Nổi bật trong phát triển kinh tế ở các xã văn hóa là xã Tam Quan Bắc, với 70% số dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Người dân đã nỗ lực vượt khó làm giàu. Theo thống kê năm 2011, tổng sản phẩm làm ra ở xã Tam Quan Bắc có giá trị đến 994 tỉ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 20,5 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7,27% theo tiêu chí mới.

Đời sống kinh tế của người dân phát triển, xã Tam Quan Bắc đã có nguồn thu ngân sách khá cao để đầu tư xây dựng các trạm y tế, trường học. Ghé thăm Trường mầm non Tam Quan Bắc tại thôn Tân Thành 1, tôi không khỏi ngạc nhiên trước các phòng học, phòng làm việc được xây dựng khang trang. Cô Diệp Thị Ánh Dung, Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Quan Bắc, cho biết: “Nguồn hỗ trợ chính để xây trường là từ kinh phí hơn 3,7 tỉ đồng của UBND xã Tam Quan Bắc. Phụ huynh học sinh cũng tham gia đóng góp gần 50 triệu đồng để mua sắm tivi LCD, kệ đồ chơi, gạch ốp tường… phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cháu. Trường đạt chuẩn văn hóa từ năm 2008, mới đây cũng được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1”.

Một ấn tượng nữa ở Tam Quan Bắc là những con đường bê tông sạch đẹp nối liền khắp làng trên xóm dưới. Ngoài ngân sách xã, người dân cũng tích cực đóng góp công sức và kinh phí mở đường. Đến nay, Tam Quan Bắc đã có 90% đường đã được kiên cố, với 26km đường bê tông, 4km đường nhựa trong hệ thống giao thông đường liên xã. Đáng chú ý, các con đường bê tông dưới 3m trong đường liên thôn, xóm đều do nhân dân hiến đất, góp tiền của, công sức làm nên. Ông Bùi Tất Lợi, Trưởng Thôn văn hóa Tân Thành 1, tâm sự: “Nhân dân trong thôn đã thấy được lợi ích thiết thực trong việc xây dựng hệ thống đường giao thông. Vì thế, từ năm 2004 đến nay, người dân đã đồng thuận hiến đất làm đường, đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng hơn 3km đường bê tông xi măng…”.

Ở các xã văn hóa khác, phong trào xây dựng đường bê tông nông thôn cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Xã Hoài Châu Bắc có 26,42km đường bê tông, Hoài Châu có 20km, Tam Quan Nam có 18 km… cũng từ nguồn xã hội hóa của các tầng lớp nhân dân. 

Ở một phương diện khác, các xã văn hóa cũng là những điển hình trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để có nguồn kinh phí xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở. Trong đó, nổi bật là người dân tự đóng góp kinh phí để xây dựng trụ sở thôn. Xã Hoài Châu Bắc có 8/10 thôn xây dựng trụ sở làm việc khang trang, 3 thôn có sân khấu, 3 thôn tự vận động xây dựng nhà văn hóa truyền thống với số tiền 600 triệu đồng. Tất cả 10 thôn ở xã Tam Quan Bắc đều có trụ sở làm việc khang trang và có tủ sách. 

Ông Bùi Thanh Hà, Trưởng thôn văn hóa Dĩnh Thạnh, xã Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Muốn người dân đóng góp cho trụ sở thôn, trước hết phải tuyên truyền, phân tích cho họ ý nghĩa cộng đồng của thiết chế văn hóa này. Ngoài người dân đang sống trong thôn, chúng tôi cũng vận động những người đi làm ăn xa khi trở về vào các dịp lễ, Tết đóng góp kinh phí xây dựng thiết chế văn hóa của thôn. Nhờ vậy, đã huy động được hơn 50 triệu đồng để lát sân bê tông, xây tường rào, mua tivi, bộ âm thanh… phục vụ hiệu quả cho hoạt động của trụ sở thôn”. 

Từ cơ sở vật chất đó, nhiều hoạt động văn hóa - thể thao được tổ chức với sự đóng góp của người dân. Năm 2011, người dân xã Tam Quan Bắc đã đóng góp được trên 100 triệu đồng để tổ chức nhiều hoạt động thể thao. Hằng năm, người dân ở xã Hoài Châu Bắc cũng đóng góp hơn 50 triệu đồng để tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, TDTT cấp xã, thôn.

Công khai dân chủ trong dân

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo cuộc vận động phong trào TDĐKXDĐSVH huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Huyện Hoài Nhơn đã có 12/17 xã đăng ký xây dựng xã văn hóa. Ngoài 4 xã văn hóa đã được công nhận, trong năm 2012 có 2 xã Hoài Sơn, Hoài Hương đáp ứng được cơ bản các tiêu chí công nhận “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”. Thành công này đã giúp chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ công tác tham mưu, chỉ đạo phong trào. Trong đó có yếu tố quan trọng là phải tiến hành bình xét danh hiệu một cách công khai, dân chủ để nhân dân hiểu rõ và ủng hộ”.

Việc công khai, dân chủ đối với việc bình xét các danh hiệu trong phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC tưởng là việc đơn giản, nhưng không phải ở địa phương nào cũng làm được. Nhất là đối với những xã còn chạy theo thành tích, công nhận các danh hiệu theo kiểu hình thức, cố tình lấp liếm những hạn chế để có được danh hiệu. Ông Bùi Thanh Hà, Trưởng thôn văn hóa Dĩnh Thạnh, xã Tam Quan Bắc, chia sẻ: “Muốn đạt hiệu quả cao, phong trào phải gắn liền với đời sống thực tế của người dân. Thực hiện thành công một nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa đạt cả chiều sâu lẫn rộng không hề đơn giản, đòi hỏi phải có sự nỗ lực vận động, tuyên truyền thực hiện từng bước gắn với từng việc làm cụ thể. Để dân tin tưởng thì việc bình xét công nhận danh hiệu gia đình văn hóa phải được tiến hành công khai, với sự tham gia của người dân trong thôn, phân tích rõ ràng tại sao gia đình này đạt danh hiệu mà gia đình kia thì không. Từ đó, để người dân tự soi rọi, đóng góp ý kiến lẫn nhau mà khắc phục khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Nhiều gia đình kinh tế còn khó khăn chưa có xe máy để đi, nhưng để dành được tiền thì đầu tư trước cho xây dựng công trình vệ sinh đúng tiêu chuẩn để xây dựng gia đình văn hóa. Nhờ vậy, chúng tôi đã 6 năm liền giữ vững danh hiệu thôn văn hóa”.

Từ thành công trong việc xây dựng xã văn hóa nói riêng và phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, huyện Hoài Nhơn đã được Ban chỉ đạo cấp tỉnh chọn là đơn vị điểm để tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về “Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” vào ngày 12.12 tới.

  • HOÀI THU
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Tôi còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa”  (02/12/2012)
Làm nhà… cho chim  (25/11/2012)
Làm giàu với biển  (18/11/2012)
Đời sống công nhân thời… suy thoái kinh tế  (11/11/2012)
Gian nan nghề buôn tre  (04/11/2012)
Tan biến giấc mơ những làng mai sạch  (28/10/2012)
Mênh mang Vạn Hội  (22/10/2012)
Dụ yến vào nhà  (14/10/2012)
Đưa dông vào… chuồng  (07/10/2012)
“Rừng ngọt”  (05/10/2012)
Dám nghĩ, dám làm thì sẽ thành công  (30/09/2012)
Nuôi chó thời nay  (23/09/2012)
Kỳ 3: Đường lớn đã mở  (18/09/2012)
Kỳ 2: Nghe dân nói, nói dân nghe  (18/09/2012)
Ủng hộ và đặt trọn niềm tin vào Đảng và Nhà nước  (16/09/2012)