Đã đến giữa tháng 11 âm lịch, trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa xuất hiện mưa lớn, lũ lụt. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến nạn chuột bùng phát, tàn phá trên khắp các mặt ruộng, làm nông dân mất ăn mất ngủ. Nông dân khắp nơi trong tỉnh đang mở rộng phong trào thi đua diệt chuột.
|
Nông dân Cát Tài (Phù Cát) dùng bạt nhựa bảo vệ lúa khỏi “giặc chuột”.
|
Tàn phá khủng khiếp
Huyện Hoài Ân có 12.546 ha đất nông nghiệp, trong đó có 4.569 ha đất trồng lúa nằm xen kẽ với gò đồi, sông suối, mương rộc và các khu dân cư. Đây là địa hình, điều kiện lý tưởng để chuột ẩn náu. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, không lũ lụt càng tạo điều kiện cho chuột sinh sôi, nảy nở.
Một thực tế dễ nhận thấy là ở các vùng ruộng nằm trong các hóc, mương rộc bị cắn phá nhiều hơn so với một số diện tích “đồng quang”. Thôn Gia Đức, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, là một trong những địa phương bị chuột cắn phá dữ dội nhất. Hóc Yên và Hóc Bỉ thuộc địa bàn Gia Đức có trên 20 mẫu ruộng. Những đám lúa vừa nứt 2-3 mầm lá xanh tốt, bình thường sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nhưng vụ Đông-Xuân này, người nông dân lại ăm ắp những nỗi lo khi nhìn thấy những ngọn lúa bị chuột cắn ngang rứt dọc, ngã rập khắp nơi. Ông Bùi Văn Chớ, 65 tuổi, nguyên cán bộ Hợp tác xã Ân Đức, khẳng định: “Tôi sống từng tuổi này nhưng chưa bao giờ thấy chuột phá lúa nhiều đến mức này. Riêng tôi có gần 6 sào ruộng, vụ vừa rồi bị chuột cắn tơi tả, bán lúa đứng cho vịt ăn được mấy đồng, không đủ tiền giống. Đời thuở nào, làm nông mà mới gặt xong đã phải đi mua lúa về ăn”.
Tại Đồng Trâm, thuộc thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, thực trạng này cũng không kém phần bi đát. Ông Đinh Xuân Hòa, 60 tuổi, ở thôn Vạn Hội 2, chua xót cho biết: “Vụ vừa rồi, có người có 2 sào ruộng ở Đồng Trâm, nhưng chỉ gặt được… 2 bao lúa. Vụ này chuột cũng cắn phá dữ dội, bà con xót cả ruột. Cứ đà này, không làm gắt khâu diệt chuột thì mùa này lại thất thu như chơi”.
Không riêng Hoài Ân, nạn chuột đang hoành hành khắp các cánh đồng trong toàn tỉnh. Tại huyện Phù Cát, chuột gây ra thiệt hại nặng nề. Các cánh đồng lớn ở xã Cát Tài như Rộc Thư, Hóc Quang, Đồng Cây Xoài, Đồng Lát… đều bị chuột tấn công. Anh Lương Văn Thân, cán bộ phụ trách nông-lâm của xã Cát Tài, cho biết: “Trước khi sạ vụ Đông-Xuân, lũ chuột đã “nhai tạm” những thân lúa còn sót lại của vụ trước. 10-15% lượng giống mới được sạ vụ Đông-Xuân bị chuột “lượm sạch”, cá biệt có ruộng dọc bờ, lại sạ sớm bị chuột “chén” hết 70%, phải sạ lại hoàn toàn. Số ruộng phải cấy bổ sung cũng không ít. Sắp tới, vào mùa mía, bắp, đậu phụng, nông dân sẽ còn khổ sở vì chuột”.
Nhà anh Phạm Lê Thuận, ở xóm 4, thôn Hòa Hiệp có 4 thửa ruộng. Trong đó, có đến 3 thửa nằm ven bờ, là “đối tượng” ưa thích của lũ chuột. Thửa ruộng bên phải nhà anh bị tàn phá nặng nhất. Gần một nửa diện tích đã bị cắn nham nhở. “Chắc trong tuần này, nhà tôi phải cấy lại thôi”, anh Thuận cho biết.
|
Thửa ruộng nhà anh Thuận bị chuột tàn phá.
|
Thi đua diệt chuột
Trước nạn chuột hoành hành, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp diệt chuột. Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tài Nguyễn Bá Quang cho biết, UBND xã đã trích kinh phí để mua 9kg thuốc diệt chuột hiệu CAT (nhóm thuốc chống đông máu) để phát cho nông dân ở 8 thôn. Trước thời điểm sạ vụ Đông-Xuân 10 ngày, xã đã huy động nông dân đồng loạt rải thuốc diệt chuột trên khắp các cánh đồng. Ở nhiều nơi, bà con nông dân đã đặt thuốc trong các ống tre hoặc chai nhựa đã cắt rỗng để thuốc không bị tan theo mưa. “Lượng thuốc phát ra không nhiều, nhưng quan trọng là đã phát động phong trào để người dân quan tâm vào cuộc. Nhiều gia đình đã mua thêm thuốc để rải đều hết mặt ruộng”, ông Quang chia sẻ.
“Nhà tôi có 2 sào ruộng. Buổi sáng sạ, chiều tối chuột đổ ào đến na đi hết, sáng hôm sau chỉ còn sót lại ít hạt giống, thế là phải sạ lại hoàn toàn. Nhiều ruộng khác, lúa đã lên 3 lá mầm, chúng cũng kéo lên, chén sạch hạt giống. Xót vô cùng!”.
Ông TRẦN XUÂN HOA, nông dân xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân |
Ngoài cách dùng thuốc diệt chuột, giăng bạt nhựa, rọi pin đập… bẫy sập cũng được nông dân sử dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao. Ở Cát Tài, anh Phạm Lê Thuận là người nổi tiếng trong việc bắt chuột bằng bẫy sập. Chỉ trong 3 đêm đầu tiên sau khi sạ, anh đã bẫy được trên 30 con. Anh Thuận chia sẻ kinh nghiệm: “Sau khi mua bẫy về, tôi phải cải tiến một số chi tiết để tăng khả năng “sát thương”. Dây cố định bẫy vào cọc không được quá dài, để hạn chế diện tích lúa bị chuột phá sau khi đã mắc bẫy. Khi bỏ lúa mồi trên bẫy, nhất thiết không dùng tay trực tiếp bốc lúa để tránh chuột đánh hơi thấy hơi người. Ngoài ra, cần phải thăm bẫy thường xuyên, từ chiều tối đến sáng ít nhất phải 3 lần”.
Cũng ở thôn Hòa Hiệp, xã Cát Tài, lão nông Nguyễn Bá Phương lại được biết đến với cách diệt chuột bằng… ớt. Nhà trồng ớt hiểm, khi thu hoạch ông đem phơi khô, khi cần dùng thì rang lên cho giòn. Sau đó, nghiền thành ớt bột, trộn với phân kali để vừa bón cho lúa, vừa diệt chuột và sâu đục thân. “Bình quân mỗi sào ruộng chỉ cần 1kg ớt vãi trực tiếp lên ruộng nước, chuột ra ăn lúa sẽ bị dính ớt mà mù mắt, dù to cỡ bắp tay cũng chết”, ông Phương cho biết.
Từ đầu tháng 11 đến nay, toàn huyện Hoài Ân đã diệt hơn 166.000 con chuột. Trong những ngày này, nông dân khắp nơi đang ngày đêm chống “giặc tý”. Chúng tôi có mặt tại thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, vào lúc chiều tối, được tận mắt chứng kiến cảnh “xưa nay hiếm”. Từ trong các ngõ xóm, bà con nông dân tay gậy tay đèn pin đổ ra đồng bắt đầu một buổi “săn chuột”. Đầu tiên, phải tháo nước vào ruộng cho tràn bờ. Chuột trong hang ven bờ ngoi đầu ra, những con chuột từ trong các bụi rậm bò ra ăn cũng phải bơi loi ngoi. Người “săn chuột” chỉ cần thấy nhấp nhấp mặt nước là xúm lại đập. “Một đuôi chuột được mua lại với giá 1.000 đồng, 3 người đi đập một buổi có thùng 333 nhậu như chơi!”, một bác nông dân hài hước cho biết.
Vĩ thanh
Hiện nay, cách diệt chuột phổ biến nhất vẫn là dùng thuốc diệt chuột. Tuy nhiên, lượng thuốc chuột hỗ trợ cho bà con vẫn còn hạn chế. Theo ông Nguyễn Hữu Nhân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, thuốc diệt chuột chủ yếu hỗ trợ cho những cánh đồng mẫu lớn và các vùng ruộng gò, ruộng sát bờ rào. Ở nhiều địa phương, bà con dùng thuốc diệt chuột không đồng loạt, nên hiệu quả mang lại chưa cao. Bên cạnh đó, việc quá lạm dụng thuốc diệt chuột cũng gây tác động xấu đến môi trường sống. Ở xã Cát Tài đã xuất hiện tình trạng gà ăn phải bả chuột mà chết.
Một thực tế không thể phủ nhận là tình trạng sử dụng điện để diệt chuột vẫn còn nhức nhối. Thời gian gần đây, nhiều nông dân đã dùng bộ xung điện
để rà dọc các bờ ruộng xâm xấp nước để diệt chuột. Bên cạnh đó, lưới điện vẫn còn được dùng khá phổ biến, dù các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra, xử
phạt khi phát hiện vi phạm. “Nhìn những cây lúa mới nứt 1-2 lá mầm đã bị chuột cắn tả tơi mà sốt cả ruột. Dù biết là nguy hiểm, nhưng đau lòng xót của nên chúng tôi vẫn phải dùng bẫy điện, rồi treo đèn trái ớt để báo hiệu người khác biết chừng thôi. Không bắt điện là mùa sau đói hết”, một lão nông tâm tư.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, ý thức của bà con về chuyện diệt chuột, bảo vệ mùa màng đã được tăng cường rõ rệt. Không những vận động nhau ra đồng diệt chuột mà vận động nhau bảo vệ môi trường. Ông Bùi Văn Chớ kể: “Không chỉ ra đồng diệt chuột, bà con còn phát quang những bụi rậm gần ruộng, “xóa sổ” nơi trú ẩn của chúng. Tôi còn vận động mỗi nhà nuôi ít nhất một con mèo, tuyệt đối không bắt những “thiên địch” của chuột. Mấy hôm trước, trong lúc đào bắt chuột, lũ trẻ bắt được một con rắn lãi chừng nửa ký định đem bán, tôi và mấy lão nông khác phải năn nỉ mua lại. Giờ thấy rắn chạy trước mặt, nhiều người không thèm đụng tới mà kêu nó ra đồng cắn chuột đi”.
|