Những ngày này, nhiều phóng viên muốn tiếp cận để viết về ông nhưng đều bị từ chối khéo, bởi ông đang bị bệnh và cũng không muốn nói nhiều về mình. Riêng tôi may mắn được ông“đặc cách”, bởi tình đồng hương. Ông là Thiếu tướng - Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị - người phi công đã từng lái Mig-21 bắn rơi 8 máy bay của Mỹ và chỉ huy Trung đoàn không quân đánh trả lại những đợt dội bom ác liệt của Mỹ xuống Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử, cách đây tròn 40 năm.
|
Thiếu tướng-Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị (người ngồi thứ 2 từ phải qua) cùng các cựu sĩ quan Quân chủng Phòng không - Không quân đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào mùa xuân năm 2007. Ảnh do gia đình Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị cung cấp.
|
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ nơi ông sinh ra và lớn lên: Vùng đất giàu truyền thống cách mạng Hy Văn, Hoài Sơn, Hoài Nhơn. Tháng 5.1952, cậu thiếu niên 16 tuổi Nguyễn Hồng Nhị xung phong đi bộ đội. Vì nhẹ cân, cậu bèn cột hai ống quần, bỏ đá vào cho nặng thêm để được tiếp nhận. Sau một năm ở Đại đội 104, Phòng Tham mưu, Liên khu 5, chiến sĩ Nguyễn Hồng Nhị được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 365 (còn gọi là Tiểu đoàn “Lá Mít), Trung đoàn 803, Liên khu 5. Thấy tôi ngạc nhiên về tên gọi Tiểu đoàn “Lá Mít”, ông Nhị giải thích: Hồi đó, cả tiểu đoàn phải hành quân ban ngày. Để che giấu, nhân dân Phú Yên, nơi cội nguồn sinh ra tiểu đoàn, chặt cành mít để chiến sĩ gắn trên mũ, trên lưng, khiến đoàn quân rùng rùng trên đường như một rừng mít chuyển động. Nhờ lá mít, Tiểu đoàn 365 ẩn hiện đánh thắng địch như chẻ tre. Từ đó, nghe tiếng Tiểu đoàn Lá Mít là địch sợ hãi, mất tinh thần…
8 lần nhận Huy hiệu Bác Hồ
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị bảo, cuộc đời binh nghiệp của ông có nhiều bước rẽ, nhưng bước rẽ để lại dấu ấn nhất là từ anh lính bộ binh chuyển sang phi công. Đó là vào thời điểm năm 1960, ông đang học năm thứ hai tại Trường Sĩ quan Lục quân thì được chọn đi đào tạo phi công tại Liên Xô, chuyên lái máy bay tiêm kích. Sau 4 năm học về nước, biên chế về Trung đoàn không quân 921 (Quân chủng Phòng không - Không quân), ông được tin tưởng giao lái máy bay tiêm kích Mig-21, loại máy bay hiện đại nhất của không quân ta bấy giờ. Ông kiên trì luyện tập, vận dụng sáng tạo kiến thức đã học vào thực tiễn, thực hiện trận đánh đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, bắn rơi máy bay Mỹ bằng tên lửa vào ngày 4.3.1966. Đó là chiếc máy bay do thám không người lái Ryan Firebee.
Sau trận đánh, ngày 10.4.1966, phi công Nguyễn Hồng Nhị cùng với các phi công khác của Quân chủng Phòng không - Không quân vinh dự được về Hà Nội gặp Bác Hồ. Tại Phủ Chủ tịch, sau khi hỏi về tình hình gia đình, sức khỏe và nghe từng phi công thuật các chiến công, Bác Hồ phấn khởi lắm. Người trực tiếp gắn huy hiệu lên ngực áo của các phi công trẻ và ân cần động viên chiến đấu giỏi hơn. Trước khi ra về, Bác bảo: “Từ nay, cứ chú nào bắn rơi được một máy bay sẽ được tặng một Huy hiệu của Bác”.
Lần đầu tiên được gặp Bác, lần đầu tiên được nhận Huy hiệu của Người, cảm giác sung sướng và tự hào cứ theo mãi phi công Nguyễn Hồng Nhị đến sau này. Ông đặt quyết tâm phải tiếp tục bắn rơi nhiều máy bay địch hơn nữa để được nhận Huy hiệu Bác Hồ. Chỉ trong năm 1967, ông đã tiêu diệt thêm 6 chiếc máy bay F4, F8 của địch. Mỗi chiếc máy bay rơi, Bác Hồ lại gửi tặng 1 Huy hiệu, ông vinh dự nhận thêm 6 Huy hiệu nữa của Người.
Chiếc Huy hiệu thứ 8, ông nhận được sau trận đánh ngày 1.8.1968. Trong đội hình 3 chiếc Mig-21 của đơn vị xuất kích, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã bắn rơi chiếc F-8E của Hải quân Mỹ.
|
Phi công Nguyễn Hồng Nhị bên chiếc Mig-21 chụp vào năm 1969 khi vừa được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Ảnh do gia đình Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị cung cấp.
|
Chuyến bay đặc biệt
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị nói, đã nhiều lần xuất kích chiến đấu, đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, nhưng chuyến bay để lại nhiều cảm xúc nhất, chuyến bay mà ông không bao giờ quên là chuyến bay trong ngày lễ tang của Bác Hồ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử.
Ông bồi hồi nhớ lại: “Lúc đó là 2 giờ đêm ngày 2.9.1969, các phi công đang ngủ thì được gọi dậy triệu tập về phòng họp. Chúng tôi cứ nghĩ lại có đợt chiến đấu mới. Thủ trưởng đơn vị thông báo ngắn gọn có nhiệm vụ đặc biệt, phi công Mig-21 phải bay đội hình lớn 12 chiếc. Đơn vị lựa chọn trong cả 3 phi đội ra 14 phi công; phi đội 1 do phi công Nguyễn Hồng Nhị - số 1- chỉ huy… Ngay sau đó tất cả bắt tay vào việc lên phương án, tính toán đường bay... Đến sáng 3.9.1969, toàn bộ phi công của 3 phi đội thuộc Trung đoàn 921 tập trung nghe chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân phổ biến nhiệm vụ. Khi đó, tôi mới biết là Bác Hồ đã mất và nhiệm vụ của chúng tôi là bay chào tiễn biệt Bác trong lễ tang của Người. Tôi cũng như tất cả các phi công đều dâng lên cảm xúc khó tả, vừa là niềm tiếc thương vô hạn trước việc Bác ra đi, vừa là trách nhiệm, cả sự lo lắng. Sau đó, các phi đội tiến hành luyện tập rất công phu, vì dù chúng tôi đều là những phi công đã có nhiều kinh nghiệm, nhưng chưa ai từng bay theo đội hình diễu binh cả”.
Sáng ngày 9.9.1969, giây phút thiêng liêng ấy cũng đến. 12 chiếc máy bay nghiêm cẩn lướt qua Quảng trường Ba Đình đúng giờ đã định. Các máy bay bay ở độ cao thấp nhất có thể, tốc độ ổn định nhất có thể. Giây phút quan trọng nhất đã qua, thành công đúng như kế hoạch. Khi trên đường bay về lại Sân bay Nội Bài thì phi đội 1 do Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy nhận lệnh từ Sở chỉ huy có một tốp máy bay Mỹ bay thẳng từ Thái Lan đã đến Sầm Nưa, nên đổi hướng bay ra hướng Hòa Bình nghênh chiến. Nhưng tốp máy bay Mỹ bay qua Sầm Nưa rồi vòng trở ra. “Giờ phút thiêng liêng đó, chúng tôi nói với nhau, nếu bọn Mỹ cả gan dám phá đám tang của Bác thì 16 chiếc Mig-21 và 12 chiếc Mig-17 sẽ đánh một trận quyết chiến để bảo vệ lễ tang của Người...” - ông Nhị nhớ lại.
12 ngày đêm bảo vệ Hà Nội
Ngày 3.2.1972, trước khi diễn ra cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và các tỉnh lân cận vào tháng 12.1972, Trung đoàn Không quân tiêm kích 927 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) được thành lập. Thiếu tá Nguyễn Hồng Nhị, Anh hùng LLVTND, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 921 được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng. Trung đoàn 927 có nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Hồng Nhị sinh ngày 22.12.1936 tại thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn; nghỉ hưu năm 1998; hiện đang sinh sống ở phường 6, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh.
Trong quá trình tham gia chiến đấu, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị được Đảng, Nhà nước tặng thuởng Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba), 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, 8 Huy hiệu Bác Hồ… |
Vị tướng già kể: “Trong những ngày đầu địch ném bom đánh phá Hà Nội ác liệt, tôi xin phép cho Trung đoàn xuất kích đánh B52 của địch nhưng cấp trên chưa đồng ý, phải “án binh bất động”. Đến ngày 28.12.1972, địch tiếp tục kéo vào đánh phá Hà Nội, Trung đoàn 927 được lệnh xuất kích một biên đội chặn đánh địch từ phía Tây sang. Vào lúc 11 giờ 20 phút, biên đội Lê Văn Kiền - Hoàng Tam Hùng đang trực ở sân bay Nội Bài thì nhận được lệnh cất cánh. Phát hiện địch vào từ hướng Đông - Nam, tôi chỉ huy biên đội bay xuống phía Nam chặn đánh 3 tốp máy bay địch từ biển vào. Chỉ trong vòng 8 phút nghênh chiến, phi công Hoàng Tam Hùng đã tiêu diệt được một chiếc máy bay trinh sát RA-5C và một chiếc F4 của Mỹ...”. Kể đến đây, giọng ông Nhị chợt buồn hẳn: “Trong khi bắn chiếc F4 bốc cháy thì, một quả tên lửa địch từ chiếc F4 bay phía sau đã bắn trúng máy bay Hùng. Hùng không kịp nhảy dù nên đã anh dũng hy sinh”.
21 giờ 41 phút đêm 28.12.1972, được thông báo có B52 địch tiến vào Hà Nội, lệnh từ trên, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị chỉ huy phi công Vũ Xuân Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy chặn đánh. Bay đến vùng trời Sơn La, Vũ Xuân Thiều phát hiện được mục tiêu. Mặc dù ở cự ly rất gần, nhưng anh vẫn xin vào công kích, quyết tâm tiêu diệt địch. Sau khi công kích, chiếc B52 địch bốc cháy và Vũ Xuân Thiều anh dũng hy sinh… Một lần nữa giọng ông Nhị lại chùng xuống, rồi ông tự hào về đồng đội của mình: “Chiến công xuất sắc của phi công Vũ Xuân Thiều - phi công thứ 2 của Trung đoàn 972 tiêu diệt được pháo đài bay B52 của không quân Mỹ - đã góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nhanh chóng kết thúc cuộc chiến leo thang đánh phá miền Bắc…”.
***
Giờ bước sang tuổi 76, ngồi nhớ lại cuộc đời binh nghiệp từ một anh lính bộ binh tiểu đoàn “Mít” thành anh hùng phi công lái Mig chiến đấu, rồi trở thành vị tướng không quân trước khi là Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng (trước khi nghỉ hưu), thiếu tướng Nguyễn Hồng Nhị không khỏi bồi hồi. Với ông, tài sản vô giá của cuộc đời sau bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước chính là những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, những huân, huy chương, huy hiệu mà ông luôn trân trọng, nâng niu.
|